Một chút sự thật về "nhị đại" (Kỳ III)

17:00 | 08/08/2012

4,684 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Theo đánh giá của Trần Vân, một trong những “đại thần nguyên lão” thì Mao Trạch Đông dựng nước có công, xây dựng mắc sai lầm và có tội trong “Cách mạng văn hóa”.

>> Một chút sự thật về 'nhị đại' (Kỳ II)

>> Một chút sự thật về 'nhị đại' (Kỳ I)

Kỳ III: Những cái chết gây chấn động dư luận

Mặc dù là nhân vật thứ 4 trong Thường vụ Bộ Chính trị (giữ các chức vụ: Thường trực Ban Bí thư, Phó thủ tướng, Trưởng ban Tuyên truyền, Cố vấn Tổ “Cách mạng văn hóa”), nhưng Đào Chú, lão thần với biệt danh “con trâu có cặp sừng mạnh, dám chọi lại bất cứ ai”, người từng phê bình Lưu Thiếu Kỳ, vẫn bị loại sau khi Giang Thanh thấy “ngứa mắt”. Một trong những sai lầm của Đào Chú là chỉ coi Tổ “Cách mạng văn hóa” là một tổ chức lâm thời của Bộ Chính trị, phản cảm với Giang Thanh, muốn khôi phục hoạt động của Ban Bí thư. Sau khi bị đấu tố, Đào Chú bị đánh thương tích đầy người vì dám phản kháng lại Hồng vệ binh. Đầu tháng 8/1968, các bác sĩ phát hiện Đào Chú bị ung thư tuyến tụy phải cắt tá tràng. Trong khi cơ thể chưa bình phục, nhưng ngày 18/10/1969, ông vẫn bị đưa đi đày ở An Huy nên chỉ 43 ngày sau thì ông qua đời. Việc Đào Chú bị đánh đổ với tội danh “phái bảo hoàng lớn nhất” đã khiến không ai dám đứng ra bảo vệ các đảng ủy nữa. Bí thư Tỉnh ủy và Tỉnh trưởng bị cô lập hoàn toàn, bộ máy đảng và chính quyền các cấp bị Hồng vệ binh đánh cho tơi tả.

Sau khi khai hỏa “Cách mạng văn hóa”, Mao Chủ tịch bỏ xuống Hàng Châu nghỉ ngơi, mặc cho Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình chủ trì công tác trung ương. Đây là một âm mưu lớn bởi Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình làm kiểu gì cũng sai, cũng bị Mao Chủ tịch nắm thóp. Khi Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình bị đánh đổ, Ban Bí thư tê liệt, Mao Chủ tịch đã lấy Tổ “Cách mạng văn hóa” Trung ương thay thế Ban Bí thư, vị trí và vai trò thực tế của Giang Thanh tương đương Tổng Bí thư. Sau Hội nghị Trung ương 11 khóa 8, đông đảo cán bộ và quần chúng không sao hiểu nổi việc Mao Trạch Đông phát động “Cách mạng văn hóa” và phê phán đường lối tư sản phản động của Lưu Thiếu Kỳ. Nhưng trước sức ép của Hồng vệ binh, Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình buộc phải thừa nhận “mắc sai lầm về đường lối”. Hồng vệ binh Đại học Thanh Hoa đã tổ chức đại hội phê phán Vương Quang Mỹ, vợ Lưu Thiếu Kỳ cùng hơn 300 cán bộ thuộc “phái đi con đường tư bản chủ nghĩa” trong đó có Bành Chân, Bạc Nhất Ba, Lục Định Nhất, Tưởng Nam Tường. Lưu Thiếu Kỳ bị giam ngay trong Văn phòng Chủ tịch nước bởi Mao muốn giày vò ông trước mắt mình, muốn thấy ông từng bước suy sụp về tinh thần và thể chất cho dù ông vẫn là Chủ tịch nước.

