Ludvig Nobel - Ông vua dầu lửa Baku

12:00 | 13/10/2022

1,619 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ludvig Immanuel Nobel (27/7/1831 - 12/4/1888) là một kỹ sư tài năng gốc Thụy Điển. Có vai trò lớn đối với ngành dầu lửa Nga, ông đã được mệnh danh là “Ông vua dầu lửa Baku” và là một doanh nhân nổi tiếng bởi trí tuệ và lòng nhân đạo.
ludvig nobel ong vua dau lua baku
Ludvig Nobel - Ông vua dầu lửa Baku

Bước chân đầu tiên vào ngành công nghiệp dầu lửa

Ludvig Immanuel Nobel là con trai thứ hai trong 4 người con (Robert, Ludvig, Alfred và Emil) của Immanuel Nobel và Andriette Nobel. Theo dòng họ nội, ông là hậu duệ của nhà khoa học Thụy Điển danh tiếng Olaus Rudbeck (1630-1702). Cùng với em trai Alfred (người sáng lập giải thưởng Nobel), Ludvig là những thành viên nổi bật nhất của gia đình Nobel.

Vào năm 1862, dầu hỏa của Mỹ đã tới thị trường Nga. Lúc này Ludvig Immanuel ở tuổi 31, bắt đầu xây dựng Nhà máy chế tạo máy Ludvig Nobel ở St. Petersburg trên đống gạch tàn của công ty cũ của cha - một nhà máy sản xuất vật tư chiến tranh bị phá sản vào năm 1859.

Khi Ludvig giành được một hợp đồng lớn sản xuất súng trường cho Chính phủ Nga và cần gỗ để làm báng súng, ông ủy thác cho người anh cả của mình là Robert Nobel tới dãy núi Caucasus (ở vùng Kavkaz thuộc miền nam nước Nga) để kiếm gỗ óc chó.

Tháng 3/1873, Robert tới Baku. Tuy nhiên, ngay khi đặt chân tới Baku, Robert đã bị cuốn vào cơn sốt dầu ở đây. Không hỏi ý kiến em trai, Robert dùng ngay khoản tiền 25.000 rúp dành mua gỗ óc chó để mua một nhà máy lọc dầu nhỏ ở Baku, đánh dấu bước chân đầu tiên của nhà Nobel vào ngành công nghiệp dầu lửa.

Ludvig tiếp tục rót thêm vốn cho anh trai. Với nguồn vốn này, Robert nhanh chóng bắt tay vào việc hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả của nhà máy lọc dầu, đặt đường ống dẫn dầu về nhà máy và phát triển nhà máy này thành nhà máy lọc dầu mạnh nhất ở Baku.

Và cùng với anh trai Robert, Ludvig đã điều hành Branobel - công ty dầu khí ở Baku, Azerbaijan. Đến năm 1876, anh em nhà Nobel đã trở thành nhà tinh chế có quyền lực nhất ở Baku. Tháng 10 cùng năm, lô hàng dầu chiếu sáng đầu tiên của nhà Nobel đã tới St. Petersburg.

Tăng tốc ngoạn mục

Cùng năm đó, Ludvig tới Baku để được tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra ở đây. Là một nhà lãnh đạo công nghiệp sừng sỏ, Ludvig Nobel có khả năng vạch ra một kế hoạch với quy mô của ông trùm dầu lửa Mỹ Rockefeller.

Ludvig bắt đầu phân tích từng giai đoạn phát triển của ngành công nghiệp dầu lửa; ông học mọi thứ có thể học về kinh nghiệm trong lĩnh vực này của nước Mỹ, tăng cường đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới và lập kế hoạch kinh doanh để đạt được hiệu quả và lợi nhuận. Ông đã vạch ra một kế hoạch tổ chức toàn bộ ngành công nghiệp, từ giếng dầu và nhà máy lọc dầu đến phân phối với tàu chở dầu và kho chứa lan khắp nước Nga.

Năm 1879, Ludvig biến Branobel - doanh nghiệp ban đầu thành một công ty cổ phần, trong đó ông là cổ đông lớn và đối tác là các anh em Robert và Alfred Nobel. Đến đầu thập niên 1880, Nga đã có gần 200 nhà máy lọc dầu hoạt động ở khu vực ngoại ô công nghiệp mới của Baku. Công ty của gia đình Nobel sản xuất tới 1/2 sản lượng dầu hỏa của Nga. Mọi việc đều suôn sẻ, chỉ có một lục đục duy nhất, đó là Robert đã rời bỏ công ty trở về Thụy Điển, còn Alfred tiếp tục hỗ trợ vốn cho Ludvig.

