Làm gì để thu hút nhân tài về phục vụ đất nước?

Kỳ 6: Tinh thần tiên phong và 'dốc hết trái tim' cho tương lai tươi sáng của đất nước

15:19 | 09/04/2021

291 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tôi quan sát và cảm nhận được sự nhiệt thành, khát vọng cống hiến cho Việt Nam của trí thức, chuyên gia Việt Nam ở bất kỳ nơi đâu.
Kỳ 6: Tinh thần tiên phong và 'dốc hết trái tim' cho tương lai tươi sáng của đất nước
GS.TS Nguyễn Đức Khương

Đó là những chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ của GS.TS Nguyễn Đức Khương, một trong những người Việt trẻ rất tâm huyết với việc tập hợp trí thức, chuyên gia người Việt trên toàn thế giới để cống hiến cho đất nước về vấn đề thu hút và trọng dụng nhân tài cho đất nước.

Là người rất tâm huyết với việc tập hợp mạng lưới trí thức, chuyên gia người Việt trên toàn thế giới, Giáo sư đã khởi xướng thành lập và là Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), xin Giáo sư cho biết tâm tư, nguyện vọng chung của tri thức người Việt Nam đối với việc đóng góp cho quê hương đất nước?

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Có thể khẳng định được ngay là lực lượng người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ cao, có khả năng ảnh hưởng đến môi trường chính sách – kinh doanh ở các nước sở tại và luôn hướng về đất nước với mong muốn cống hiến vì một Việt Nam phát triển bền vững, thịnh vượng.

Dù dưới hình thức nào, tổ chức hay cá nhân, những nỗ lực và đóng góp của đội ngũ chuyên gia, trí thức này cho tiến bộ trên mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị và xã hội nước ta đều được tăng lên với cấp số nhân trong những năm gần đây. Các đề án tham vấn, tư vấn chiến lược hay những hành động cụ thể đang ngày một nhân rộng. Nhu cầu phối hợp, cùng làm việc với nhau trên các dự án chặt chẽ hơn giữa chuyên gia trong nước và ngoài nước cũng ngày một lớn.

Nhiều năm qua, AVSE Global đã tập trung vào kết nối, xây dựng nền tảng cho trí tuệ tập thể được huy động và phục vụ cho các chương trình hợp tác với khối chính sách, bộ ngành và địa phương ở trong nước. Ngoài sự gắn bó, chia sẻ khó khăn của các chuyên gia với thách thức trong nước, rất nhiều sáng kiến và đề xuất quan trọng xuất phát từ sự sáng tạo tập thể cũng được thúc đẩy – điều mà mỗi cá nhân có thể chưa từng nghĩ đến nếu làm việc hướng về Tổ quốc một cách đơn lẻ.

Tôi quan sát và cảm nhận được sự nhiệt thành, khát vọng cống hiến cho Việt Nam của trí thức, chuyên gia Việt Nam ở bất kỳ nơi đâu. Đặc biệt thông qua đội ngũ cộng sự ở AVSE Global, tôi thấy được tinh thần tiên phong và “dốc hết trái tim” cho một tương lai lớn, tươi sáng của đất nước ta.

Là học giả trẻ thành công có sự nghiệp thăng tiến tại nước ngoài, đng thời cũng từng là thành viên trẻ nhất trong Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, ông có lời nhắn nhủ gì đến các bạn trẻ người Việt Nam ở nước ngoài đang có nguyện vọng cống hiến cho Tổ quốc?

GS.TS Nguyễn Đức Khương: 20 năm trước đây, khi tôi sang Pháp học tập và nghiên cứu, tôi cũng giống các bạn trẻ Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài. Có khát vọng học tập để tiếp thu kiến thức, phát triển lĩnh vực chuyên môn của mình. Và bên cạnh đó, tôi luôn tìm cách xây dựng cộng đồng chuyên gia, trí thức để được học hỏi và kết nối làm những việc có ích cho Việt Nam chúng ta.

