Một chút sự thật về "nhị đại" (Kỳ II)

06:37 | 04/08/2012

2,853 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đại nhảy vọt tuy là một thảm họa bởi đã tạo ra nạn đói lớn giết chết hàng chục triệu người, kéo nền kinh tế đi xuống, nhưng vẫn đẻ ra “Cách mạng văn hóa”. Có người nói rằng “Cách mạng văn hóa” là thời kỳ cực tả điên cuồng nhất tại Trung Quốc.

>> Một chút sự thật về 'nhị đại' (Kỳ I)

Kỳ II: "Cách mạng văn hóa" - Bước sửa sai của Đại nhảy vọt!

Tháng 11/1956, Mao Trạch Đông tuyên bố chuẩn bị chỉnh phong, chống các bệnh chủ quan, bè phái, quan liêu. Ngày 27/4/1957, Trung ương Đảng chính thức ra chỉ thị tiến hành chỉnh phong. Ngày 30/4/1957, Mao Trạch Đông gặp lãnh đạo các đảng phái dân chủ và đại diện giới trí thức, động viên họ góp ý kiến, giúp chỉnh phong, sửa chữa khuyết điểm, sai lầm. Nhiều cuộc họp đã được tổ chức để lấy ý kiến phê bình. Đông đảo trí thức ngoài đảng từ giáo viên tiểu học tới giáo sư đại học, nhiều nhân vật có tên tuổi không những ở Trung Quốc mà cả trên thế giới đã thẳng thắn, chân thành, thiện chí chỉ ra những yếu kém, sai lầm của đảng từ trung ương đến địa phương. Nhưng khi nghe báo cáo thì Mao Trạch Đông lại nổi giận bởi ông chỉ định thông qua cuộc vận động này để từng bước xác lập vị trí lãnh đạo tư tưởng của mình trong giới trí thức, nhưng họ lại coi ông là “tiểu trí thức”. Thế là Mao Trạch Đông quyết tâm đánh đổ “những phần tử đại trí thức của giai cấp tư sản”.

Theo thống kê, trong cuộc đấu tranh này, có 552.877 trí thức bị quy là phái hữu, bị đày đọa trong 20 năm. Đến khi sửa sai (1980), chỉ có 96 người thật sự là phái hữu, chiếm 1,8 phần vạn. Hậu quả của đường lối “ba ngọn cờ hồng” buộc các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải tìm biện pháp để khắc phục. Trước tình hình khẩn cấp, Hội nghị Trung ương Vũ Xương (tháng 12/1958) đã thành lập các tổ sửa sai để sửa chữa những sai lầm do “Ba ngọn cờ hồng” gây nên và cử Lưu Thiếu Kỳ thay Mao Trạch Đông làm Chủ tịch nước. Từ đây trong nội bộ Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã diễn ra những bất đồng và tranh chấp quyền lực rất quyết liệt, phức tạp giữa các phe phái. Ngày 3/9/1958, Mao Trạch Đông tuyên bố, sản lượng lương thực năm nay có thể tăng xấp xỉ gấp 2 lần năm ngoái, từ 185 triệu tấn lên khoảng 370 triệu tấn, nếu năm 1959 lại tăng gấp 2 lần năm nay, sẽ lên 750 triệu tấn. Nhưng sau vụ thu hoạch, đột nhiên các tỉnh báo cáo không nộp đủ lương thực như dự định khiến Mao Chủ tịch sốt ruột nên viết thông tri gửi toàn quốc với nhận định: Vấn đề phổ biến trong cả nước là đội trưởng sản xuất che giấu sản lượng, chia nhau lương thực, tình hình nghiêm trọng, phải giải quyết ngay. Hơn nữa, phải tiến hành một đợt giáo dục kiên quyết mới giải quyết được.

