Liên thông “lép vế” vì thí sinh sợ thi "ba chung"

06:56 | 15/07/2013

1,615 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2013, Thông tư 55 Bộ GD-ĐT quy định thí sinh tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng dưới 36 tháng phải thi liên thông lên cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH) trong kỳ thi ba chung. Thêm vào đó, việc thí sinh liên thông thi cùng thí sinh chính quy càng khiến cho thành phần này bị “lép vế”.

Gặp khó từ… đăng ký

Lâu nay, với không ít học viên, đóng tiền học liên thông giúp cho họ thực hiện được ước mơ có cơ hội cầm tấm bằng đại học chính quy sau 5 năm, nhất là khi bị rơi vào cảnh “học tài thi phận”. Thế nhưng, quy định mới về đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học có hiệu lực với việc học viên vẫn phải tham gia thi tuyển sinh đầu vào như lệ thường. Điều này đã khiến nhiều học viên đang học hệ liên thông khá hoang mang.

Kiến thức của những thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh “ba chung” năm 2013 hệ liên thông là rất hạn chế, bởi sau 2 năm học hệ trung cấp hoặc ba năm hệ cao đẳng thí sinh chỉ lo học chuyên ngành. Theo quy định mới này việc thi liên thông như vậy thí sinh dự thi sẽ gặp vô vàn khó khăn.

Hồ sơ đăng ký hệ liên thông năm 2013 sụt giảm nghiêm trọng.

Theo quy định mới, người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề, CĐ đủ 36 tháng khi thi lên trình độ CĐ hoặc đại học hệ chính quy phải dự thi 3 môn, gồm: Một môn cơ bản, một môn cơ sở ngành và một môn chuyên ngành (hoặc thực hành nghề).

Những người chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ CĐ hoặc đại học phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học chính quy do Bộ GD-ĐT tổ chức hằng năm. Việc tổ chức tuyển sinh, xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển được thực hiện theo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy hiện hành.

Chính điều này đã khiến hệ liên thông gặp rất nhiều khó khăn, kéo theo đó là sự “lép vế” rõ ràng của hệ đào tạo và cả thí sinh đăng ký. Điều này thể hiện ở việc hàng loạt các trường ĐH thông báo không tuyển thí sinh liên thông sau Thông tư 55, các thí sinh muốn liên thông lại rất khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin và hướng dẫn làm hồ sơ cũng như đăng ký thi tuyển.

Khung điểm vẫn mơ hồ

Tại Hà Nội, nơi có lượng hồ sơ dự thi đại học lớn nhất cả nước, ông Ngô Văn Sự, Phó trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết tổng số hồ sơ dự thi của thí sinh toàn thành phố năm nay khoảng 160.000 bộ. Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể ở bậc CĐ nhưng nhìn chung hồ sơ dự thi bậc học này giảm mạnh so với năm 2012.

Trường CĐ Thống kê năm nay nhận được hơn 800 hồ sơ, giảm hơn rất nhiều so với năm 2012, trong khi đó chỉ tiêu bộ giao tuyển là 700. Lãnh đạo nhà trường, cho biết: "Chúng tôi lo năm nay sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu vì số lượng hồ sơ đăng ký như vậy nhưng đến thi chỉ khoảng 60 - 70% hồ sơ đăng ký".

“Chính quy định liên thông mới đã làm cho hệ CĐ rơi vào tình cảnh khó khăn như thế này. Bên cạnh đó, chính nhiều trường ĐH dân lập ra đời đã tìm đủ mọi cách tung đủ “chiêu” để hút thí sinh” - lãnh đạo trường CĐ Thống kê cho biết khi nói về nguyên nhân hồ sơ sụt giảm.

"Thê thảm" hơn là trường CĐ Thủy sản, theo cán bộ phòng đào tạo nhà trường, tổng số hồ sơ trường nhận được là 203 bộ, trong khi đó chỉ tiêu là 400. Được biết năm 2012, trường nhận được 400 hồ sơ đăng ký dự thi nhưng số lượng thí sinh đến thi và xét tuyển vào trường chỉ đạt khoảng 50% chỉ tiêu mà Bộ giao.

Ông Ngô Kim Khôi cho biết các trường sẽ tự cân đối khung điểm liên thông dựa vào điểm sàn ĐH.

Thêm vào đó, mặc dù tổ chức thi chung với hệ chính quy, song khung điểm dành cho thí sinh hệ liên thông vẫn rất… mơ hồ. Điều này cũng khiến những thí sinh đang và đã tốt nghiệp CĐ nghề cảm thấy “ngại” và né tránh việc liên thông.

Trả lời báo chí, PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) khẳng định: “Thí sinh dự thi liên thông lên trình độ ĐH chính quy không được cộng điểm ưu tiên nếu không thuộc đối tượng như quy định tại quy chế tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy hoặc hệ vừa làm vừa học hiện hành. Ngoài ra, thí sinh thi liên thông chính quy có thể sử dụng kết quả thi tuyển để đăng ký vào các trường có số điểm tuyển phù hợp trên phạm vi toàn quốc nếu không trúng tuyển tại cơ sở đăng ký trước khi dự thi”.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng thừa nhận: “Việc học chung, thi tốt nghiệp chung với SV chính quy nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo và giá trị văn bằng được cấp tất nhiên sẽ khiến thí sinh có lực học kém gặp khó khăn. Tuy nhiên, nếu thí sinh đã thi đỗ kỳ thi “ba chung” thì không có khó khăn gì. Người học liên thông chính quy học chung một chương trình với ĐH chính quy nên bộ không hướng dẫn gì thêm.

Khả năng trúng tuyển của SV trung cấp nghề, CĐ nghề khi phải thi chung với chính quy để được học liên thông chính quy không cao. Song đó là con đường duy nhất, bình đẳng nhất trong giáo dục: đầu vào thế nào, đào tạo thế nào thì đầu ra thế đó. Quy định mới đã mở cánh cửa cho tất cả những thí sinh nào muốn học lên trình độ cao hơn, tùy kiến thức, năng lực và kinh tế của bản thân, gia đình”.

Trong buổi họp báo tổng kết kỳ thi ĐH năm 2013 vừa qua, ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cũng cho biết: “Hiện vẫn chưa xác định được khung điểm dành cho thí sinh liên thông, đây là việc của từng trường có tuyển sinh. Sau khi hoàn tất việc chấm thi, các trường sẽ tự cân đối giữa khung điểm và điểm sàn để tuyển sinh phù hợp”.

Như vậy, cùng với Thông tư 55, quy định của Bộ GD-ĐT về chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy không vượt quá 20% tổng chỉ tiêu đào tạo chính quy hằng năm của cơ sở giáo dục ĐH đã phần nào khiến con đường liên thông của thí sinh CĐ hẹp hơn. Đây là hệ quả của một thời gian dài các trường ĐH tuyển sinh liên thông ồ ạt, bất hợp lý cung – cầu, vì thế, việc Bộ GD-ĐT “thắt chặt” chỉ tiêu và tiêu chí đối với hệ đào tạo này là hợp lý và trả lại giá trị thực cho tấm bằng ĐH hiện nay.

Nhã Anh