Mao Trạch Đông - Lâm Bưu thời kỳ Đại cách mạng văn hóa

Từ ngày 13 đến 31/10/1968, Hội nghị Trung ương 12 khóa 8 họp tại Bắc Kinh. Trong 97 ủy viên Trung ương khóa 8 có 10 người chết, 47 người bị đánh đổ, chỉ còn 40 người đến họp. Mao Chủ tịch đã bổ sung thêm 10 ủy viên dự khuyết lên chính thức cho quá bán (50/97). Mao Trạch Đông chủ trì hội nghị, thông qua báo cáo thẩm tra về “tội ác” của Lưu Thiếu Kỳ do Giang Thanh đệ trình. Dưới sức ép của Mao Chủ tịch và Lâm Bưu, bằng cách giơ tay biểu quyết, Hội nghị “nhất trí thông qua nghị quyết vĩnh viễn khai trừ Lưu Thiếu Kỳ ra khỏi đảng”, chỉ có một phụ nữ không giơ tay là bà Trần Thiếu Mẫn, Phó chủ tịch Tổng Công hội Trung Quốc. Nghị quyết công bố ngày 31/10/1968, nhưng ngày 24/11/1968, đúng sinh nhật lần thứ 70 của Lưu Thiếu Kỳ, Giang Thanh mới cho công bố băng ghi âm nghị quyết này khiến Chủ tịch nước run bắn toàn thân, mồ hôi ra đầm đìa, thở dốc, huyết áp đột ngột lên 260/130, sốt cao tới 40oC. Tối 17/10/1969, Lưu Thiếu Kỳ trong tình trạng bệnh nặng nhưng vẫn bị cáng ra máy bay quân sự, bí mật đưa đến Khai Phong và nơi giam giữ cuối cùng của Chủ tịch nước là kho bạc cũ của một ngân hàng trước năm 1949. Hai trung đội được cử canh giữ ngày đêm cùng 4 khẩu súng máy đặt trên các nóc nhà xung quanh đề phòng bất trắc. 6 giờ 40 phút sáng 12/11/1969, Lưu Thiếu Kỳ qua đời trong tình trạng không được cấp cứu. Khi vệ sĩ Lý Thái Hòa của Chủ tịch nước đến nhận xác, thi hài Lưu Thiếu Kỳ đặt trên nền đất dưới gian hầm, chân tay khẳng khiu, đầu tóc rối bời, miệng mũi méo xệch, máu ứ bên khóe mép. Sau đó, người ta đặt thi hài Lưu Thiếu Kỳ trên xe quân sự nhỏ, chân thò ra ngoài, bí mật đưa đi hỏa táng, dưới cái tên “Lưu Vệ Hoàng, không nghề nghiệp”. Gần 3 năm sau, ngày 16/8/1972, mấy người con của Lưu Thiếu Kỳ xin thăm bố mẹ, Mao Trạch Đông phê vào báo cáo: Bố đã chết, có thể thăm mẹ.