Mao Trạch Đông cùng các lãnh đạo thời kỳ mới lập nước

Mùa xuân 1960, nạn đói tràn lan, nhiều người chết đói hoặc bỏ đi nơi khác kiếm ăn, nhưng Bí thư Khu ủy Lộ Hiến Văn vẫn lên giọng: Không phải thiếu lương thực bởi lương thực rất nhiều, 90% là vấn đề tư tưởng. Lộ Hiến Văn chỉ thị cho cán bộ cơ sở và dân quân phong tỏa mọi nẻo đường, không cho dân chúng bỏ đi nơi khác, chỉ thị cho các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học ở các thị trấn không được đón tiếp người từ vùng nông thôn lên. Bưu cục Tín Dương đã giữ lại trên một vạn lá thư của cán bộ và quần chúng xin cứu đói. Sau khi sự kiện Tín Dương bị phơi bày, để bảo vệ mình, Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Hà Nam Ngô Chi Phố đã ra lệnh bắt Lộ Hiến Văn cùng một số lãnh đạo khác, đồng thời cách chức 982 cán bộ cấp dưới, bắt và đưa ra xét xử 275 người, kết án tử hình Dương Thủ Tích, Bí thư Huyện ủy Cố Sử và Mã Long Sơn, Bí thư Huyện ủy Quang Sơn. Sự kiện kể trên làm chấn động Bắc Kinh, nhưng sau khi xem báo cáo Mao Chủ tịch định hướng: Đây là sự kiện phản cách mạng, do địa chủ, phú nông lọt lưới chui vào đội ngũ cách mạng, phá hoại quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất.

Đại nhảy vọt tuy là một thảm họa bởi đã tạo ra nạn đói lớn giết chết hàng chục triệu người, kéo nền kinh tế đi xuống, nhưng vẫn đẻ ra “Cách mạng văn hóa”. Có người nói rằng “Cách mạng văn hóa” là thời kỳ cực tả điên cuồng nhất tại Trung Quốc. Giết chóc đã trở thành một cách đua tranh để người ta bày tỏ vị thế cách mạng của mình bởi mục đích chính của Chủ tịch Mao Trạch Đông trong việc này là tái chiếm quyền lực sau thất bại Đại nhảy vọt. Sau thất bại của Đại nhảy vọt, Mao Trạch Đông vẫn không từ bỏ dã tâm làm lãnh tụ cách mạng thế giới. Trong 5 năm (1957-1962), Trung Quốc đã viện trợ cho nước ngoài tổng cộng 2,36 tỉ NDT. Riêng trong 2 năm 1961-1962 là 1,37 tỉ NDT, nhưng Mao Trạch Đông vẫn không trở thành lãnh tụ của phong trào cộng sản quốc tế mới bởi họ chỉ thừa nhận Mao Trạch Đông là lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Trung Quốc. Trước khi “Cách mạng văn hóa” diễn ra, Trung Quốc chịu tác động rất lớn của tình hình thế giới, trong đó có cả tích cực và tiêu cực. Tích cực là thúc đẩy nhân dân nỗ lực xây dựng và củng cố đất nước về mọi mặt, còn tiêu cực là làm xuất hiện trong nội bộ đảng tư tưởng chủ quan, nóng vội, đốt cháy giai đoạn gây hậu quả nghiêm trọng cho đất nước. “Cách mạng văn hóa” bùng nổ không phải là một lẽ ngẫu nhiên, mà là một quá trình tích hợp của nhiều yếu tố, trong đó mâu thuẫn nội tại có vai trò quyết định, thúc đẩy “Cách mạng văn hóa” diễn ra nhanh chóng hơn. “Cách mạng văn hóa” được chia làm 3 giai đoạn và đột phá khẩu là bài viết phê phán vở kịch “Hải Thụy bãi quan” của Ngô Hàm.

