Một chút sự thật về "nhị đại" (Kỳ I)

16:30 | 01/08/2012

4,253 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong lịch sử cận đại Trung Quốc có 2 cuộc đại cách mạng về sản xuất và chính trị được coi là lớn nhất trong lịch sử từ cổ chí kim, đó là Đại nhảy vọt và Đại cách mạng văn hóa. “Nhị đại” này đã làm chết hàng chục triệu người dân Trung Quốc và những hệ lụy của nó cho đến nay vẫn còn. Các nhà nghiên cứu đặt ra nhiều câu hỏi là tại sao một bộ máy nhà nước hoàn chỉnh như vậy lại bị Mao Trạch Đông lũng đoạn. Sự duy ý chí của Mao Trạch Đông khi tiến hành “nhị đại” này xuất phát từ đâu?

Kỳ I: Mao Trạch Đông phát động Đại nhảy vọt để làm gì?

Từ số này, Báo Năng lượng Mới xin giới thiệu với bạn đọc một chút sự thật về “nhị đại”.

Sau khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1/10/1949), những tưởng từ đây ước mong được sống yên ổn, hòa bình của người dân sẽ thành hiện thực, nhưng chẳng bao lâu sau khi Mao Trạch Đông chính thức đưa ra đường lối "Ba ngọn cờ hồng'' với “Đường lối chung”, “Đại nhảy vọt” (trong công nghiệp) và “Công xã nhân dân” (trong nông nghiệp), Trung Quốc từng bước bị lún sâu vào một cơn khủng hoảng trầm trọng. Đại nhảy vọt được sinh ra từ sự duy ý chí của Mao Trạch Đông khi Chủ tịch cho rằng, có thể giải phóng năng suất chưa từng có từ nền kinh tế Trung Quốc và bản thân là người lãnh đạo Cộng sản tốt nhất và vĩ đại nhất. Ngày 15/6/1953, Mao Trạch Đông chủ trì định ra đường lối chung của Đảng trong thời kỳ quá độ - một bước ngoặt sang tả - Trung Quốc đi theo con đường chủ nghĩa xã hội không tưởng dựa vào bạo lực. Sau đó, Mao Chủ tịch phát động Đại nhảy vọt - tiến hành cuộc thực nghiệm chủ nghĩa xã hội không tưởng lớn chưa từng thấy. Trong cuộc họp Ban Bí thư ngày 20/4/1955, Mao Trạch Đông cho rằng, cả nước đã có 670.000 hợp tác xã nên cần ngừng phát triển để củng cố. Nhưng chỉ hơn 10 ngày sau, Mao Trạch Đông lại thay đổi ý kiến, yêu cầu tăng gấp rưỡi số hợp tác xã hiện có vào cuối năm 1957. Hơn 1 tháng sau lại đưa ra mục tiêu mới: tăng gấp đôi (lên 1,3 triệu) vào mùa xuân năm 1956. Cơ sở để Mao Trạch Đông đưa ra quyết định kể trên là cao trào xã hội chủ nghĩa đang xuất hiện ở nông thôn Trung Quốc.

Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa 7 bàn về hợp tác hóa nông nghiệp (tháng 10/1955), Mao Trạch Đông kêu gọi phải làm cho phong kiến, đế quốc, tư bản và sản xuất nhỏ “tuyệt chủng” trên trái đất. Sau hội nghị trên, những ai dám nói thẳng, nói thật, nêu lên hiện trạng sản xuất và đời sống ở nông thôn đều bị phê phán, bị quy là hữu khuynh, nhiều người bị cách chức. Do đó, mới đến cuối tháng 11/1955, cả nước đã thực hiện hợp tác hóa với 116,74 triệu hộ nông dân tham gia hợp tác xã, chiếm 96,1% số hộ nông dân. Thế là kỳ tích xuất hiện: chỉ 4 năm đã hoàn thành kế hoạch cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, vốn dự định làm trong 15 năm. Sau mùa hè năm 1955, cao trào hợp tác hóa nông nghiệp ảnh hưởng mạnh mẽ đến công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa trong ngành thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản tư doanh. Đến cuối năm 1956, ngành này đã cơ bản hoàn thành việc chuyển sang kinh tế tập thể, 92% số người làm nghề thủ công đã được tổ chức trong gần 10.000 hợp tác xã. Từ cuối năm 1955, Thượng Hải, tiếp đó là Bắc Kinh, Thiên Tân, cùng nhiều tỉnh và thành phố khác đã xuất hiện cao trào công ty hợp doanh trong toàn ngành công thương. Đến tháng 6/1956, đã hoàn thành toàn diện công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản trong cả nước.