Mối quan hệ và liên minh giữa Mao Trạch Đông và Lâm Bưu bị rạn nứt và trở mặt sau khi lợi ích của họ mâu thuẫn với nhau. Ngòi nổ cho việc Mao Trạch Đông và Lâm Bưu chống nhau đến từ việc Lâm Bưu để con trai Lâm Lập Quả mới 23-24 tuổi trở thành “lãnh tụ tương lai”. Sau khi nghe báo cáo về tình hình Không quân tâng bốc Lâm Lập Quả, Mao Chủ tịch cho gọi Giang Thanh, Khang Sinh, Trương Xuân Kiều đến thư phòng để tính kế. Ngày 8/3/1970, Uông Đông Hưng truyền đạt với Bộ Chính trị ý kiến của Mao Chủ tịch về việc họp Quốc hội bầu lãnh đạo nhà nước, sửa đổi hiến pháp. Theo đó, Mao Chủ tịch dứt khoát không làm Chủ tịch nước; nếu đặt chức Chủ tịch nước chỉ có Lâm Bưu đảm đương chức vụ này; hoặc tốt nhất không đặt chức Chủ tịch nước nữa. Ngày 11/4/1970, Lâm Bưu nêu 3 ý kiến với Thường vụ Bộ Chính trị: Kiến nghị Mao Trạch Đông làm Chủ tịch nước; về chức danh Phó chủ tịch, có thể đặt, có thể không, có thể nhiều, có thể ít; bản thân không thích nghi với chức Phó chủ tịch. Sau khi Mao Trạch Đông và Lâm Bưu trở mặt thành thù, Lâm Bưu đã nói với gia đình: Mọi người không thấy hắn (Mao Chủ tịch) giống một tên lưu manh sao! Nếu sau này ta thua hắn, thì chỉ thua ở chỗ không đủ lưu manh bằng hắn mà thôi! Trước cuộc họp chính thức tại Hội nghị Lư Sơn tháng 8-1970, Lâm Bưu đã có cuộc nói chuyện riêng rất dài với Mao Chủ tịch và vẫn cho rằng, Giang Thanh giới thiệu Trương Xuân Kiều làm Thủ tướng, để làm Chủ tịch Đảng là dã tâm của bà ta, chứ không phải ý đồ của Mao Chủ tịch.

Ngày 6/11/1970, Mao Chủ tịch cho công bố quyết định thành lập Tổ Tuyên truyền - Tổ chức Trung ương do Khang Sinh làm Tổ trưởng cùng 5 thành viên: Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Kỷ Đăng Khuê và Lý Đức Sinh với nhiệm vụ phụ trách công tác của Ban Tổ chức Trung ương, Trường Đảng Trung ương, Nhân dân nhật báo, Tạp chí Hồng Kỳ, Tân Hoa Xã, Cục Phát thanh - Truyền hình, Quang minh nhật báo, Cục Biên dịch Trung ương. Đây chính là Tổ “Cách mạng văn hóa” bị xóa sau Đại hội 9 nay sống lại dưới tên gọi khác. Sau thất bại ở Hội nghị Lư Sơn, Lâm Bưu muốn sử dụng vũ lực để chiếm quyền và việc này càng trở nên cấp bách sau quyết định cải tổ Đại quân khu Bắc Kinh ngày 24/1/1971 của Mao Chủ tịch. 21 giờ ngày 8/9/1971, Lâm Lập Quả lên máy bay Trident số 256 về Bắc Kinh, mang theo lệnh viết tay của Lâm Bưu: “Làm theo mệnh lệnh do các đồng chí Lâm Lập Quả và Vũ Trì truyền đạt”. 23 giờ 30 ngày 8/9/1971, tại cứ điểm bí mật trong sân bay Tây Giao (Bắc Kinh), Lâm Lập Quả thông báo quyết định của Lâm Bưu: Tình hình rất khẩn cấp, chúng ta đã quyết định ra tay tại Thượng Hải, đề nghị nghiên cứu 3 biện pháp: dùng súng phun lửa, B.40 tấn công đoàn tàu hỏa của Mao, của Lâm Bưu, hoặc dùng pháo cao xạ 100 ly bắn thẳng vào chuyên xa, hoặc điều Vương Duy Quốc mang theo súng ngắn, nhân lúc gặp Mao Chủ tịch để hạ thủ trên xe lửa. Sau đó, Lâm Lập Quả quay sang nói với Giang Đằng Giao: Ông phải xuống ngay Thượng Hải thống nhất chỉ huy, để Vương Phi chỉ huy tiểu đoàn cảnh vệ trực thuộc Bộ Tư lệnh Không quân đánh vào Điếu Ngư Đài.