Tôi tin là hầu hết các bạn trẻ đều đang làm những việc như tôi từng làm. Điều tôi mong muốn được chia sẻ với các bạn ấy là luôn đam mê trong các công việc của mình, luôn sẵn sàng kết nối để cùng chúng tôi thúc đẩy tinh thần sáng tạo tập thể và cùng tham gia viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc ta. Có tri thức, có nhiệt thành, quyết tâm và đoàn kết thì Việt Nam sẽ là một cường quốc, được thế giới yêu mến.

Giáo sư có kiến nghị gì đối với việc xây dựng cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng nhân tài người Việt Nam trên khắp thế giới?

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Tôi quan niệm rằng thu hút nhân tài không phải chỉ là nhân tài người Việt Nam. Thu hút và sử dụng nhân tài Việt trên khắp thế giới cũng có thể là huy động đóng góp làm việc từ xa, không chỉ là về Việt Nam sinh sống. Thế giới phẳng và các phương tiện làm việc, trao đổi thông tin cực kì hữu ích, thông dụng khiến khoảng cách về địa lý không còn là vấn đề.

Tiếp đến, nhân tài phải có hoàn cảnh lịch sử để phát huy. Tức là việc cần người nào thì phải tìm người giỏi nhất và đặt người đó vào đúng chỗ, đúng việc, đúng thẩm quyền thì mới có thể sử dụng và phát huy hết tiềm năng của người đó. Kết quả công việc sẽ không thay đổi nếu chúng ta tiếp tục tư duy người tìm việc.

Khi tôi trao đổi chủ đề này với các cộng sự của tôi, họ đều đưa ra rất nhiều ý kiến hay, thực tế để thu hút và sử dụng nhân tài người Việt trên thế giới. Ví dụ như Chính phủ Việt Nam nên cho thấy là một chính phủ mở, lãnh đạo dũng cảm xóa đi các rào cản thể chế, những quy trình phức tạp trong việc tuyển dụng trí thức nhân tài với mục tiêu lợi ích duy nhất là phát triển đất nước. Việc này phải được thể hiện qua những dự án cần nhân tài Việt trên thế giới trong lĩnh vực cụ thể,cơ chế đãi ngộ, quy trình tham gia, hỗ trợ ban đầu cho điều kiện sinh sống của gia đình chuyên gia…

Hay phải có những bài toán lớn, thúc đẩy tiếp cận chuẩn quốc tế về môi trường làm việc, cần linh động và mạnh dạn bổ nhiệm các vị trí trọng trách cho người Việt ở nước ngoài và kể cả người nước ngoài muốn về sinh sống và làm việc ở Việt Nam lâu dài. Ngoài ra, còn phải có kế hoạch nuôi dưỡng và phát triển văn hoá Việt Nam cho các thế hệ người Việt kế cận để họ luôn hướng về Việt Nam khi trưởng thành, thành công.

Những người tài năng chắc chắn phải là người đã khẳng định tài năng của họ qua các công việc cụ thể. Họ cũng thường là người có năng lực tri thức và hành động cao thượng, tự trọng, rất muốn đương đầu với những thử thách, và có tinh thần dám nghĩ dám làm. Khi ta cởi mở sử dụng và hỗ trợ họ hoàn thành nhiệm vụ thì hiệu quả công việc sẽ rất cao. Trong trường hợp ngược lại, họ cũng là những người đầu tiên từ nhiệm và để lại công việc cho một người khác phù hợp hơn.

Theo Báo điện tử Chính phủ

Kỳ 5: Luôn tin Nhà nước tạo mọi điều kiện để thu hút và trọng dụng nhân tàiKỳ 5: Luôn tin Nhà nước tạo mọi điều kiện để thu hút và trọng dụng nhân tài
Kỳ 4: Thu hút và trọng dụng nhân tài - Câu chuyện từ Đà NẵngKỳ 4: Thu hút và trọng dụng nhân tài - Câu chuyện từ Đà Nẵng
Kỳ 3: Thu hút người tài: Kinh nghiệm từ địa phương tiên phong mở đườngKỳ 3: Thu hút người tài: Kinh nghiệm từ địa phương tiên phong mở đường