Nga - Mỹ khai hỏa cuộc chiến “cấm - phong tỏa”

08:00 | 22/03/2014

4,852 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Danh sách các quan chức bị cấm đi lại và phong tỏa tài sản của Mỹ, EU và Nga mỗi lúc một dài thêm…

Nga - Mỹ khai hỏa cuộc chiến “cấm - phong tỏa”

Biếm họa về cuộc đấu Nga-Mỹ

Cuộc khủng hoảng Ukraina đang trở nên sôi động trên chính trường quốc tế. Sau khi Crưm chính thức hoàn tất mọi thủ tục pháp lý để sáp nhập vào Nga, Mỹ và EU đã công bố danh sách bổ sung những quan chức Nga bị nhập cảnh và bị phong toả tài sản. Ngày 20-3, Tổng thống Barack Obama ký sắc lệnh áp dụng biện pháp chế tài với 11 người có liên hệ mật thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời cũng là những người mà Washington nói rằng liên quan trực tiếp đến chuyện gây bất ổn cho Ukraina.

Như vậy, tổng cộng số người bị Mỹ chế tài trong chuyện này đã lên tới 20 người, tất cả đều bị phong tỏa tài sản đang có tại Mỹ và cấm vào đất Mỹ chưa kể đến Ngân hàng Bank Rossiya, một ngân hàng có liên hệ trực tiếp với Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga, cũng bị phong tỏa tài sản đang có ở Mỹ và không được hoạt động tại Mỹ.

Sau Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cũng tuyên bố bổ sung danh sách những cá nhân người Nga và Ukraina bị trừng phạt vì vai trò trong cuộc khủng hoảng ở Ukraina.

Hãng tin Bloomberg cho biết, EU đưa thêm 12 nhân vật vào danh sách bị đóng băng tài sản và cấm visa. Tính đến ngày hôm qua, số chính trị gia và tướng lĩnh quân đội Nga và Ukraina bị EU trừng phạt đã lên tới 33 người. Nhìn chung danh sách cấm vận của EU và Mỹ không khác nhau nhiều. Ngoài ra, EU cũng hủy kế hoạch tham dự cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Vladimir Putin tại Sochi, Nga vào tháng 6 này.

Các nhà quan sát cho rằng việc cập nhật danh sách cấm vận và phong tỏa trên nằm trong chiếc lược “trả đũa từng bước” của phương Tây với Nga, giống như những gì họ đã làm trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây, chính phủ Matxcơva cũng thông báo áp dụng biện pháp tương tự đối với 9 quan chức và chính trị gia của Mỹ, trong đó có cả ông Chủ tịch Hạ viện John Boehner và Thượng nghị sĩ John McCain, những người bị chỉ trích là có lập trường thù nghịch với Nga.

Bản thông cáo do Bộ Ngoại giao Nga phổ biến nói rằng như Kemlin đã cảnh cáo từ trước, tất cả những biện pháp cấm vận, chế tài đều là con dao hai lưỡi, sẽ gây trở ngại cho chính Mỹ hoặc bất cứ quốc gia nào có ý định gây khó khăn cho Nga. Và cũng để “trả đũa từng bước”, hôm qua Bộ Ngoại giao Nga đang đề xuất một danh sách bổ sung những quan chức Mỹ và EU sẽ bị Nga trừng phạt. Danh sách đen này sẽ sớm được Điện Kremlin công bố.

Câu hỏi được đặt ra là các biện pháp cấm vận và trả đũa giữa Nga và phương Tây có tác động như thế nào và sẽ đi đến kết cục gì?

Muốn biết tác động của các lệnh cấm vận này ra sao thì hay xem phản ứng của các bên. Ngay sau khi Mỹ và EU đưa ra danh sách các quan chức Nga bị cấm vận, ngày 17-3, Phó Chủ tịch Duma quốc gia Nga Sergei Zheleznyak chế giễu những lệnh trừng phạt này là vô nghĩa và thậm chí là như trò trẻ con. Các nghị sĩ Nga còn soạn một bản tuyên bố đề nghị Tổng thống Mỹ Barack Obama và các quan chức EU đưa tất cả đại biểu Duma đã tán thành sáp nhập Crưm vào “danh sách đen”, và rằng các quan chức Nga khi không có tài khoản ở nước ngoài thì chịu lệnh trừng phạt của Mỹ như thế nào.

Ngược lại, ngay sau khi Nga công bố danh sách các quan chức Mỹ bị cấm vào Nga và bị phong tỏa tài sản, phía Mỹ cũng lên tiếng phản ứng một cách hài hước. Hôm 20-3, Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner nói rằng chẳng những ông không lấy làm khó chịu, mà còn “tự hào” được liệt vào một danh sách những người dám chống lại Tổng thống Nga Vladimir Putin. Các nhận định tương tự cũng được đưa ra bởi chủ tịch Uỷ ban Ngoại vụ Thượng viện, nghị sĩ Dân chủ Robert Menendez.

Như vậy có thể thấy các biện pháp trừng phạt và trả đũa của các bên dường như chỉ mang tính hình thức. Những biện pháp chế tài và trả đũa cho thấy cả Mỹ, EU và Nga vẫn hy vọng sẽ đạt được một giải pháp chính trị đối với Nga liên quan đến câu chuyện Ukraina, trước khi đi đến những quyết định cứng rắn hơn.

Điều này được Tổng thống Mỹ Barack Obama nói đến trong bài phát biểu ngắn của ông ở Nhà Trắng. Giải pháp đang được nói đến là Nga thảo luận trực tiếp với chính phủ lâm thời Ukraina, và trong trường hợp Matxcơva không làm điều này, lúc đó EU và Mỹ mới ban hành những biện pháp gắt gao hơn.

Trong quá khứ, Nga đã từng đáp trả các biện pháp trừng phạt có chủ đích một cách tỉ lệ thuận. Năm 2012, một danh sách đen của Mỹ nhằm vào các quan chức Nga đổ lỗi cho cái chết của luật sư Sergei Magnitsky năm 2009, đã khiến nước này năm ngoái cũng bị trả đũa với một danh sách tương tự các quan chức Mỹ bị cấm nhập cảnh.

Danh sách quan chức Mỹ bị Nga trừng phạt bao gồm:

Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes và Caroline Atkinson; Thượng nghị sĩ John McCain, Harry Reid, Robert Menendez, Daniel Coats và Mary Landrieu; Chủ tịch Hạ viện John Boehner và phát ngôn viên Dan Pfeiffer và một cố vấn cấp cao của Tổng thống Barack Obama.

Ngày 18/3, Tổng thống Obama áp đặt các biện pháp chế tài những cá nhân sau đây vì gây phương hại đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina:

1. Viktor Yanukovych, Tổng thống Ukraina bị lật đổ.

2. Viktor Medvedchuck, cựu trưởng ban hành chính của Tổng thống Ukraina.

3. Sergei Asksyonov, Thủ tướng Crưm.

4. Valentina Marviyenko, Chủ tịch Thượng viện Nga.

5. Dmitry Rogozin, Phó thủ tướng Nga.

6. Sergei Glazyev, cố vấn Tổng thống Nga.

7. Vladislav Surkov, trợ lý Tổng thống Nga.

8. Yelena Mizulina, đại biểu Quốc hội Nga.

9. Andrei Klishas, đại biểu Quốc hội Nga.

10. Leonid Slutsky, đại biểu Quốc hội Nga.

11. Vladimir Konstantinov, Chủ tịch Quốc hội Crưm.

 

Th.Long