Nghệ sỹ Chí Trung tiếc khi chưa trở thành người như bố muốn

11:20 | 30/06/2011

1,468 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Là con trai của NSND Quý Dương nhưng Chí Trung không nối nghiệp cha, trở thành một nhạc công hay ca sĩ, anh rẽ sang một lối nhỏ khác của nghệ thuật: Trở thành diễn viên.

Thế nhưng trong suốt phần đời đã trải qua, Chí Trung luôn thấy ở mình hiện diện những đặc tính của cha: Cương trực, không luồn cúi và hết mình cho công việc. Tuy nhiên, điều anh tiếc nhất trước lúc rời xa người dứt ruột sinh thành ra mình là không thể trở thành một người như ông muốn.

Vợ chồng NSND Quý Dương và gia đình NSƯT Chí Trung

Cha anh, NSND Quý Dương đã phải làm bạn với Bệnh viện 108 gần chục năm trời và những năm gần đây, thời gian ở viện của ông nhiều hơn ở nhà. Chí Trung thừa nhận, với cha, anh không có cách thể hiện tình cảm kiểu sách vở: Phủ phục bên giường bệnh của bố hằng ngày để hỏi “Bố ơi, bố cần gì”. Anh quan tâm đến bố bằng hành động thiết thực hơn là lao động để có thể giúp ông giảm nỗi lo về tiền bạc.

Sự ra đi của người cha đối với con cái bao giờ cũng là nỗi đau không gì bù đắp. Thế nhưng, NS Chí Trung cho biết, sự ra đi của bố anh lần này với riêng ông lại là một sự giải thoát. Bởi ông đã sống ở bệnh viện nhiều năm, những năm gần đây NSND Quý Dương phải chạy thận, thay tim và sống rất vất vả với những cơn đau. “Bố với tôi chưa bao giờ ôm nhau, chưa bao giờ vuốt tóc nhau” nhưng NS Chí Trung cho rằng, “cách thể hiện đó không phải là chúng tôi kém yêu thương hơn nhà khác”. NSND Quý Dương cũng từng thể hiện sự hài lòng về cậu con trai ngang bướng của mình: “Chí Trung rất được”.

Cũng chính ông từng tỏ ý nuối tiếc về việc con trai đang chuyển hướng sang diễn hài kịch nhiều quá mà quên đi một mảng anh từng làm rất tốt: Chính kịch. Nhưng khi mang điều này hỏi Chí Trung, anh lại thẳng thắn: “Mỗi thời kỳ lịch sử có những sứ mệnh khác. Sẽ chẳng có gì tiếc cả, ngay cả báo chí cũng thế, những bài chính luận, thời sự xã hội cũng đang dần nhường chỗ cho những vấn đề giải trí, rẻ tiền, chân dài, hoa hậu, vậy thì trách làm gì nghệ sĩ”. Kiên định một suy nghĩ, nghệ thuật phải phục vụ con người và ngoài việc thỏa mãn đam mê thì nhu cầu “giữ lửa” cho anh em trong đoàn cũng là nhiệm vụ rất lớn đặt lên vai một trưởng đoàn như anh. Chí Trung thừa nhận điều bố nói là đúng, bởi anh biết hiện tại anh đang nhảy lò cò một chân, điều ấy không nằm trong tự trọng nghề nghiệp và mong muốn của mình.

Thế nhưng luôn nhìn vào thực tế và đấu tranh cho những điều có ý nghĩa hơn là cách Chí Trung đã từng làm. Anh cho biết, việc chuyển sang diễn hài nhiều hơn cũng chỉ là để duy trì tình yêu nghề với hơn 40 diễn viên trong đoàn do anh làm lãnh đạo. Anh hy vọng khi nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng được đánh thức, anh vẫn có nghệ sĩ phục vụ họ. Rồi một lần nữa Chí Trung khẳng định: Trở thành con người ngày hôm nay, từ gen đến nhân cách anh đều được thừa hưởng từ gia đình và cụ thể là từ bố “Ngay cả tính cách ngay thẳng, tôi được thừa hưởng từ bố. Bố tôi không biết luồn cúi để có được công danh”

Sống với bố không nhiều, vì khi anh lớn lên thì ông được nhà nước cử đi Bugaril học về thanh nhạc, đến khi ông về nước Chí Trung sống với mẹ nhiều hơn. Sau này lớn lên, anh xây dựng gia đình nhưng Chí Trung vẫn nhận thấy mạch đập trong anh, suy nghĩ và cá tính của anh đều là của bố: “Tôi có gen tính cách là người bạo miệng, quyết đoán, hoạt ngôn, dám nghĩ dám làm và không thích luồn cúi”.

Ngay cả cách quan tâm đến người thân chỉ bằng hành động cũng là điều nghệ sĩ Chí Trung thừa nhận “suy cho cùng tôi cũng thừa hưởng cá tính ấy của ông”.

Hỏi anh trong giây phút ông ra đi có điều gì còn hối tiếc, NS Chí Trung trả lời rằng: "Tôi chỉ buồn vì đến khi ông mất tôi vẫn chưa trở thành một người như ông muốn. Nhưng có lẽ đó là cái “nợ đồng lần”. Chí Trung nghĩ vậy vì anh cho rằng, có lẽ đối với con mình, anh cũng sẽ có những mong muốn mà con không bao giờ làm anh thỏa nguyện. Nhưng điều lớn nhất và quan trọng nhất anh đã làm được là sống một đời ngay thẳng như ông.

Tối nay, em trai của Chí Trung sẽ từ Mỹ trở về Hà Nội. Và 10h sáng thứ sáu, ngày 1/7 gia đình sẽ tổ chức lễ truy điệu cho ông tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng. Một giọng ca vượt thời gian sẽ về hát ở cõi bên kia, không còn đau đớn.

Hằng Nga