Nhiều cơ hội bị bỏ lỡ

19:00 | 31/05/2013

336 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nhóm nghiên cứu của Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng nhóm cố vấn là những chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước và khu vực vừa công bố bản Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2013 với chủ đề “Trên đường gập ghềnh tới tương lai”. Theo đó, rất nhiều băn khoăn, lo lắng về thực trạng của nền kinh tế Việt Nam đã được báo cáo đưa ra khiến người ta không khỏi đặt dấu hỏi: Nền kinh tế - “Cỗ xe nặng nề” đang trên con đường gập ghềnh sẽ đi về đâu khi “… nhiều cơ hội tăng trưởng nhanh đi liền với cải cách kinh tế đã bị bỏ lỡ”.

Ám ảnh nợ xấu và tăng trưởng

Có thể thấy rằng, với chủ đề: “Trên đường gập ghềnh tới tương lai”, bản Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2013 gần như ngay lập tức tạo cảm giác không mấy lạc quan về nền kinh tế. Thậm chí, ngay trong phần đầu của báo cáo, nhóm tác giả đã đưa phép so sánh: Khi năm 2013 kết thúc cũng là thời điểm đánh dấu một giai đoạn 6 năm sau khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (2008-2013), tốc độ tăng trưởng bình quân của nền kinh tế chỉ đạt 5,8%, thấp hơn con số tăng trưởng 7,35% trong giai đoạn 6 năm trước (2002-2007). Đây thực sự là một kết quả hết sức đáng buồn với nền kinh tế bởi kể từ khi gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam đã có thêm nhiều cơ hội mở rộng hợp tác đầu tư, tìm kiếm, phát triển thị trường mới…

TS Nguyễn Đức Thành, Chủ biên của bản báo cáo đưa nhận định: Trong 5 năm qua, cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới cùng những khó khăn, bất ổn kinh tế trong nước đã đặt Việt Nam trước những thách thức to lớn và một nhu cầu cải cách mãnh liệt. Nhiều chương trình chính sách đã được đặt ra, đặc biệt là chương trình cải cách tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Nhưng thời gian cứ trôi qua và có nhiều lý do để ngày càng hoài nghi về khả năng đất nước có thể thực hiện được những ý tưởng cải cách cấp bách đặt ra.

Việt Nam cần một mô hình tăng trưởng mới

Đi vào phân tích cụ thể, TS Nguyễn Đức Thành cho biết: Trong năm 2012, gần như toàn bộ nền kinh tế rơi vào trạng thái suy kiệt khi cả đầu tư và tiêu dùng cá nhân (hai yếu tố chính trong tổng cầu) tiếp tục bị thu hẹp. Trên thị trường chính, không có chuyển biến đột phá khi những điểm tắc nghẽn mấu chốt là nợ xấu và hàng tồn kho chưa được khai thông, khu vực bất động sản tiếp tục đông cứng và suy giảm. Môi trường kinh doanh và đầu tư suy yếu cùng với lãi suất tín dụng vẫn bị kẹt ở mức cao đã đẩy hơn 5 vạn doanh nghiệp (DN) rời khỏi thị trường…

Đề cập sâu tới vấn đề xử lý nợ xấu ở Việt Nam, nhóm tác giả cho rằng: Các giải pháp xử lý nợ xấu và tái cấu trúc cần được thực thi kết hợp với giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế gồm khu vực DN và khu vực công. Mục tiêu của chương trình xử lý nợ xấu và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cần được xác định rõ ràng. Đối với xử lý nợ, trước hết cần xác định đúng quy mô, mức độ nghiêm trọng và tác động của nợ xấu tới nền kinh tế. Đối với Công ty quản lý tài sản (VAMC) thì nguồn vốn, lộ trình xử lý nợ xấu, quy trình xử lý… cần được đề cập rõ ràng.

Chia sẻ quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, Chính phủ và cơ quan quản lý cần có biện pháp mạnh để giải quyết vấn đề nợ xấu ngân hàng, tình trạng “đóng băng” của thị trường bất động sản cũng như nợ của các DN Nhà nước. Đây là những khoản nợ hoặc đọng vốn rất lớn, được ví như những “cục máu đông”, nên phải kiên quyết gạt bỏ, xử lý một cách khôn ngoan, tránh hệ lụy dây chuyền sang các lĩnh vực khác.

Từ đó, ông đưa khuyến cáo: DN cần kiên quyết từ bỏ cách làm cũ, lạc hậu là khai thác tài nguyên rồi xuất khẩu nguyên liệu thô, rồi sau đó lại nhập khẩu các loại thành phẩm của các nước láng giềng. Để thực hiện điều này cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan và hỗ trợ, định hướng của Chính phủ.

