Những thảm họa tàu ngầm

18:00 | 20/08/2013

1,424 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vụ nổ tàu ngầm INS Sindhurakshak của Ấn Độ ngày 14/8/2013 không phải là sự kiện duy nhất đối với lịch sử tàu ngầm. Thử nhìn lại vài vụ mà trong số đó đã được phơi bày và vài vụ khác với những bí ẩn của chúng vẫn tiếp tục còn chìm sâu trong lòng đại dương…

Bài 1: Định mệnh của một chiếc tàu ngầm nguyên tử

“Ivan điên”!

Vào những ngày cuối cùng của cuộc Chiến tranh lạnh, một chiếc tàu ngầm Nga trang bị tên lửa hạt nhân đã có mặt tại vùng duyên hải Đông nước Mỹ. Chỉ cần một mệnh lệnh ban ra từ Kremlin, viên thuyền trưởng chiếc tàu này có thể nhấn nút và ngay lập tức một phần của nước Mỹ sẽ bị tiêu diệt. Tuy nhiên, định mệnh của con tàu và thủy thủ đoàn thật khắc nghiệt. Sau nhiều năm, toàn bộ câu chuyện về chiếc tàu ngầm Nga đã được phơi bày. Một câu chuyện đẫm nước mắt...

Thuyền trưởng Igor Britanov nhấp ngụm trà và lắng nghe tiếng động cơ con tàu. Tại khoang chỉ huy, không khí thật chật chội, nóng bức bởi trần phòng thấp và có đến 20 người làm việc trong đó. Tiếng động cơ lẫn quạt máy khiến người ta tưởng chừng khoang này là một phân xưởng sản xuất chứ chẳng phải là trung tâm điều khiển của một con tàu chở vũ khí hạt nhân. Đó là ngày 3/10/1986. Chiếc tàu ngầm của Britanov - tên là K-219 - đang có mặt tại Bắc Đại Tây Dương cách Đông Nam New York khoảng 1.200 hải lý.

Giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, những trò chơi căng thẳng trong cuộc Chiến tranh lạnh giữa Nga và Mỹ gần như đã kết thúc. Tuy nhiên, các ban bộ điều khiển vũ khí hạt nhân vẫn luôn trong tình trạng trực chiến 24/24 và sẵn sàng tấn công đối phương. K-219 là một trong ba tàu ngầm của Nga đã có mặt gần vùng biển Mỹ và tất cả đều chứa tên lửa hạt nhân để sẵn sàng phóng vào Mỹ bất cứ lúc nào. Nhiệm vụ của tàu K-219 sắp hoàn thành và chuẩn bị trở về để được thay thế bởi con tàu khác.

Tàu ngầm K-219

K-219 - thuộc vào loại tàu ngầm mà phương Tây gọi là Yankee 1 - hạ thủy vào năm 1971. K-219 nặng 9.300 tấn, với hai lò phản ứng hạt nhân thiết kế theo kiểu cũ và thủy thủ đoàn gồm 119 người. Một con tàu cũ kỹ như K-219 tất nhiên có nhiều điểm bất ổn. Một trong những điểm như vậy là khoang 4. Con tàu được thiết kế gồm 10 khoang và khoang 4 có hình vòm, rộng, chứa 16 hầm hạt nhân.

Tên lửa hạt nhân trên K-219 là loại RSM-25, được kích nổ khi hai hợp chất nitrogen tetroxide và hydrazine chạm nhau. Nitrogen tetroxide là thứ hóa chất rất nhạy với nước. Chỉ cần vài giọt nitrogen tetroxide rỉ vào nước, một hỗn hợp nitric acid sẽ hình thành và gặm nhấm gần như tất cả những thứ gì chạm phải nó: dây điện hoặc thậm chí vỏ nhôm của tên lửa. Tất cả các hầm chứa tên lửa lại được thiết kế chung với máy bơm nước. Đây là một trong những sai lầm có thể gây hậu quả đáng tiếc bất cứ lúc nào.

Người ta còn nhớ rằng, chỉ vài năm trước khi K-219 được giao nhiệm vụ thực hiện tuần hành ở Đại Tây Dương, hầm 16 đã bị nổ, làm chết một thủy thủ và nước tràn ngập khoang. May thay, thuyền trưởng kịp thời đưa tàu lên mặt biển và rút hết nước trong hầm ra.

