Lật tẩy báo bịp

07:00 | 13/01/2014

2,486 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sự kiện tờ Vãn Hối (Hongkong) bịp vụ Kim Jong-un cho chó xé xác Jang Song-thaek hay vụ “kiều nữ cưỡng hiếp tài xế taxi” tại Hải Dương đã một lần nữa cho thấy báo chí vẫn còn tồn tại kiểu làm báo rẻ tiền câu khách hạ cấp. Lịch sử báo chí thế giới từng chứng kiến nhiều kiểu bịp tương tự.

Năng lượng Mới số 290

Tin vịt động trời

Cách đây hơn 10 năm tin vịt về vụ Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell bị Nhà Trắng dọa sa thải chỉ vì ông hát hò linh tinh tại một cuộc họp thuộc khối ASEAN. Độc chiêu hơn, có tin Phó tổng thống Mỹ Dick Cheney làm bồi bàn ngoài giờ kiếm thêm tiền cho bà xã xài và bị Tổng thống George W. Bush phát hiện tại trận… (hai tin vớ vẩn này được không ít tờ báo dịch và đăng tải)... Thật ra thì báo chí thế giới không hiếm những trò câu khách nhảm nhí như vậy.

Năm 1835, tờ New York Sun đã làm kinh động thiên hạ khi nói rằng giới khoa học vừa phát hiện người râu xồm, bò rừng và cả người dơi trên mặt trăng. Lượng phát hành hằng ngày của New York Sun (lúc đó chỉ mới thành lập hai năm) tăng từ 4.000 vọt lên 19.000 bản trong suốt một tuần tường thuật. Trong bài đầu tiên, số ra ngày 25/8/1835, New York Sun cho biết họ lấy tin từ tờ Edinburgh Journal of Science, đăng vụ nhà thiên văn học nổi tiếng người Anh John Herschel phát hiện sự sống trên mặt trăng từ kính thiên văn của mình.

Phóng viên Andrew Gilligan của BBC từng dựng thông tin dỏm quy kết Thủ tướng Tony Blair

Trong thực tế, Edinburgh Journal of Science ngưng phát hành từ lâu và John Herschel lúc đó đang ở đâu đó tại một nơi hẻo lánh ở Nam châu Phi. Đầu đuôi đều do phóng viên New York Sun Richard Adams Locke tưởng tượng. Trong bài đầu tiên, New York Sun “tiết lộ”, trên mặt trăng có động vật bốn chân màu nâu, “đặc điểm ngoại hình như bò rừng”. Ngày thứ ba, New York Sun bồi thêm rằng mặt trăng có người râu xồm hai chân mà “lều của họ được xây còn tốt hơn lều của nhiều bộ lạc trên trái đất… và từ sự xuất hiện của khói, có thể đoan chắc rằng người mặt trăng chẳng xa lạ gì với kỹ năng dùng lửa”. Ngày thứ tư, New York Sun nói rằng mặt trăng có cả người dơi, “cao trung bình 4 bộ (khoảng 1,2m), mình mẩy đầy lông ngắn màu đồng sáng…”. Nhóm nghiên cứu John Herschel đặt tên sinh vật là Vespertilio-homo, từ Latinh có nghĩa “người dơi”.

Cuối cùng, dường như thấy đã đủ (hoặc trí tưởng tượng của Richard Adams Locke đã cạn), New York Sun số ra ngày 31/8 nói rằng một trận hỏa hoạn đã làm hỏng kính thiên văn của Herschel và vậy nên “câu chuyện về mặt trăng xin tạm dừng”… Báo chí tại New York phát cuồng và một chiến dịch tìm hiểu sự thật được phát động. Cuối cùng, vụ bịp của New York Sun bị lật tẩy.

Đến nay, không thể kể hết có bao nhiêu báo lá cải trên thế giới. Nói cách khác, ba xạo mang tính giật gân đã tồn tại song song với công nghiệp thông tin - như Vicky Hallett viết trên U.S. News & World Report. Dù vậy, có vài trường hợp nói dóc vượt quá phạm vi đạo đức nghề nghiệp và hậu quả thật tai hại. Năm 1983, tờ Newsweek đăng bài Hitler's secret diaries (Nhật ký bí mật của Hitler). Ban biên tập Newsweek cẩn thận nói rằng, họ không chắc nhật ký này là thật. Đầu đuôi bắt đầu từ họa sĩ Konrad Kujau, người tạo ra bộ nhật ký dỏm bán cho tạp chí Đức Der Stern với giá 4 triệu USD (và Newsweek trích đăng). Vụ việc bị phát hiện, vài biên tập viên Der Stern từ chức trong xấu hổ, báo Der Stern bị độc giả mắng như tát nước và Konrad Kujau bị bỏ tù hai năm…

