Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc: Nhả tơ một kiếp

09:13 | 08/08/2011

1,075 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Anh diễn giỏi, hát hay, múa dẻo; từ đóng kịch, hát cải lương, vũ đạo, kịch câm, dàn dựng… đều làm được hết. Vì vậy, công chúng “âu yếm” gọi anh là gã phù thủy, là người đa nhân cách…

50 năm tuổi đời với 42 năm tuổi nghề, thật hiếm nghệ sĩ nào ở Việt Nam có thời gian hoạt động nghệ thuật gần bằng tuổi đời như anh. Tài năng thiên bẩm cộng với niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng đã mang về cho anh rất nhiều giải thưởng, nhưng đối với anh đó không phải là điều quan trọng mà cái tuyệt vời hơn là vai diễn của anh luôn được khán giả nhớ và nhắc tới. Để rồi, sau mỗi lần cởi bỏ chiếc mặt nạ trên sân khấu, anh trở về bên cạnh mẹ hiền nhưng quên tìm cho mình một mái ấm riêng…

NSƯT Thành Lộc qua các vai diễn (Ảnh: Trần Tiến Dũng).

50 năm tuổi đời - 42 năm nghiệp diễn

Trong vở kịch “Ca sĩ ngôi sao” (tác giả Lê Hoàng, đạo diễn Vũ Minh) vừa ra mắt trên sân khấu Idecaf, NSƯT Thành Lộc đóng vai nhân viên bảo vệ cho một ca sĩ ngôi sao. Làm bảo vệ nhưng thực chất là một “đối tác”, hay đúng hơn, là người bán giọng ca cho chàng ca sĩ trẻ. Chàng ca sĩ có ngoại hình cao ráo, biết nhảy giỏi nhưng hát dở nên phải “mua” giọng ca của một người “lùn”, “xấu”, vô danh để trở thành ca sĩ ngôi sao trong mắt người hâm mộ. Vai diễn đã mang theo một phần sự thật của Thành Lộc khi tiếng hát vang lên qua nhiều ca khúc trong toàn vở đều là của anh. Không chỉ ở vở “Ca sĩ ngôi sao” này mà trong nhiều vở kịch trước đó, anh cũng đã có dịp thỏa sức thể hiện giọng hát trời cho, như một con tằm muốn rút hết ruột gan để nhả đến sợi tơ cuối cùng cho đời.

Nhìn Thành Lộc trong vai người bảo vệ với trang phục bình thường và gương mặt mộc ít phấn son người ta không khỏi se lòng bởi chợt thấy thời gian mới khắc nghiệt làm sao. Chỉ còn ít tháng nữa, đến ngày 3-11 năm nay, anh sẽ bước qua tuổi 50. 50 tuổi đời, 42 tuổi nghề! Quả là “bóng câu qua cửa sổ” bởi trong mắt không ít người, mới ngày nào, cậu bé 8 tuổi Thành Tâm với gương mặt sáng trưng, lanh lợi, biết làm đủ trò từ ca, múa, diễn kịch trong Ban Kịch thiếu nhi của nghệ sĩ Xuân Phát trên Đài Truyền hình Sài Gòn; đến một diễn viên nhí xuất sắc 14 tuổi Thành Lộc – ngôi sao của Đội múa Nhà thiếu nhi TP HCM đã làm rạng danh thiếu nhi Việt Nam trong Liên hoan thiếu nhi thế giới diễn ra tại Liên Xô sau khi đất nước thống nhất; rồi là một diễn viên trẻ nổi bật nhất trong “thế hệ vàng” của kịch nói được đào tạo chính quy ở miền Nam vào thập niên 80 của thế kỷ trước, với những vai diễn ngay thuở ban đầu đã làm mê mệt người xem như nhân vật thầy thuốc trong vở kịch “Thầy thuốc biết bay”, Trung sĩ Pierre Borondin trong “Đêm họa mi”, ông Sĩ trong “Những khoảnh khắc còn lại”…

Trong sự nghiệp mà độ dài gần ngang với tuổi đời ấy, Thành Lộc hầu như thâu tóm hết các giải thưởng mà người ta đặt ra để trao tặng cho người xuất sắc trong hoạt động nghệ thuật như huy chương trong các cuộc hội diễn, liên hoan như: Giải Mai vàng, Cù nèo vàng, HTV Award… Có những khoảng thời gian, anh gần như không có đối thủ trong các cuộc bình chọn. Có lẽ, Thành Lộc là diễn viên hiếm hoi, nếu không muốn nói là duy nhất trong 3 thập niên trở lại đây, có thể hóa thân thành công vào nhiều dạng vai, từ người đến thú, từ thiếu nhi đến người lớn, từ già tới trẻ, từ đàn ông đến đàn bà, từ bình thường đến đồng tính, từ kẻ nghèo khổ lam lũ đến người giàu có sang trọng… Anh diễn giỏi, hát hay, múa dẻo; từ đóng kịch, hát cải lương, vũ đạo, kịch câm, dàn dựng… đều làm được hết. Vì vậy, công chúng “âu yếm” gọi anh là gã phù thủy, là người đa nhân cách…

Con đường rẽ ngang

Thành Lộc là con út trong một gia đình có truyền thống 5 đời làm nghệ thuật. Ông nội là bầu Nở, chủ gánh hát bội nổi tiếng một thời ở Vĩnh Long; ông ngoại là bầu Thắng, cũng là một tên tuổi lẫy lừng trong giới hát bội ở Sài Gòn. Cha là NSND hát bội Thành Tôn, mẹ là nghệ sĩ Huỳnh Mai, các anh chị ruột hầu hết đều theo nghệ thuật như Bạch Lê, Bạch Lý, Bạch Long…

Anh sinh ra vốn hay đau ốm, khó nuôi nên được mẹ đưa lên dâng cho Phật ở chùa Tân Nghĩa (Gò Vấp) với pháp danh Thích Thiện Tâm (nên có tên là Thành Tâm khi đóng kịch trong Ban Kịch thiếu nhi của nghệ sĩ Xuân Phát) và cho mặc áo đầm, để tóc dài thắt nơ giả làm con gái, đến tuổi đi học mới được cắt tóc ngắn trở lại con trai. Cũng như hầu hết anh chị em trong dòng họ, Thành Lộc lớn lên trong tiếng đờn ca ngày đêm tại đình Cầu Quan (quận1, TP HCM), nơi tá túc của nhiều gia đình nghệ sĩ hát bội nên nghệ thuật đã trở thành một thứ “huyết quản” trong anh từ tấm bé. Vì quá thấm nỗi nhọc nhằn của nghề hát nên NSND Thành Tôn luôn muốn kéo các con mình, nhất là cậu con trai út Thành Lộc rẽ sang một hướng khác, một công việc ổn định, bình thường nên bắt cậu phải ưu tiên cho việc học văn hóa, mặc dù từ 8 tuổi, Lộc đã tỏ rõ năng khiếu nghệ thuật. Năm học lớp 11, biết được Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (tiền thân Trường đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM hiện nay) mở lớp đầu tiên đào tạo diễn viên kịch nói, anh đã lén cha nộp đơn đi thi vào sân khấu.

Thành Lộc là người duy nhất trong dòng họ có truyền thống 5 đời theo tuồng cổ dám bỏ kịch hát để theo kịch nói. Nhưng theo nhận xét của nhiều người, nếu như ngày ấy anh theo nghề múa, hẳn cũng sẽ trở thành một vũ công xuất sắc. Bởi anh là một người, trừ chiều cao, còn lại hội đủ tố chất của một người làm nghệ thuật tương đối toàn diện. Yếu tố thông minh, độ nhạy cảm cùng với sự say mê đến cuồng nhiệt đã khiến anh như kẻ lên đồng mỗi khi được đứng trên sân khấu. Mặc cho chiều cao khiêm tốn từng khiến cho hội đồng tuyển sinh ngày trước có đôi chút ngập ngừng khi chấm cho anh đậu, Thành Lộc đã trở thành “kép chính” ngay từ vở bài tập đầu tiên anh tham gia và là một người khó thể thay thế trong bất cứ vai nào anh từng thủ diễn.

Sức nhạy cảm cộng với sự thông minh đã giúp anh đóng thành công nhiều dạng vai, rất sâu sắc trong những vai chính kịch, rất linh động trong những vai hài hước, vui nhộn song anh đặc biệt yêu thích loại hình ca vũ kịch theo dạng veau de ville của châu Âu. Vì vậy, khi có cơ hội được dàn dựng những vở như “Tin ở hoa hồng”, “Ngàn năm tình sử”, Thành Lộc đã dồn hết sở thích của mình vào đó, mà vô tình, anh như người khai sáng ra một dạng kịch mới (cũ người mới ta) cho sân khấu Việt Nam.

