“Lời thề Budapest” – Tiểu thuyết lãng mạn với cái nhìn đa chiều

07:15 | 02/05/2022

141 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tiểu thuyết “Lời thề Budapest” (NXB Văn học, 12/2021) mang lại cho tôi xúc cảm đầy lãng mạn với cái nhìn đa chiều! Tôi đọc tiểu thuyết này trong một đêm chớm đông Hà Nội. Tiểu thuyết “Lời thề Budapest” (NXB Văn học, 12/2021) mang lại cho tôi xúc cảm đầy lãng mạn với cái nhìn đa chiều! Tôi đọc tiểu thuyết này trong một đêm chớm đông Hà Nội.

Cửa sổ là nơi tôi yêu thích, mở toang không một bóng người trong bóng tối, cho tôi sự tập trung cao độ với những cung bậc xúc cảm đi từ tò mò, khám phá, hồi hộp đến vỡ òa nước mắt. Tuy nhiên, giọt nước mắt ở đây không hẳn là bi ai sầu thảm mà lung linh niềm tin. Đó là niềm tin vào sự si tình của kẻ đang yêu là có thật!

“Lời thề Budapest” – Tiểu thuyết lãng mạn với cái nhìn đa chiều

Tác giả Kiều Bích Hậu quả đúng là một nhà văn như người ta thường đồn đại “nữ văn sỹ giỏi mổ xẻ thế giới nội tâm nhân vật”. An – nhân vật chính trong tiểu thuyết là một cô gái Hà Nội “ngôi sao viết truyện ngắn lãng mạn, một nhà báo tự do sắc lẻm viết về bình đẳng giới, một phụ nữ duyên dáng với cách ứng xử mềm mại như nước, không ai mua chuộc được. Cô tự do và là người theo chủ nghĩa duy mỹ tinh khiết”, một mình gan góc tới Budapest (Hungary) để “thử nghiệm” chính cảm xúc của mình.

Một chàng trai là nhà thơ nổi tiếng của Hungary, sống dư dả từ thế giới công nghệ, nhà toán học, diễn giả về tinh thần. Anh ta “từng có lối sống cân bằng, sâu sắc, thấu hiểu và biết cách tận hưởng từng giá trị của những việc nhỏ, của từng phút lẻ trong ngày”. Anh tự hào rằng mình “thoát ra khỏi ám ảnh trói buộc của vợ, con, vị trí công việc, nhà cửa, xe cộ của những người đàn ông thông thường khác” nhưng đã “phải lòng” và bị khuất phục khi gặp cô gái cá tính này.

Tác giả đưa người đọc trải nghiệm qua những lát cắt đi từ tò mò, khám phá, hồi hộp, hạnh phúc cho đến căng thẳng, lo âu, vỡ vụn giấc mơ của tình cảm giữa một nhà văn Hà Nội và chàng thơ ca Budapest. Họ đã phá vỡ sự ngăn cách địa lý cũng như văn hóa giữa 2 quốc gia bằng thứ tình cảm vừa bản năng vừa lý trí.

“Lời thề Budapest” – Tiểu thuyết lãng mạn với cái nhìn đa chiều

Người đọc được tác giả dẫn dụ đi vào không gian tình ái tinh khôi, vượt lên khuôn khổ của nhục dục nhưng không buồn tẻ. Trong từng chương của cuốn sách, đều toát lên khát khao mãnh liệt ước muốn được yêu thương, được nương tựa, được bản năng. Có một sự liên tưởng giữa nội dung cuốn sách với cuộc sống trần tục ngoài kia, phải chăng loài người nói chung luôn cháy bỏng được yêu thương nhưng sự đời lại ngang trái. Hẳn là tác giả muốn ngầm định ở đây, rằng cuộc sống luôn là vậy, luôn tồn tại hai mặt của vấn đề. Một tình yêu đẹp không nhất thiết phải ở bên nhau, chẳng cần thiết phải có đám cưới, không nhất thiết phải ràng buộc.

Tôi khâm phục tác giả bởi điều này: Xuyên suốt cuốn sách hầu như chỉ là những ngữ cảnh của hai nhân vật chính, thi thoảng mới xuất hiện vài nhân vật phụ bổ trợ cho sắc thái cốt truyện. Thế nhưng có đầy kịch tính xảy ra trong một không gian chật hẹp và khoảng thời gian cực ngắn. Một cuộc tình yêu mà không sex, một tình yêu thuần túy tinh thần, một lý trí vật lộn trong hai cơ thể cuồng nhiệt “hai linh hồn hòa vào nhau trong dòng chảy cuồn cuộn bất tận của vũ trụ, thì thầm khúc hoan ca bằng ngôn ngữ vũ trụ”.

“Lời thề Budapest” – Tiểu thuyết lãng mạn với cái nhìn đa chiều

Tất cả đã đẩy nhân vật chính phải không ngừng vật lộn với những khao khát cháy bỏng của bản năng. Bởi suy cho cùng, họ là những con người bằng da bằng thịt sống giữa đời thường. Phải chăng đó cũng là điểm nhấn buộc tác giả phải lăn lộn chính trong ngòi bút của mình để làm sao đẩy lên cao trào mà không bị “rơi tự do” xúc cảm cho người đọc.

