Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều

Quan ngại & hy vọng

06:00 | 02/06/2018

340 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chưa đầy 2 tuần trước cuộc gặp lịch sử giữa Mỹ - Triều Tiên tại Singapore, chỉ trong 24 giờ, Tổng thống Mỹ Donald Trump 2 lần thay đổi quan điểm về khả năng tổ chức cuộc gặp này. Ngoài tính khí thất thường của lãnh đạo Mỹ, nội dung cuộc đối thoại Mỹ - Triều Tiên hiện cũng rất mơ hồ.

Ngày 24-5-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, dự dự tính vào ngày 12-6 tại Singapore. Trong thư thông báo hủy cuộc gặp đề ngày 24-5-2018, Tổng thống Mỹ nêu “sự thù nghịch” của Bình Nhưỡng trong thời gian gần đây.

Ông Donald Trump đe dọa: “Ông nói về năng lực nguyên tử của ông, nhưng năng lực của chúng tôi mãnh liệt đến nỗi tôi phải cầu nguyện Thượng đế để không bao giờ phải sử dụng đến”. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cũng để ngỏ cánh cửa, với một công thức hiếm thấy trong việc trao đổi thư từ giữa hai nguyên thủ: “Nếu ông đổi ý (…), xin đừng ngần ngại gọi điện hay viết thư cho tôi”.

quan ngai hy vong
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ gặp nhau ngày 12-6 tới tại Singapore?

Theo các nhà quan sát, lý do ông Donald Trump quyết định hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên xuất phát từ phản ứng mạnh của Bình Nhưỡng trước thái độ của Washington trong thời gian chuẩn bị.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn cuối tháng 4-2018, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã gây sốc khi nêu ra “mô hình Libya” trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuyên bố này được Bình Nhưỡng coi là một sự khiêu khích, vì vẫn không quên số phận thê thảm của lãnh đạo Kadhafi, cũng như tư duy của vị cố vấn này về việc “thay đổi chế độ” ở Iran, Iraq, Triều Tiên.

Sau khi ông Trump lên tiếng trấn an, vấn đề như tạm lắng, nhưng Phó tổng thống Mỹ Mike Pence “đổ thêm dầu vào lửa” khi cảnh cáo lãnh đạo Triều Tiên có nguy cơ cùng chung số phận với Mouammar Kadhafi. Tuyên bố này đã bị đánh giá là rất khiêu khích. Chỉ ít lâu sau đánh giá đó, Tổng thống Trump thông báo quyết định hủy cuộc gặp thượng đỉnh.

Khi lá thư thông báo hủy cuộc gặp thượng đỉnh gửi Bình Nhưỡng còn chưa ráo mực, ông Donald Trump lại ra thông báo Mỹ đã “có những cuộc thảo luận hiệu quả” về việc nối lại cuộc gặp. Ông Trump ngụ ý rằng, có thể cứu vãn cuộc gặp này sau khi hoan nghênh thiện chí hòa giải từ Triều Tiên khi Bình Nhưỡng nói rằng vẫn mở ngỏ cho các cuộc đàm phán. “Lời lẽ họ đưa ra rất tử tế. Chúng ta sẽ chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra, thậm chí có thể giữ đúng ngày 12-6”, ông Trump nói tại Nhà Trắng ngày 25-5. “Chúng tôi đang thảo luận với họ. Họ rất muốn họp. Chúng tôi muốn họp”, ông Trump nhấn mạnh.

Thực tế là sau thông báo hủy cuộc gặp thượng đỉnh của Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye Gwan thông báo Bình Nhưỡng mở ngỏ giải quyết các vấn đề với Mỹ bất cứ lúc nào.

“Chúng tôi trân trọng các nỗ lực của Tổng thống Trump, chưa từng có từ trước tới nay bởi bất kỳ vị tổng thống nào, muốn tạo nên một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lịch sử. Chúng tôi một lần nữa muốn nói với Hoa Kỳ rằng chúng tôi mở ngỏ giải quyết các vấn đề bất kỳ lúc nào, bất cứ cách nào”, Thông tấn xã Triều Tiên (KCNA) dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên ngày 25-5.

Theo giới quan sát, sở dĩ ông Trump phải rút lại quyết định hủy cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên không chỉ vì thiện chí muốn thay đổi của Bình Nhưỡng mà còn vì Tổng thống Mỹ đang chịu nhiều sức ép cả trong nước cũng như quốc tế, đặc biệt là đồng minh Hàn Quốc vốn đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên trong lịch sử.

