Những người mẫu "nude tử tế"

09:56 | 08/04/2015

4,617 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có rất nhiều những mẫu vẽ đang cộng tác với Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, ĐH Kiến trúc, Cao đẳng Nhạc họa Trung ương... Nhưng rất khó khăn, người viết mới tìm được nhân vật chịu tâm sự về nghề.

Năng lượng Mới số 411

Nghề “giấu giếm”

Đa phần người mẫu được hỏi đều chối đây đẩy về cái nghề mình đang làm: Người thì né tránh rằng chẳng có gì hay ho mà kể, người tỏ ra thất vọng rằng báo chí, truyền thông cũng nói mãi rồi nhưng có thay đổi được gì đâu, người đời kỳ thị thì vẫn hoàn kỳ thị đấy thôi.

Không phải ngẫu nhiên lại có những lời “nói dỗi” để rồi đa phần người mẫu vẽ đều giấu biệt về nghề nghiệp của mình.

Chị Phạm Thị L, một mẫu có thâm niên cộng tác cho Trường ĐH Mỹ thuật hơn 20 năm kể: Quả thực không giấu cũng không được khi nghề này vẫn còn phải nhận nhiều búa rìu từ dư luận. Trong số mẫu nữ của chúng tôi, có trường hợp vì nói thật với người yêu về nghề nên người ta đã bỏ luôn. Quá sốc nên đến giờ chị này vẫn một mình lẻ bóng.

Lại có trường hợp một mẫu nam đang làm nghề thì bị người yêu phát hiện, cô ta bắt chọn một là nghề, hai là cô ấy. Cuối cùng anh chàng này đành ngậm ngùi bỏ nghề. Với những trường hợp như vậy thì dù có yêu nghề đến mấy cũng chịu.

Anh Lương Văn T đang làm mẫu vẽ cho sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam

Là một trong số ít người dám nhận làm nghề và yêu nghề, chị L phân trần: “Một phần trong tôi có máu nghệ thuật nên tôi dám nói là tôi thích nghề. Tôi quan niệm rằng làm gì cũng được, miễn tiền mình kiếm ra là chân chính”.

Hào hứng là vậy nhưng khi nhắc đến nghề, chị L vẫn không tránh khỏi ngậm ngùi. Chị bảo: “Ban đầu đã lường trước được hết những khó khăn nhưng khi vào việc thì mới tá hỏa. Mặc dù đã chuẩn bị sẵn tư tưởng nhưng khi bắt đầu vào công việc thì lại… run”.

Nhớ nhất là khoảnh khắc đầu tiên phải cởi bỏ áo quần trước bao con mắt săm soi vào cơ thể mình, khiến chị như muốn khóc thét. Đã thế, trong đám sinh viên cũng có bạn lần đầu phải vẽ nude cũng… khóc theo. Quả thực lúc đó, chị chỉ muốn độn thổ. Sau lần đó, chị phải lấy hết can đảm để đi làm tiếp.

Đến bây giờ, chị đã trở thành một trong những người mẫu kỳ cựu có kinh nghiệm được nhiều sinh viên quý mến. Theo chị L: Với nhiều mẫu vẽ mới vào nghề còn mắc cỡ nên không dám chia sẻ với sinh viên. Nhưng riêng chị thì khác, chị hay tâm sự để họ hiểu mình hơn, giảm bớt những cảm giác xa lạ, hay bỡ ngỡ cho cả người vẽ lẫn mẫu. Với chị, làm mẫu cho sinh viên là nhàn nhất, còn khổ sợ nhất là phải đi làm mẫu bên ngoài.

Chị L từng làm mẫu cho cả họa sĩ nước ngoài, thế nhưng theo lời chị thì: Mỗi lần làm là một lần… khóc. Bởi tư thế mà họa sĩ yêu cầu rất “quái”, mẫu phải vận động toàn thân, hay đứng nghiêng, ngửa trong cùng một tư thế đến cả tiếng đồng hồ. Khỏi phải nói, làm mẫu xong là toàn thân như bị tra tấn.

Cũng là một người tâm huyết với nghề như chị L, anh Lương Văn T có cơ duyên đến với nghề từ năm 2002. Hồi đó, do nghỉ mất sức nên anh được một người giới thiệu đến làm mẫu vẽ cho sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật.

Anh T nói: “Ban đầu chỉ do tò mò nên nghĩ cứ thử đi làm xem sao, dù sao cũng thêm đồng ra đồng vào. Thế mà lại làm cho tới tận bây giờ”.

Anh kể: “Công việc này không nặng nhọc như bốc vác, phụ hồ... nhưng vẫn yêu cầu cần có sức khỏe tốt. Bởi có những lúc phải ngồi bất động hàng giờ đồng hồ. Nếu không có sức khỏe thì không trụ nổi. Khốn khổ nhất là trời mùa đông lạnh thì mẫu vẫn cứ phải cởi quần áo, mỗi lần vẽ xong là cơ thể… tím ngắt”.

Mỗi chân dung - một số phận

Vất vả là vậy nhưng tiền công của những người mẫu sống rất khiêm tốn. Mỗi buổi làm mẫu kéo dài trong 3 giờ đồng hồ ở các trường, họ được trả tiền công dao động 140.000-200.000 đồng. Tiền công cũng tùy vào đặc điểm cơ thể của mẫu, như người mẫu lớn tuổi sẽ cao hơn người mẫu trẻ vì họ có thể hình đẹp. Đẹp ở đây không phải là cơ thể nuột nà mà có khi đẹp bởi các nếp nhăn, hình dáng có khi càng khắc khổ các tốt, cơ bụng có ngấn và đặc biệt là biết cách tạo hình ấn tượng. Tùy theo yêu cầu của họa sĩ mà mẫu đứng, ngồi nhưng ở trạng thái “nude” là điển hình nhất. Khi nude mà phải đứng thì không còn gì mệt hơn bởi toàn bộ trọng lực cơ thể dồn vào đôi chân, đứng lâu sẽ rất mệt mỏi.

