Loay hoay tìm cách dẹp "chợ" ở đường trên cao

16:26 | 23/10/2012

608 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hai ngày đầu thông xe đường cao tốc trên cao vành đai 3, tại tuyến đường này đã liên tiếp xảy ra tai nạn khiến hai người tử vong. Điều đáng nói là nguyên nhân của hai vụ tai nạn trên đều do ý thức của người tham gia giao thông kém. Bất chấp qui định đường cao tốc trên cao chỉ dành cho ôtô, nhiều xe máy, xe đạp, xe ba bánh và cả người đi bộ vẫn thản nhiên xuôi ngược.

>> Đường cao tốc trên cao: Mới thông xe đã có tai nạn... xe máy

>> Đường cao tốc trên cao vừa thông xe đã thành... chợ

Lỗi do người xe máy

Ngày 21/10, lần đầu Việt Nam có tuyến đường trên cao dài 15 km dành riêng cho ôtô chạy với tốc độ đến 100 km/giờ. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, đường cao tốc này sẽ rút ngắn khoảng 50% thời gian di chuyển từ phía tây sang phía nam thủ đô và giảm ùn tắc giao thông trên tuyến Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng.

Để hạn chế giao cắt đồng mức và tận dụng công năng của cầu cạn, tuyến này chỉ dành riêng cho ôtô, còn xe máy và xe thô sơ sẽ đi làn đường dưới. Do vậy, hàng chục nghìn phương tiện lưu thông tại vành đai 3 được chia tách đi trên cao và trên mặt đất, giảm thiểu tai nạn và ùn tắc cho tuyến huyết mạch vành đai thành phố.

Tại các điểm dẫn lên xuống đường cao tốc đều xuất hiện xe ôm chốt chờ khách.

Tuy nhiên, do mới đưa vào sử dụng nên người dân vẫn chưa nắm vững các quy định, hướng dẫn cho các phương tiện giao thông. Vì vậy, ngay trong ngày thông xe, các loại xe máy vẫn lưu thông trên đoạn đường này. Khoảng 23h đêm 21/10, trên đoạn qua đường Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã xảy ra vụ tai nạn thảm khốc do xe máy đi ngược chiều “đấu đầu” với ôtô.

Vụ va chạm khiến người điều khiển xe máy bị hất lên cao rồi rơi xuống chân cầu, và tử vong tại chỗ. Đến đêm ngày 22/10, cũng trên tuyến đường cao tốc này tiếp tục xảy ra một vụ tai nạn giữa xe ô tô chở vật liệu và xe máy, lại thêm một người thiệt mạng.

Theo một cảnh sát giao thông (Đội 7 – Phòng CSGT Hà Nội) đang làm nhiệm vụ tại khu vực này, mặc dù cầu cạn có cắm biển báo cấm xe máy và xe thô sơ nhưng nhiều xe vẫn cố tình vi phạm và gây nguy hiểm cho các phương tiện. Do lực lượng cảnh sát giao thông chỉ vào ban ngày, còn buổi tổi không tuần tra, cắm chốt nên tình trạng vi phạm diễn ra rất phức tạp.

Xe máy, xe ba bánh đua tốc độ với ô tô.

Theo quan sát của phóng viên, ngay sau ngày thông xe, đường cao tốc trên cao có nhiều xe máy, xe ba gác ngang nhiên trong khi bóng dáng của lực lượng chức năng xử lí các vi phạm này. Bên cạnh đó, tại các nút giao thông cầu dẫn lên – xuống, tình trạng xe khách dừng đỗ để đón trả khách diễn ra khá nhộn nháo. Có cung ắt có cầu, tại những điểm này luôn có hàng chục xe ôm đứng chốt chờ khách.

Không những thế, khi xe khách dừng bên lề đường cho khách xuống xe, những chiếc xe ôm lao như con “thiêu thân”, bu quanh xe ô tô để tranh giành khách và cả những đoàn người nối đuôi nhau đi bộ lên đường cao tốc để bắt xe khách.

Anh Nguyễn Trung Dũng – một người dân sống trên đường Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân (gần đường dẫn lên – xuống đường cao tốc) cho hay: “Tại điểm giao cắt giữa đường dẫn lên cầu và là đường dưới cũng thường xuyên xảy ra va chạm của những người tham gia giao thông”.

Kiên quyết xử lý xe máy vi phạm

Trước thực trạng xe máy, xe ba bánh đi lên đường cao tốc vành đai 3, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết: “Ngay sau ngày thông xe, lực lượng cảnh sát giao thông đã tổ chức tuần tra đến từ 6h sáng đến 22h đêm. Nhưng hai tai nạn trên đều xảy ra sau 23h. Do đó, sáng 23/10, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông, Phòng CSGT Hà Nội phối hợp tăng cường lực lượng, xử lý các hoạt động vi phạm 24/24h".

Xe ô tô khách ngang nhiên đón - trả khách trên đường cao tốc.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, trong mấy ngày đầu thông xe, lực lượng thanh tra chỉ nhắc nhở, tuyên truyền chứ chưa xử phạt vi phạm. Tuy nhiên, ngay từ ngày 23/10, lực lượng thanh tra, cảnh sát giao thông sẽ tiến hành phạt nặng, thậm chí tịch thu các xe máy cố tình vi phạm. Không phải hạ tầng giao thông càng tốt thì số lượng các vụ tai nạn giao thông sẽ giảm. Nhiều tuyến đường vừa mới khánh thành, tai nạn giao thông đã tăng đột biến, ví dụ như tuyến quốc lộ 6 chạy từ Hòa Bình đến Điện Biên.

Ngay sau khi khánh thành, tuyến đường này đã tăng tới gần 100% số lượng người chết do tai nạn giao thông. Trong khi những tuyến đường xuống cấp, thường xuyên xảy ra ùn tắc, số lượng tai nạn giao thông lại không cao. Do đó, hạ tầng tốt phải gắn với tuyên truyền giáo dục, tăng cường công tác thanh tra xử phạt và cảnh báo người tham gia giao thông, hướng dẫn giao thông hợp lý.

Đánh giá về biển chỉ dẫn trên đường cao tốc vành đai 3, ông Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định: Biển chỉ dẫn toàn tuyến cao tốc vành đai 3 đã đạt chuẩn biển báo đường cao tốc tại Việt Nam. Dù tuyến đường có cắm các biển báo hiệu hướng dẫn, chỉ đường cho các phương tiện lưu thông nhưng nhiều biển báo quá nhỏ, đặt tại vị trí không tiện cho người đi trên đường quan sát, hệ thống biển báo được tính toán quá nhỏ bé so với tốc độ của phương tiện lưu thông. Vì vậy, các đơn vị cần phải có biển báo từ xa để phân làn, phân luồng phương tiện để người tham gia giao thông có thể chủ động.

Thiên Minh