Tại sao phải làm đơn xin giải thưởng?

06:46 | 29/08/2011

808 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thật đáng buồn cho các văn nghệ sỹ, bởi công lao của họ cả nước nhìn thấy, toàn dân nhìn thấy nhưng hình như chỉ có mấy ông ngồi xét giải là không nhìn thấy.

Nhà văn Nguyễn Như Phong

Những ngày này, lại rộ lên chuyện xét trao giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh cho văn nghệ sĩ đã có cống hiến xuất sắc bằng tác phẩm của mình.

Tự thân giải thưởng này chẳng có lỗi gì nếu như không nói rằng, đó là sự ghi nhận công lao của các tác giả, tác phẩm đối với sự nghiệp văn hóa nghệ thuật nước nhà. Nhưng năm nào cũng vậy, cứ đến kỳ xét giải thưởng là lại có chuyện kiện tụng, tố cáo nhau rằng người này xứng, người kia không đáng, cấp này làm sai, cấp kia làm ẩu, rồi là nhầm, là quên, là bỏ sót, v.v… và v.v…

Thật không gì buồn bằng, khi có những văn nghệ sĩ mà bấy lâu nay tên tuổi của họ đã sừng sững trong nền văn học nghệ thuật nước nhà, nay lại phải kéo nhau đi khiếu kiện tập thể. Tôi cam đoan với bạn đọc rằng, đó là những người đức cao vọng trọng và với họ, chắc chắn chuyện phải đi khiếu kiện tập thể, hoặc khiếu kiện cá nhân, hoặc phải lên tiếng từ chối không tham gia xét thưởng… đó là chuyện “cực chẳng đã” và việc khiếu kiện đó sẽ chỉ làm họ thêm buồn mà thôi.

Tôi cũng không hiểu rằng tại sao việc xét thưởng vinh danh cho văn nghệ sĩ mà lại bắt họ phải làm đơn? Rồi kèm theo đó là phải kê khai những giải thưởng lớn, giải thưởng bé mà họ đã có; phải kê khai quá trình công tác, rồi những danh hiệu thi đua nào nào đó; và vô phúc cho người đó, nếu trong quãng đời làm việc, sáng tạo của mình có “phốt” gì đó, mọi sự đã đi vào quên lãng thì nay được đào bới xới lộn lên… Nghe nói rằng hồ sơ để xin xét giải thưởng gồm hàng chục loại giấy tờ, hệt như bộ hồ sơ của ông chủ bất động sản xin đất làm dự án? Có lẽ những người nào đã đủ “kiên nhẫn” đi phôtô, đi công chứng, đi xin lại những giấy tờ cần thiết để nộp đủ hồ sơ, thì cần phải cho thêm danh hiệu “Người kiên nhẫn” nữa.

Tại sao phải làm đơn xin “cho tôi giải thưởng” nhỉ? Chả nhẽ văn nghệ sĩ phải làm đơn xin giải, gửi cho những người trong Hội đồng xét duyệt, mà có lẽ không hiếm người trong cái Hội đồng này tài đã hèn mà đức cũng chắc gì đã dày? Thậm chí có người cũng chẳng hiểu biết gì về tác phẩm của họ lại đứng ra ban phát phiếu đồng ý người này, không đồng ý người kia? Đã có vô khối chuyện bi hài trong cung cách xét giải, bởi trong Hội đồng xét duyệt, có phải ai cũng am tường tất cả các loại hình nghệ thuật đâu? Và hơn nữa, chỉ trong thời gian có dăm ba ngày, hơi sức đâu, trí tuệ đâu mà đọc cho hết, cảm nhận cho hết, đánh giá cho đúng tác phẩm của từng người.

Tại sao phải làm đơn, lẽ ra người ta chỉ cần thông báo với tác giả rằng, ông gửi những tác phẩm của ông lên, rồi Hội đồng xem xét… thế là xong. Đằng này bắt tác giả phải làm đơn xin xét giải. Việc này cũng giống như thời bao cấp, người dân phải làm đơn xin cấp đủ mọi thứ trên đời, phải làm đơn xin đủ mọi thứ từ chuyện vật chất đến tinh thần và đặc biệt là phải làm đơn xin các phần thưởng về cho mình.