Trùng khánh tổ chức diễu hành trong thời cách mạng văn hóa

Giới học giả cho rằng, động cơ cá nhân khiến Mao Trạch Đông vội vã từ bỏ lý luận đúng đắn là nôn nóng muốn làm lãnh tụ của phong trào Cộng sản quốc tế. Sau khi Stalin từ trần, Mao Trạch Đông cho rằng, trời sẽ trao nhiệm vụ lớn cho ông ta. Muốn lãnh đạo phong trào cộng sản và phe xã hội chủ nghĩa, mà Trung Quốc lại thực hiện hình thái xã hội lạc hậu so với các nước xã hội chủ nghĩa khác thì không đủ tư cách làm lãnh tụ, do đó, phải nhanh chóng trở thành một nước XHCN hùng mạnh. Đó là nguồn gốc khiến Mao Trạch Đông mắc phải chứng bệnh nóng vội trong việc giải quyết những vấn đề hữu quan. Ngoài ra, muốn làm lãnh tụ thế giới, làm người cầm cờ của phong trào cộng sản, phải làm tốt mọi việc của Trung Quốc, tạo ra kỳ tích chấn động thế giới trong một thời gian ngắn. Khi đó, Mao Trạch Đông đã quyết tâm tập trung lương thực có trong tay để chi viện cách mạng thế giới, giúp ông trở thành lãnh tụ vĩ đại của phong trào Cộng sản quốc tế.

Giới bình luận cho rằng, đường lối “Ba ngọn cờ hồng” là biểu hiện của tư tưởng duy ý chí, nóng vội, chủ quan, muốn đốt cháy giai đoạn trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc. Đường lối này đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Cuối năm 1958, nạn đói diễn ra trầm trọng nhưng đồng ruộng lại bị bỏ hoang, các nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa vì thiếu nguyên liệu. Năm 1958 và 1959, Trung Quốc bị chấn động bởi các dự án lao động phá hủy khổng lồ và điên cuồng nhảy vào sản xuất gang thép. Nông nghiệp bị gián đoạn do sự chuyển đổi lao động và áp dụng sai các chương trình trồng trọt với mật độ dày hơn, khôi phục lại vùng đất khó trồng trọt và tưới tiêu quá mức. Nhưng lãnh đạo địa phương lại cho rằng, sản lượng nông nghiệp sẽ tăng lên do hệ thống xã hội chủ nghĩa mới, các con số bị thổi phồng khi báo cáo lên lãnh đạo. Mọi chuyện trở nên đen tối rất nhanh khi cán bộ địa phương làm sạch kho thóc để đáp ứng mục tiêu trưng dụng và chứng minh khả năng, lòng nhiệt huyết và sự trung thành của họ đối với cấp trên.

Từ năm 1956, khi cách mạng Trung Quốc có những bước phát triển mạnh mẽ thì nội bộ Đảng và không ít lãnh đạo bắt đầu nảy sinh những bất đồng trên các vấn đề về đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, cũng như các vấn đề quốc tế. Tình trạng bất ổn định của Trung Quốc thực sự bắt đầu từ năm 1958, khi Mao Trạch Đông chính thức phát động “Ba ngọn cờ hồng”. Chủ tịch Mao Trạch Đông cho rằng, con người vững được nhờ có bộ xương sống, đất nước phải mạnh về gang thép - Trung Quốc phải vượt Liên Xô và Mỹ trong lĩnh vực này. Tư tưởng “giản dị” này đã khiến 100 triệu người, chủ yếu là nông dân phế bỏ ruộng mùa trong năm đầu của Đại nhảy vọt để xây dựng hàng trăm nghìn lò đúc gang, thép. Nhưng vì không hiểu biết về kỹ thuật đúc gang, thép và không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật nên sản phẩm làm ra không dùng được phải vứt bỏ.

