Phim kinh dị Việt: Nghèo ý tưởng – Yếu cảnh quay
Từ phim tình cảm lãng mạn, hành động mang chút hơi hướng bạo lực, mấy năm gần đây, các nhà làm phim Việt Nam đang chuyển dòng sang phim kinh dị, một thể loại gần như bị bỏ quên trong thế giới điện ảnh. Khởi đầu là những bộ phim "Bóng ma học đường”, "Giữa hai thế giới”, "Khi yêu đừng quay đầu lại”… đã được công chiếu tại các rạp. Thế nhưng, sự khởi đầu này có "xuôi chèo mát mái”, được khán giả đón nhận như một "khẩu vị mới” trong thực đơn gồm rất nhiều món ăn tinh thần?
Thực ra, phim kinh dị Việt Nam không phải bây giờ mới xuất hiện mà từ đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, đặc biệt là ở phía nam, manh nha đã có những bộ phim rùng rợn như “Lệ đá” của đạo diễn Võ Hoàng Châu, “Con ma nhà họ Hứa” – đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Và đến đầu thập niên 90, đạo diễn, diễn viên Nguyễn Chánh Tín cũng đã mạnh dạn sản xuất hai bộ phim kinh dị là “Ngôi nhà oan khốc” và “Chiếc mặt nạ”. Sau đó, một số bộ phim nữa ra đời như “Mười”, “Chết lúc nửa đêm”, “Suối oan hồn”. Những bộ phim này theo đánh giá của giới phê bình thì chỉ có một số ít thực sự rùng rợn, kinh dị, còn lại thì…
Như phim “Lệ đá”, được giải Nhất Đại hội Điện ảnh năm 1971, với nội dung được khai thác khá “kinh điển”: Người yêu “ma”. Ma vốn lại là người yêu “đầu gối vai kề” của Trường Kỳ (tên nhân vật trong phim) khi còn sống và tên là Trang. Chẳng may, trong một lần mơ màng nghĩ đến người yêu, Trang đi lạc vào khu vực cấm của công trường xây dựng để rồi gặp tai nạn và tử vong. Oan hồn của cô đã nhập vào thân xác một người đàn ông tên Huỳnh bị vợ bắn vào đầu đến nỗi bị biến dạng cả đầu và mặt để đeo đuổi, ám ảnh, nhằm ngăn cản Kỳ cưới hỏi một cô gái khác. Bản thân Kỳ cũng cảm nhận được sự ám ảnh của Trang nên anh đã đến chốn cũ, nơi anh và Trang thường ngồi tình tự để “dứt tình”. Nhưng khi Trang (tức là trong thân xác ông Huỳnh) đòi Kỳ âu yếm, hoảng sợ Kỳ đã bỏ chạy. Đến bên một chiếc cầu, chẳng may Kỳ ngã xuống. Trang thừa cơ chồm lên định giết Kỳ. Nhưng bất chợt nhìn thấy hình ảnh khủng khiếp của mình dưới dòng nước đang chảy lững lờ dưới chân cầu, Trang hét lên một tiếng kinh hoàng rồi bỏ đi mãi mãi, không ám ảnh Kỳ nữa. Bộ phim đã khai thác triệt để cảnh quay vắng lặng, mờ ảo như sương khói và có vẻ âm u ở Đà Lạt để tạo ra không gian ma quái, rùng rợn cho bộ phim. Và chính điều này đã tạo nên sự thành công và thu hút hàng trăm, nghìn lượt khán giả tới xem phim, mang lại doanh thu cao ngất cho cho đạo diễn và nhà sản xuất.
“Con ma nhà họ Hứa” cũng là một bộ phim được đánh giá cao cùng thời điểm đó. Với những khán giả thích cảm giác sợ hãi, rùng rợn của không gian ma mị, u tối sẽ không bao giờ quên được những kỹ xảo tuy đơn giản song lại rất hiệu quả trong việc “lấy hồn vía” của người xem trong bộ phim. Đặc biệt là nhân vật ma nữ chính là con gái của gia đình họ Hứa. Cô đã chết vì bệnh phong và lúc nào cũng luẩn quẩn trong ngôi nhà của mình. Mỗi lần ma nữ này xuất hiện trong phim, tất cả khán giả trong rạp phải nín thở và có lúc rú lên sợ hãi, cúi rạp xuống ghế, không dám nhìn con ma xuất hiện trước mắt như người thật, việc thật. Bộ phim đã mang lại cho đạo điễn và ê-kíp làm phim khoản doanh thu khổng lồ mà nhiều người phải mơ ước. Năm 2007, đạo diễn Lê Hoàng Hoa có ý định làm lại “Con ma nhà họ Hứa” nhưng do không tìm được nguồn tài trợ nên đành hoãn lại.
Còn những bộ phim kinh dị sản xuất trong thời gian gần đây, nhiều khán giả sau khi xem xong đã nhận xét: “Phim “Mười”, quá thất vọng vì yếu tố kinh dị quá mờ nhạt. “Khi yêu đừng quay lại” thì “dở dở ương ương” chẳng ra thể loại tâm lý hay kinh dị. Còn “Bóng ma học đường” là một nỗi thất vọng lớn do “dọa ma” những người nhát ma mà cũng không thành. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến những bộ phim kinh dị của Việt Nam dù mới ra đời nhưng đã chịu số phận như vậy? Theo đánh giá của giới phê bình điện ảnh, yếu tố đầu tiên phải nói đến là ý tưởng quá nghèo nàn, quanh đi quẩn lại chỉ là chuyện tình giữa ma và người, oan hồn đòi nợ máu… Còn cảnh quay thì chỉ loanh quanh ở Đà Lạt, đặc biệt là ở khu biệt thự vắng vẻ, âm u lẩn khuất trong rừng và những triền dốc mờ sương, lãnh lẽo để tạo nên sự rùng rợn, sợ hãi. Nếu xem những bộ phim đầu tiên được quay như thế, thì “hiệu ứng” ma mị, ghê rợn còn có sức hút chứ phim nào cũng một cảnh như vậy thì mất “thiêng” và trở nên nhàm chán.
