Một năm thắng ít, bại nhiều của Obama

07:00 | 25/12/2013

1,079 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phát biểu trong cuộc họp báo cuối năm - cuộc họp báo quan trọng nhất trong năm mới đây, đánh giá tổng kết năm sắp hết, Tổng thống Mỹ Barack Obama không cho rằng, 2013 là năm thất bại trong nhiệm kỳ tổng thống của ông nhưng đã phải thừa nhận rằng ông đã bị vấp một vài cú ngã trong năm 2013.

Năng lượng Mới số 285

"Chúng ta có những lúc được và chưa được và chứng kiến những ít nhất 15 khoảnh khắc gần như bế tắc chính tại căn phòng này. Nhưng điều mà tôi tập trung mỗi ngày là làm thế nào để các gia đình và người dân Mỹ có thêm một chút cơ hội, an toàn, để họ cảm thấy rằng mình vẫn đang tiến bước” - tờ Guardian trích phát biểu của ông Obama. Tuyên bố của Tổng thống Mỹ đã phản ánh một thực tế là trong năm 2013, ông đã liên tiếp gặp phải nhiều khó khăn, thậm chí thất bại, không chỉ trong lĩnh vực đối ngoại mà còn ở địa hạt đối nội - những thất bại mà một số thành công đạt được của vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ cũng không bù đắp nổi.

Vố đau lớn nhất đối với Tổng thống Mỹ có lẽ là bước đầu trầy trật của việc áp dụng đạo luật cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế được gọi nôm na là Obamacare mà ông ra sức bảo vệ. Chính Tổng thống Mỹ cũng thừa nhận đây là sai lầm lớn nhất của mình trong năm. Ngay ngày đầu tiên khai trương hôm 1/10/2013, cổng thông tin Internet trên nguyên tắc là nhằm cung cấp bảo hiểm y tế cho 30 triệu người Mỹ hiện không được bảo hiểm, đã bị trục trặc đáng kể buộc chính quyền phải khẩn cấp chữa cháy. Ngoài ra, theo Hãng tin Pháp AFP, hàng ngàn người Mỹ đã nhận ra rằng hệ thống mới sẽ buộc họ phải từ bỏ bảo hiểm hiện tại, với hệ quả là chi phí đóng góp sẽ gia tăng, trái với cam kết mà Tổng thống Obama từng đưa ra từ năm 2009, tiền đóng bảo hiểm của mỗi người sẽ không tăng.

Những trục trặc kể trên đã xóa nhòa thắng lợi mà Tổng thống Mỹ vừa giành được trước đó, khi đảng Cộng hòa, dù chiếm đa số ở Hạ viện, đã không thành công trong việc hủy bỏ hay dời ngày áp dụng luật Obamacare.

Cũng trong lĩnh vực đối nội, dù hết sức năng nổ, vận động, thuyết phục, đặc biệt là sau vụ thảm sát kinh hoàng học sinh tại Newtown, Tổng thống Obama đã không buộc Quốc hội thông qua được đạo luật nhằm kiểm soát súng ống một cách nghiêm ngặt hơn.

Thất bại thứ ba của ông Obama trong lĩnh vực đối nội liên quan đến lĩnh vực cải cách vấn đề nhập cư, một trong những cam kết quan trọng của ông khi tranh cử. Dự luật này đã được Thượng viện mà đa số thuộc Dân chủ thông qua, nhưng vẫn còn kẹt tại Hạ viện trong tay đảng Cộng hòa.

Theo ông Thomas Mann, chuyên gia về chính trị học tại Viện Brookings, “Hạ viện Mỹ trong năm tới có thể tích cực hơn đối với vấn đề người nhập cư, nhưng không nên hy vọng là điều đó sẽ dẫn đến một đạo luật đầy tham vọng”.

Trong lĩnh vực đối ngoại, phải nói là Tổng thống Mỹ đã thất bại trong việc thuyết phục các dân biểu, nghị sĩ về tính đúng đắn của chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria mà ông tán đồng. Tuy nhiên, đến gần phút tưởng như nguy cơ chiến tranh đang đứng trước bờ vực thì ông Obama đã biết “quay đầu lại” bằng một thỏa thuận với Nga, đạt được giải pháp hòa bình cho khủng hoảng Syria.

Thất bại khiến ông Obama “muối mặt” nhất có lẽ là những tiết lộ của  Edward Snowden - cựu kỹ thuật viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), về chiến dịch ăn cắp thông tin ở quy mô toàn cầu mà Washington đã tiến hành. Vì những vụ này mà ông Obama đã bị lâm vào cảnh khó ăn, khó nói với các đồng minh và nhiều đồng nhiệm từng bị Mỹ nghe trộm, từ bà Angela Merkel - Thủ tướng Đức, cho đến bà Dilma Russeff - Tổng thống Brazil.

Trong bối cảnh đó, cũng phải công nhận rằng trong năm 2013 này, Tổng thống Obama đã ghi được một vài thành công, dù khiêm tốn.

Trước hết là lần đầu tiên từ năm 2009 đến nay, ông có thể yên tâm đi nghỉ lễ cuối năm mà không phải canh cánh lo ngại về một vụ khủng hoảng ngân sách hoặc tài chính. Hai đảng Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội, sau một năm bất hòa, cuối cùng đã đạt được thỏa hiệp về chi tiêu và thu nhập công cho hai năm tới vào phút chót, trong bối cảnh thất nghiệp đang từ từ suy giảm và kinh tế có dấu hiệu phục hồi.

Trong lĩnh vực đối ngoại, ông Obama có thể tự hào về sự cải thiện rõ nét trong quan hệ giữa Mỹ và Iran. Bên lề khóa họp của Liên Hiệp Quốc vào tháng 9 vừa qua, Tổng thống Iran Hassan Rohani vừa đắc cử đã nói chuyện qua điện thoại với ông Obama, mở ra triển vọng có được giải pháp lâu dài cho vấn đề chương trình hạt nhân Iran.

Tỷ lệ ủng hộ ông Obama xuống thấp kỷ lục

Cuộc khảo sát do tờ Washington Post kết hợp với Hãng tin ABC thực hiện cho thấy Tổng thống Barack Obama chuẩn bị kết thúc năm thứ 5 làm Tổng thống Mỹ với tỷ lệ ủng hộ thấp nhất kể từ thời cựu Tổng thống Richard Nixon. Dưới đây là một số điểm đáng chú ý trong khảo sát của Washington Post/ABC:

- 43% ủng hộ ông Obama, 55% phản đối.

- 42% ủng hộ cách điều hành kinh tế của ông Obama, 55% phản đối.

- 34% ủng hộ cách giải quyết công việc của đảng Dân chủ, 64% phản đối.

- 24% ủng hộ cách giải quyết của đảng Cộng hòa, 73% phản đối.

- Trả lời câu hỏi bạn tin tưởng ai sẽ giải quyết tốt hơn các vấn đề của nước Mỹ, 41% cho rằng đó là ông Obama, 41% khác cho rằng đó là những nghị sĩ đảng Cộng hòa.


Linh Linh (tổng hợp)