Lên kế hoạch phẫu thuật cho bệnh nhân có khối u khổng lồ

17:33 | 25/10/2011

711 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 25/10, Bệnh viện Ung Bướu TP HCM chính thức công bố kế hoạch phẫu thuật cho bệnh nhân Nguyễn Duy Hải, 31 tuổi, ngụ ở Lâm Đồng, người có khối u nặng gần 90kg ở vùng thắt lưng – mông – đùi phải.

>> Hội chẩn tìm giải pháp phẫu thuật khối u nặng 80kg

Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân Nguyễn Duy Hải

Theo kế hoạch, bệnh nhân Hải sẽ được phẫu thuật vào ngày 18/11, tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM với sự phối hợp của các chuyên gia ngoại khoa Bệnh viện Ung Bướu và đoàn chuyên gia Hoa Kỳ gồm 5 thành viên, trong đó có PGS. McKay McKinnon, thành viên của Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ Hoa Kỳ làm phẫu thuật viên chính. Ông McKinnon cũng là người có kinh nghiệm phẫu thuật cho bệnh nhân có khối bướu trên 90kg. Ca phẫu thuật này còn có sự tham vấn của các chuyên gia ở các lĩnh vực: Gây mê Hồi sức, Tim mạch, Huyết học, Hô hấp, Ung Bướu… đến từ các bệnh viện lớn trên địa bàn TP HCM.

Hiện nay, khối bướu của bệnh nhân Hải đã nặng gần 90kg, chiều dọc 120cm, ngang 80cm và bề dày 20cm, khối bướu từ đoạn thắt lưng lan xuống vùng mỏm cụt chân phải và chiếm 3/4 vòng bụng. Ngoài ra, rải rác toàn thân bệnh nhân có nhiều mảng màu cà phê sữa từ 2 – 4 cm và có nhiều bướu nhỏ mềm có kích thước khoảng 1 – 3 cm. Qua chẩn đoán lâm sàng, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị đa bướu sợi thần kinh ngoại biên vùng thắt lưng đùi phải.

Theo bệnh sử, bệnh nhân là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh em; mẹ mắc bệnh tương tự; các anh, chị em đều bình thường. Năm 4 tuổi bệnh nhân bị nổi khối bướu ở vùng đùi dưới xuống đến bàn chân phải, khối bướu lớn dần, không đau. Năm 17 tuổi, khối bướu của bệnh nhân nặng khoảng 25kg và đã được Bệnh viện Lâm Đồng cắt bỏ 1/3 khối bướu trên đùi. Sau đó, bệnh ổn định được khoảng 4 năm thì khối bướu tái phát tại mõm cụt ở đùi. Bệnh viện Lâm Đồng dự kiếm mổ cắt bỏ bướu nhưng khi mổ bướu chảy máu nhiều nên không thực hiện được. Sau đó, bệnh nhân đã được điều trị nội khoa tại nhiều bệnh viện nhưng khối bướu tiếp tục lớn dần lên.

Tháng 7/2011, bệnh nhân nhập Bệnh viện Ung Bướu TP HCM. Sau 3 lần hội chẩn với các chuyên gia trong và ngoài nước, các bác sĩ quyết định sẽ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Dự kiến, ngày 16/11, đoàn chuyên gia Hoa Kỳ sẽ đến Việt Nam; ngày 17/11 tiến hành thăm khám và đến ngày 18/11 sẽ bắt đầu ca phẫu thuật. Bệnh nhân Nguyễn Duy Hải sẽ được chuyển từ Lâm Đồng đến Bệnh viện Ung Bướu 10 ngày trước khi phẫu thuật để làm các xét nghiệm tiền phẫu thuật cần thiết.

Theo dự đoán, ca phẫu thuật có thể kéo dài từ 10 – 12h, lượng máu có thể mất từ 5 – 7 lít. Khó khăn lớn của ca mổ là khối bướu của bệnh nhân quá lớn lên trong quá trình mổ phải xoay trở nhiều và phải chuyển cả khối bướu nặng nề nên việc giữ ống nội khí quản ổn định và đảm bảo vô trùng là công việc rất khó khăn.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể đối mặt với triệu chứng rối loạn đông máu sau khi được truyền máu với số lượng lớn… Do đó, trong quá trình mổ các bác sĩ sẽ khống chế các mạch máu chính nuôi khối bướu để hạn chế mất máu. Hiện, các bác sĩ đang tích cực chuẩn bị các công tác Gây mê Hồi sức, Hô hấp, Tim mạch và các trang thiết bị cần thiết cho ca phẫu thuật.

Trước đây, Bệnh viện Ung Bướu TP HCM đã từng phẫu thuật cho những bệnh nhân có khối bướu lớn như: Năm 2003, phẫu thuật khối bướu từ lưng đến mông nặng 24 kg cho bệnh nhân Nguyễn Thanh D; năm 2009 phẫu thuật khối bướu ở chân nặng 26 kg cho bệnh nhân Phạm Thị X. Khối bướu nặng 90 kg của bệnh nhân Nguyễn Duy Hải là khối bướu nặng nhất mà các bác sĩ bệnh viện từng gặp.

Mai Phương