Mao Trạch Đông biết rõ Chu Ân Lai là người có lương tâm, mà dựa vào một Thủ tướng như vậy thì không thể hoàn thành Đại nhảy vọt. Để vô hiệu hóa Chu Ân Lai, Mao thành lập 5 tổ trực thuộc Bộ Chính trị và Ban Bí thư, đó là Tổ Kinh tế - Tài chính do Trần Vân làm Tổ trưởng, Tổ Chính pháp do Bành Chân làm Tổ trưởng, Tổ Ngoại sự do Trần Nghị làm Tổ trưởng, Tổ Văn giáo do Lục Định Nhất làm Tổ trưởng, Tổ Khoa học do Nhiếp Vinh Trăn làm Tổ trưởng. Mao Trạch Đông trực tiếp chỉ huy 5 tổ trên và điều này đồng nghĩa với việc vai trò của Thủ tướng Chu Ân Lai trở nên mờ nhạt, bị tước quyền lãnh đạo, nhất là việc xây dựng kinh tế đất nước.

Đại nhảy vọt đã đưa ra một loạt chính sách phi lý như “đạt sản lượng lương thực 75.000 kg/ha”, “nhân đôi sản lượng thép” và “vượt Anh trong vòng 10 năm và Mỹ trong vòng 15 năm”. Đại nhảy vọt đã khiến người dân tham gia sản xuất thép, nông dân bỏ hoang ruộng vườn. Những chính sách này đã gây ra nạn đói khắp đất nước, nhưng lại được giải thích một cách chính thức là “3 năm thiên tai”. “Ba năm thiên tai” 1960, 1961 và 1962 được nói đến trong sách giáo khoa thực chất là hậu quả trực tiếp của những chiến dịch nhằm gia tăng sản lượng lúa gạo trên toàn quốc. Nạn đói lớn được miêu tả: Nhiều ngôi làng nhỏ bị chết sạch vì người dân bị chết đói. Người ta ăn tất cả mọi thứ, gia đình nào cũng có người chết. Xác chết nằm ngổn ngang khắp nơi khiến người ta bắt đầu ăn thịt lẫn nhau, kể cả người còn sống và thân nhân. Nhưng tin tức bị bưng bít, dân quân canh gác ngày đêm để không cho người dân đi xin ăn và báo cáo với giới chức cấp cao. Khi nông dân cướp ngũ cốc trong kho lương thực vì quá đói thì họ bị bắn với lý do “phần tử phản cách mạng”.

Theo chỉ thị của Mao Trạch Đông. Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng họp tại Bắc Đới Hà từ ngày 17 đến 30/8/1958 để thảo luận 17 vấn đề, chủ yếu là công xã nhân dân về luyện gang thép. Ngày 29/8/1958, Hội nghị Bắc Đới Hà ra nghị quyết về thành lập các công xã nhân dân. Cơ sở thành lập công xã nhân dân là hợp tác liên xã, liên huyện, tổ chức quân sự hóa, hành động chiến đấu hóa, sinh hoạt tập thể hóa, nâng cao hơn nữa giác ngộ cộng sản chủ nghĩa của 500 triệu nông dân. Quy mô công xã nói chung 2.000 hộ là thích hợp, cũng có thể nhiều xã hợp nhất, khoảng 7.000 hộ, thậm chí trên 20.000 hộ. Thành phần tổ chức là phát triển toàn diện nông lâm ngư nghiệp, nghề phụ, chăn nuôi kết hợp công - nông - thương - học - binh. Theo đó, các hợp tác xã hợp nhất thành công xã phải nộp toàn bộ tài sản công hữu. Xã viên phải nộp lại đất phần trăm, toàn bộ tư liệu sản xuất của xã viên thuộc sở hữu của công xã, song có thể giữ lại một ít gia súc, gia cầm. Căn cứ vào nhu cầu, công xã có thể dỡ dần nhà riêng của xã viên để lấy vật liệu sử dụng, nhà mới dựng thuộc sở hữu của công xã, xã viên ở phải trả tiền thuê nhà. Do nhận toàn báo cáo không trung thực, sai sự thật nên Mao Chủ tịch tưởng lương thực quá nhiều, ngoài nuôi người và gia súc, chẳng biết để làm gì.

