Sán làm tổ trong não cậu bé 16 tuổi

19:16 | 31/03/2016

807 lượt xem
|
Một ca bệnh được coi là hiếm gặp theo ghi nhận của Y văn đã được các bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh vừa cứu sống.

Đó là một cậu bé 16 tuổi không may bị một khối u nang sán dải heo “ăn” theo đường máu lên làm tổ trong não. Bệnh nhân đã được phẫu thuật vào ngày 24-3 tại đây.

san lam to trong nao cau be 16 tuoi
Căn bệnh khiến cháu A Lý Hùng có cơ thể chỉ nhỏ như một bé lên 10 tuổi.

Sáng 31/3, trao đổi với báo chí, Th.S-BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1, người trực tiếp phẫu thuật lấy khối nang sán trên cho bệnh nhân vui mừng cho biết, sức khoẻ của cậu bé đã được cải thiện, đang dần ổn định.

san lam to trong nao cau be 16 tuoi
Ê kíp các BS Khoa Ngoại Tổng hợp BV Nhi Đồng 1 trao đổi về ca A Lý Hùng.
san lam to trong nao cau be 16 tuoi
Hình ảnh khối ấu trùng sán heo choán hết một vùng lớn trong bán cầu não phải của bệnh nhân A Lý Hùng.

Bệnh nhân tên A Lý Hùng, người dân tộc Xê-Đăng, ngụ tại huyện thị trấn Đak-Tô, huyện Kon Tum. Trước đó vào cuối tháng 12-2015, cháu A Lý Hùng được người nhà đưa tới khoa Tiêu hoá BV Nhi Đồng 1 trong tình trạng nhức đầu dữ dội, tiêu chảy kéo dài, trên bệnh nền là “Suy giảm miễn dịch bẩm sinh”.

san lam to trong nao cau be 16 tuoi
Anh A Rô Lăng cha cháu A Lý Hùng cho biết nơi sinh sống không có nước sạch, thường xuyên phải dùng nguồn nước không đảm bảo, nhất là khi vào mùa khô.

Đã 16 tuổi nhưng A Lý Hùng trông chỉ như một đứa trẻ 10 tuổi, nặng hơn 10 kg và đặc biệt là suốt 15 năm qua, cha mẹ đã chăm sóc em rất khổ cực do em luôn bị đau đầu, tiêu chảy, sốt…

Cha của em là anh A Rô Lăng cho biết, khi sinh ra em nặng 2,8kg, bình thường. Nhưng vào năm em lên 1 tuổi, vợ chồng anh phát hiện trên vùng đầu phải của con có một khối sưng tròn bằng quả chanh. Nghĩ rằng con bị té, va đập đâu đó nên gia đình đã lấy nước nóng trườm cho con, khối sưng này xẹp xuống. Tuy nhiên, theo thời gian, khối sung này cứ xuất hiện và A Lý Hùng thường bị sốt đột ngột, hay đau bụng, tiêu chảy, mất ngủ, bứt rứt… mỗi năm vợ chồng anh phải đưa con trai vào BV địa phương nhập viện từ 3-4 lần. Các lần khám này đều chẩn đoán bị Sốt xuất huyết, sốt rét, bệnh đường ruột và được BS cho toa thuốc, về nhà điều trị.

Tới năm A Lý Hùng học lớp 6 thì triệu chứng sốt, rối loạn đường tiêu hoá, tiêu chảy nhiều hơn, cháu không ăn uống được, thể trạng quá yếu và không thể đi học được nữa, chung thân bên giường bệnh. Cuối tháng 12-2015 khi cháu lên cơn sốt cao, đau đầu dữ dội, sau khi điều trị tại BV Đak Tô được 2 tháng không đỡ, BV này đã chuyển thẳng cháu vào Nhi Đồng 1.