Chỉ trong vài năm, ngành công nghiệp dầu lửa của Nga đã đuổi kịp và thậm chí, còn vượt lên dẫn trước ngành công nghiệp dầu lửa của Mỹ. Năm 1874, sản lượng dầu thô của Nga là chưa đầy 600.000 thùng. Một thập kỷ sau đó, con số này đạt mức 10,8 triệu thùng, tương đương gần 1/3 sản lượng dầu của Mỹ. Cùng với đó là sự hiện diện của công ty sản xuất dầu lửa nhà Nobel trên khắp đất nước Nga, qua những giếng dầu, đường ống, các nhà máy lọc dầu, tàu chở dầu, xà lan, kho chứa, tuyến đường sắt của riêng công ty và hệ thống phân phối bán lẻ.

Sự phát triển nhanh chóng của đế chế dầu lửa dưới sự lãnh đạo của Ludvig Nobel trong 10 năm đầu tiên sau ngày thành lập được coi là một trong những thành tựu doanh nghiệp vĩ đại nhất của thế kỷ XIX. Có công trong việc tạo ra ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga, Ludvig Nobel trở thành "Ông vua dầu lửa của Baku".

Tài năng và lòng nhân đạo

ludvig nobel ong vua dau lua baku
Tượng đài Ludvig Nobel tại thành phố Rybinsk (Nga)

Lợi nhuận từ dầu mỏ đã giúp cho gia đình Nobel trở thành một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới vào thời kỳ đó. Nhưng con đường thành công của Ludvig Nobel không hề dễ dàng khi phải đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt của nhà Rothschild (Pháp) và công ty Standard Oil (Mỹ), cũng như phải vượt qua những cản ngại địa lý và kỹ thuật để vận chuyển dầu đến những vùng miền xa hơn, đảm bảo hơn.

Để vượt lên, để phát triển công ty và mở rộng thị trường, Ludvig Nobel đã phát minh ra tàu chở dầu và xây dựng các nhà máy lọc dầu, đường ống tốt hơn. Trước năm 1880, Hoa Kỳ là “thầy” của Nga trong hầu hết các lĩnh vực kinh doanh dầu mỏ, nhưng nhà Nobel đã làm thay đổi điều đó. Ludvig đã gặt hái chiến thắng nhờ trí tuệ của mình.

Xác định rõ vai trò quan trọng của khoa học kỹ thuật, Ludvig đã thành lập các phòng thí nghiệm nghiên cứu ở Baku. Hàng chục nhà khoa học đã được tuyển dụng, tìm cách xử lý dầu, phát triển các sản phẩm. Công ty của ông cũng là công ty đầu tiên trên thế giới có biên chế cho các nhà địa chất học dầu lửa chuyên nghiệp.

Với vận tải đường dài - một vấn đề có tính chất quyết định, Ludvig đã thiết kế ra những con tàu lớn với những bể chứa được xây dựng sẵn nhằm vận chuyển dầu với khối lượng lớn. Tàu chở dầu mang tên Zoroaster được đưa vào sử dụng năm 1878 trên biển Caspi là con tàu đầu tiên thành công với giải pháp này, tạo nên sự ảnh hưởng rộng lớn của Ludvig trong ngành vận chuyển. Năm 1889, công ty Nobel tiếp tục tạo dấu ấn khi xây dựng đường hầm chỉ 42 dặm xuyên núi nhằm thay thế con đường vận chuyển dầu 78 dặm vượt núi đầy khó khăn…

Bên cạnh tài năng và những ý tưởng để phát triển nhà máy lọc dầu ở Baku thành một trong những nhà máy lọc dầu tiên tiến nhất trên thế giới, Nobel Ludvig còn nổi tiếng về lòng nhân đạo. Ông được biết đến là một người chia sẻ lợi nhuận và làm việc tích cực để cải thiện điều kiện làm việc trong các nhà máy của mình. Ông xây dựng nhà ở cho nhân viên với phòng ăn, phòng bi-a, thư viện, phòng hội nghị, đầu tư thuyền để đưa đón nhân viên và thực hiện nhiều hoạt động từ thiện khác như quyên góp tiền cho các trường học, bệnh viện, xây dựng công viên...

Với sự quan tâm đặc biệt của Ludvig, một lực lượng lao động đa quốc gia của công ty ông được hưởng chế độ đãi ngộ tốt hơn bất kỳ tại doanh nghiệp nào ở Nga. Chính bởi vậy, các nhân viên của công ty đầy tự hào nhận mình là "Nobelites" (người nhà Nobel).

Mùa xuân năm 1888, Ludvig đột ngột ra đi ở tuổi 57, khi lòng kiên trì và quyết tâm không hề suy chuyển trước những khó khăn liên tiếp trong cuộc cạnh tranh giữa các ông lớn dầu mỏ, để lại sự nghiệp cho con trai tiếp quản. Tuy nhiên, năm 1917, sau Cách mạng Tháng Mười, trước những biến cố chiến tranh, người nhà Ludvig đã rời nước Nga, chấm dứt một thời lừng lẫy của gia đình Nobel tại vùng đất dầu Baku.