Luật Xuất bản (sửa đổi): Nên cổ phần hóa các Nhà xuất bản quốc doanh?

21:37 | 27/10/2012

809 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Ngày 27/10, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi).

Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi) cho thấy, dự thảo đã có quy định tập trung ưu tiên, hỗ trợ cho lĩnh vực xuất bản, tuy nhiên đối với lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm, chỉ nên ưu tiên cho các cơ sở thực hiện các nhiệm vụ phục vụ đối tượng, địa bàn thuộc diện ưu tiên của Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng, thông tin đối ngoại.

Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Luật Xuất bản (sửa đổi)

Về thành lập nhà xuất bản, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung đối tượng thành lập nhà xuất bản một cách cụ thể, bỏ quy định giao cho Chính phủ quy định đối tượng thành lập nhà xuất bản. Điều kiện thành lập nhà xuất bản và điều kiện cấp giấy phép hoạt động xuất bản (Điều 12, Điều 13), dự thảo Luật đã quy định chặt chẽ hơn về điều kiện thành lập nhà xuất bản, điều kiện cấp phép hoạt động xuất bản; phân định rõ việc cơ quan chủ quản ra quyết định thành lập nhà xuất bản khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động xuất bản; bỏ các quy định về thời hạn giấy phép; bổ sung quy định về các trường hợp cấp đổi, bổ sung giấy phép hoạt động xuất bản, thu hồi giấy phép hoạt động xuất bản nhằm đảm bảo nhà xuất bản sau khi được thành lập hoạt động hiệu quả.

Đối với xuất bản điện tử, Luật Xuất bản (sửa đổi) mới quy định những nội dung có tính nguyên tắc, quy định về phương thức xuất bản điện tử và dẫn chiếu các quy định của pháp luật có liên quan, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt trong việc quản lý hoạt động xuất bản điện tử trong bối cảnh công nghệ thông tin và truyền thông phát triển rất nhanh.

Về phát hành xuất bản phẩm, dự thảo Luật đã bỏ quy định về các điều kiện được cấp phép và thủ tục cấp phép hoạt động phát hành xuất bản phẩm; bổ sung quy định cơ sở phát hành đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước.

Trong buổi thảo luận về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi) sau đó, đa số ý kiến các ĐBQH cho rằng, Luật Xuất bản còn chung chung, chưa phù hợp với thực tế nên khó khả thi. Nhiều quy định trong luật còn nhiêu khê phức tạp, chưa thông thoáng, thậm chí có quy định đã bị lỗi thời lạc hậu…

Trên cơ sở đó, các ĐBQH kiến nghị Quốc hội cần có quy định chặt chẽ về điều kiện thành lập nhà xuất bản; nên phân cấp phân quyền công tác xuất bản, in ấn, phát hành cho các địa phương, nhất là thủ đô Hà Nội và TPHCM - nơi tập trung nhiều hoạt động xuất bản, in ấn nhất; nên quy định cụ thể tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn các chức danh giám đốc, tổng biên tập, biên tập viên của các nhà xuất bản; tăng cường công tác quản lý xuất bản in ấn để tránh trường hợp núp bóng cho ra đời những ấn phẩm có nội dung kém; cần có điều khoản dành cho tác giả; có quy định mức xử phạt những ai vi phạm luật; cần thêm nội dung quản lý hoạt động xuất bản điện tử, vì hoạt động này đang phát triển mạnh trên thế giới cũng như ở nước ta. 

Có ý kiến đề nghị Dự thảo Luật cần có quy định cụ thể hơn nữa về xuất bản phẩm điện tử. ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu quy định việc xuất bản phẩm điện tử phải thông qua các nhà xuất bản sẽ gây thêm gánh nặng cho các nhà xuất bản do khó khăn về nguồn lực tài chính và con người. Về thời hạn giấy phép cho ngành xuất bản, in và phát hành các ý kiến cho rằng Dự thảo Luật quy định giấy phép cho hoạt động xuất bản là 10 năm (Khoản 3, Điều 14); thời hạn giấy phép cho hoạt động phát hành có thời hạn 5 năm, có ý kiến cho rằng như vậy là ngắn vì đầu tư cho lĩnh vực in ấn, xuất bản rất lớn sẽ ảnh hưởng đến chiến lược phát triển của các nhà xuất bản...

ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cũng chỉ ra thực tế hiện nay là nhiều nhà xuất bản chỉ biết bán giấy phép xuất bản chứ chưa thực sự quan tâm đến chất lượng hoạt động xuất bản. Trong khi đó dự thảo luật lại không quy định chặt chẽ vấn đề này. Bên cạnh đó, việc đăng ký xuất bản dễ dàng, dễ dẫn đến tình trạng xuất bản kém chất lượng. Do vậy, việc liên kết xuất bản cần phải được quan tâm hơn để nâng cao chất lượng xuất bản.

Về vấn đề nộp xuất bản phẩm lưu chiểu theo quy định tại Điều 28 của dự thảo luật đại biểu cho rằng tất cả xuất bản phẩm trước khi phát hành phải nộp lưu chiểu. Việc bỏ thời gian là 10 ngày để nộp lưu chiểu dễ dẫn đến những tác phẩm khi xuất bản kém chất lượng. Do đó cần phải được giữ nguyên thời gian nộp lưu chiểu như luật hiện hành – đại biểu đề nghị. 

P.V