Khuyến khích biên soạn sách giáo khoa theo vùng

18:00 | 04/11/2013

975 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Để đảm bảo SGK mới đáp ứng đầy đủ các chức năng giáo dục và tránh chênh lệch giữa các vùng miền; nhiều chuyên gia đã khuyến khích biên soạn SGK theo 3 vùng: Đô thị, nông thôn và miền núi, vùng dân tộc thiểu số.

>> CẤU TRÚC SGK SAU 2015: Lấy học sinh làm trung tâm để thay đổi

>> Xây dựng SGK phải gần gũi với cuộc sống

Đảm bảo 3 chức năng cơ bản

Theo GS.TS Nguyễn Lộc (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), việc biên soạn và phát triển SGK phổ thông phải tuân theo định hướng xây dựng chương trình sau năm 2015, kiến thức sẽ chú trọng vào giải quyết các tình huống trong cuộc sống hàng ngày, chỉ lựa chọn một số nội dung cơ bản, thiết thực, gần gũi nhằm hình thành năng lực, giúp HS giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. SGK cần bảo đảm 3 chức năng: Thông tin; Hướng dẫn và Kích thích.

Bên cạnh đó, tùy theo SGK đa môn hay đơn môn mà lựa chọn cách trình bày cấu trúc nội dung, không nên trình bày đơn vị bài học theo tiết, mà nên theo chủ đề nội dung ứng với các tình huống tích hợp. Với một chương trình quốc gia nên có nhiều bộ SGK. Trong đó Bộ GD-ĐT là cơ quan trực tiếp thẩm định SGK và cho phép sử dụng nếu bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, số bộ SGK không nên quá nhiều, có thể biên soạn theo 3 vùng: Đô thị, nông thôn và miền núi, vùng dân tộc thiểu số.

SGK mới có thể được biên soạn theo vùng, miền để đảm bảo chất lượng giáo dục.

Về vấn đề này, GS Leif Oestman (ĐH Tổng hợp Uppsala, Thụy Điển) đưa ra kinh nghiệm: Trước đây, SGK phổ thông của Thụy Điển đã được biên soạn theo quan điểm thuần túy và khoa học, có nội dung và cấu trúc nặng tính hàn lâm, HS tiếp thu khó. Nhưng gần đây, Thụy Điển đã có những đổi mới một cách căn bản trong quan niệm xây dựng chương trình và biên soạn SGK. SGK mới được thiết kế theo quan điểm của khoa học ứng dụng, trong đó việc trình bày kiến thức, kỹ năng hướng tới và liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của HS. Việc tích hợp lồng ghép các giá trị của đời sống được coi trọng đặc biệt.

Thứ trưởng  Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng cho rằng: “SGK phải có cấu trúc, nội dung, cách tiếp cận và hình thức trình bày đáp ứng tốt nhất sự sáng tạo chủ động của giáo viên, HS trong quá trình dạy và học, phù hợp với các đặc điểm về điều kiện giáo dục của cả nước cũng như các vùng, miền.

Chúng ta phải xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá SGK để làm căn cứ xuất phát cho các tác giả, đồng thời làm công cụ cho việc đánh giá, thẩm định SGK giúp Bộ GD-ĐT trong việc phê duyệt, cho phép sử dụng SGK trong dạy học”.

Cần thay đổi SGK theo hướng bền vững

GS.TS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, thường trực Ban Chỉ đạo Đề án Đổi mới chương trình và SGK phổ thông sau 2015 cho rằng: SGK trong nhà trường hiện đại vừa chứa đựng lượng thông tin khoa học lớn, vừa là kịch bản định hướng tổ chức hoạt động dạy - học và buộc tác giả phải có năng lực "2 trong 1".

Ở nước ta không có cơ sở nghiên cứu soạn SGK riêng như một số nước trên thế giới, cho nên không có đội ngũ các nhà sư phạm chuyên sâu, hoạt động chuyên nghiệp biên soạn SGK, nên tuy có chuyên môn sâu nhưng hạn chế về tri thức giáo dục học.