Tiền công bèo bọt là vậy nên những người đến với nghề cũng là “vạn bất đắc dĩ” và hầu hết những mẫu vẽ mà chúng tôi gặp đều là những thân phận gặp nhiều mất mát. Người thì không không vợ, người không chồng sống thui thủi một mình, một số sống với cha mẹ già, một số khác thì nhiều lần đò rồi cũng là bến không…

Một trong những nhân vật khiến người viết bị ám ảnh nhất là ông H, người đã dành trọn một đời người cho nghề mẫu vẽ. Với hầu hết lứa sinh viên của Trường ĐH Mỹ thuật đều biết đến ông. Người đàn ông này cũng từng là nguyên mẫu trong bộ phim “Mùa ổi” nổi tiếng của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Thực ra thì đã lâu lắm rồi ông H không còn đến trường nữa. Ông đã già và đầu óc cũng chẳng còn minh mẫn… Người đàn ông đã ở cái tuổi 76 không còn nhiều sức khỏe để lăn lộn với nghề như trước. Hoàn cảnh của ông cũng đáng thương khi không gia đình, không con cái, gia tài ông còn lại sau hơn 50 năm gắn với nghề làm mẫu vẽ là một vài bức chân dung các họa sĩ yêu quý tặng lại.

Mẫu nude trong một trường mỹ thuật

 

Bây giờ, khi đã “về hưu” thì ông vẫn tuần vài ba buổi ngồi làm mẫu cho đám sinh viên luyện thi. Ông tâm sự rằng: Cuối đời rồi chỉ còn chút niềm vui nho nhỏ, làm cho đỡ nhớ nghề mà cũng đỡ tủi cho phận mình. Đến với nghề mẫu vẽ như một cái duyên nên dù có hình dáng không nổi trội nhưng ông lại rất “đắt show”. Họa sĩ và sinh viên lại thích cái dáng người gầy guộc, lọng khọng của ông nên đó cũng là điều giúp ông được an ủi để bám trụ với nghề.

Cũng như những nghề khác thì để bám trụ được với nghề họ cũng phải rèn luyện cho cơ thể mình thật đẹp. Như những người như ông H, anh T thì cơ thể một là càng khắc khổ, hai là càng “phì nhiêu” càng tốt. Còn những mẫu nữ như chị L dù có già, có nhăn nheo vẫn phải… “có dáng”. Nên để có một cơ thể đẹp thì chị phải thường xuyên giữ chế độ ăn và luyện tập thể dục thể thao hợp lý.

 Vất vả là vậy nhưng đâu đó vẫn còn nhiều tiếng ong tiếng ve đối với cái công việc vốn được xem là “hy sinh” vì nghệ thuật này. Mà có sướng sung gì đâu, khi rõ ràng là làm nghề nhưng đâu có danh, có phận, làm nghề không đủ sống họ vẫn phải bươn chải những nghề khác để kiếm tiền. Có người phải làm thêm nghề giúp việc, có người phải bươn chải mưu sinh với gánh hàng rong… Như đợt tới, sinh viên vào 3 tháng hè thì người mẫu lại rơi vào cảnh thất nghiệp. Thế nên mặc dù làm lâu, cũng yêu đấy, cũng gắn bó đấy, tha thiết đấy nhưng nhiều người không làm “tròn trịa” được với nghề. Bởi gánh nặng mưu sinh khó nói lại thêm phần tủi cực không nói hết được, mà có muốn nói cũng chẳng thể bởi ít người cảm thông được với nghề. Thành thử có bao nhiêu tâm sự của họ như được trút hết lên dáng người, lên đôi mắt và vào tận trong… tranh.

Có một nghịch lý rằng, dù có thâm niên cống hiến hàng chục năm, là thành viên của tổ người mẫu của trường đại học nhưng các người mẫu “sống” không hề nhận được bất kỳ khoản trợ cấp hay chế độ đãi ngộ nào: Bảo hiểm y tế không có, hợp đồng làm việc cũng không, thậm chí những lúc đau ốm vì cởi truồng chịu lạnh làm mẫu cũng phải tự bỏ tiền túi mua thuốc men. Ngay như ông H, ông đã đi với nghề mẫu đến cuối cuộc đời thế nhưng về già ông vẫn phải “chắt bóp”, rồi gắng gượng làm thêm để sống.

Quả thực, có tận mắt chứng kiến họ làm nghề, nhìn ngắm những chân dung ngoài đời thực đầy sống động đi vào tranh đầy thân phận mới càng xót xa. Họ, những người gắn bó với nghề lâu nhất cũng hơn 50 năm, rồi 20 năm, ít nhất cũng chục năm có lẻ… Cũng được gọi là mẫu vẽ chuyên nghiệp, ở một mức độ nào đó họ có đóng góp không nhỏ vào biết bao tác phẩm nghệ thuật cũng như thành công của biết bao thế hệ sinh viên học mỹ thuật, thế nhưng cuối cùng thì một danh phận cho những con người khổ ải này cũng không hề có.

Huyền Anh