Ngày 19/11/1958, Mao Trạch Đông quyết định giảm diện tích trồng lương thực từ 122 triệu ha xuống 100 triệu ha, trong đó diện tích trồng lúa nước giảm 9,1%, tiểu mạch giảm 8,5%. Hai ngày sau, tại Hội nghị Vũ Xương, Mao nêu vấn đề “quá độ lên chủ nghĩa cộng sản”. Khắp mọi nơi, trên các bức tường ở đường phố nhiều áp phích chữ lớn như "Công xã Nhân dân, đó là gia đình của chúng ta. Không nên đặc biệt quan tâm đến gia đình nhỏ bé", "Cha mẹ là người gần gũi nhất, yêu thương nhất trên đời, nhưng làm sao có thể so với Mao Chủ tịch và Đảng Cộng sản", "Cuộc sống riêng tư là thứ yếu, vì thế phụ nữ không thể đòi hỏi chồng phải hiến dâng quá nhiều năng lực” kêu gọi công nhân, nông dân, viên chức và sinh viên học sinh hăng hái tăng gia làm việc và tình nguyện hưởng ít lương hơn. Người dân cùng nhau tập họp từ trong nhà ra đồng và từ ngoài đồng ngoan ngoãn theo lệnh người chỉ huy trở về làng. Xã hội tiến hành theo lối sống tập thể, những hình thức quan hệ cá nhân và xã hội có từ trước đều bị thủ tiêu. Tất cả đều là của chung, từ nhà đất, vườn tược đến cả bàn chải đánh răng cũng là của chung.

Trong 8 tháng (từ 11/1958 đến 6/1959), Mao Trạch Đông triệu tập Hội nghị Trung ương 6 và Hội nghị Trung ương 7 khóa 8 cùng các Hội nghị Trịnh Châu, Vũ Xương, Thượng Hải để “tổng kết, rút kinh nghiệm”, đồng thời giải thích sự cần thiết phải cưỡng chế mấy chục triệu người làm gang thép, cũng như không cho nêu ý kiến khác đối với nhà ăn tập thể. Nhưng tại Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng họp ở Thượng Hải (từ 25/3 đến 1/4/1959), Bành Đức Hoài đã dám nói thẳng những điều mắt thấy, tai nghe. Theo đó, Đại nhảy vọt đã sai từ gốc rễ và hậu quả của nó chẳng những ảnh hưởng đến việc không có cách nào huấn luyện quân đội chuẩn bị chiến tranh, mà nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến vận mệnh và tương lai của đất nước. Sau cuộc họp, Chu Ân Lai sợ Bành Đức Hoài quá thẳng thắn sẽ mang vạ vào thân nên đã gặp riêng để góp ý: Tình hình bây giờ không còn như thời kỳ chiến tranh, do đó phương pháp công tác và tư tưởng đều phải thay đổi cho phù hợp.

Ngày 10/7/1959, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã triệu tập cuộc gặp những người lãnh đạo địa phương để nhấn mạnh: Đảng chỉ có thể giải quyết các vấn đề của mình bằng sự thống nhất về tư tưởng, đường lối chung, Đại nhảy vọt để đuổi kịp nước Anh trong vòng 15 năm tới. Mao Trạch Đông quyết định triệu tập Hội nghị công tác tại Lư Sơn để khẳng định, phải kiên trì đường lối chung, Đại nhảy vọt, công xã nhân dân. Chiều 14/7/1959, “Thư gửi Chủ tịch” của Bành Đức Hoài được chuyển đến bàn làm việc của Mao và sau khi đọc kỹ ông đã chuyển Ban Thư ký Hội nghị in phát cho từng người, làm văn kiện của hội nghị.