GS.TS Đinh Quang Báo cũng cho rằng: "Tuy nhiên, nếu chúng ta có biện pháp tổ chức nhân sự, bồi dưỡng trao đổi những lý luận cơ bản về SGK, đặc biệt có chế độ đãi ngộ, động viên xứng đáng về vật chất và tinh thần thì có thể khắc phục nhược điểm đó".

Để SGK mang tính bền vững từ 10-15 năm, “người anh học xong có thể em học lại vẫn được”, theo PGS. Nghiêm Đình Vỳ (Chủ tịch Hội đồng bộ môn Lịch sử (Bộ GD-ĐT) nhận định: “Trước hết phải huy động một lực lượng chuyên gia giỏi, chuyên gia giỏi và thêm một tầng lớp người trẻ giỏi vì các em tiếp cận được quốc tế rất nhiều, thành thử như môn Sử một số thầy có kinh nghiệm nhưng cũng phải có lớp trẻ để tiếp cận SGK của các nước để ứng dụng được chuẩn chương trình chứ không phải chương trình chuẩn để có thể sử dụng được 5-10 năm và sau đó là kế thừa những cái gì được tiếp tục sử dụng, những cúa gì cần bổ sung. Vì quá trình kinh tế  -  xã hội luôn phát triển.

Khi biên soạn SGK cần có sự vào cuộc của nhiều lực lượng dưới sự kiểm định chất lượng của Bộ GD-ĐT.

Phải bổ sung cho cập nhật. Đây là phương án rất tiết kiệm. Hơn nữa quá trình đổi mới cũng phải làm thật khẩn trương, chứ cứ thí điểm vài năm rồi mới đến thời gian dạy thì chương trình lại cũ mất, có thể làm từ lớp 1, lớp 2”.

Bên cạnh đó, GS. Hoàng Tụy nêu quan điểm, không nên trao độc quyền biên soạn và xuất bản SGK cho một cá nhân hay một  tổ chức nào, kể cả của Bộ GD-ĐT. Mà thay vào đó, cần cho phép bất cứ ai cũng được quyền biên soạn, xuất bản SGK. Tuy nhiên để bảo đảm chất lượng tối thiểu cần thiết, chỉ những SGK nào đã qua sự thẩm định của một Hội đồng có thẩm quyền của Bộ GD-ĐT mới được phép dùng trong trường học.

GS Hoàng Tụy khẳng định: “Sẽ có nhiều bộ SGK được phép dùng và qua cạnh tranh thực tế các SGK sẽ được cải tiến, sửa chữa những sai sót, nâng cao dần chất lượng về cả nội dung lẫn hình thức trình bày. Kinh nghiệm thực tế ở các nước cho thấy qua quá trình sàng lọc thực tế đó thường chỉ tồn tại vài ba bộ hay 4 - 5 bộ SGK có chất lượng để dùng cho nhiều năm. Những SGK tốt nhất có khi tồn tại qua mấy thế hệ mà chỉ lâu lâu mới có những chỉnh sửa không đáng kể”.

Không phủ nhận, nội dung SGK là một trong những yếu tố quyết định chất lượng giáo dục, bên cạnh yếu tố giáo viên, hệ thống tổ chức giáo dục và hệ thống chương trình… SGK phổ thông hiện tại đang bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được đòi hỏi của sự nghiệp CNH - HĐH và hội nhập quốc tế.

Vì vậy, đa số những người làm giáo dục khẳng định, việc đổi mới căn bản, toàn diện SGK phổ thông sau 2015 là cấp bách, không thể trì hoãn. Để thực hiện được mục tiêu này, điều quan trọng là đổi mới và hiện đại hóa SGK theo quan điểm của giáo dục hiện đại: Lấy HS làm trung tâm, công nghệ giáo dục và giáo dục bền vững. 

Nhã Anh

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...