Thi đại học và tốt nghiệp THPT

Tách riêng hay vẫn thi chung?

14:59 | 30/08/2017

2,472 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiện đang có hai luồng ý kiến khác nhau về đề xuất tách thi đại học và tốt nghiệp THPT của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trong Hội nghị tổng kết của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 21-8 vừa qua. 

Quan điểm của hai luồng ý kiến đều có lý lẽ riêng. Bên thì chủ trương phải tách hai kỳ thi để tuyển được sinh viên giỏi, nhân tố có tài vào đại học, vì nếu thi chung thì sẽ khó đánh giá đúng thực lực của học sinh. Bên thì cho rằng, thi chung sẽ giảm áp lực cho thí sinh cũng như cả bộ máy cồng kềnh của cả hai kỳ thi, lại tiết kiệm kinh phí.

Trên nhiều diễn đàn, trang web liên quan đến giáo dục, rất nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm của ông Phan Thanh Bình. Lý lẽ của họ khẳng định, hai kỳ thi đại học và tốt nghiệp THPT có mục đích khác nhau. Bởi thế, nếu thi chung thì việc đánh giá chất lượng học sinh sẽ thiếu chính xác.

Có người còn phân tích: “Điểm thi tốt nghiệp THPT cao chưa chắc đã là đạt tiêu chí tuyển sinh của các trường đại học với những chuyên ngành riêng. Nếu các trường tự chủ tuyển sinh đại học thì sẽ không có chuyện mỗi môn thi đạt 9 điểm, thậm chí tổng điểm là 30 mà vẫn trượt nguyện vọng 1 như năm nay”. Người khác lại làm phép so sánh: “Những năm 80-90 của thế kỷ trước, điểm thủ khoa của kỳ thi trong cả nước là 23-24 điểm, những thí sinh ngày ấy khi ra trường đều thành đạt, cống hiến lớn cho quốc gia. Còn bây giờ, kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, cả nước có đến hơn 4.000 điểm 10. Thì chọn lọc, tuyển sinh như thế nào đối với hàng nghìn “siêu thí sinh” ấy?”.

tach rieng hay van thi chung

Đấy là chưa kể nhiều ý kiến còn cho rằng, đề thi THPT quá dễ, sẽ không phân loại được học sinh, nhưng nếu nâng độ khó thì lại không đảm bảo tiêu chí của một kỳ thi THPT. Trong khi đó, nhiều độc giả lại cho rằng, không cần phải tổ chức thi tốt nghiệp THPT, vì nhiều năm nay tỷ lệ đỗ tốt nghiệp luôn ở mức 99%. Thay vì tổ chức một kỳ thi quốc gia chỉ để loại 1% học sinh, thì chỉ nên tập trung cho kỳ thi đại học để tránh lãng phí cả tiền lẫn nhân lực?

Trái ngược với luồng ý kiến trên, không ít người vẫn ủng hộ gộp hai kỳ thi THPT và đại học là hợp lý, giảm áp lực cho học sinh, việc thi tại địa phương cũng giúp phụ huynh, học sinh đỡ mệt mỏi, tốn kém khi phải đến các thành phố lớn. Thử nhìn lại kinh phí của mỗi nhà và của cả xã hội đầu tư cho hai kỳ thi sẽ thấy đó là “con số hết hồn”. Có người cho rằng: “Cứ thi THPT Quốc gia như năm nay là đúng hướng. Vấn đề không phải ở cách tổ chức thi mà ở khâu ra đề chưa phân hóa cao”. Cũng có ý kiến đề xuất: “Với kỳ thi có hai mục tiêu, cấu trúc đề nên phân theo 40% kiến thức cơ bản, 35% khó, 25% rất khó. Như thế, vừa phù hợp để xét tốt nghiệp bằng điểm thi kết hợp điểm học bạ, vừa phân loại được thí sinh khá, giỏi, thuận lợi cho các đại học tuyển chọn đúng người”.

Nhìn lại từ năm 1975 đến 2014, Việt Nam duy trì hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đại học, cao đẳng. Nhưng giai đoạn này việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh, thành thực hiện nên bộc lộ nhiều hạn chế, rõ nhất là bệnh thành tích trong thi cử kéo dài nhiều năm, làm phát sinh các hiện tượng tiêu cực, gian lận ở địa phương, dẫn đến sai lệch kết quả thi. Kỳ thi không thực sự thúc đẩy quá trình dạy học ở bậc học phổ thông trên phạm vi toàn quốc.

Từ năm 1970 đến 2014 kỳ thi đại học được chia làm 4 giai đoạn. Đến năm 1990, kỳ thi đại học được tổ chức ở các tỉnh, thành, giảng viên trường đại học về tỉnh coi thi. Từ năm 1991 đến 2001, các trường tự tổ chức thi riêng, phần lớn thí sinh tập trung về Hà Nội và TP HCM để thi. Giai đoạn 2002-2014, Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi “ba chung”: chung đề, chung đợt thi và sử dụng chung kết quả thi. Hình thức thi “ba chung” có nhiều ưu điểm hơn giai đoạn trước, nhưng cũng bộc lộ hạn chế. Việc thi tuyển sinh đại học, cao đẳng theo 5 khối đã hạn chế sự tự chủ của các trường trong đánh giá một số năng lực cần thiết của thí sinh, chưa hỗ trợ tốt để tuyển được những thí sinh có năng lực phù hợp nhất với ngành đào tạo. Đấy là chưa kể những vấn đề xã hội khác nảy sinh vào mỗi đợt tổ chức thi.

Từ đó Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT xây dựng kế hoạch tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia để sử dụng kết quả với hai mục đích: xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng. Qua hai năm 2015, 2016, Bộ GD&ĐT nhận định việc đổi mới thi đã làm cho thi cử trở nên gọn nhẹ, giảm áp lực cho thí sinh và xã hội; không gây xáo trộn lớn đối với giáo viên và học sinh, tạo thuận lợi và tạo thêm nhiều cơ hội để thí sinh trúng tuyển vào đại học.

Theo phương án, lộ trình đổi mới thi và tuyển sinh được thực hiện qua hai bước. Giai đoạn đầu là đổi mới cách thức tổ chức thi và giai đoạn thứ hai là đổi mới phương thức thi với sự điều chỉnh hợp lý để dần hoàn thiện qua từng giai đoạn.

Ngày 21-8 vừa qua, tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 của Bộ GD&ĐT, nhiều lãnh đạo Sở GD&ĐT, các đại học cũng tán đồng phương thức thi THPT quốc gia 2017 và kiến nghị giữ ổn định trong các năm tới, chỉ điều chỉnh khâu kỹ thuật ra đề nhằm phân loại học sinh tốt hơn.

Huyền Anh