Sáng tác hay làm báo đều cần sự thăng hoa

19:54 | 12/06/2013

606 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Là một trong số những nữ nhạc sĩ hiếm hoi của làng nhạc Việt, qua mấy thập kỷ vừa làm báo vừa sáng tác, nhạc sĩ Quỳnh Hợp vẫn luôn giữ sự tươi trẻ và đa dạng trong một không gian âm nhạc riêng, thể hiện thẩm mỹ, văn hóa, và con đường đi của mình.

Hơn 30 ca khúc viết về bộ đội Hải quân và Trường Sa là con số khá ngạc nhiên. Viết nhiều về một đề tài, chị có sợ rằng mình đang đi trên một con đường quá quen thuộc đến mòn dấu chân không?

- Chùm ca khúc về biển đảo, Trường Sa và bộ đội Hải quân tôi viết trong thời gian 25 năm, từ sau ngày diễn ra trận Hải chiến Trường Sa (14/3/1988) và nhiều nhất là vài năm gần đây. Mỗi tác phẩm đều có thời điểm lịch sử nhất định, nhất là những đề tài mang tính chính trị như vậy. Tôi lại còn làm báo, nên những ca khúc ấy còn mang tính báo chí cao khi tình hình biển Đông và Trường Sa đầy biến động hiện nay.

‘Đi trên một con đường đã mòn dấu chân mình’ cũng có những thuận lợi và khó khăn riêng. Thuận lợi là mình đã nắm được đề tài, hiểu được những điều mình muốn bày tỏ. Việc khó là sáng tạo của mình có đủ đa dạng để hấp dẫn người nghe hay không?

Ngoài tình yêu với bộ đội Hải quân, Trường Sa và biển đảo Tổ quốc thì đòi hỏi người viết phải có được sự phong phú trong cảm xúc và “thủ pháp” nghệ thuật.

"Viết về đè tài biển đảo cần có sự phong phú trong cảm xúc"

- Chị viết “Nghe em hát ở Trường Sa” từ những năm 1988. Nhưng cảm hứng về biển đảo, về Trường Sa bây giờ ít nhiều đã khác năm đó. Chị cập nhật và dùng ngôn ngữ âm nhạc nào để diễn tả sự đổi thay tinh tế này trong cảm xúc về Trường Sa cũng như về chủ đề biển đảo?

- Những ca khúc nằm trong album “Trường Sa giữa trùng khơi sóng” đều được viết khi tôi chưa ra Trường Sa. Đó là những gì mình nghe, xem, tưởng tượng, tin tưởng, nhớ thương và ước mong được sẻ chia những gian khó lẫn niềm tự hào được canh giữ một phần đất thiêng liêng của Tổ quốc. Như Lính đảo đợi mưa (thơ Trần Đăng Khoa), Giữa trùng khơi sóng (Thơ Đoàn Vũ Vinh), Với Trường Sa, Đảo chân mây. Còn chùm ca khúc nằm trong album “Tổ quốc nhìn từ biển” là những ca khúc viết sau khi tôi ra thăm Trường Sa. Đó là những ca khúc sống động hơn, cụ thể hơn về những người lính biển với Đảo bão, Đảo chìm, Tạm biệt Trường Sa, Hoa của đảo, Kỷ niệm Trường Sa, Tình ca sau đêm bão v.v. tất cả làm nên một bức tranh Trường Sa mới mẻ, đầy sức sống và thắm tình đất liền - đảo xa. Đó là kết quả của một quá trình làm việc cần mẫn và đầy đam mê của tôi. Cảm xúc dung dị đã giúp tôi đi nhanh hơn trong việc cho ra đời và phổ biến tác phẩm.

Phần âm nhạc của những ca khúc ấy đa dạng về tính chất âm nhạc để chuyển tải nội dung tác phẩm dành cho nhiều đối tượng người nghe khác nhau. Đó là những bản popballad nhẹ nhàng, tha thiết (Nghe em hát ở Trường Sa, Nhớ đêm Trường Sa, Hoa của đảo, Sinh ra ở Trường Sa), dance (Tổ quốc nhìn từ biển, Đảo chân mây), pop (Nếu em không yêu lính Hải quân, Tạm biệt Trường Sa, Kỷ niệm Trường Sa), rock (Đảo bão) và cả hiphop (Đảo chìm) nữa nên nhiều đối tượng có thể tiếp cận tác phẩm dễ dàng và giúp tôi có được một dấu ấn trong lòng người yêu nhạc cả nước.