Thất bại của Đại nhảy vọt trở thành cơn ác mộng của Mao Trạch Đông và nếu Lưu Thiếu Kỳ giơ tay hô to “Ba ngọn cờ hồng là sai lầm” thì toàn đảng, toàn dân sẽ cùng hỏi tội Mao Chủ tịch. Không thể ngồi chờ Lưu Thiếu Kỳ triệu tập Đại hội 9 để “thanh toán sai lầm của ba ngọn cờ hồng” nên Chủ tịch Mao quyết định phát động “Cách mạng văn hóa”. Sau Tết nguyên đán năm 1965, Giang Thanh xuống Thượng Hải gặp Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thứ nhất Thành ủy Thượng Hải Kha Khánh Thi, phần tử tích cực của Đại nhảy vọt. Khi biết Mao Chủ tịch cần tổ chức viết bài phê phán Ngô Hàm để tiếp tục thanh toán Bành Đức Hoài, Kha Khánh Thi mừng lắm, lập tức giới thiệu Trương Xuân Kiều, Bí thư kiêm Trưởng ban Tuyên truyền Thành ủy Thượng Hải với Giang Thanh. Sau Quốc khánh năm 1965, Bành Chân gặp Mao Chủ tịch báo cáo công việc của Tổ “Cách mạng văn hóa” được thành lập từ tháng 7/1964 do ông làm Tổ trưởng, Lục Định Nhất làm Tổ phó, ba thành viên còn lại là Khang Sinh, Chu Dương và Ngô Lãnh Tây. Đồng thời can ngăn Mao Chủ tịch đừng phê phán Ngô Hàm bởi ông là chuyên gia sử học, Phó thị trưởng Bắc Kinh, một trí thức được Bành Chân đánh giá là trung thành với đảng, nhưng bất thành. Sau khi Mao Trạch Đông sửa đến lần thứ ba, ngày 7/11/1965, bài bình vở kịch lịch sử “Hải Thụy bãi quan” ký tên Diêu Văn Nguyên được đăng trên tờ “Văn Hối” Thượng Hải. Vì bảo vệ Ngô Hàm nên Bành Chân đã bị Mao Chủ tịch hạ bệ, Thành ủy Bắc Kinh và Ban Tuyên truyền Trung ương tê liệt, Tổ “Cách mạng văn hóa” 5 người kể trên bị giải tán. Tổ “Cách mạng văn hóa” mới được thành lập với 13 thành viên, gồm Tổ trưởng Trần Bá Đạt, cố vấn Khang Sinh, Tổ phó thứ nhất Giang Thanh, Tổ phó Vương Nhiệm Trọng, Lưu Chí Kiên, Trương Xuân Kiều… Nhưng qua mấy lần thử việc, Giang Thanh đã đuổi hết những người không vừa ý, chỉ để lại Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Vương Lực, Quan Phong, Thích Bản Vũ trong Tổ “Cách mạng văn hóa” mới.

Tối 26/11/1965, Giang Thanh gặp La Thụy Khanh, yêu cầu giúp tổ chức cuộc tọa đàm về tình hình văn nghệ trong quân đội, cấp cho bà quân phục và cho đăng lại bài của Diêu Văn Nguyên phê “Hải Thụy bãi quan”, nhưng chỉ được đáp ứng yêu cầu thứ 3 nên rất tức giận. Vì việc này nên mới có cuộc hội kiến giữa Mao Chủ tịch với Lâm Bưu đêm 1/12/1965 và số phận của Lưu Thiếu Kỳ, Bành Chân và La Thụy Khanh được định đoạt. Tại Hội nghị Thường vụ Bộ Chính trị mở rộng tại Thượng Hải (từ 8 đến 15/12/1965), Diệp Quần đăng đàn tố cáo La Thụy Khanh âm mưu cướp quyền lãnh đạo quân đội, ép Lâm Bưu nhường ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Hội nghị ra quyết định tước hết chức vụ của La Thụy Khanh (Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng, Tổng tham mưu trưởng) cho dù “bị cáo” đang đi kiểm tra công tác ở biên giới Tây Nam. Khi nhận được thông báo, La Thụy Khanh cùng vợ đáp máy bay đến Thượng Hải liền bị giam lỏng ngay. Ngày 4/3/1966, Quân ủy Trung ương lập Tổ chuyên án thẩm tra, phê đấu La Thụy Khanh khiến ông tức quá, ngày 18/3/1966, ông nhảy lầu tự sát, nhưng chỉ bị gãy chân. Tháng 4/1966, Mao Trạch Đông yêu cầu họp Bộ Chính trị mở rộng để giải quyết “vấn đề Bành Chân, Lục Định Nhất, La Thụy Khanh, Dương Thượng Côn” bởi Chủ tịch nắm quân đội, quyết tâm dùng “súng chỉ huy đảng” khi cần thiết. Ngày 4/5/1966, Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng họp tại Bắc Kinh, các thành viên Tổ “Cách mạng văn hóa” trung ương đều tham gia. Sau khi chắc chắn thao túng được Ban Chấp hành Trung ương, Mao Chủ tịch ra lệnh triệu tập Hội nghị Trung ương 11 khóa 8 (từ 1 đến 12/8/1966). Trước cuộc họp, Mao Chủ tịch gọi Chu Ân Lai, Đào Chú, Trần Bá Đạt, Khang Sinh đến hỏi ý kiến về người thay thế Lưu Thiếu Kỳ và mọi người nhất trí chọn Lâm Bưu. Tại cuộc họp Thường vụ Bộ Chính trị, Mao Chủ tịch tuyên bố muốn thay người kế vị và giới thiệu Lâm Bưu. Lưu Thiếu Kỳ sớm nhìn ra nước cờ này nên tán thành ngay.