Theo quan điểm của chuyên gia Pháp Antoine Bondaz thuộc Quỹ Nghiên cứu chiến lược Pháp, có lẽ cả ông Trump lẫn nhà lãnh đạo Kim Jong-un cùng muốn đi vào lịch sử khi mà hình ảnh hai nguyên thủ Mỹ và Triều Tiên bắt tay nhau tại Singapore, mở ra hứa hẹn đem lại hòa bình cho khu vực, cho cả thế giới. Ngoài ra, Tổng thống Trump xem cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên là một thắng lợi về mặt ngoại giao trên trường quốc tế, vào lúc mà chính sách đối ngoại của Nhà Trắng bị chỉ trích kịch liệt.

Hiện tại Nhà Trắng nói rằng đã sẵn sàng cho cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra vào ngày 12-6. “Tổng thống nghĩ các cuộc thảo luận đang diễn ra rất tốt đẹp… Các cuộc gặp diễn ra trong tuần này chắc chắn là chỉ dấu cho thấy có tiến triển. Chúng ta sẽ sẵn sàng nếu cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra ngày 12-6. Chúng ta chắc chắn cũng sẽ sẵn sàng nếu vì một lý do nào đó cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra vào một ngày sau đó, chúng ta cũng sẽ sẵn sàng”, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders thông báo ngày 29-5.

Trước đó, Tổng thống Trump xác nhận rằng, giới chức hàng đầu của Triều Tiên - Kim Yong Chol - tới New York để gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ngoài ra, các nhóm giới chức Mỹ cũng đã tới vùng phi quân sự ở Triều Tiên và Singapore để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Tuy nhiên, còn rất nhiều nguy cơ gây đổ vỡ cho cuộc gặp này, trong đó đáng kể nhất chính là nội dung cuộc nói chuyện giữa ông Trump và lãnh đạo Triều Tiên.

Cho đến nay, khái niệm về “phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên” vẫn còn rất mơ hồ. Với Bình Nhưỡng, “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” có nghĩa là “đóng lại chiếc ô hạt nhân” của Mỹ ở Hàn Quốc và mở rộng ra hơn nữa là xóa bỏ hệ thống liên minh quân sự của Mỹ ở Đông Bắc Á. Đây là một kế hoạch dài hạn và có liên quan đến tất cả các cường quốc, mà Triều Tiên là một bên liên quan.

Về phía Mỹ, chính quyền của ông Donald Trump lại hiểu, hoặc muốn hiểu là lãnh đạo Kim Jong-un sẵn sàng gỡ bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân. Khi trả lời phỏng vấn truyền hình vào cuối tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ nói chung chung, sơ lược quan điểm đàm phán của Mỹ. Theo đó, mục đích của cuộc gặp thượng đỉnh là tìm cách ngăn chặn Bình Nhưỡng đe dọa lãnh thổ Mỹ bằng vũ khí hạt nhân, và trong một chừng mực nào đó, có thể cho phép Triều Tiên giữ lại một số đầu đạn hạt nhân với điều kiện nước này ngưng chương trình tên lửa đạn đạo.

Theo báo chí Pháp, ông Kim Jong-un có thể sẽ chấp nhận dừng hẳn các cuộc thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo, cho phá dỡ từng phần và dần dần kho vũ khí hạt nhân, đồng thời chấp nhận thanh tra các địa điểm cất giữ vũ khí hạt nhân hoặc thậm chí tham gia Hiệp ước cấm toàn bộ thử hạt nhân. Nhưng đổi lại, ông Donald Trump sẽ phải bảo đảm an toàn lâu dài cho Triều Tiên, bao gồm ký kết một hiệp ước hòa bình thay thế cho hiệp định đình chiến 1953 và công nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân.

Đang trong quá trình tìm kiếm một thành công ngoại giao, ông Donald Trump dường như sẵn sàng chấp nhận. Nhưng câu hỏi đặt ra, ngoài hiệp ước hòa bình, có thể dẫn đến việc bình thường hóa quan hệ hai nước thù nghịch, thì Bình Nhưỡng sẽ nhận được những bảo đảm gì từ phía Mỹ?

Một số nhà quan sát cho rằng, với các diễn biến hiện tại, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 12-6-2018 có hy vọng diễn ra, nhưng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên lại là một vấn đề khác. Đơn giản hơn, có thể lãnh đạo hai nước đồng ý ký vắn tắt một văn kiện như hiệp ước hòa bình, chính thức chấm dứt chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên.

Hai miền nam - bắc Triều Tiên đến nay mới chỉ có một hiệp định đình chiến ký ngày 27-7-1953 tại Bàn Môn Điếm giữa Triều Tiên, Trung Quốc và Liên Hiệp Quốc.

Nếu được như vậy, Tổng thống Donald Trump có thể nhận là đã đạt được thành công mà tất cả những người tiền nhiệm của ông chưa bao giờ có được.

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều được cả thế giới kỳ vọng và xem đây là cơ hội duy nhất để hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Một cuộc gặp mặt trực tiếp là điều cần thiết để hai bên hóa giải những bất đồng một cách thẳng thắn.

D.H