Vào ngày định mệnh trong tháng 10/1986, sĩ quan vũ khí Aleksei Petrachkov đang xem xét mực nước trong hầm 6. Rõ ràng có điều gì đó không hay đang xảy ra. Ngay từ khi khởi hành, nước biển đã lọt vào hầm này và Petrachkov đã ban lệnh bơm nước ra hai lần một ngày. Tuy nhiên, nước vẫn tiếp tục rỉ vào... Lúc 22 giờ, Thuyền trưởng Britanov chuẩn bị điện về Moscow để báo cáo về độ sâu của tàu. Cũng trong lúc đó, thông báo của trạm quan sát cho biết có một tàu ngầm Mỹ đang theo dõi K-219. Britanov quyết định truy tìm đối phương.

Cách thức thực hiện như sau: K-219 sẽ thình lình hướng thẳng về phía tình nghi có đối phương rồi dừng ngay lại hoặc đánh vòng tay lái. Lúc đó, cánh quạt đuôi tàu sẽ làm cuộn lên lớp sóng rất kinh khủng. Chính lối “đánh sóng” như vậy sẽ tạo ra âm thanh dội, từ đó K-219 phát hiện được đối phương qua máy siêu âm. Hải quân Mỹ gọi cách định vị đối phương theo kiểu này là “tên Ivan điên” và rất ghét như thế. Ngay sau khi nghe hiệu lệnh của Britanov, tàu K-219 chúi đầu thẳng xuống...

Chuyện gì đã xảy ra?

Chỉ huy tàu ngầm Mỹ USS Augusta là Thuyền trưởng James von Suskil. Như tất cả viên chỉ huy tàu ngầm tấn công khác, Suskil rất hung hăng. Khi nghe trạm quan sát kêu lên: “Ivan điên!”. Suskil quyết định giữ tàu ở ngay vị trí đó và cho phát ra hàng loạt chuỗi siêu âm. Trong hải quân, chuỗi siêu âm như thế là thái độ khiêu khích sẵn sàng chiến đấu. Bỗng nhiên, Suskil nghe một tiếng gì đó. Ông đưa mắt nhìn các viên sĩ quan khác trong khoang. Họ cũng nghe. Dường như là tàu ngầm Nga bị nổ...

Cú chúi đầu đột ngột và quá dốc của K-219 khiến toàn bộ thủy thủ đoàn hoảng hốt chụp vội bất cứ thứ gì nương họ lại được. Thình lình, tiếng còi báo động vang lên trong hầm 6. Sĩ quan Petrachkov vội leo cầu thang xuống và lao về bảng điều khiển. Petrachkov đập mạnh vào nút khởi động máy bơm và nhảy đến tắt nút báo động. Thật bất ngờ, lại thêm một tiếng báo động khác. Lần này, đèn báo hỏa hoạn vụt sáng màu đỏ. Như vậy, nitrogen tetroxide đã rỉ vào nước, dung dịch nitric acid đang có mặt trong hầm 6 và có nguy cơ gặm mòn vỏ các tên lửa. Thật kinh khủng! Petrachkov chụp lấy ống nói và thét lên thông báo tình trạng khẩn cấp, đồng thời ra lệnh cho các thủy thủ trong khoang: “Đeo mặt nạ oxy vào!”. Lúc đó, K-219 vẫn lướt lên phía mặt nước hòng chỉnh đốn được tình thế nguy cấp. Ngay khi đó, bỗng có tiếng nổ dữ dội. Cả con tàu rung rinh...

Rất may là cú nổ vừa rồi chưa làm nổ tung cả chiếc tàu ngầm Nga. K-219 trồi lên được mặt nước và gấp rút thực hiện công tác cứu mạng cho những nạn nhân bị ảnh hưởng của nitric acid. Hai thủy thủ đang trong tình trạng nguy kịch. Bác sĩ Igor Kochergin tiêm thẳng qua lớp áo ướt sũng của hai nạn nhân. Không kết quả. Tiếp đó là xoa bóp tim. Cũng chẳng ăn thua. Hai thủy thủ đã chết. Petrachkov cũng chết. Điều kinh khủng lại tiếp tục xảy ra khi chất lỏng hóa học nitric acid bắt đầu loang từ khoang này sang khoang kia. Các thủy thủ vội vã đóng kín cửa ngăn các khoang để ngăn dòng chảy của nitric acid. Nhưng vô vọng. Nó vẫn tiếp tục rỉ qua các khe. Lúc ấy, lại thêm một thông báo choáng váng: lửa đang cháy dữ dội trong tầng thấp nhất ở phòng tên lửa...