Từ ngày 17 đến 22/7/1959, các tổ thảo luận thư của Bành Đức Hoài và Mao Trạch Đông quyết định hy sinh Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, nguyên soái thứ hai, anh hùng đánh thắng đế quốc Mỹ vì dám đề cập đến sai lầm của Đại nhảy vọt. Với tư cách cá nhân, ngày 14/7/1959, Bành Đức Hoài đã gửi cho Chủ tịch Mao Trạch Đông một lá thư viết tay khá dài, trong đó cho rằng, những lò luyện gang thép gia đình có những mặt tích cực và tiêu cực. Bởi đã huy động người để tìm kiếm những khoáng sản cần thiết cho việc luyện gang thép trong cả nước. Nhiều người lĩnh hội được kỹ thuật mới và cán bộ được trau dồi thêm khả năng tổ chức của họ. Nhưng một số lượng lớn người được huy động tìm kiếm khoáng sản đã dẫn đến tình trạng phung phí quá nhiều sức lao động. Bành Đức Hoài cho rằng, tiêu cực nhiều hơn tích cực, đồng thời nhấn mạnh, phải rút kinh nghiệm Đại nhảy vọt bởi kế hoạch này đã khuyến khích những khuynh hướng quá tả, bóp méo ghê gớm những con số thống kê trong sản xuất và sự lạc quan tếu, do đó Đảng phải phân định rạch ròi đúng sai và nâng nhận thức về tư tưởng lên một mức độ cao hơn nhằm tránh ảnh hưởng xấu đến sự thống nhất và những chính sách sau này của đảng.

Được biết, mở đầu sự công kích của Bành Đức Hoài tại Hội nghị Lư Sơn là nhằm vào Mao Trạch Đông, sau đó là sự phản công của phái thân Chủ tịch chống lại Bành Đức Hoài để đưa Lâm Bưu lên giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Ngày 16/7/1959, mặc độc chiếc quần ngủ trắng, chân đi dép, không tất. Chủ tịch Mao Trạch Đông đã họp với Thường vụ Bộ Chính trị. Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức và Trần Vân là những thành viên duy nhất có mặt ở Lư Sơn lúc đó. Đặng Tiểu Bình và Lâm Bưu vắng mặt trong cuộc họp này vì bị ốm. Tại cuộc họp này, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã chỉ trích bức thư của Bành Đức Hoài cùng lời đe dọa: Nếu đảng bị chia bè kéo cánh, ông sẽ thành lập một đảng mới của nông dân, nếu quân đội bị phân hóa, ông sẽ xây dựng một đội quân khác. Sau cuộc họp kể trên, lá thư của Bành Đức Hoài được gửi đến đảng bộ địa phương các cấp để thảo luận. Rất ít người dám đồng tình với Bành Đức Hoài, nhưng cũng có một vài người tỏ ra can đảm.

Ngày 19/7/1959, Hoàng Khắc Thành, Tổng tham mưu trưởng và cũng là bạn thân của Bành Đức Hoài đã liên kết với Châu Tiểu Châu, Bí thư thứ nhất tỉnh Hồ Nam, người từ lâu lo ngại về cuộc khủng hoảng kinh tế, đã lên tiếng ủng hộ Bành Đức Hoài. Cả hai đều ca ngợi dụng ý của lá thư, tuy một số đoạn trong thư lời lẽ khá gay gắt. Ngoài ra còn có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trương Văn Điền, người dám công kích quyết liệt phong cách lãnh đạo của Chủ tịch Mao Trạch Đông và Đại nhảy vọt trong một bài phát biểu dài vì cho rằng, thà nói lên sự thật rồi chết còn hơn sống thảm hại như một vật vô tri, vô giác.