Theo BS Đào Trung Hiếu, trước dịp Tết 2016, tại BV Nhi Đồng 1, cháu bé đã có những cơn đau đầu dữ dội, và còn bị yếu, liệt nửa người. Các BS đã cho chụp Mri phát hiện trong đầu bệnh nhân có một khối u trong não. Lúc đầu, các BS cũng nghĩ rằng có thể là một khối áp xe não. Khối u choán hết một vùng lớn bán cầu não phải và gây phù nề, tăng áp lực lên sọ não. Có chỉ định phẫu thuật lấy khối u này, vì khối ấu trùng đã chiếm chỗ của não, làm tăng áp lực nội sọ khiến cháu bị đau đầu nhiều và yếu nửa người. Tuy nhiên phải nâng thể trạng cho cháu bé mất nửa tháng để chuẩn bị cho một cuộc phẫu thuật não kéo dài 5-6 tiếng. Trong ca hội chẩn cho trường hợp cháu A Lý Hùng, BV đã đưa ra nhiều phương án khác nhau. Nhưng phải đợi tới ngày 24-3 khi tổng trạng của A Lý Hùng mới đạt đủ để tiến hành phẫu thuật.

Điều các BS bất ngờ là khi phẫu tích khối u mới phát hiện đó là một khối “nang ấu trùng sán dải heo”. Bằng cách nào đó lọt vào đường tiêu hoá, sau đó thẩm thấu vào mạch máu và chui lên não. Khối ấu trùng này khu trú, có kích thước như một quả chôm chôm trong não của bệnh nhân. Ca bệnh hiếm, bởi, theo các BS, bình thường bệnh do kí sinh trùng, ấu trùng gây ra ít khi “chạy” lên não, mà đích của ấu trùng thường ở dưới da, ở cơ. Ấu trùng tấn công vào não và hốc mắt là cực hiếm. Trước đây cũng ghi nhận 1 trường hợp bị nang sán heo tấn công trúng vùng hốc mắt và được phẫu thuật thành công tại BV Nhi Đồng 1.

Theo BS Phan Minh Trí, khoa Ngoại Tổng hợp BV Nhi Đồng 1, các bệnh về nhiễm ấu trùng, kí sinh trùng đều xuất phát từ nguyên nhân do ăn uống, vệ sinh kém, vấn đề dịch tễ khi nguồn nước dùng bị ô nhiễm. Có thể do uống nước chưa chín, nước bị nhiễm kí sinh trùng và bằng cách nào đó lọt vào đường tiêu hoá của cơ thể, thẩm thấu vào đường ruột, vào mạch máu và “chui” lên não làm tổ trong đó. Kết quả chụp Mri xác định: tổn thương trong não của bệnh nhân là một khối bao bên trong chứa ấu trùng sán heo. Sang thương khoảng 5 cm là một tổ hợp nhiều nang trong cùng một khối, với nhiều nang nhỏ bên trong chứa dịch.

Ngày 31/3 cháu A Lý Hùng đã dần ổn định sức khoẻ, tự ăn uống được, tỉnh, đã hết đau đầu, nhưng do bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh nên theo chỉ định, cháu sẽ tiếp tục được truyền chống suy giảm miễn dịch nửa tháng/lần. Chăm sóc hậu phẫu phòng ngừa nhiễm trùng của sán dải heo ở ruột.

Theo lời người bố là anh A Rô Lăng, cho biết, tại vùng quê anh, nước sạch không có, đa số người dân chỉ ăn nước giếng, nước mạch, nước suối.

Theo BS Trí, bệnh kí sinh trùng có nhiều thể bệnh. Tuỳ ấu trùng đi vào vị trí nào trong cơ thể. Từ: cơ, da của con người, não, mắt… tuỳ theo đích ấu trùng đến. Tuần đầu có thể gây cho người nhiễm sốt, ngứa tại chỗ, sau đó sang thương tiếp tục phát triển. Ấu trùng sán dải heo khi vào cơ thể phát tác từ 24 tới 72 giờ sau. Tuỳ theo nơi khu trú mà có biểu hiện nhức đầu, ngứa, dị ứng, sốt, nốt sần trên da, sưng hốc mắt, mũi,… Trường hợp trên, nếu để lâu sẽ choán hết vùng não phải, gây đau đầu thường xuyên, cuộc sống không thể bình thường. Đây cũng là ca bệnh đầu tiên của BV Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh về bệnh nhiễm kí sinh trùng, ấu trùng được phẫu thuật do ấu trùng tấn công lên não.

Huyền Nga

CAND

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc