Ngành dược chỉ đáp ứng được hơn 50% nhu cầu trong nước

07:00 | 17/12/2019

912 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mặc dù quy mô thị trường đã tăng 11,5% so với năm trước, nhưng tình hình sản xuất dược phẩm trong nước vẫn còn nhiều hạn chế, chỉ đáp ứng được khoảng 52,5% nhu cầu dược phẩm trong nước, số còn lại phải nhập khẩu.    
nganh duoc chi dap ung duoc hon 50 nhu cau trong nuocRa mắt website ngân hàng dữ liệu ngành Dược
nganh duoc chi dap ung duoc hon 50 nhu cau trong nuocThúc đẩy ngành hàng tiêu dùng nhanh và ngành dược phẩm tại Việt Nam
nganh duoc chi dap ung duoc hon 50 nhu cau trong nuocLuật Dược sửa đổi: Có thúc đẩy ngành Dược phát triển?

Theo thống kê của BMI Research, năm 2018, quy mô thị trường ngành dược Việt Nam đạt giá trị 5,9 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm trước. Tuy vậy, tình hình sản xuất dược phẩm trong nước vẫn còn nhiều hạn chế, chỉ đáp ứng được khoảng 52,5% nhu cầu dược phẩm trong nước, số còn lại phải thông qua nhập khẩu.

Tính đến 15/09/2019, kim ngạch nhập khẩu thuốc là 2,144 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương con số tăng thêm khoảng 200 triệu USD.

Tính đến 16/5/2019, Việt Nam có khoảng 180 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm và 224 cơ sở sản xuất nhà máy trong nước đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc). Các công ty dược trong nước chủ yếu sản xuất dạng bào chế đơn giản, thực phẩm chức năng, và các loại thuốc generic (dược phẩm hết thời hạn bảo hộ độc quyền).

nganh duoc chi dap ung duoc hon 50 nhu cau trong nuoc
Ngành dược chỉ đáp ứng được hơn 50% nhu cầu trong nước

Về thị phần phân phối thuốc, hiện nay phân phối qua đấu thầu thuốc bán cho bệnh viện (kênh ETC) đang chiếm khoảng 70% thị trường thuốc, chỉ 30% còn lại là dành cho các nhà thuốc bán lẻ (kênh OTC), trong khi cả nước có khoảng 57.000 nhà thuốc và quầy thuốc. Sự phát triển của kênh ETC là do: chính sách bảo hiểm y tế của Chính phủ, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ngày càng cao dẫn đến việc chi tiêu thuốc cho khu vực này sẽ ngày càng chiếm chủ đạo trong tương lai; Thứ hai, khối bệnh viện tư nhân ngày càng phát triển mạnh mẽ góp phần gia tăng thuốc trong khối điều trị; Thứ ba, nhận thức về sức khỏe ngày càng được nâng cao sẽ làm nhiều người đến bệnh viện hơn.

Theo dự báo 5 năm tiếp theo, ngành dược Việt Nam sẽ tiếp tục nằm trong nhóm 20 quốc gia có mức tăng trưởng mạnh và ổn định nhất thế giới. Do tốc độ già hóa dân số nhanh, tình trạng ô nhiễm môi trường và mức độ quan tâm của trên 97 triệu dân đến các vấn đề sức khỏe ngày càng cao, sẽ là lý do để ngành dược phát triển quy mô.

Theo nghiên cứu của IBM, độ lớn thị trường dược phẩm nước ta sẽ đạt 7,7 tỷ USD vào năm 2021, và lên đến 16,1 tỷ USD năm 2026, với tỷ lệ tăng trưởng kép lên tới 11% tính theo đồng Việt Nam.

Hãng nghiên cứu thị trường IMS Health cũng dự báo chi tiêu cho dược phẩm bình quân đầu người tại Việt Nam sẽ nâng lên mức 50 USD/người/năm vào năm 2020.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất dược lớn đang tiến hành đầu tư nâng cấp nhà máy, hứa hẹn sẽ tạo những bước phát triển mới cho sản phẩm dược trong nước, nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm nhập khẩu.

Theo kết quả khảo sát, 100% các chuyên gia nhận định ngành dược Việt Nam trong giai đoạn 2019 - 2020 sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số, trong đó gần 80% chuyên gia cho rằng tăng trưởng sẽ tiếp tục ổn định ở mức từ 10 - 15%.

Nguyễn Bách