Lương tâm và trách nhiệm (Bài 2)

17:06 | 20/10/2013

817 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bệnh nhân khám chữa bệnh theo bảo hiểm, không ai là không biết đến Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trường, Khoa Khám bệnh (phòng khám số 2) Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Bởi không chỉ tận tâm, nhiệt tình trong điều trị mà điều đáng quý nhất ở bác sĩ này là sự cởi mở, tôn trọng bệnh nhân, dẫu trong hoàn cảnh nào - một cách cư xử hiếm hoi của người lương y khoác áo trắng nói chung đối với bệnh nhân hiện nay. Vào phòng khám của ông, thầy thuốc và người bệnh như cùng một nhà. Ai đến Bệnh viện Lão khoa Trung ương điều trị cũng đều mong muốn được bác sĩ Trường khám. Tuy nhiên, điều đáng tiếc đây lại không phải là hình ảnh phổ biến trong ngành y mà hình ảnh phổ biến phần nhiều lại trái ngược hoàn toàn.

Năng lượng Mới số 266

Mắng bệnh nhân như... tát nước

Vào các bệnh viện hiện nay, cách ứng xử “thống trị” là lối nói nạt nộ, cộc lốc, không có chủ ngữ, thái độ như ban phát của thầy thuốc đối với bệnh nhân... Một cụ già lụ khụ, chân tay run lẩy bẩy, chống gậy đi khám phải thốt lên: “Tóc còn xanh chỉ như con cháu tôi ở nhà, thế mà họ mắng tôi xơi xơi cứ như họ đang mắng con họ vậy”! Đến Khoa Khám bệnh dành cho bệnh nhân có bảo hiểm ở Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội có thể dễ dàng bắt gặp ngay cách cư xử này. Ngày nào cũng vậy, ở đây bệnh nhân đến khám chật như nêm đến nỗi ghế dành cho người ngồi chờ không bao giờ còn trống, phải thay nhau ngồi hoặc đứng đợi “chồn chân mỏi gối”.

Giữa không khí ngột ngạt, oi bức nhất là vào những ngày hè, sự bức bối, chịu đựng của họ phải nói rằng còn hơn bác sĩ nhiều do sức khỏe yếu, bệnh tật, lại trong điều kiện không có điều hòa như phòng bác sĩ. Hoặc ít nhất sự căng thẳng của bác sĩ và cả bệnh nhân đều như nhau. Thế mà bệnh nhân luôn luôn phải chịu đựng thái độ hách dịch, xẵng giọng của bác sĩ mỗi khi đến khám. Thái độ mà nhiều người khi đến nơi khám bệnh dành cho bệnh nhân bảo hiểm không ít lần chứng kiến ấy là: bác sĩ đuổi quầy quậy và mắng té tát, mắng xa xả bệnh nhân chỉ vì họ muốn hỏi bác sĩ một điều gì đó liên quan đến bệnh tật…

Ăn bớt vắc-xin ở Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội

Bà Trần Thị Cẩn, ở phố Đội Cấn thở dài: “Có bệnh tật phải đi bệnh viện đã khổ lắm rồi. Nhưng đến đây, thấy cái cách cư xử của bác sĩ còn thấy nhục hơn. Nhưng chả biết làm sao, phải chịu vậy”! Còn bà Nguyễn Thị Hạnh, ở phố Ngọc Hà thì phàn phàn: “Mỗi lần tôi đi khám như là một lần tôi phải chịu “cực hình”. Cực hình về cơ sở vật chất còn chấp nhận được. Nhưng chịu “cực hình” về sự lạnh lùng, thiếu tôn trọng thì không gì có thể nói “đau” hơn”!

Không chỉ ở Bệnh viện Xanh Pôn mà ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, bệnh nhân cũng thường gặp cảnh tương tự. Nếu ở Khoa Sơ sinh là một sự dễ chịu, hài lòng thì ở khoa dành cho sản phụ sau sinh là hình ảnh tương phản. Bác sĩ - bệnh nhân trở thành hai thế giới tách biệt, xa lạ. Thái độ quát nạt, hống hách theo kiểu “nỗi đau của bệnh nhân không phải là nỗi đau của bác sĩ” khiến người ta buộc phải nhìn nhận đó là thái độ chung của các bác sĩ hiện nay đối với bệnh nhân.

Vẫn nặng về hình thức

Vì sao vậy? 

Không gì sâu xa hơn mà ngay cả những người trong ngành y phải thừa nhận: y đức xuống cấp nghiêm trọng.