- Có vẻ những bài hát có chủ đề ca ngợi quê hương đất nước, viết theo phong cách cổ điển đang rất khó khăn để tiếp cận với công chúng trẻ quen với những Rock - Rap, hoặc nếu là nhạc trữ tình thì gu thẩm mỹ khá đơn giản, dễ hiểu. Chị có thấy mình đang cô đơn trong cuộc hành trình này không?

- Tôi không nghĩ thế. Bởi hầu hết những sáng tác của tôi đều mang hơi thở của cuộc sống đương đại với nhịp điệu trẻ trung, hiện đại, những ca từ đẹp bước ra từ những bài thơ nên tiếp cận với công chúng nghe nhạc khá dễ dàng. Ngay cả chùm ca khúc về biển đảo và người lính Hải quân cũng là những ca khúc có giai điệu dễ nghe, đang được phổ biến rất rộng rãi. Đó là những ca khúc có nhịp điệu mang xu hướng thời đại như Đảo chân mây, Tổ quốc nhìn từ biển, Tình ca sau đêm bão, Đảo bão, Đảo chìm .v.v. hay những bản trữ tình hào hùng như Tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình, Với Trường Sa… đang có mặt ở nhiều chương trình ca nhạc sóng phát thanh truyền hình cả nước và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Cho đến nay, nhiều sáng tác của chị đã được nhận giải thưởng chính quy lẫn những giải thưởng do khán giả bình chọn. Đích đến của chị là gì, trong sự nghiệp “tay trái” này, bên cạnh nghề chính là BTV âm nhạc cho Đài tiếng nói TPHCM?

- Sáng tác âm nhạc là nghề nghiệp chính mà tôi được đào tạo (tôi tốt nghiệp đại học sáng tác âm nhạc hệ chính quy tại Nhạc viện TPHCM) chứ không phải là nghề tay trái. Biên tập âm nhạc tại Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM là môi trường tốt cho việc phát triển nghề nghiệp sáng tạo của mình. Tôi cảm ơn nghề báo đã cho tôi khả năng khái quát sự kiện, nhạy bén linh hoạt trong việc nắm bắt  và xử lý thông tin để có tác phẩm đúng lúc và được phổ biến rộng khắp.

Đích đến của hầu hết người sáng tạo chính là người thưởng thức. Tôi cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Trong hầu hết những sáng tác của mình tôi thường xác định đối tượng khi viết nên việc tiếp cận với người nghe không quá khó khăn. Thêm nữa, tôi nghĩ, quan trọng là phải tạo được một cá tính âm nhạc cho riêng mình, tìm một lối đi độc đáo, có khai phá, cho thấy một bất ngờ nào đó...

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp với lính đảo

- Trong tất cả những “gương mặt”, “con người” của chị, chị thích mình ở công việc nào nhất? Có sự giao thoa giữa các công việc này thì có thể thấy rõ, nhưng còn sự khác biệt? Sự khác biệt nào đã làm nên mỗi một Quỳnh Hợp khác nhau?

- Nhạc sĩ hay BTV âm nhạc cũng vậy thôi, đều góp phần làm phong phú đời sống âm nhạc. Có chăng, sự khác biệt là những chất liệu âm nhạc dân gian của các vùng miền trên cả nước đã mang đến cho âm nhạc của tôi nhiều dáng dấp hơn. Hoặc dân gian mà hiện đại trong Ngọt ngào Huế thuở dấu yêu, Huế & em… hoặc nhẹ nhàng mà mãnh liệt trong những ca khúc về đề tài người lính như Lửa hội Điện Biên, Cảm xúc tháng tư, Khúc trầm, Ngã ba huyền thoại, Vang mãi nhịp quân hành… Hầu hết những ca khúc ấy không quá phô diễn cá tính mà chủ yếu là sự “cuộn chảy” của cảm xúc kết hợp với những trải nghiệm từ cuộc sống và nghề báo.

                                                                                                                                                                       Thành Lê (thực hiện)