Theo Nghị quyết hôm 12/8/1966 của Hội nghị lần thứ 11 khóa 8, tất cả những đảng viên và quan chức chính phủ đi theo con đường tư bản chủ nghĩa đều bị “đánh” và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội từ trung ương đến địa phương đã bị cáo buộc đang thực hiện “chế độ độc tài của giai cấp tư sản”. “Cách mạng văn hóa” đã khiến cho bộ máy hành chính Trung Quốc tê liệt. Một số cơ quan “cách mạng” mới được thành lập như Hồng vệ binh được toàn quyền “phá hoại, tra tấn và sỉ nhục” khiến trường học bị đóng cửa, kinh tế gián đoạn, nhiều đảng viên bị thanh trừng, giới trí thức bị đàn áp. Đối với hàng triệu Hồng vệ binh, “Cách mạng văn hóa” là đợt nghỉ lễ kéo dài. Theo số liệu thống kê, số nạn nhân trong thời kỳ “Cách mạng văn hóa” lên tới khoảng 100 triệu người. Ngày 18/8/1966, Hội nghị Trung ương XI khóa VIII chính thức thông qua quyết định của Bộ Chính trị về “Cách mạng văn hóa” (gọi tắt là Nghị quyết 16 điều). Đây là văn kiện chính thức đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương về “Cách mạng văn hóa”. Theo đó, tất cả trường trung học và đại học ở Bắc Kinh đều thành lập Hồng vệ binh và phong trào này nhanh chóng lan ra cả nước. Theo thống kê, từ 18/8 đến 26/11/1966, Mao Chủ tịch đã 8 lần tiếp tổng cộng 13 triệu Hồng vệ binh từ các nơi trong cả nước đến Bắc Kinh.

Theo luận điểm của Mao Trạch Đông, “Cách mạng văn hóa” là một cuộc cách mạng nhằm phát động quảng đại quần chúng một cách công khai, toàn diện, từ dưới lên trên nhằm đập tan lực lượng phản động theo chủ nghĩa tư bản trong chính phủ, quân đội và nhiều tầng lớp xã hội khác. Mười năm “Cách mạng văn hóa” đã tàn phá không thương tiếc những thành tựu mà nhân dân Trung Quốc đã tạo dựng trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội… để lại nhiều di hại có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của nhân dân Trung Quốc suốt một thời gian khá dài. Trong thời kỳ “Cách mạng văn hóa”, Trung Quốc cũng áp dụng chính sách đối ngoại bạo lực: Hồng vệ binh làm mưa làm gió trước Đại sứ quán Liên Xô tại Bắc Kinh, gây căng thẳng trên tuyến biên giới với Liên Xô dẫn đến xung đột vũ trang. Thậm chí Trung Quốc còn coi Liên Xô là kẻ thù chính của Trung Quốc, là pháo đài của chủ nghĩa xét lại.