Ngày 23/7/1959, Chủ tịch Mao Trạch Đông lại triệu tập cuộc họp mở rộng Bộ Chính trị để lên án một số thành phần trong và ngoài đảng đang câu kết với nhau để công kích sự lãnh đạo của đảng, đồng thời bác bỏ từng điểm trong lá thư của Bành Đức Hoài. Bành Đức Hoài đã chất vấn Chủ tịch Mao Trạch Đông: Tại sao lại phân phát bức thư của mình cho những người tham dự cuộc họp mà không được sự đồng ý của ông, bởi lá thư này được gửi với tư cách cá nhân. Chủ tịch Mao Trạch Đông nói, Bành Đức Hoài không cấm ông làm chuyện này. Sau đó, một quyết định nghiêm khắc của đảng đã được thông qua, theo đó Bành Đức Hoài, Hoàng Khắc Thành, Châu Tiểu Châu, Trương Văn Điền bị quy là hữu khuynh. Tư tưởng bức thư của Bành Đức Hoài gửi Chủ tịch Mao Trạch Đông đã bị bóp méo đến mức không nhận ra. Phó thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng không phát biểu một lời nào chống đảng, chống Mao Trạch Đông, nhưng Chủ tịch lại đưa bức thư này ra như một bằng chứng của âm mưu thâm độc chống đảng. Do đó, Bành Đức Hoài và những người ủng hộ ông phải giải thích khi nào và với mục đích gì họ đã tham gia âm mưu chống đảng?

Sáng 27/7/1959, Lưu Thiếu Kỳ họp các tổ trưởng truyền đạt chỉ thị của Mao Chủ tịch “tiếp tục phê phán tập đoàn chống đảng Bành Đức Hoài”. Uông Đông Hưng tuyên bố với lực lượng bảo vệ: Bành Đức Hoài không được tự tiện đi vào nơi ở của Mao Trạch Đông và Lưu Thiếu Kỳ. Với lời lẽ gay gắt, Lâm Bưu phê phán Bành Đức Hoài là kẻ có dã tâm, có âm mưu, độc đoán chuyên quyền, giả dối, háo danh, chẳng coi ai ra gì, lợi dụng hình thức thẳng thắn để mê hoặc người khác, trong và ngoài đảng, trong và ngoài nước bàn tán Bành Đức Hoài là phần tử đầu cơ…

Ngày 16/8/1959, Hội nghị ra nghị quyết nêu rõ: Cần đưa Bành Đức Hoài, Trương Văn Thiên, Hoàng Khắc Thành, Chu Tiểu Châu ra khỏi các cương vị công tác của họ trong Bộ Quốc phòng, Ngoại giao và tỉnh Hồ Nam, song vẫn giữ các chức vụ của họ trong Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương. Hội nghị Lư Sơn chứng minh: Ai không đi theo Mao Chủ tịch, người đó sẽ mắc sai lầm. Ngày 17/8/1959, Mao Trạch Đông triệu tập Hội nghị công tác Bộ Chính trị, các cán bộ cấp cao có mặt tại Lư Sơn đều tham gia. Mao Trạch Đông chỉ nói về tầm quan trọng của lãnh tụ. Sau đó, theo gợi ý trước của Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ nói nhiều về sự cần thiết và đúng đắn của sùng bái cá nhân, phê phán Bành Đức Hoài. Bất chấp các nỗ lực phối hợp của lãnh đạo địa phương trong việc che đậy, nhưng sự thật vẫn bị phơi bày cho dù Chủ tịch Mao Trạch Đông đã đưa ra giải thích phục vụ mục đích của mình: Việc thiếu hụt thóc lúa là kết quả của sự trỗi dậy phản cách mạng ở nông thôn, địa chủ cũ và phú nông thông đồng để che giấu nhà nước về việc bội thu thóc lúa của họ. Tình hình phát triển tới mức nhiều lãnh đạo không hài lòng đối với chính sách của Chủ tịch Mao Trạch Đông. Nhưng Chủ tịch Mao Trạch Đông đã đảo ngược tình thế cho dù tại Hội nghị Lư Sơn hè năm 1959, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Bành Đức Hoài và “lão thần” Trương Văn Thiên chỉ trích Đại nhảy vọt.

(Xem tiếp kỳ sau)

Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh

(Năng lượng Mới số 142, ra thứ Ba ngày 31/7/2012)