Cái hay khác là dưới ngòi bút uyên thâm trong tả cảnh, tác giả bày ra “bữa tiệc” phong cảnh đẹp “mê hồn trận” của xứ xở có dòng sông Danube, làm cho người đọc dẫu chưa từng được đến đó có thể hình dung được nơi ấy đẹp đến độ cũng muốn bay ngay tới đó. Tác giả mô tả dòng sông Danube “xanh như dải lụa, những ngôi nhà, thành cổ soi bóng xuống mặt nước hai bên bờ. Dòng sông dịu dàng… Dòng sông xanh huyền thoại lượn một đường cong duyên dáng chuyển màu trầm sâu trong bóng đêm như làn tóc dài vô tận, tỏa sáng như vương miện kim cương lấp lánh gài trên dòng tóc huyền của nàng công chúa mềm mại tuôn chảy”; Mô tả đồi Gellert “những bậc lát đá thô gập ghềnh uốn lượn đưa chân người lên cao mãi, những hàng cây phủ bóng tối bí ẩn trên bậc đá và những ngọn đèn vàng kiên nhẫn soi lối đi”. Chỉ một vài dòng thôi đã cho người đọc một bức họa sinh động đến nhường nào!

Truyện tình lãng mạn như cổ tích với hình ảnh chàng trai trong bộ veston màu đen trong trọng của chú rể, ve áo cài bông hồng đỏ thắm, hồi hộp mang chiếc áo cưới trắng tinh khôi do chính tay anh chọn vào phòng bệnh viện của cô gái. Cô gái là vị công chúa đẹp nhất của riêng anh. Nhân vật nam chính yêu nữ chính đến mức mặc dầu biết cô gái không còn lành lặn vẫn nhất mực muốn cưới cô, muốn bồng cô đi đến những nơi cô muốn đến, muốn làm đôi chân bệ đỡ cho cô trên mọi phương diện. Kết thúc câu chuyện được cho là buồn bởi “hãng hàng không thông báo chuyến bay chở người anh yêu gặp nạn, nó bốc cháy khi vừa hạ cánh, chỉ có hai người đàn ông thoát thân”. Nhưng tôi lại hiểu theo một cách khác, nhân vật nữ chính ra đi thanh thản, như thể biến mất trong không trung, không đau đớn, “thậm chí còn không biết mình vừa qua đời”.

Tôi nhìn nhận tình yêu theo một cách khác và tôi đoán, có lẽ tác giả cũng vậy. Vòng đời trôi nổi, phận đời mong manh, điều cần thiết của cuộc đời là tìm được tri kỷ. Người ta sẽ cô đơn biết bao nếu cả đời không được biết đến tình cảm đích thực từ tri kỷ. Và khi đã tìm được, thì dù xa hay gần, sống hay chết, họ vẫn ở bên nhau. Hai trái tim luôn rung lên những nhịp đập cháy bỏng yêu thương, họ từng sống bất cần ràng buộc, bất cần khiên cưỡng nay đã tìm cho mình một tình yêu thanh khiết. Tình cảm ấy, tình tri kỷ ấy muôn đời vẫn thế, tác giả một lần nữa, cho người đọc được lay động cung bậc yêu theo nhân vật. Tấm chân tình ấy đã vượt lên mọi sầu bi – thứ tình yêu đã trở nên Bất hủ!

Tên của cuốn sách cũng là một phần nội dung mà hai nhân vật chính nỗ lực thực hiện “Lời thề Budapest”. Cái kết cục bi đát của truyện tình là do “vi phạm lời thề Budapest thiêng liêng, anh phải trả giá. Anh sẽ không bao giờ có cô hoàn toàn. Anh sẽ phải mãi mãi khổ đau, theo đuổi, chinh phục bất chấp cô ở đâu, trong thế gian nay hay cõi khác”. Phải chăng, tác giả cũng muốn nhắn nhủ những người đang yêu, sẽ yêu, rằng phải có trách nhiệm với lời nói của mình, rằng lời nguyện trong tình yêu là vô cùng huyền bí, nó mang sợi dây thiêng liêng vô hình và chớ đùa giỡn!

Tuy nhiên, ở một chừng mực nào đó, hiểu theo một khía cạnh khác, tác giả đã tinh tế ngầm định để lại cho người đọc một thông điệp vô cùng sâu sắc. Thông qua hình ảnh nam chính quay cuồng với những suy diễn tối tăm “Hôn nhân ư? Đám cưới lãng mạn ư? Toan tính giữ người mình yêu mãi bên cạnh ư? Đấu tranh với lý trí ư? Tất cả đều sụp đổ tan tành trong một tích tắc”.

Tôi mạn phép đoán lời ẩn dụ của tác giả để lại cho độc giả, rằng “Hãy yêu đi, yêu cuồng nhiệt ở giây phút hiện tại và đừng để dành đến ngày mai!”

Như đã nói ở trên, tiểu thuyết “Lời thề Budapest” mang lại cho tôi nhiều xúc cảm với cái nhìn đa chiều. Có thể độc giả khác không có cái nhìn giống tôi hoặc ngay cả bản thân tác giả cũng chưa hẳn đồng tình với suy diễn của tôi, nhưng dẫu thế nào thì cuốn sách với tôi cũng vô cùng hấp dẫn. Hấp dẫn không phải chỉ là viết về tình, một chủ đề mà tôi tâm huyết, mà cuốn sách còn hấp dẫn bởi gợi mở về một tình yêu nhân văn – ngay cả cái chết vẫn không thể chia lìa!

Nhà văn Nguyễn Trọng Tân trích tiền bán sách tôn vinh văn hóa đọcNhà văn Nguyễn Trọng Tân trích tiền bán sách tôn vinh văn hóa đọc
Tiểu thuyết phi hư cấu về những người lính sinh viên Việt Nam xuất bản ở Bắc MỹTiểu thuyết phi hư cấu về những người lính sinh viên Việt Nam xuất bản ở Bắc Mỹ
Câu chuyện trinh thám hình sự mang hương vị tình yêuCâu chuyện trinh thám hình sự mang hương vị tình yêu

Khánh Phương