Mối nguy người tâm thần phạm tội

13:57 | 10/11/2012

1,014 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sau vụ Cao Quốc Huy (đối tượng từng giết người và được đưa vào bệnh viện tâm thần chữa trị) bắt cóc, khống chế con tin tại Trường mầm non 10A ở TP HCM, dư luận xã hội càng băn khoăn, lo lắng hơn về mối nguy hiểm khi người tâm thần phạm tội và vấn đề quản lý người tâm thần hiện nay.

Những vụ án kinh hoàng

Tình trạng bệnh nhân tâm thần gây án xảy ra khá thường xuyên và để lại những hậu quả vô cùng đau lòng. Đáng lo ngại là ngày càng nhiều người có tiền sử liên quan đến bệnh tâm thần qua thời gian chữa trị thì được trả về địa phương tái phát bệnh và gây ra nguy hiểm cho cộng đồng. Điển hình nhất là vụ việc ngày 11-10, đối tượng Cao Quốc Huy (ngụ 625 đường Lý Thường Kiệt, phường 11, quận Tân Bình) đã lẻn vào Trường mầm non 10A đường Gò Cẩm Đệm (phường 10, quận Tân Bình) bắt cóc và dùng dao khống chế hai học sinh mầm non.

Rất may là Công an quận Tân Bình giải cứu thành công. Điều đáng nói là sau sự việc này, hồ sơ đối tượng Cao Quốc Huy mới được làm rõ.

Theo Cơ quan Công an, Cao Quốc Huy là đối tượng từng giết người và phải vào bệnh viện tâm thần để chữa bệnh. Chúng tôi đã tìm đến Bệnh viện Tâm thần Đồng Nai (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) nơi Cao Quốc Huy từng trải qua 2 năm điều trị trước khi được về nhà và gây ra vụ bắt cóc, khống chế con tin kinh hoàng vừa qua.

Đối tượng Cao Quốc Huy, người gây ra vụ bắt cóc khống chế con tin tại Trường mầm non quận Tân Bình (TP HCM)

Theo bệnh án, Huy sinh ra đã ốm yếu, cha mất sớm. Dù được mẹ chăm sóc nhưng Huy vẫn yếu, nghỉ học giữa năm lớp 12. Tưởng chừng ở nhà sẽ giúp Huy nghỉ ngơi, nhưng ngày 14/4 Huy đã đâm chết Hoàng Quốc Hùng - bạn học từ lớp 10. Nguyên do chỉ vì Huy vẫn nhớ chuyện thường hay bị Hoàng Quốc Hùng trêu ghẹo, chế giễu. Vì vậy, Huy nuôi ý định trả thù, tối 14/4 Huy gọi điện rủ Hùng đi xem đá bóng, Hùng đi xe máy đến chở bạn sang nhà mình.

Huy dắt sẵn dao trong người và treo can dầu (mua từ trước) lên xe rồi đi. Đến đoạn đường vắng, Huy ngồi sau dùng dao đâm liên tiếp vào lưng và hông Hùng. Do vết thương quá nặng và mất nhiều máu nên Hùng đã chết trên đường đi cấp cứu. Sau sự việc này, với kết luận từ việc giám định, mẹ Huy mới chấp nhận đưa con đến bệnh viện tâm thần chữa trị.

Trước đó, người dân TP HCM cũng kinh hoàng với vụ việc người mắc chứng tâm thần là Lâm Tiến Dũng (45 tuổi, ngụ đường Nguyễn Văn Nghi, phường 7, quận Gò Vấp) dùng axít tạt vào gia đình anh Nguyễn Quốc Tuấn khiến anh Tuấn, vợ, cùng con trai chịu thương tật nặng. Tuy nhiên, kết quả điều tra và giám định của Cơ quan Công an đã chứng minh Dũng là người bị chứng tâm thần phân liệt. Dũng luôn cho rằng, anh Lâm hay chửi bới cha của Dũng, vì vậy đối tượng mới nuôi ý định trả thù. Hậu quả của vụ việc trên đã khiến anh Tuấn bị thương tật vĩnh viễn 96%, trong đó đôi mắt bị mù hoàn toàn. Còn vợ và con anh Tuấn là chị Phạm Thị Xuân (SN 1977) và cháu Nguyễn Quốc Huy Bảo (SN 2007) dù được chữa trị kịp thời nhưng di chứng để lại là hàng chục vết sẹo trên cơ thể.

Phủ nhận bệnh tình

Qua những vụ án liên quan đến người mắc bệnh tâm thần, điều rất dễ nhận ra là chính gia đình đã không thừa nhận bệnh tật của con em mình để chữa trị kịp thời. Nhiều gia đình không muốn đưa người thân vào bệnh viện tâm thần chữa trị, mà chọn cách giữ họ ở nhà. Theo những ghi chép trong hồ sơ của Cao Quốc Huy cho thấy, trước khi Huy gây ra vụ án mạng kinh hoàng thì Huy đã trải qua thời gian dài với những dấu hiệu của căn bệnh tâm thần phân liệt. Bằng chứng là gia đình luôn bỏ qua lời đề nghị từ phía nhà trường về việc đưa Huy đi khám và chữa trị.