Khoảng sau 7 giờ sáng, tướng Michael Bohn - Chỉ huy trưởng Phòng Tình huống (Situation Room) - nhận được một cú điện gọi đến Nhà Trắng. Thật may là hôm đó, Bohn đi làm sớm để chuẩn bị nhiều công việc quan trọng cho tuần này: Tổng thống Reagan vừa đến Trại David nhằm sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ với Tổng thống Gorbachev tại Iceland dự tính tiến hành vào tuần tới. Cú điện thoại mà Bohn nhận được gọi đến từ viên Chỉ huy trưởng Văn phòng Hành quân Hải quân Mỹ, cho biết tình trạng khẩn cấp về con tàu ngầm Nga.

Không lâu sau, Bohn có trong tay các bức ảnh chụp từ trên không cho thấy thảm cảnh của con tàu K-219. Cũng trong buổi sáng đó, Nhà Trắng nhận được điện khẩn từ Moscow, nói rằng một chiếc tàu ngầm Nga đang lâm nạn, cách Đông Bắc Bermuda 600 dặm. Bức điện thừa nhận rằng K-219 có mang theo tên lửa hạt nhân nhưng không gây nguy hiểm rò rỉ và các đội cứu hộ của Nga đang trên đường đến đó... Hôm sau, Tổng thống Reagan trở về Nhà Trắng và được báo cáo chi tiết về K-219. Ông ra lệnh báo cho Tổng thống Gorbachev biết, phía Mỹ sẵn sàng trợ giúp. Tàu cứu hộ của Mỹ USNS Powhattan lên đường...

Britanov

Tàu K-219 đã lên hẳn mặt nước. Sóng vỗ ào ạt vào con tàu. Nhiều sóng hơn có nghĩa khoang 4 nước tràn vào nhiều hơn và nhiều nước thì đồng nghĩa với nhiều nitric acid! Tạm thời, Thuyền trưởng Britanov ra lệnh thủy thủ đoàn tập trung ở khoang 8. Hầu hết các khoang khác đang bốc khói cuồn cuộn, thứ khói độc của hợp chất nitric acid. Điều Britanov lo ngại nhất là hệ thống khóa lò phản ứng hạt nhân không còn hoạt động được. Vụ cháy trong phòng tên lửa đã làm hư hại đường dây điện dẫn đến thiết bị điều khiển lò hạt nhân.

Thảm họa Chernobyl xảy ra mới 5 tháng trước đó như còn sờ sờ trước mắt. Nhưng Britanov sực nhớ còn có một hệ thống phụ để khóa lò hạt nhân. Britanov ra lệnh cho Nikolay Belikov và vài kỹ thuật viên khác thực hiện thao tác nhả các cần đóng lò. Belikov hiểu rằng anh và đồng sự phải tiến hành công việc này bằng tay. Có nghĩa là phải có một người lên phía lò và đóng 4 cái cần với một dụng cụ đặc biệt. Belikov xung phong làm công việc nguy hiểm trên. Biết rõ luồng khí độc đang hiện diện nhiều nơi, Belikov cần phải có lượng dự trữ oxy khá nhiều để có thể tiến đến lò. Các thủy thủ góp lại 6 bình đầy oxy (mỗi bình có thể cung cấp dưỡng khí trong 15 phút).

Thuyền trưởng Igor Britanov

Khoác bộ đồ bảo vệ, mang mặt nạ, Belikov tiến đến khu vực lò hạt nhân. Cả hai lò phản ứng hạt nhân đều nằm ở khoang 7. Thứ dụng cụ đặc biệt mà Belikov cần để đóng 4 cái cần gạt được cất trong cái tủ sắt. Khi tìm thấy cái tủ, Belikov nhận ra rằng nó đã bị khóa và anh thì không có chìa! Không để mất thời gian, Belikov lấy một chiếc rìu và đập mạnh vào cửa tủ. Bên trong là thứ dụng cụ anh cần, trông nó giống như cái cối xay thịt khổng lồ, rất nặng, làm toàn bằng thép. Belikov lò dò vào khu vực lò. Nóng kinh khủng, chừng hơn 380C. Khi Belikov mở cửa phòng lò hạt nhân, luồng hơi nóng bốc ra cuồn cuộn.

