Lãng phí… “thần đồng”

07:00 | 09/06/2013

988 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tuần qua, thiên hạ xôn xao về một bé gái 2 tuổi đã biết đọc báo vanh vách và về một bé trai tính nhẩm siêu tốc. Thực ra những trường hợp có khả năng kỳ lạ như vậy không phải bây giờ mới có và thuộc hàng hiếm mà từng có nhiều em như vậy. Nhưng các em đã được ứng xử như thế nào để những khả năng kỳ lạ ấy được phát huy, nuôi dưỡng như là “hạt giống đỏ” để rồi cống hiến cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước?

Cách đây,  hơn chục năm, tức là đầu thế kỷ XX, người dân Hà Nội bàn tán xôn xao về một bé trai mới 3 tuổi nhưng tính toán như thần đến nỗi những gì em tính nhẩm, người ta phải nghi ngờ: hình như trong đầu em đã được cài đặt sẵn những chương trình tính toán cho nên chỉ cần đưa ra phép tính là lập tức em có câu trả lời ngay. Mà phải nói thêm, tính toán ấy không đơn giản chỉ là cộng, trừ, nhân, chia mà cả khai căn bậc 2, 3… và trong trường hợp phép chia có dư, thì em có thể tính nhẩm được đến số dư cuối cùng. Thậm chí, em còn là “cuốn danh bạ sống” của gia đình vì em nhớ hết các số điện thoại mà gia đình em cần nhớ. Em là ai? Là Phó Đức Bình An, sinh năm 1999, ở Xã Đàn 2, Hà Nội. 

Khi ấy, chúng tôi đã đến gặp em tại nhà nhằm tìm hiểu để viết bài. Và khi đưa ra bất cứ phép tính nào từ cộng, trừ, nhân, chia, đến khai căn… thì Bình An đều trả lời chính xác đến từng con số. Còn nhớ, khi hỏi kết quả của phép tính 125:3, thì không cần mất đến tích tắc, Bình An trả lời ngay đến số dư cuối cùng là: 41,66666667. Còn khi hỏi kết quả khai căn bậc 2 của 904401, trong khi chúng tôi còn đang bấm máy tính để kiếm trả thì Bình An đã đưa ra ngay đáp án là 951. Với một đứa trẻ chưa cắp sách đến trường để tính toán được như vậy không có gì phải bàn: chắc chắn đó là điều kỳ diệu, là khả năng có thể nói “siêu phàm” không dễ gì người thường có được.

Bé Phạm Ngọc Bích, chưa học chữ nhưng đã biết đọc

Và điều này còn được chứng minh khi chúng tôi đọc một lần cùng lúc cho em hàng loạt các số điện thoại. Khoảng 2 tiếng sau, chúng tôi mới hỏi lại, thì ngạc nhiên thay, em trả lời không sai và không thiếu một số điện thoại nào. Mẹ Bình An còn kể thêm, bảng cửu chương, em thuộc làu làu chỉ sau 15 phút đọc… một lượt. Thậm chí bảng cửu chương 11, An còn tự “sáng tác” thay vì nhìn vào bảng cửu chương rồi đọc một lượt như vậy. Có một điểm cũng không thể bỏ qua đó là An chơi điện tử “siêu” đến độ 2 triệu điểm đạt được của em là mơ ước của nhiều người chơi điện tử khác (lúc đó là trò Pinball), kể cả người lớn.

Mẹ An chia sẻ: “Tôi cũng có cảm nhận An là một đứa trẻ đặc biệt, mặc dù sinh ra so với nhiều đứa trẻ khác, em không có gì khác biệt. Trong gia đình, chúng tôi (bố mẹ An) cũng là cán bộ viên chức bình thường để rồi không thể nói An thừa hưởng gen từ bậc sinh thành”. Mẹ An cũng nói thêm: Do chưa có trường lớp dành cho những học sinh có khả năng như An nên tôi cũng chỉ cho cháu đi học ở một lớp mẫu giáo bình thường. Sau này, vào lớp 1 chắc cũng vậy”.