Năm 1999, khi đang là học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Thái Bình, Huy phát bệnh, học lực kém đi và hay bỏ học. Huy thường kêu đau đầu và lên gác nằm một mình, không nói chuyện với ai. Sau khi Trường THPT Nguyễn Thái Bình đề nghị cho Huy nghỉ học, gia đình đã chuyển con sang Trường dân lập Hồng Đức. Tuy nhiên, chỉ học được một thời gian ngắn, bệnh của Huy tiếp tục trở nặng. Sợ phải đưa con vào bệnh viện tâm thần, mẹ Huy cắt thuốc nam, thuốc bắc và mời thầy làm bùa phép nhưng bệnh tình càng nặng thêm. Học hết lớp 10 Huy phải thi lại nhiều môn. Gia đình lại chuyển Huy sang Trường dân lập Bắc Sơn. Năm 2002, đang học lớp 12, Huy đến lớp ngồi cười ngặt nghẽo suốt ngày, rồi trèo tường trốn học, về nhà rồi lên gác nằm một mình…

Trong vụ án tạt axít tại quận Gò Vấp, đối tượng Lâm Tiến Dũng được giám định là người bị chứng tâm thần phân liệt. Nhưng trước đó người thân của Dũng chỉ nghi ngại về những biểu hiện của Dũng và tự chạy chữa thuốc thang, chứ không đưa đi điều trị. Trong thời gian ở nhà, do không được sự quan tâm từ gia đình nên Dũng càng trở nên lầm lì, ít nói. Dũng hay đi lang thang và khi bệnh nặng khiến cho gia đình và cả hàng xóm phải chịu nỗi đau suốt đời.

Rất khó quản lý

Thực tế, mối lo ngại của dư luận không phải là vô lý, khi hiện tại trên địa bàn TP HCM có khoảng 7.000 người mắc bệnh tâm thần đang sinh sống trong cộng đồng. Việc chăm sóc và điều trị cho số bệnh nhân này chưa có một mô hình nào cụ thể. Vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ người tâm thần phạm tội và gây tác động xấu cho cộng đồng. Tại TP HCM, hiện chỉ có 2 trung tâm bảo trợ xã hội trực thuộc Sở LĐ-TB&XH TP HCM có khả năng tiếp nhận, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho 2.500 bệnh nhân ở dạng nặng, còn hàng nghìn người mắc bệnh tâm thần vẫn chưa thể quản lý. Nhiều trường hợp các bệnh nhân tâm thần nặng của thành phố được đưa đến bệnh viện tuyến Trung ương để chữa trị.

Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là, hiện nay vấn đề quản lý bệnh nhân tâm thần từ trong các bệnh viện tâm thần, các trung tâm bảo trợ xã hội đến những người bệnh tại cộng đồng rất lơi lỏng.

Điển hình là trường hợp đối tượng Cao Quốc Huy, vốn là bệnh nhân cũ của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2. Theo hồ sơ lưu, sau quá trình được đưa vào điều trị đến ngày 20/4/2004, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 ra thông báo gửi Viện Kiểm sát nhân dân và Công an TP HCM về việc can phạm đã ổn định, không cần chế độ điều trị bắt buộc nữa. Văn bản yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân TP HCM cho trưng cầu giám định lại theo thủ tục.

Và nếu kết quả giám định cho thấy can phạm đã khỏi bệnh thì viện sớm ra quyết định đình chỉ, giúp bệnh viện giảm tải bệnh nhân. Tuy nhiên, trong hồ sơ của Cao Quốc Huy lại không hề có biên bản giám định lại và cũng không hề có quyết định đình chỉ điều trị bắt buộc và giấy xuất viện theo đúng quy trình.

Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Khoa Băng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 cho rằng, thông báo của bệnh viện chỉ có tính chất tham khảo cho cơ quan tố tụng để ra quyết định giám định lại. Trường hợp của Cao Quốc Huy có thể là do hồ sơ bị thiếu hoặc thất lạc. Như vậy, nếu trong thời gian tới, một lần nữa Cao Quốc Huy lại được giám định mắc bệnh tâm thần và không có các giấy tờ liên quan đến việc giám định lại nói trên thì bệnh viện liệu có trách nhiệm trong vụ việc này(?).

Việc quản lý bệnh nhân tâm thần hiện đang gặp nhiều vấn đề, một phần là xuất phát từ việc các bệnh viện và trung tâm bảo trợ xã hội bệnh nhân tâm thần hiện đang rơi vào tình trạng quá tải. Trong khi đó, số lượng bệnh nhân tâm thần cần được chữa trị rất lớn và có xu hướng ngày càng gia tăng.

Mặt khác, việc thiếu đội ngũ y, bác sĩ tại các cơ sở chữa bệnh cho bệnh nhân tâm thần càng khiến việc chăm sóc và chữa trị cho bệnh nhân chưa bao giờ khó khăn đến vậy. Trong khi đó, tại cộng đồng, người bị tâm thần vẫn sống trong sự thiếu hiểu biết và quan tâm chăm sóc đúng cách của gia đình.

Về vấn đề này, ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB&XH TP HCM cho biết: “Rất khó để hỗ trợ kiến thức cũng như phương pháp chăm sóc cho các gia đình có bệnh nhân tâm thần. Bởi hiện tại thành phố chưa có mạng lưới đội ngũ tham vấn chuyên nghiệp như đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội ở phường, xã để có thể tư vấn, trợ giúp gia đình chăm sóc người bệnh tâm thần”.

Tuy nhiên, cũng theo ông Giang, hiện nay mô hình về quản lý, chăm sóc, điều trị người tâm thần ở cộng đồng ở các địa bàn đã được sở trình thành phố xem xét. Nếu được chấp thuận, mô hình này sẽ giúp việc quản lý người bị tâm thần ở cộng đồng tốt hơn.

 

Thùy  Trang