Lúc này, nhiệt độ đã lên đến 650C. Belikov tiến đến cái lò. Trên đỉnh hình vòm của lò có 4 hốc lục giác. Xoay 4 hốc này sẽ làm cần gạt hạ xuống đóng hoạt động của lò. Belikov đưa dụng cụ vào một hốc và xoáy. Không dịch chuyển. Ráng hết sức, anh thực hiện lại và nó bắt đầu chuyển chút ít. Nóng quá. Rất nóng. Mồ hôi chảy đầy mặt Belikov rồi anh bắt đầu hoa mắt. Belikov thở gấp. Mọi vật như nhảy múa trước mắt anh. Lúc đó, Belikov nhìn xuống bình oxy. Hết sạch. Anh cần thoát ra khỏi đây ngay...

Belikov quỵ dưới chân đồng đội. Anh mới chỉ xoáy được một chút ở hốc thứ nhất. Lò hạt nhân vẫn chưa bị đóng. Sergei Preminin vội vã mặc bộ đồ bảo vệ và gắn hai bình oxy vào thắt lưng. Belikov nhỏm dậy, chụp một bình oxy. Hai người lại tiến vào khu vực lò. Preminin khóa hốc thứ hai, trong khi Belikov làm nốt hốc thứ nhất. Sau khi quay ra ngoài báo cáo cho chỉ huy, Belikov trở lại thì nghe Preminin kêu rằng mình đã kiệt sức. Cuối cùng, cả hai người ngã quỵ, cho đến lúc đồng đội vào cứu. Người ta cởi lớp áo dày cho Belikov và đắp nước cho anh, trong khi đó, mọi người nghe qua loa nội bộ giọng của thuyền trưởng: “Tôi cần đóng cái lò đó lại. Ngay bây giờ!”. Preminin lại nhỏm dậy...

Trong khoang chỉ huy, thuyền trưởng Britanov tỏ ra rất nóng ruột. Ông nói qua hệ thống điện đàm nội bộ: “Sergei? Lò đã đóng an toàn chưa?”. Không tiếng trả lời. “Sergei!”... Cuối cùng, một giọng yếu ớt vang lên qua loa ở khoang chỉ huy: “Thưa đồng chí chỉ huy, lò...”. Giọng nói bỗng yếu đi nhưng rồi tiếp tục: “Lò đã an toàn”. Cả con tàu mừng rỡ. Sergei Preminin - con của một công nhân dệt bình thường - đã trở thành vị cứu tinh cho cả con tàu.

Nhưng rồi thảm họa vẫn chưa buông tha. Khi lết từ khoang 7 về khoang 8, Preminin xoay cái khóa cửa (ngăn hai khoang) nhưng không kéo cửa ra được. Nó bị kẹt cứng. Preminin thông báo sự cố qua microphone. Phía bên kia khoang, các thủy thủ cũng hết sức phá mạnh nhưng cánh cửa vẫn không nhúc nhích. Áp lực giữa hai khoang đã tạo ra sức hút cực mạnh làm cửa đóng chặt. Muốn mở nó, chỉ còn cách là cân bằng áp lực giữa hai khoang 7 và 8 hoặc rút áp lực của khoang 7. Khi nâng áp lực khoang 8 (để cân bằng với khoang 7), luồng khí nitric acid bỗng tràn vào. Các thủy thủ hét lên hoảng sợ. Bây giờ chỉ còn cách cuối cùng là giảm áp lực trong khoang 7.

Thuyền trưởng hỏi: “Sergei, anh vận hành hệ thống thông gió được không?”. Câu trả lời là tiếng gõ nhẹ vào micro. “Tốt! Bây giờ hãy mở van thứ nhất và van thứ hai ở cái bảng bên cạnh cửa. Làm được không?”. Lại một tiếng gõ. Thuyền trưởng đợi và đợi... “Sergei, làm xong chưa?”. Lần này, giọng Preminin vang lên trong loa: “Chưa. Van bị kẹt hết rồi”. Có tiếng thở dài và sau đó dường như là Preminin khóc. “Sergei?” - thuyền trưởng kêu... Không tiếng trả lời, tiếng gõ cũng không.

Trong khoang 8, những nạn nhân của nitric acid đang thoi thóp thở. Luồng khí độc của hóa chất nguy hiểm này đã xâm nhập vào phổi họ và phản ứng thải loại của cơ thể đã tạo ra hiện tượng xì bọt từ các hốc mũi đồng thời làm môi sưng phồng như bị phỏng. Nhiệt độ trong khoang hiện ở mức hơn 380C và có chiều hướng tăng dần. Lửa trong phòng tên lửa vẫn cháy và chuyện phát nổ các tên lửa chỉ còn là vấn đề thời gian. Khí độc bắt đầu len vào khoang 8. Thuyền trưởng Britanov buộc phải cho dời thủy thủ sang khoang 9 và 10. Sự chật chội làm các nạn nhân khó thở. Nếu không chết vì khí độc thì trước sau họ cũng chết vì bí hơi. Nhận thấy tình thế quá bi đát, Britanov ra lệnh qua hệ thống loa, cho phép thủy thủ mở nắp khoang để lên boong tàu. Một cuộc ra đi từ bỏ K-219 sắp xảy ra.

