Như thế là rất dân chủ

14:23 | 13/03/2016

1,306 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
70 năm trước, khi chuẩn bị tổ chức cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói một câu rất tiêu biểu cho nền dân chủ nhân dân của nước ta trong thuở ban đầu và vẫn còn nguyên giá trị cho đến bây giờ: “Hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử”.

Kết quả là, trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa I, hầu như địa phương nào cũng có người ra ứng cử. Tháng 4-1992, Quốc hội khóa VIII đã thông qua Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), trong đó quy định công dân có quyền tự ứng cử, đồng thời có quy định rất cụ thể về tiêu chuẩn ĐBQH. Ở cuộc bầu cử Quốc hội khóa IX, Quốc hội khóa X đều có người tự ứng cử. Đến khóa XI có tới 67 người tự ứng cử. Kỳ bầu cử Quốc hội khóa XII, số người tự ứng cử đã lên tới 223 vị, nhiều gấp hơn 3 lần số người tự ứng cử ĐBQH khóa XI. Riêng tại TP Hồ Chí Minh có số người tự ứng cử đông nhất - 101 người; Hà Nội có 53 người. Đến kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIII, tuy số người tự ứng cử có ít hơn nhưng số người tự ứng cử trúng cử lại tăng lên tới 4 người. Tuy nhiên, do nhiều lý do nhưng chủ yếu là khâu sàng lọc có thiếu sót nghiêm trọng nên trong nhiệm kỳ đã có 2 đại biểu bị bãi miễn, trong đó có một người bị vướng vòng lao lý.

nhu the la rat dan chu

Trở thành ĐBQH là một vinh dự lớn, nhưng làm ĐBQH lại là một công việc không đơn giản. ĐBQH không chỉ cần có tâm, có tầm mà còn cần cả những kỹ năng đại diện, kỹ năng tương tác với cử tri cũng như với các cơ quan chức năng; kỹ năng phát biểu, tranh luận tại nghị trường… Đó là chưa kể cần tới kỹ năng sử dụng các thủ tục, quy trình nghị trường để tác động vào nghị trình, vào chính sách.

Trong các khóa gần đây từng có ĐBQH dẫu đủ các tiêu chuẩn cần thiết nhưng vô vị. Suốt nhiệm kỳ, cử tri không hề thấy đại biểu của mình phát biểu câu nào dù không vắng mặt bao giờ. Hóa ra vị này thuộc diện cơ cấu và trở thành nghị sĩ “mười rằm cũng ừ, mười tư cũng gật, nếu gọi là “nghị gật” cũng chẳng sai chút nào

Công cuộc đổi mới 30 năm qua đã đưa đất nước đến con đường hội nhập với thế giới không chỉ về kinh tế mà còn về cung cách tư duy, văn hóa, lối sống. Trong bối cảnh đó, Quốc hội khóa XIV phải xứng tầm Quốc hội của một thời kỳ mới - thời kỳ đổi mới và hội nhập sâu rộng hơn. Đó vừa là yêu cầu của dân chủ, vừa là đòi hỏi của thực tế nhằm đưa đất nước lên một trình độ phát triển cao hơn.

Tuy thời hạn nhận đơn ứng cử vẫn còn và số người tự ứng cử đang tiếp tục nộp hồ sơ nhưng bước đầu qua các thông tin trên mạng xã hội cử tri đã thấy đã có hiện tượng tự ứng cử nhằm biến mình thành một “hiện tượng thí nghiệm” - một phép thử xem việc tự ứng cử có bị gây cản trở hay không. Lại có người ứng cử theo “mốt” hoặc tự ứng cử để lấy tiếng. Tất cả những hành vi này không khó để cử tri thông thái phát hiện vì nó xa lạ với bản chất dân chủ của cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Nhấn mạnh yếu tố “đủ điều kiện” của những người tự ứng cử, ông Nguyễn Văn Pha, Phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận xét, lần này người tự ứng cử còn có điểm thuận lợi hơn so với người được cơ quan, tổ chức giới thiệu.  Và người tự ứng cử đương nhiên cùng nhóm được giới thiệu để Mặt trận hiệp thương một cách bình đẳng không lệ thuộc vào cơ cấu ĐBQH.

Theo ông Nguyễn Văn Pha, người tự ứng cử nên cân nhắc đối chiếu với những tiêu chuẩn được Luật Bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND quy định để xem xét xem mình có đủ điều kiện để ra ứng cử hay không. Những người tự ứng cử phải hết sức nghiêm túc nếu cảm thấy mình đủ tiêu chuẩn hãy ra ứng cử, chứ đừng coi bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp theo cách nghĩ “được chăng hay chớ”, không thành công cũng thành… danh gây mất thời gian cho cả ban bầu cử, cử tri. Ông Nguyễn Văn Pha cho biết, đã có những người tự ứng cử không qua được vòng “sát hạch” là Hội nghị cử tri nơi cư trú chỉ vì ít được cử tri biết đến và ít tham gia các hoạt động bình thường tại khu dân cư nơi mình sinh sống. Đó là lý do giải thích vì sao nhiều người tự ứng cử không đạt được quá bán số cử tri tham gia Hội nghị cử tri nơi cư trú đồng tình, ủng hộ. Đây là một trong những căn cứ để hội nghị hiệp thương lần thứ 3 loại người tự ứng cử ấy ra khỏi danh sách. Chắc chắn đây là một cuộc “lấy phiếu tín nhiệm” cần thiết. Một khi người tự ứng cử đã không gương mẫu, không được tín nhiệm tại nơi cư trú thì không thể đại diện cho cử tri cả nước hay của một tỉnh được nên không đưa vào danh sách chính thức là vì vậy. Khóa trước từng có người tự ứng cử  chỉ được  0% tín nhiệm của các cử tri tại nơi công tác. Đây chính là dấu hiệu của dân chủ trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV cũng như bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

 

Minh Nghĩa

Năng lượng Mới 504