Báo lá cải và đạo đức nghề nghiệp

Nếu theo dõi diễn biến liên tục trong cơn bão thông tin sau sự kiện khủng bố nước Mỹ 11/9/2001, độc giả cũng hẳn còn nhớ có vô số thông tin đặt nghi vấn cho sự kiện mà thật ra chỉ toàn tin nhảm nhí (chẳng hạn Israel đứng sau vụ khủng bố và nhân viên Do Thái làm việc tại Trung tâm thương mại thế giới đã được cảnh báo nghỉ làm việc vào ngày xảy ra biến cố, hay vụ Đài CNN dùng băng hình cũ quay cảnh người Palestine nhảy múa trên đường phố để chứng minh dân Trung Đông vui mừng như thế nào nào khi Mỹ bị tấn công). Đó là chưa kể nhiều kiểu xạo ấu trĩ, như bức ảnh chụp cột khói hình quỷ sứ tỏa lên từ Trung tâm thương mại thế giới bốc cháy. Cuối cùng, đỉnh điểm chuyện nhảm 11/9 là quyển L’effroyable imposture của tác giả Pháp Thierry Meyssan, người cho rằng chính Nhà Trắng đã gây ra vụ 11/9 để lấy cớ đánh Afghanistan!

Thậm chí có trường hợp nghiêm trọng hơn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín tờ báo. Chẳng hạn, Tổng biên tập Daily Mirror (Anh) đã phải từ chức bởi liên can vụ phóng viên báo này dựng hình ngụy tạo cảnh lính Anh ngược đãi tù binh Iraq (trong số báo phát hành ngày 1/5/2004). Xin nhắc lại, tính đạo đức trong làng báo Anh từng là đề tài thời sự khi Chủ tịch Gavyn Davies và Tổng giám đốc điều hành kiêm Tổng biên tập Greg Dyke của BBC đã phải từ chức bởi vụ phóng viên Andrew Gilligan của họ dựng thông tin dỏm quy kết Thủ tướng Anh Tony Blair (trong scandal liên quan điều tra vũ khí giết người hàng loạt Iraq thời Saddam Hussein).

“Vua bịp” Jason Blair

Một trong những vụ kinh điển của viết bịp là trường hợp Jason Blair, nguyên phóng viên New York Times. Trong hai bài viết dài gần 14.000 từ (đăng ngày 11/5/2003), New York Times đã cho biết chi tiết quá trình lừa bịp của Jayson Blair (lúc đó mới 27 tuổi). Ngay trong phần đầu bài viết thứ nhất, NYT cho biết Blair đã tạo hiện trường giả và chôm chỉa thông tin từ các đồng nghiệp. Cụ thể, Blair thực hiện những phóng sự từ Maryland, West Virginia, Ohio, Texas hoặc nhiều bang khác ở Mỹ mà trong thực tế chưa bao giờ bước chân khỏi New York. Blair dùng điện thoại di động và máy tính cá nhân để che đậy nơi “ẩn náu” của mình.

Tháng 4/2002, thư ký tòa soạn phụ trách tin đô thị Jonathan Landman đã gửi hội đồng biên tập bức e-mail: “Chúng ta phải cấm Jason tiếp tục viết cho NYT”. Tuy nhiên, Blair vẫn được chỉ định thực hiện nhiều vụ quan trọng, chẳng hạn vụ truy lùng tên bắn tỉa Maryland hay phỏng vấn cha mẹ các binh lính Mỹ bị thương hoặc tử trận tại Iraq. 5 phóng viên NYT, hai chuyên viên nghiên cứu và ba biên tập viên đã thực hiện hơn 150 cuộc phỏng vấn để tìm ra sai phạm và dối trá trong các bài viết của Jason Blair.

Tháng 3/2002, Blair bịa ra việc dự một phiên tòa tại Virginia, có mặt trong nhà một cảnh sát trưởng Maryland và đến trước nhà gia đình một lính Mỹ ở West Virginia. Tháng 4/2003, Blair tiếp tục dựng câu chuyện cảm động về hai lính thủy quân lục chiến nằm cạnh nhau tại Trung tâm quân y hải quân Bethesda, dù chưa từng đến đó. Nhân chứng James Klingel (một trong hai thủy quân lục chiến có tên trong bài viết của Blair) cho biết Jason Blair chỉ phỏng vấn mình qua điện thoại.

Từ cuối tháng 10/2002 đến cuối tháng 4/2003, Blair tung ra loạt phóng sự thực hiện tại “20 thành phố và 6 bang” nhưng không hề nộp biên lai khách sạn, vé máy bay hay phiếu đăng ký thuê xe để chứng minh. Chặng cuối của sự nghiệp bịp bợn ngắn ngủi, Jason Blair dựng lên cuộc phỏng vấn George Lynch (tại Maryland) - cha của nữ binh nhì Jessica Lynch bị bắt và được giải cứu tại Iraq.

Trong bài phỏng vấn, Blair kể về những cánh đồng thuốc lá và đám gia súc gần nhà George Lynch (như thể mình từng đến tận nơi) nhưng trong thực tế không có cánh đồng thuốc lá cũng như đám gia súc nào quanh khu vực. Thói gian lận của Blair không ít lần bị báo chí đồng nghiệp phanh phui. Tờ San Antonio Express-News từng lên tiếng vụ Jason Blair “luộc” bài báo của họ về vụ một phụ nữ Texas có con trai tử trận tại Iraq. Trong 37 bài báo của Blair (trước khi bị NYT sa thải), có 36 bài toàn là chuyện bịp! 

Cao Trí