Lên đến boong, thủy thủ đoàn Nga mới biết họ không cô đơn. Trên bầu trời, chiếc máy bay P-3C Orion của Hải quân Mỹ đang lượn vòng. Khi Britanov điện về Bộ Chỉ huy, phía Nga cũng phái 3 tàu hàng đến. Sự hiện diện của quân Mỹ khiến Britanov lo ngại rằng họ sẽ đổ xuống chiếm lĩnh K-219. Khi 3 chiếc tàu Nga đến (tàu Krasnogvardeysk, Fyodor Bredikhin và Anatoly Vasiliev), Britanov mừng rỡ, cho phép thủy thủ đoàn rời K-219, chỉ ở lại nhóm điều khiển. Ngay lúc đó, một vị khách lạ mặt xuất hiện: tàu Powhattan của Mỹ. Tàu Krasnogvardeysk được giao nhiệm vụ kéo K-219 về nước. Công việc móc nối được tiến hành khá khó khăn và chỉ kéo được một quãng ngắn thì dây cáp đứt tung. Một lần nữa, K-219 nằm bất động.

Bỗng tàu Powhattan tiến đến gần sát K-219. Britanov đinh ninh người Mỹ chuẩn bị tấn công. Tuy nhiên, không thấy phía Mỹ động tĩnh gì. Sáng hôm sau, một trong những chiếc tàu cứu hộ của Nga lại cập vào K-219 để chở nốt nhóm thủy thủ còn lại. Từng người lần lượt ra đi, cuối cùng chỉ còn mỗi Britanov. Ông vẫy tay, nói: “Tôi ở lại”. Không muốn người Mỹ chiếm K-219, Britanov muốn tự mình đánh chìm nó. Ông bước xuống khoang tàu, mở hệ thống thông nước. K-219 từ từ chìm.

Britanov leo vội lên boong, cắt dây treo lá cờ của tàu, nhét vào ngực rồi nhảy lên chiếc bè cứu sinh. Nhưng vừa ngay lúc đó, chiếc bè bị hút theo dòng xoáy của K-219 đang chìm. Vài phút sau, chiếc bè màu vàng nổi lên. Một thuyền cứu hộ Nga lập tức lao đến đó, với Kapitulsky (một trong những sĩ quan của K-219). Đưa mắt xuống chiếc bè, Kapitulsky toát mồ hôi khi thấy toàn nước với nước. Britanov đâu? Kapitulsky nhảy xuống bè, chân anh chạm vào cái gì đó. Đưa tay xuống dò dẫm, Kapitulsky cảm nhận khuôn mặt, bộ râu quai nón. Britanov còn sống!

Trong 115 người sống sót, có hai người chết bởi vết thương quá nặng và 11 người bị tật nguyền vĩnh viễn... Ngày 27/8/1994, một buổi lễ được tổ chức ở Gadzhievo, cảng của con tàu K-219, để tưởng nhớ những thủy thủ đã hy sinh. Bầu trời sáng sủa, trong trẻo. Ánh nắng hắt vào những khuôn mặt sĩ quan K-219 và gia đình họ. Ở một góc, người ta thấy một tượng đài với hai người lính đứng nghiêm hai bên. Đó chính là tượng đài được dựng lên để ghi nhớ hành động quả cảm của Sergei Preminin, người được tặng thưởng huy chương Sao Đỏ.

Khi tiếng quân nhạc nổi lên, các sĩ quan và thân nhân họ tiến đến tượng đài đặt vòng hoa. Lúc đó, bỗng xuất hiện một người đơn độc, cầm bó hoa. Đám đông xì xào rồi tự nhiên im bặt. Một sĩ quan kêu to: “Tất cả chú ý!”. Với vóc dáng thẳng đứng, khuôn mặt cương nghị, đầu đội mũ bêrê, Igor Britanov bước giữa hai hàng sĩ quan, đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm Preminin, rồi quay lại. Các sĩ quan lao lên ôm chầm ông...

(Xem tiếp kỳ sau)

Mạnh Kim