Việc vinh danh văn nghệ sĩ, lẽ ra đó phải là trách nhiệm của các cơ quan quản lý, của Nhà nước, của Chính phủ, chứ không phải là việc của văn nghệ sĩ phải… làm đơn xin xỏ, trình bày! Tư tưởng của họ thế nào, tài năng của họ ra sao, điều đó đã có hết trong tác phẩm. Hội đồng xét thưởng phải đọc, phải nghe, phải sàng lọc và nếu không đủ tự tin vào năng lực và trình độ của mình thì có thể bình chọn bằng nhiều cách khác nữa.

Việc bắt các văn nghệ sĩ phải làm đơn xin xét giải thưởng nếu nói không quá thì đó là sự sỉ nhục đối với văn nghệ sĩ. Lẽ ra các cơ quan có trách nhiệm xét thưởng để tôn vinh những cống hiến của văn nghệ sĩ phải tự mình theo dõi, đánh giá, hoặc lấy ý kiến của nhân dân về tác phẩm của họ rồi thông báo cho tác giả biết, thế mới là phải đạo, thế mới là chiêu hiền đãi sĩ.

Cảm thấy rằng, với cung cách xét thưởng như thế, dù có được cũng chẳng mang lại vinh quang gì cho mình và cho tác phẩm, hơn nữa không phải ai cũng có gan đặt bút viết đơn xin giải thưởng cho mình, nên nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi đã tuyên bố khước từ giải thưởng – Đó là những người đáng khâm phục.

Thật đáng mừng cho họ bởi vì họ không vướng phải cái bả hư danh.

Thật đáng buồn cho họ, bởi công lao của họ cả nước nhìn thấy, toàn dân nhìn thấy nhưng hình như chỉ có mấy ông ngồi xét giải là không nhìn thấy.

Nếu các cơ quan có trách nhiệm xét giải thưởng cho văn nghệ sĩ biết tôn trọng văn nghệ sĩ thì xin hãy bỏ cái kiểu bắt văn nghệ sĩ phải làm đơn xin xét giải thưởng đi.

Thêm nữa, giá trị vật chất của những giải thưởng này nào có to tát gì cho cam? Số tiền thưởng cho văn nghệ sĩ được giải thưởng Nhà nước, chắc chắn không bằng giải cho một “chân dài, óc ngắn” dù chỉ là giải ba, giải tư trong một cuộc thi hoa hậu, người đẹp hạng bét nào đó.

Hồi đầu năm nay, tại cuộc hội thảo về tính chuyên nghiệp của báo chí diễn ra tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Khi có ý kiến đưa ra rằng, nên đề nghị Nhà nước xét thưởng và phong danh hiệu nhà báo ưu tú hay nhà báo nhân dân, hay nhà báo… gì gì đó cho những nhà báo có tác phẩm báo chí xuất sắc, thì ngay lập tức đã vấp phải làn sóng phản đối, có thể nói rằng “mãnh liệt”.

Nhà báo Hữu Thọ đã phải nói rằng: “Khi anh đã được gọi là nhà báo thì anh hãy xứng đáng với chữ nhà báo. Bởi vì không phải ngành nghề nào mà người làm nghề ấy cũng được gọi là nhà”. Ý kiến của ông đã được tất cả các nhà báo tham dự hội nghị vỗ tay ủng hộ và chắc chắn rằng sau này, không bao giờ Hội Nhà báo Việt Nam còn có ý tưởng xin phong tặng danh hiệu nọ danh hiệu kia cho nhà báo.

Hãy xứng đáng với cái danh của mình là nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ… hà tất cứ phải có chữ ưu tú, chữ nhân dân thì mới được coi là tài năng hơn người hay sao, mới được coi là có cống hiến đặc biệt hay sao.

Sự cống hiến của những người làm văn học nghệ thuật, báo chí đó là tác phẩm của mình và sự đánh giá tác phẩm đó thuộc về công chúng. Tác phẩm nào hay thì sẽ có sức sống với thời gian. Còn bằng cách này hay cách khác, chạy chọt, luồn cúi, biếu xén để có được danh hiệu, điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì nếu như anh không có những tác phẩm thực sự xứng đáng sống trong lòng dân.

{lang: 'vi'}

N.N.P