Trong khi Lâm Bưu “mài dao”, Mao Chủ tịch cũng cho gọi Tư lệnh Đại quân khu Nam Kinh Hứa Thế Hữu đến ngay Thượng Hải. Sáng 11/9/1971, Hứa Thế Hữu vừa xuống máy bay liền cùng Vương Hồng Văn tới gặp Mao Chủ tịch. 13 giờ 12 phút ngày 11/9/1971, Mao Chủ tịch ra lệnh đoàn tàu lập tức rời Thượng Hải chạy như bay trên tuyến đường sắt Phố Khẩu - Thiên Tân, không cho một ai biết khiến Vương Duy Quốc và đồng đảng không kịp trở tay bởi họ còn đang do dự, đùn đẩy nhau về các phương án mưu sát. 18 giờ 35 phút đoàn tàu đến Nam Kinh, dừng lại 15 phút, Hứa Thế Hữu đứng trên sân ga chỉ huy bảo vệ đoàn tàu. 13 giờ 10 phút ngày 12/9/1971, đoàn tàu về đến ga Phong Đài và khi đó Tư lệnh Đại quân khu Bắc Kinh Lý Đức Sinh, Chính ủy thứ hai Kỷ Đăng Khuê, Chủ nhiệm Ủy ban Cách mạng Bắc Kinh Ngô Đức, Tư lệnh khu cảnh vệ Bắc Kinh Ngô Trung đã có mặt. Sau khi hỏi tình hình, Mao Chủ tịch ra lệnh cho Lý Đức Sinh điều một sư đoàn thuộc Quân đoàn 38 đến cửa Nam Bắc Kinh chờ lệnh. 16 giờ 5 phút ngày 12/9/1971, đoàn tàu về đến ga Bắc Kinh trong sự bảo vệ nghiêm ngặt và Mao Chủ tịch lên ôtô về Trung Nam Hải an toàn.

Chu Ân Lai

Sau khi biết tin từ Vương Duy Quốc (đêm 11/9/1971), Lâm Lập Quả bật khóc, còn Lâm Bưu tái mặt bởi kế hoạch mưu sát Mao Trạch Đông đã hoàn toàn phá sản. Lâm Bưu quyết định thực hiện phương án 2: đem theo 5 ủy viên Bộ Chính trị xuống Quảng Châu lập Trung ương riêng để đối kháng với Mao Chủ tịch. Tám máy bay, trong đó có 2 chiếc Trident, 2 chiếc Il-18, 1 chiếc lên thẳng Skylark được chuẩn bị để thực thi phương án này. Uông Đông Hưng báo cáo với Chu Ân Lai khi đó đang họp tại trụ sở Quốc hội về tình hình đột biến của Lâm Bưu khiến Thủ tướng cho ngừng ngay cuộc họp để gọi điện bảo Ngô Pháp Hiến làm rõ những động thái của cha con họ Lâm. Sau đó Chu Ân Lai gọi điện cho Lý Tác Bằng yêu cầu: Phải có 4 người Chu Ân Lai, Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến và Lý Tác Bằng cùng ra lệnh, chiếc máy bay ở Sơn Hải Quan mới được cất cánh. Cú điện thoại kể trên của Chu Ân Lai đã phá tan âm mưu của Lâm Bưu chạy xuống Quảng Châu lập Trung ương riêng. Sau khi biết đã hết đường, Lâm Bưu yêu cầu mọi người trong gia đình và thuộc hạ nhanh chóng lấy đồ đạc để đào tẩu. Chiếc xe Hồng Kỳ chống đạn cỡ lớn của Lâm Bưu lao với tốc độ trên 100 km/giờ rời biệt thự và 14 phút sau, chiếc Trident số 256 chở gia đình Lâm Bưu và thuộc hạ do phi công Phan Cảnh Diễn điều khiển cất cánh bay về hướng Irkutsk, trong tình trạng không có lái phụ, hoa tiêu và nhân viên báo vụ.