Lưu Thiếu Kỳ - Mao Trạch Đông

Sau khi nắm được đại cục, Tổ “Cách mạng văn hóa” thọc tay vào quân đội khiến Lâm Bưu giãy nảy và cuộc đấu đá nhằm vào các tướng lĩnh nổ ra. Từ 25/2 đến 18/3/1967, Bộ Chính trị mở rộng họp 7 lần, phê phán Trần Nghị, Đàm Chấn Lâm, Từ Hướng Tiền, Lý Phú Xuân, Lý Tiên Niệm, Diệp Kiếm Anh, Nhiếp Vinh Trăn. Giang Thanh chỉ huy việc đấu tố 7 người kể trên, đồng thời tổ chức các cuộc biểu tình thị uy trên đường phố Bắc Kinh chống “Dòng nước ngược tháng 2”. Sự kiện này khiến 4 nguyên soái và 3 Phó thủ tướng trong tình trạng “nửa bị đánh đổ”. Câu nói của Mao Chủ tịch “vị trí của Lâm Bưu cũng không vững” đã ly gián quan hệ giữa Lâm Bưu với các nguyên soái khác, xóa bỏ sự tồn tại Lâm Bưu liên minh với Diệp Kiếm Anh, Từ Hướng Tiền, Nhiếp Vinh Trăn để làm đối trọng với Tổ “Cách mạng văn hóa”. Nhưng khi Lâm Bưu chĩa mũi nhọn vào Từ Hướng Tiền và Phương diện quân số 4 thì Mao Chủ tịch lại đứng ra bảo vệ khiến Lâm Bưu bị cô lập trong quân đội. Trong “Cách mạng văn hóa”, Lâm Bưu từng nói một câu nổi tiếng: Không biết mấy trăm năm nữa Trung Quốc mới có một Mao Chủ tịch vĩ đại!

Ngày 1/8/1967 nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập quân đội Trung Quốc, tuy Lâm Bưu là Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhưng Mao Chủ tịch lại giao cho Quyền Tổng tham mưu trưởng Dương Thành Vũ đọc diễn văn tại tiệc chiêu đãi. Xã luận của tạp chí Hồng Kỳ ngày 1/8/1967 viết: Quân đội do Mao Trạch Đông đích thân sáng lập, Lâm Bưu trực tiếp chỉ huy. Khi đọc những dòng chữ này Mao Chủ tịch sầm mặt và chỉ thị cho Chu Ân Lai truyền đạt cho Tổ “Cách mạng văn hóa” việc phải thay đổi phương châm cách mạng văn hóa trong quân đội. Ngày 22/8/1967, Mao Chủ tịch bảo Dương Thành Vũ: Vương Lực, Quan Phong, Thích Bản Vũ phá hoại “Cách mạng văn hóa”, không phải người tốt, cần báo cáo riêng với Chu Ân Lai để bắt 3 tên đó, yêu cầu Thủ tướng phụ trách xử lý. Dương Thành Vũ mấy lần theo Mao Chủ tịch đi các tỉnh, thực hiện các chỉ thị của Chủ tịch, mỗi lần về Bắc Kinh chỉ báo cáo Chu Ân Lai, không báo cáo Lâm Bưu khiến ông ta không thể chấp nhận. Tới tháng 3/1968, Lâm Bưu cùng Giang Thanh ép Mao Trạch Đông tán thành đánh đổ Quyền Tổng tham mưu trưởng Dương Thành Vũ, cử Hoàng Vĩnh Thắng, Tư lệnh Đại quân khu Quảng Châu làm Tổng tham mưu trưởng.