Một nguyên nhân nữa khiến cho phim kinh dị ở Việt Nam chưa thành công như mong muốn, theo đạo diễn, nghệ sĩ Phước Sang, Giám đốc Hãng phim Phước Sang, nơi cũng đã hợp tác với Hàn Quốc sản xuất bộ phim rùng rợn “Mười” cho biết: “Làm phim kinh dị ở Việt Nam không khéo thành phim “dị nghị”. Vì khi duyệt, tất cả những đoạn bị cho là mê tín dị đoan đều bị cắt bỏ hết. Trong khi đó, chính những đoạn phim ấy lại là đầu tư nhiều công của nhất của người làm phim và có thể nó mang lại hiệu ứng lớn nhất cho ý tưởng của bộ phim. Cho nên…” Nghệ sĩ Phước Sang nói tiếp: “Là một nhà sản xuất, tôi chẳng dại gì tiếp tục làm phim kinh dị”.
Theo giới phê bình điện ảnh, một nguyên nhân khiến cho phim kinh dị Việt Nam khó được chấp nhận mà không thể không kể đến ấy là tạo hình. Nếu so với phim kinh dị nước ngoài, tạo hình cho nhân vật thành công, quái dị bao nhiêu thì ở Việt Nam yếu kém, nhàm chán bấy nhiêu. Xem các phim đã được công chiếu, mới thấy hình ảnh nhân vật ma quái trong phim Việt Nam nếu ở nước ngoài đã tạo hình từ lâu thì bây giờ Việt Nam mới bắt đầu. Nếu là ma nữ thì không có tạo hình nào khác ngoài xõa tóc, mặc áo trắng toát, môi, mắt thâm xì. Còn nếu là nam thì mặc khoác áo choàng đen, mặt mày tô vẽ như hề. Cụ thể như trong phim “Bóng ma học đường”, “Khi yêu đừng quay đầu lại”…
Bởi vậy do tất cả những yếu kém ấy mà phim kinh dị Việt Nam có thể nhận định còn xa nữa mới theo kịp thế giới. Trong khi, đặc biệt là các nhà làm phim ở Hollywood đã phát triển vượt bậc trong công nghệ làm phim kinh dị cũng như tạo hình của họ là vô cùng phong phú. Bây giờ, người ta chỉ còn trông chờ, kỳ vọng vào bộ phim “Lời nguyền huyết ngải” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, một tên tuổi uy tín không chỉ ở Việt Nam mà còn ghi dấu ở điện ảnh thế giới với những bộ phim: “Chơi vơi”, “Sống trong sợ hãi”, “Xích lô”… Tuy nhiên, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng không khỏi lo lắng: “Phim kinh dị quan trọng nhất là phải có ý tưởng lạ, hấp dẫn người xem, sau đó mới tính đến chuyện để đạo diễn trổ tài. Làm phim để kéo được nhiều khán giả đến rạp là một thách thức không nhỏ đối với tôi”.
Tú Anh
-
Thị trường phim Việt chiếu Tết 2020: Hài hước lên ngôi, kinh dị “biến mất”
-
Hoàng Yến Chibi bị ám ảnh suốt 1 tháng sau khi đóng phim kinh dị
-
Đạo diễn Victor Vũ "nhá hàng" phim mới về đề tài tâm linh
-
Việt Hương hóa bà mẹ mù trong web drama dịp Halloween
-
Phim kinh dị "Thiên linh cái" vượt qua kiểm duyệt và được ra rạp
-
Đại biểu Quốc hội: Không thể “quản lý kém” mà cấm dạy thêm, học thêm
-
Vì sao Telegram bị chặn ở Việt Nam?
-
Yêu cầu đọc rõ ràng nội dung tên sản phẩm khi quảng cáo mỹ phẩm
-
Đại biểu Quốc hội: Miễn học phí nhưng phải làm rõ cơ chế, tránh phát sinh khoản thu khác
-
Đề xuất miễn học phí trường công, hỗ trợ học sinh trường tư
- Tử vi tuần mới (19-25/5/2025): Tuổi Mão sự nghiệp suôn sẻ, tuổi Thân thành công bất ngờ
- Vesak 2025: Tinh thần hòa bình và lòng từ bi lan tỏa toàn cầu
- Tử vi tuần mới (12-18/5/2025): Tuổi Tý phát triển rực rỡ, tuổi Ngọ khẳng định tài năng
- Tử vi tuần mới (5-11/5/2025): Tuổi Tỵ mọi sự hanh thông, tuổi Mùi động lực thăng tiến
- Tử vi tháng 5/2025: Tuổi Mão đỉnh cao sự nghiệp, tình Dậu tình cảm thăng hoa
- Tử vi tuần mới (28/4-4/5/2025): Tuổi Thìn sự nghiệp thăng tiến, tuổi Hợi thành tựu tự hào
- Tử vi tuần mới (21-27/4/2025): Tuổi Tuất năng lượng dồi dào, tuổi Tỵ quý nhân tương trợ
- [VIDEO] Ngắm tượng Phật Quan âm cao nhất Đông Nam Á tại Quảng Ngãi