Cũng trong bản báo này, nhóm tác giả cũng đi phân tích các yếu tố khác như lạm phát, thị trường lao động, thuận lợi và khó khăn của nền kinh tế khi gia nhập Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc…

Hai kịch bản tăng trưởng

Sau khi đưa những đánh giá tổng quan về nền kinh tế, báo cáo nhấn mạnh: Cũng tương tự như năm 2012, năm 2013 tiếp tục có thêm dư địa chính sách nhờ lạm phát tương đối thấp nhưng các vấn đề của nền kinh tế vẫn là điều đáng lo ngại nhất. DN tiếp tục suy yếu, các giải pháp chính sách không đủ mạnh và môi trường truyền dẫn chính sách kém hiệu quả, làm biến dạng mục tiêu mong muốn, đều là những nhân tố cản trở sự phục hồi kinh tế. Hai kịch bản dự báo được xây dựng cho thấy tăng trưởng của năm 2013 chỉ tương tự như năm 2012, cho thấy nền kinh tế tiếp tục đi ngang trong thế chờ đợi những điều chỉnh thực sự trong cấu trúc kinh tế. Kịch bản thấp dự báo mức tăng trưởng đạt khoảng 5,04%, trong khi kịch bản cao hơn cũng chỉ đạt mức là 5,35% (số liệu này được tính toán dựa theo phương pháp tính GDP mới, theo giá cố định năm 2010). Lạm phát của năm 2013 được dự báo đạt mức tương đối ổn định, trong vùng dự kiến từ 4,95% đến 6,64%.

Hai vấn đề “nóng” cũng được bản Báo cáo đặt ra trong ngắn và trung hạn là giải quyết nợ xấu trong hệ thống tài chính và sự phục hồi của khu vực DN. Và để thực hiện được điều này, Báo cáo nêu kiến nghị: Những vấn đề dài hạn cần được đặt ra thông qua những bước đi cụ thể ngay từ lúc này, bao gồm việc cải thiện môi trường kinh doanh, khôi phục niềm tin của dân chúng và nhà đầu tư, giảm mệnh lệnh hành chính và can thiệp Nhà nước trong hoạt động kinh tế, cải cách quan hệ đất đai và cấu trúc thị trường nông nghiệp.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần phải nghiêm túc xem xét lại mô hình kinh tế để sớm định hướng một mô hình mới. Và nếu tiếp tục né tránh nhận thức một cách dứt khoát và rõ ràng về mô hình mới cho phát triển kinh tế, cùng những thể chế hỗ trợ phù hợp thì các cuộc cải cách sẽ không có mục tiêu thực sự và Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội đi tới tương lai bằng con đường bằng phẳng.

Đưa quan điểm về vấn đề này, ông Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia gợi ý: Nền kinh tế nước ta ngày càng hướng về xuất khẩu cũng như phụ thuộc vào kết quả xuất khẩu. Vì vậy, Chính phủ cần lưu ý đến việc hỗ trợ cho hoạt động này thông qua những chính sách hợp lý, kịp thời. Bên cạnh đó, cũng nên quan tâm thỏa đáng đến việc từng bước xóa bỏ sự chênh lệch giữa kim ngạch xuất khẩu của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài với DN trong nước nhằm nâng cao vị thế DN nội. Thời gian tới, nên đầu tư thỏa đáng cho việc đổi mới công nghệ, ưu tiên công nghệ cao để tiến tới xóa bỏ tình trạng sử dụng công nghệ cũ, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm - vốn là hạn chế của hàng hóa Việt hiện nay.

“Năm 2013 và những năm tiếp theo, Chính phủ vẫn kiên trì mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu để tạo sức cạnh tranh mới cho nền kinh tế, cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển theo hướng bền vững trong thời hội nhập” - ông Ngoạn nhấn mạnh.

Tham dự buổi lễ công bố báo cáo với vai trò phản biện, hầu hết các chuyên gia đều bày tỏ quan điểm không mấy lạc quan về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2013 và những năm tiếp theo. Và để hạn chế tối đa yếu tố tiêu cực, giới chuyên gia nhấn mạnh: Cần sớm hình thành thị trường và tổ chức chuyên mua bán nợ và tài sản để làm đầu mối, công cụ xử lý nợ xấu, từ đó phục vụ mục tiêu tái cơ cấu, lành mạnh hóa hoạt động tài chính - ngân hàng. Bênh cạnh đó, Chính phủ cũng cần phải quyết liệt cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh để nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế trước những thị trường đầu tư mới nổi như Myanmar.

Thanh Ngọc