Ngày 12/12/1972, Mao Chủ tịch triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị, kiến nghị để Đặng Tiểu Bình tham gia Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và giữ chức Tổng tham mưu trưởng. Mao Chủ tịch không những muốn Đặng Tiểu Bình thay thế Lâm Bưu, mà còn muốn thay thế Chu Ân Lai. Bởi Mao Chủ tịch biết rõ Chu Ân Lai là trở ngại lớn nhất trong việc hoàn thành bố cục gia đình trị. Ngày 9/4/1973, khi vợ chồng Đặng Tiểu Bình đến thăm Chu Ân Lai ở núi Ngọc Tuyền, Thủ tướng đã cho Đặng Tiểu Bình biết những hiểm ác của môi trường công tác, đồng thời nói rõ: Trương Xuân Kiều là tên phản bội, nhưng Mao Chủ tịch không cho điều tra. Mao Trạch Đông hy vọng, Đặng Tiểu Bình có thể hợp tác với Giang Thanh bởi Chủ tịch không có cách nào giải thích với toàn đảng và toàn dân về 8 năm “Cách mạng văn hóa” đã làm chết và đánh đổ bao nhiêu cán bộ. Nhưng ngay từ đầu Đặng Tiểu Bình đã không nghĩ đến việc hợp tác với “bè lũ bốn tên”.

Sau khi bị ép tỏ thái độ về việc phê bình Chu Ân Lai trong sự kiện “tàu vận tải Phong Khánh 10.000 tấn” cuối tháng 9/1974, Đặng Tiểu Bình đã to tiếng với Giang Thanh và đó là xung đột công khai đầu tiên giữa 2 người sau khi Đặng Tiểu Bình trở lại công tác. Lập tức Giang Thanh cử Vương Hồng Văn báo cáo với Mao Trạch Đông, nhưng sau khi nghe xong Chủ tịch liền phê bình ngay. Sau đó, Mao Chủ tịch còn nói với Vương Hải Dung: Giang Thanh có dã tâm, muốn để Vương Hồng Văn làm Chủ tịch Quốc hội để mình làm Chủ tịch Đảng. Sau đó, mặc dù nằm trên giường bệnh, Mao vẫn chỉ thị: Tước mọi chức vụ của Đặng Tiểu Bình, để Hoa Quốc Phong làm Thủ tướng. Việc này diễn ra sau khi Mao Viễn Tân báo cáo với Chủ tịch: Cháu thấy thái độ của Đặng Tiểu Bình đối với “Cách mạng văn hóa” rất không bình thường. Ngày 25/3/1976, Giang Thanh tự ý triệu tập cuộc họp những người lãnh đạo 12 tỉnh và thành phố và gọi Đặng Tiểu Bình là “bậc thầy phản cách mạng”, “đại Hán gian”, “đại diện cho giai cấp tư sản mại bản và địa chủ”.

Nhưng ngày 7/4/1976, để phòng ngừa “bè lũ bốn tên” xúi giục phái tạo phản hãm hại Đặng Tiểu Bình nên Mao chỉ thị Uông Đông Hưng di chuyển vợ chồng ông đến một nơi ở bí mật, bảo vệ nghiêm ngặt. Sở dĩ Mao làm như vậy vì Chủ tịch biết Đặng Tiểu Bình có cơ sở vững chắc trong quân đội, có cơ sở xã hội, được quân đội bảo vệ. Ngày 15/6/1976, khi biết bệnh nặng khó qua, Mao gọi Giang Thanh, Hoa Quốc Phong, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Uông Đông Hưng và Vương Hải Dung đến dặn dò. Mao rất chú trọng tên tuổi của mình sau khi chết bởi Lưu Thiếu Kỳ từng nói với Chủ tịch: Để xảy ra thảm kịch người ăn thịt người, ông và tôi sẽ bị ghi vào sử sách. Có học giả thống kê, số người chết đói dưới thời Mao còn nhiều hơn tổng số người chết đói trong hơn 2.000 năm dưới mọi triều đại, nên mỗi khi nghĩ đến điều này, Chủ tịch lại rùng mình ớn lạnh.

(Xem tiếp kỳ sau)

Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh

(Năng lượng Mới số 143, ra thứ Sáu ngày 3/8/2012)