Như An, cháu Phạm Ngọc Bích, 2 tuổi ở Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội cũng có khả năng đặc biệt khi có thể đọc trôi chảy sách báo, đếm thuần thục trong phạm vi 100 mà chưa bao giờ được bất cứ một người nào dạy điều này. Và khả năng ấy, không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã có khi Ngọc Bích mới 15 tháng tuổi. Ông bà nội Bích kể, hôm ấy, đang chơi với ông bà, bố mẹ thì Bích tha thẩn ra phía sau mấy chiếc xe máy rồi cứ lần lượt đọc từng số ở trên mỗi chiếc biển. Mới đầu, ông bà, bố mẹ Bích không tin vì nghĩ rằng có thể ai đó đọc các chữ số trên cho Bích nghe nên cháu nhớ rồi đọc lại. Nhưng khi thấy cháu không chỉ đọc các số trên biển xe của nhà mình mà ở đâu có số là cháu đọc thì những người thân trong nhà cháu Bích mới lờ mờ nhận ra hình như Bích có khả năng đặc biệt.

Đặc biệt hơn, khi chính ông nội của cháu còn phát hiện ra, trong lúc ông đọc báo thì Bích cũng ngồi bên cạnh đọc vanh vách từng dòng, mặc dù trước đó, bà nội chỉ dạy Bích một số chữ cái. Để kiểm chứng một cách chính xác hơn, ông Bích còn lấy cả sách, truyện tranh ra cho Bích đọc. Và Bích đọc “chuẩn” từng từ đến nỗi không ngọng nghịu hay phải chật vật đánh vần trước khi phát âm “tròn vành rõ chữ” một từ nào. Bích rất thích hát karaoke. Nên đây cũng là một phương thức để ông bà, bố mẹ cháu kiểm tra khả năng đặc biệt của cháu.

Bé Phạm Ngọc Bích đang đọc những dòng chữ trên điện thoại di động

Và lạ là có những bài có thể Bích hát không đúng theo nhạc nhưng lời bài hát thì Bích đọc nhuần nhuyễn như người biết chữ đã lâu. Hiện nay Bích vẫn ở nhà với ông bà mà chưa đi nhà trẻ do còn nhỏ. Mẹ Bích, chị Nguyễn Thị Châm lo lắng trước khả năng của cháu nên có phần hạn chế sự tiếp xúc của cháu với sách vở, giấy bút. Chị bảo: “Tôi chỉ muốn cháu phát triển như những đứa trẻ bình thường khác”.

Không chỉ có Phó Đức Bình An hay Phạm Bích Ngọc mà có không ít cháu như vậy, đặc biệt là những cháu có khả năng đọc thông thạo khi nửa chữ bẻ đôi còn chưa học. Nhưng những cháu đó, nhìn xuyên suốt từ trước tới nay và tính từ khi được phát hiện, chưa cháu nào được “đối đãi” như là những khả năng đáng được nghiên cứu, là “hạt giống đỏ” cần phải được nuôi dưỡng, phát triển để chính “quả chín” của “hạt giống đỏ” đó sẽ đóng góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng đất nước. Nước ta vẫn hay nói về “vấn nạn” chảy máu chất xám, “trọng dụng nhân tài” thì đây chính là minh chứng hùng hồn cho vấn đề ấy.

Chúng ta, cụ thể là ngành giáo dục đã không tạo điều kiện, môi trường cho những em có khả năng đặc biệt phát huy tối đa mà để các em “tự tung tự tác” khả năng đặc biệt của mình. Mà trong trường hợp ấy, khả năng này coi như không hiệu quả nếu như chưa muốn nói đến ngày sẽ một mất đi. Như vậy cũng đồng nghĩa ngành giáo dục “phung phí” tài năng. Như em Phó Đức Bình An, được biết khi đi học, dù khả năng của em như đã nói ở trên là cực kỳ đặc biệt, nhưng cuối cùng em cũng chỉ học ở một lớp bình thường ở một trường bình thường và đến bây giờ, khả năng của em hoàn toàn “chìm nghỉm” do một trong những nguyên nhân không thể phủ nhận là không có môi trường phát triển. 

Nguyễn Hưng

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...