Phát súng kết liễu mối quan hệ đặc biệt Mỹ-Arập Xê út

17:25 | 11/09/2016

3,275 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngoài việc “tự bắn vào chân mình”, dự luật “Công lý chống bảo trợ hành động khủng bố” (JASTA) vừa được quốc hội Mỹ thông qua nếu được ban hành sẽ là phát súng kết liễu mối quan hệ đồng minh đặc biệt Mỹ- Arập Xê út.
tin nhap 20160911170628
Ngoại trưởng Mỹ Kerry và Quốc vương Arập Xê út Salman tại Riyad ngày 15/5/2016

Dự luật JASTA cho phép gia đình và người thân các nạn nhân Mỹ trong loạt khủng bố ngày 11/9/2001 được quyền kiện các quốc gia bị nghi ngờ dính líu đến những vụ khủng bố chống lại nước Mỹ.

Chính quyền Obama dọa sẽ phủ quyết dự luật này bởi vì Nhà Trắng lo ngại điều này có thể dẫn đến việc chính Mỹ cũng sẽ bị khởi tố do nước này can thiệp vào nhiều nơi trên thế giới. Cho phép người dân Mỹ kiện nước khác vì tội bảo trợ khủng bố, Mỹ chẳng khác nào “tự bắn vào chân mình”.

Hơn nữa, Washington cũng không muốn làm phật ý Arập Xê út, một đồng minh thân cận trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Chính phủ Arập Xê út hôm nay đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ dự luật JASTA và đe dọa sẽ có động thái đáp trả. Cụ thể, chính quyền Riyad dọa sẽ bán tháo các trái phiếu của Mỹ. Hiện tại Arập Xê út đang nắm giữ 750 tỷ USD trái phiếu Mỹ.

Ngoại trưởng Arập Xê út, Adel al Jubeir tuyên bố thẳng thừng với đồng nhiệm Mỹ John Kerry: “Cứ bốn hay năm năm một lần, vấn đề này lại được lôi ra như thanh gươm treo lơ lửng trên đầu chúng tôi”.

Thực ra, việc dự luật JASTA được thông qua chỉ là giọt nước làm tràn ly quan hệ Mỹ- Arập Xê út.

Chuyến thăm Riyad ngày 21/4/2016 của Tổng thống Obama đã cho thấy phần nào mối quan hệ đặc biệt Mỹ-Arập Xê út đang gặp vấn đề. Arập Xê út đã không dành cho ông Obama các lễ tân thông lệ như khi đón tiếp một nguyên thủ quốc gia công du chính thức: vua Salmane không ra tận đường băng đón chào tổng thống Mỹ, và truyền hình Nhà nước đã không phát trực tiếp các hình ảnh nguyên thủ Mỹ khi tới Riyad.

Thái độ lạnh nhạt của Arập Xê út đối với ông Obama đã cho thấy qua rồi thời kỳ quan hệ đặc biệt giữa Washington và Riyad.

Từ hơn 70 năm qua, Mỹ và Arập Xê út duy trì mối quan hệ đặc biệt và hầu như không suy chuyển, dựa trên thỏa thuận giữa Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt và vua Arập Xê út Abdelaziz ben Abderrahmane Al Saoud (còn gọi là Ibn Saoud) được ký kết vào năm 1945 trên chiến hạm USS Quincy. Nội dung của thỏa thuận có thể tóm tắt như sau: Arập Xê út cung cấp dầu lửa cho Mỹ và đổi lại, Washington bảo đảm an ninh cho Riyad.

Tuy nhiên, sự trục trặc trong quan hệ giữa hai nước trở nên rõ nét trong những năm gần đây. Riyad ngày càng khó chịu về chính sách đối ngoại của tổng thống Obama đối với vùng Trung và Cận Đông.

Theo ông Pascal Boniface, Giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược thì Arập Xê út “nghĩ rằng liên minh ký kết (năm 1945) với Mỹ đang dần dần tan rã hoặc suy tàn, nhất là với việc Mỹ và Iran xích lại gần nhau, sau hiệp định về chương trình hạt nhân Iran, được ký ngày 14/7/2015”.

Chuyên gia Boniface giải thích: Thứ nhất, Arập Xê út lo ngại bị bỏ rơi vì giờ đây nhu cầu về dầu lửa của Mỹ ngày càng giảm. Thứ hai, Riyad nghi ngờ về việc Washington tôn trọng các cam kết bảo đảm an ninh và sự trường tồn của triều đại Al Saoud; bằng chứng nhãn tiền là Mỹ đã bỏ rơi Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak năm 2011.

Bên cạnh đó, uy tín và lòng tin của Mỹ cũng đã bị sứt mẻ nghiêm trọng trong mắt của Arập Xê út, sau khi Tổng thống Obama từ chối tấn công Syria trong vụ vũ khí hóa học.

Thế nhưng, chính sách của Mỹ đối với Iran mới là nguyên nhân chủ chốt gây bất hòa giữa Riyad và Washington. Giới phân tích ví von là việc các siêu cường (5 thành viên Hội Đồng Bảo An và Đức) và Iran ký kết hiệp định về chương trình hạt nhân của Teheran, hồi tháng 7/2015, đã làm cho giới lãnh đạo Arập Xê út mất ngủ: Iran tái hội nhập vào cộng đồng quốc tế, các trừng phạt từng bước được bãi bỏ, Teheran sẽ lại có được những nguồn tài chính khổng lồ, nhờ vậy, Iran cũng cố ảnh hưởng của mình tại Liban, Syria, Irak và Yemen.

Arập Xê út theo chế độ quân chủ Hồi giáo Sunni trong khi Iran được coi là trung tâm phe Hồi giáo Shia và Iran là một kẻ thù “không đội trời chung” đối với các quốc vương vùng Vịnh và Arập Xê út.

Giữa tháng 3/2016, trong một bài viết đăng trên tạp chí The Atlantic, Tổng thống Obama kêu gọi Arập Xê út tìm cách chia sẻ mối quan hệ láng giềng hữu hảo với Iran. Chính quyền Riyad khó nuốt trôi được lời khuyên nhủ này.

Cựu lãnh đạo cơ quan tình báo Arập Xê út, Hoàng tử Turki Al Fayçal, đã tuyên bố thẳng thừng là đã qua rồi “những ngày tháng tốt đẹp thuở xưa” trong liên minh lịch sử Mỹ-Arập Xê út và cần xác định lại quan hệ song phương. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi không thể trông đợi sự trở lại của những ngày tháng tốt đẹp xưa kia”.

Nay việc Quốc hội Mỹ đòi luận tội Arập Xê út vì vụ 11/9 thông qua đạo luật mới coi như là phát súng kết liễu mối quan hệ song phương.

tin nhap 20160911170628

Mỹ-Arập Xê út: Ai mới là nước bảo trợ khủng bố?

Ngày 9/9, Quốc hội Mỹ thông qua Dự luật "Công lý chống bảo trợ hành động khủng bố” (JASTA), cho phép người dân nước này kiện Arập Xê út về tội bảo trợ cho những kẻ khủng bố tấn công nước Mỹ cách đây 15 năm. Nhà Trắng sợ rằng dự luật này sẽ mở đường cho các nước khác kiện Mỹ vì tội “bảo trợ khủng bố”.

Nh.Thạch

AP, AFP