Sân bay điện báo cáo Lý Tác Bằng và sau khi biết chuyện Chu Ân Lai đã lệnh cho Sở chỉ huy Không quân liên lạc với Phan Cảnh Diễn, yêu cầu bay trở lại. 1 giờ 50 sáng ngày 13/9/1971, chiếc Trident số 256 vượt biên giới, bay vào vùng trời Mông Cổ. Chu Ân Lai ra lệnh cấm không một máy bay nào được cất cánh, nếu không có lệnh của Chủ tịch Mao Trạch Đông, Phó chủ tịch Lâm Bưu, Thủ tướng Chu Ân Lai, Tổng tham mưu trưởng Hoàng Vĩnh Thắng và Tư lệnh Không quân Ngô Pháp Hiến liên danh ký tên. Chiều 14/9/1971, Thủ tướng Chu Ân Lai nhận được báo cáo của Đại sứ Trung Quốc tại Mông Cổ: khoảng 3 giờ sáng 13/9/1971, chiếc máy bay Trident số hiệu 256 của Hãng Hàng không Dân dụng Trung Quốc đã bị rơi tại Mông Cổ, cả 9 người trên máy bay đều chết.

Ngày 6/1/1972, Nguyên soái Trần Nghị từ trần vì bệnh ung thư, tang lễ được tổ chức vào chiều 10/1. Vì có Mao Chủ tịch dự nên sau khi biết tin Chu Ân Lai đã quyết định nâng cấp lễ tang và báo cho tất cả ủy viên Bộ Chính trị có mặt tại Bắc Kinh cùng đi. Ban đầu Mao Trạch Đông nghi ngờ Trần Nghị ăn ở hai lòng, nhưng sau cái chết của Lâm Bưu, Chủ tịch mới thay đổi cách nhìn đối với Nguyên soái. Nhưng vì “đại cục” nên Mao Trạch Đông vẫn không đứng ra bảo vệ Trần Nghị.

Ngày 26/12/1974, Chu Ân Lai gặp riêng Mao Trạch Đông để nói: Trong lịch sử Giang Thanh và Trương Xuân Kiều đều đã phản bội và Chủ tịch tỏ ý đã biết. Và 2 người đạt được thỏa thuận: Mao Trạch Đông bảo đảm quyền lãnh đạo của chính phủ khóa này không rơi vào tay “Bè lũ bốn tên” và Chu Ân Lai giữ kín vấn đề lịch sử của Giang Thanh, Trương Xuân Kiều. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 4 đã bầu Chu Đức làm Chủ tịch Quốc hội, Chu Ân Lai làm Thủ tướng cùng 12 Phó thủ tướng, đứng đầu là Đặng Tiểu Bình. Vì muốn loại bỏ Chu Ân Lai nên sau khi bác sĩ phát hiện Thủ tướng bị ung thư tế bào thượng bì bàng quang, thông qua Uông Đông Hưng, Mao yêu cầu: Phải giữ kín, không cho vợ chồng Thủ tướng biết; Không kiểm tra; Không phẫu thuật; Tăng cường chăm sóc và dinh dưỡng. Vì việc điều trị bị buông trôi tới 9 tháng nên đến tháng 2/1973, Chu Ân Lai tiểu tiện ra máu rất nhiều khiến Diệp Kiếm Anh phải gặp Mao trình bày. Tuy miễn cưỡng cho điều trị, nhưng Mao lại hạn chế các biện pháp trị liệu nên thượng tuần tháng 5/1974, tế bào ung thư di căn, cần nhập viện phẫu thuật. Nhưng Trương Xuân Kiều thay mặt Mao tuyên bố: Không thể phẫu thuật vì không ai có thể làm thay công tác của Chu Ân Lai khi đó. Mãi đến 1/8/1974, Chu Ân Lai mới được đưa vào Bệnh viện 305 để phẫu thuật. Tuy đã cắt hết khối u, vết mổ mau lành, nhưng chỉ 2 tháng sau, Chu Ân Lai lại đi tiểu ra nhiều máu, dấu hiệu tế bào ung thư tiếp tục di căn.