Ở lĩnh vực dàn dựng, tuy thuộc dạng “tay không bắt giặc”, chỉ được đào tạo chính quy nghề diễn viên nhưng anh đã khiến cho không ít những đạo diễn học hành trường lớp phải giật mình. Ngoài khả năng “nói”, Thành Lộc còn có khả năng thể hiện bằng ngòi bút khá mạch lạc và sắc sảo. Ngoài nghệ sĩ “cải lương chi bảo” Bạch Tuyết, có lẽ Thành Lộc là người thứ hai trong giới diễn viên sân khấu có tài viết lách khiến không ít người làm báo chuyên nghiệp phải kính nể.

Sau ánh đèn sân khấu

Sự nhạy cảm của Thành Lộc không chỉ thể hiện trong các vai diễn mà còn bộc lộ trong cuộc sống đời thường. Anh tâm sự rằng, mình đã từng trải nghiệm những cuộc tình chóng vánh, những cuộc tình ngộ nhận, những cuộc tình đơn phương.

Anh thường khóc nhiều mỗi khi rung động, không chỉ trong những lần chia tay người yêu mà cả khi xem phim, bắt gặp những tình huống buồn đau. Nhưng anh lại là người không dễ yêu, nhìn lại có đến gần nửa đời qua anh sống mà không có tình yêu. Vì quá thông minh và từng hóa thân thành công với các nhân vật của mình, nên khi đối diện với một ai, chỉ bằng quan sát, anh đã biết người ta đang nghĩ gì, nên khó có cô gái nào có khả năng làm mềm được trái tim anh. Cũng vì quá nhạy cảm, Thành Lộc thường hành xử theo cảm tính trong mối quan hệ với những người xung quanh, đặc biệt với những ai mà anh cho là có sự đố kỵ hoặc không thiện tâm với mình.

Nhưng sự nhạy cảm cũng giúp anh tỉnh táo trong việc nhìn nhận về cái được và chưa được trong việc làm nghề. Trước những mỹ từ được người ta hào phóng tặng như phù thủy, quái kiệt… anh càng thấy mình chỉ như “Hai Lúa” trước những thành tựu của đồng nghiệp trên thế giới, ở các sân khấu tiên tiến mà anh có dịp nhìn thấy, cũng như trước những điều anh mơ ước với điều kiện thực tiễn. Anh từng buồn bã thổ lộ, ở Việt Nam mình, muốn làm 10, chỉ làm được 5 là nhiều.

Không thích sự hào nhoáng ồn ào nhưng cũng không dễ dãi xuề xòa ở quán ăn vỉa hè như nhiều bạn nghề, những khi rảnh rỗi, anh thường một mình tìm đến một nơi sang trọng nào đó, chọn một góc yên tĩnh để ăn uống, thư giãn. Đó là những phút giây anh sống cho riêng mình, như để tự thưởng cho những lao động cực nhọc vừa qua.

Một cú ngã từ độ cao 3m, dập 3 đốt xương sống khi đang diễn, một cây gai xương trong cổ xém đâm vào thanh đới cách đây không lâu, như treo mạng sống bằng sợi chỉ mành, càng khiến anh nhận rõ hơn sự bọt bèo của danh vọng. Đôi khi nhìn xuống khán phòng trống không khán giả, anh chợt nghĩ nếu một mai không còn diễn được nữa mình sẽ sống thế nào, rồi ai nuôi mẹ… Gia đình ngày xưa sum vầy, nay anh chị em mỗi người một ngả. Anh hiện đang sống cùng với mẹ, trong ngôi nhà mà anh mua và xây dựng bằng tiền của mình làm ra. Đó chính là nơi anh hạnh phúc quay về sau mỗi đêm mệt nhoài trên sàn diễn, bên người mẹ thân yêu đêm đêm vẫn thao thức chờ tiếng gọi cửa của đứa con trai út, mà cơ thể thịt da ngay từ khi mới sinh ra, đã như chiếc áo quá chật trước “kích thước” của một tài năng.

Cát Vũ

Hầm chôn chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới

Hầm chôn chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới

(PetroTimes) - Nằm sâu 450m dưới lòng đất đảo Olkiluoto (Phần Lan), Onkalo - hệ thống lưu trữ và xử lý chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới sắp hoàn thành...