Có nhiều ý kiến, thậm chí lãnh đạo ở một số bệnh viện cho rằng do phải khám, chữa bệnh số lượng lớn bệnh nhân, phải làm việc trong môi trường căng thẳng nên bác sĩ dễ có “thái độ” với bệnh nhân. Thực ra, đây chỉ là biện minh cho sự sai trái của nhiều bác sĩ trong ứng xử. Bởi hơn ai hết, khi lựa chọn vào ngành nghề này, họ đã hình dung ít nhiều sự gian nan, vất vả, sự hy sinh, chịu đựng nhưng lại cũng chính là  điều làm nên cao cả của nghề nghiệp. Cho nên không thể “đổ lỗi” cho môi trường hay lý do gì khác về thái độ ứng xử thiếu tôn trọng cũng như sự tắc trách, vô trách nhiệm của bác sĩ trong quá trình điều trị.

Bên cạnh nguyên nhân trục lợi, giáo dục cũng được coi là nguyên nhân dẫn đến “nhức nhối vấn đề y đức”. Bởi Bác Hồ đã từng dạy: “…Hiền - dữ đâu phải là bản tính. Phần nhiều do giáo dục mà nên” thì ứng với điều này, câu nói của Bác đến ngày hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Nhân bản xét nghiệm, một minh chứng cho sự xuống cấp nghiêm trọng y đức

Đối với những người đã thành nghề, công tác tại các bệnh viện thì y đức được giáo dục dưới hình thức những buổi thảo luận theo chương trình soạn thảo của chính bệnh viện, xây dựng khẩu hiệu rồi thực hiện theo khẩu hiệu ấy v.v… Tuy nhiên, có dịp tìm hiểu ở nhiều bệnh viện qua những lần tác nghiệp, thực sự phải nói rằng, chương trình giáo dục này chỉ nặng về hình thức, khẩu hiệu mà thiếu thực tế. Bởi chỉ dẫn chứng đơn giản có thể thấy, trên bức tường dọc hành lang của nhiều bệnh viện, bảng nội quy hoặc khẩu hiệu được treo đầy với nội dung mang đại ý: bác sĩ không được nhận “phong bì” của bệnh nhân hay bệnh nhân không được đưa “phong bì” cho bác sĩ… Nhưng thực tế tình trạng này vẫn tiếp diễn ở nhiều bệnh viện, thậm chí trở thành “nạn”, thành “luật bất thành văn” của bệnh nhân mỗi khi vào bệnh viện khám hoặc điều trị.

Theo một khảo sát về vấn nạn phong bì với 6.000 người, đã có 73% trong số đó đưa phong bì cho bác sĩ để bác sĩ chữa trị tốt, 15% đưa phong bì theo chính gợi ý của nhân viên y tế, 7% đưa phong bì sau khi điều trị để cảm ơn.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng từng thừa nhận: “Chuyện nhận phong bì ở ngành y tế là khó chấp nhận được”.

Còn đối với sinh viên ngành y, những bài học y đức lại không được coi trọng như những môn chuyên ngành mà giảng dạy gần như theo cách “vừa dạy vừa rút kinh nghiệm”. Ngay giảng viên dạy y đức cũng là giảng viên kiêm nhiệm chứ không phải chuyên sâu trong khi đây là yếu tố căn bản quyết định không những sự nghiệp của người làm nghề y mà còn là sự sống của bao nhiêu người. Đó là chưa nói đến nội dung giảng dạy về y đức chưa đề cập đến vấn đề trách nhiệm và tự chịu trách nhiệm của những người sẽ hành nghề bác sĩ; giữa lý thuyết và thực hành vẫn còn một khoảng cách xa; thời gian thực hành hạn chế, sau khi ra trường, y đức không được bồi dưỡng chú trọng…

Như một học giả khác nhận định về y đức thì đây không phải là môn học ép buộc mà là môn học về đạo đức nghề nghiệp gắn liền với phát triển khoa học kỹ thuật. Học y đức không phải là học những điều cấm kỵ mà là những đồng thuận về giá trị đạo đức. Y đức là đạo đức của tất cả những người làm công tác y tế và y học. Đó là một hình thái đặc biệt của ý thức xã hội. Đạo đức bắt nguồn từ những yêu cầu của sự tồn tại và phát triển xã hội, từ một khách quan của đời sống là điều chỉnh hành vi của con người trong các mối quan hệ xã hội để kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể.

Xét trên góc độ đó, thì có thể nói, hiện nay y đức xuống cấp trầm trọng. Tất nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những người đáng kính, nhưng có lẽ nỗ lực, cống hiện của họ không đủ để “hóa giải” những vụ việc thất đức của ngành y tế.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có lần cho rằng, nguyên nhân dẫn đến y đức xuống cấp là do thu nhập của nhân viên y tế còn thấp, không bảo đảm mức sống của họ. Song nhiều ý kiến cho rằng, ý kiến này không thuyết phục, bởi trong số những bác sĩ đã làm cho màu áo trắng của ngành y vấy bẩn, phải nói rằng thu nhập của họ ở mức cao, thậm chí không tưởng tượng nổi. Cho nên chỉ có thể hiểu là không biết tự trọng là nguyên nhân khiến y đức của ngành xuống cấp.

Nguyễn Duy