Ngày 8/10/1974, Chu Ân Lai phải phẫu thuật lần hai và sau khi nghe báo cáo, Mao biết rằng những ngày còn lại của Thủ tướng không nhiều. Để thực hiện giấc mơ gia đình trị, Mao Trạch Đông quyết không cho Chu Ân Lai yên tâm dưỡng bệnh, liên tiếp tổ chức đả kích, muốn ông phải ra đi trong sợ hãi. Nhưng “sự kiện ngày 5/4/1975” trên thực tế là một cuộc bỏ phiếu toàn dân “cần Chu Ân Lai, không cần Mao Trạch Đông”. Trước khi bước vào cuộc phẫu thuật lần thứ 4, Chu Ân Lai nắm chặt tay Đặng Tiểu Bình, ráng sức nói lớn trước mặt mọi người: Công tác hơn một năm qua chứng tỏ đồng chí mạnh hơn tôi rất nhiều. Khi bánh xe lăn tới sát cửa phòng mổ, Chu Ân Lai dùng hết sức bình sinh nói: Tôi trung thành với Đảng, trung thành với nhân dân, không phải là phái đầu hàng. Đứng bên chồng, Đặng Dĩnh Siêu bình tĩnh nói với Uông Đông Hưng: Đem lời Chu Ân Lai báo cáo với Chủ tịch. 9 giờ 57 phút ngày 8/1/1976, Chu Ân Lai qua đời, Ban lễ tang gồm 107 người, trong đó có Mao Trạch Đông, nhưng quy cách lễ tang đã bị hạ thấp và Chủ tịch không dự lễ truy điệu.

Sau khi Chu Ân Lai qua đời, Mao yêu cầu Bộ Chính trị thảo luận nhân sự Thủ tướng và hội nghị đưa ra 3 người: Hoa Quốc Phong, Lý Tiên Niệm, Trương Xuân Kiều. Hội nghị còn bầu Giang Thanh làm Phó chủ tịch Đảng, theo đề nghị của Uông Đông Hưng, được Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Ngô Quế Hiến phụ họa. Nhưng vì Giang Thanh hoàn toàn không tôn trọng ý kiến của Mao Trạch Đông khi gạt Hoa Quốc Phong, Uông Đông Hưng, Trần Tích Liên ra khỏi hạt nhân lãnh đạo, buộc họ ra tay trước, nhưng phải đợi đến khi Chủ tịch chết. 0 giờ 10 phút ngày 9/9/1976, Mao Trạch Đông qua đời, tang lễ được tổ chức siêu trọng thể. Khi lễ truy điệu Mao Trạch Đông vừa kết thúc, cuộc đấu tranh quyền lực gay gắt đã diễn ra. Được phái nguyên lão đứng đầu là Diệp Kiếm Anh ủng hộ, tối ngày 6/10/1976, Hoa Quốc Phong và Uông Đông Hưng bí mật bắt Giang Thanh, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Mao Viễn Tân.

“Bè lũ bốn tên” bị bắt đánh dấu chấm hết cho “Cách mạng văn hóa”. Sau khi “bè lũ bốn tên” bị bắt, người ta thu được bản danh sách lãnh đạo Trung ương theo dự kiến của Giang Thanh: Chủ tịch Đảng: Giang Thanh, Phó chủ tịch Đảng: Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn, Diêu Văn Nguyên, Tôn Ngọc Quốc, Mao Viễn Tân. Thường vụ Bộ chính trị, ngoài 6 người kể trên, thêm: Tạ Tĩnh Nghi, Trương Thu Kiều, Vương Tú Trân. Chủ tịch Quốc hội: Vương Hồng Văn. Thủ tướng: Trương Xuân Kiều. Theo đánh giá của Trần Vân, một trong những “đại thần nguyên lão” thì Mao Trạch Đông dựng nước có công, xây dựng mắc sai lầm và có tội trong “Cách mạng văn hóa”.

(Xem tiếp kỳ sau)

Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh

(Năng lượng Mới số 144, ra thứ Ba ngày 7/8/2012)