Nhật Bản sẽ bảo vệ Senkaku bằng gì?

07:00 | 30/06/2013

733 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nhật Bản vừa có một động thái mới nhất trong kế hoạch bảo vệ đảo Senkaku trước những mối đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc.

Để ứng phó với Trung Quốc, Nhật Bản tăng cường triển khai tên lửa Patriot-3, lực lượng giám sát bờ biển, radar và máy bay chiến đấu...

Tờ báo Sankei của Nhật số ra ngày 26/6 cho biết, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang bắt tay nghiên cứu vấn đề chế tạo tên lửa đạn đạo với tầm hoạt động 400-500km. Loại vũ khí mới này theo các quan chức quân sự Nhật sẽ đáp ứng nhu cầu ngăn chặn cuộc xâm lược quần đảo Senkaku tiềm năng, vốn được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

Tờ báo cho biết thêm, kế hoạch chi tiết sẽ được trình bày trong tháng 7 này như một phần của công tác rà soát chương trình dài hạn về an ninh quốc gia Nhật. Hoạt động chế tạo tên lửa đạn đạo mới có thể bắt đầu vào đầu năm tới sau khi được Quốc hội Nhật Bản chấp thuận.

Nhật Bản dự kiến triển khai các tên lửa mới tại Okinawa. Thời gian bay từ Okinawa đến Senkaku khoảng 5 phút. Báo Sankei nhận xét, đây sẽ là lần đầu tiên Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được trang bị vũ khí tấn công tầm xa.

Sách lược phòng bị của tàu chiến Nhật Bản trước thách thức từ Trung Quốc trong vấn đề đảo Senkaku.

Nếu các bên liên quan cho đây là một động thái mạnh mẽ thì giới quan sát không nhận thấy điều bất ngờ và ngạc nhiên trong bước hành động của chính phủ Nhật Bản. Chuyên gia Nga Dmitry Streltsov cho biết: “Quyết định của Chính phủ Nhật Bản là một bước đi được dự đoán, hoàn toàn hợp lý với chính sách dài hạn về xây dựng tiềm năng quân sự. Đặc biệt, thực tế đáng lưu ý là năm ngoái, Nhật Bản tuyên bố nhu cầu sở hữu sức mạnh quân sự đủ khả năng tấn công căn cứ đối phương ở ngoài biên giới. Trước hết, tuyên bố đề cập tới các cơ sở quân sự trên lãnh thổ Triều Tiên. Tuy nhiên, nhiệm vụ có thể được phân tích một cách mở rộng: Nhật Bản đang chuyển đổi từ học thuyết phòng thủ thuần túy sang học thuyết tấn công phủ đầu. Đây là một bước ngoặt chất lượng của chính sách quốc phòng và sẽ được Nhật Bản tiếp tục trong tương lai”.

Ông Dmitry Streltsov tin rằng Quốc hội Nhật Bản sẽ hỗ trợ dự án này. Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền có thể thuyết phục đồng minh ưa chuộng hòa bình là đảng Komeito về tầm quan trọng thông qua sản xuất các tên lửa tầm trung. Lý lẽ ở đây rất rõ ràng: căng thẳng tình hình ở Đông Bắc Á trong tương quan chương trình quân sự Triều Tiên và các động thái tích cực của Trung Quốc đòi trả lại quần đảo Điếu Ngư.

“Tất nhiên, Nhật Bản nỗ lực sở hữu tên lửa tầm trung không phải để phóng vào Trung Quốc ngay trong cơ hội đầu tiên: trên hết và quan trọng nhất, đây là những công cụ kiềm chế” - ông Streltsov nhận định.

Máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-3C của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đang tuần tra ở đảo Senkaku

Các chuyên gia cũng không thấy có lý do để e ngại rằng sự phát triển tên lửa đạn đạo sẽ thúc đẩy Nhật Bản chế tạo cả vũ khí hạt nhân. Mặc dù từ lâu, Nhật Bản có chiến thuật duy trì các tiềm năng khoa học và công nghệ đủ để chế tạo bom hạt nhân, đồng thời sở hữu khối lượng vật liệu phân hạch cần thiết cho mục đích này, nhưng trong tương lai gần vấn đề vũ khí hạt nhân ở Nhật Bản không được đặt ra. Hơn nữa, chính Mỹ cũng không ủng hộ Nhật Bản trở thành cường quốc hạt nhân.

Ông Dmitry Streltsov nêu hy vọng rằng, Trung Quốc sẽ có phản ứng bình tĩnh với sự xuất hiện tên lửa đạn đạo mới ở Nhật Bản. Tuy nhiên, không thể tin chắc Trung Quốc không thông qua động thái đáp lại.

S.Phương (Theo AFP, RIA)