Ớt khô Việt Nam bị “tuýt còi” tại Hàn Quốc

18:45 | 28/06/2023

93 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Dư lượng tricyclazole trong các mẫu ớt đỏ khô có xuất xứ từ Việt Nam dao động từ 0,02-0,04 mg/kg, vượt quá cho phép của Hàn Quốc là 0,01 mg/kg.
Ớt khô Việt Nam bị “tuýt còi” tại Hàn Quốc
Ảnh minh họa

Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) vừa gửi Công văn số 133/SPS-BNNVN đến Cục Bảo vệ thực vật, nêu thông báo của Hàn Quốc đối với sản phẩm ớt đỏ khô của Việt Nam vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Theo đó, Bộ An toàn thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc cho biết, lô hàng của Công ty TNHH Long Thành sản xuất năm 2022 có mức dư lượng tricyclazole trong các mẫu ớt đỏ khô dao động từ 0,02-0,04 mg/kg, vượt quá cho phép của Hàn Quốc là 0,01 mg/kg.

Phía Hàn Quốc đã cho thu hồi sản phẩm ớt đỏ khô do 3 công ty nước này phân phối từ Công ty Long Thành, gồm Công ty TNHH Thương mại Geosan, Seoul; Công ty TNHH Nông nghiệp Bokine, Daejeon, Công ty TNHH Nông nghiệp Yangil, Seoul.

Ngay sau khi nhận thông báo, Cục Bảo vệ thực vật lập tức chỉ đạo rà soát, kiểm tra và xác minh thông tin trên. Kết quả, đơn vị xuất khẩu được xác định đăng ký kinh doanh tại Cụm công nghiệp đường Ngô Quyền, phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

Trên cơ sở này, Cục Bảo vệ thực vật gửi thông báo tới Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, các Chi cục Kiểm dịch thực vật và doanh nghiệp liên quan đề nghị: Công ty TNHH Long Thành chấp hành, tuân thủ các quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT.

Đồng thời, công ty phải thực hiện điều tra nguyên nhân, truy xuất các lô hàng bị cảnh báo, rà soát toàn bộ hồ sơ, quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tổ chức thực hiện các hành động khắc phục và áp dụng các biện pháp ngăn chặn tránh tái diễn vi phạm.

Theo yêu cầu, doanh nghiệp sẽ gửi báo cáo kết quả truy xuất và các biện pháp khắc phục cho Cục Bảo vệ thực vật và Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương trong thời gian quy định.

Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, cùng với Chi cục Kiểm dịch thực vật tiến hành giám sát việc rà soát các khâu trong chuỗi quản lý của doanh nghiệp, xác định nguyên nhân và đưa ra biện pháp khắc phục.

Sau quá trình rà soát và kiểm tra, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị gửi văn bản thông báo kết quả xử lý cho Cục và Văn phòng SPS Việt Nam để trao đổi với phía Hàn Quốc, nhằm tăng tính công khai và minh bạch của thông tin, cũng như để trao đổi và làm rõ các biện pháp khắc phục.

Trong thông báo, Cục Bảo vệ thực vật cũng khẳng định rằng cho đến ngày 27/6, chưa có thông báo nào về việc Hàn Quốc cấm hoặc tạm dừng nhập khẩu sản phẩm ớt từ Việt Nam, như những thông tin lan truyền trên mạng xã hội.

Ớt là một nông sản có giá trị xuất khẩu lớn của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc. Năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 4.900 tấn ớt đỏ khô, đạt kim ngạch khoảng 11,9 triệu USD.

Trước đó, tình trạng quả ớt bị cấm nhập khẩu do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đã từng xảy ra đối với các thị trường Trung Quốc, Malaysia. Đến thời điểm hiện tại, cơ bản các thị trường đã nối lại để cho phép nhập khẩu, tuy vậy trái ớt cần phải đặc biệt chú ý tới chất lượng.

EU nới lỏng quy định đối với mì ăn liền nhập khẩu từ Việt Nam

EU nới lỏng quy định đối với mì ăn liền nhập khẩu từ Việt Nam

Từ ngày 27/6, các mặt hàng mì ăn liền xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường EU sẽ không bị bắt buộc phải đi kèm giấy kiểm định an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

P.V (t/h)