Trong mọi trường hợp, không để lãng phí nhân tài

06:58 | 13/11/2020

191 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong tất cả những sự đổi mới, yếu tố tiên quyết vẫn xuất phát từ con người. Coi trọng nhân tài, thu hút được nhân tài, không lãng phí nhân tài thì đất nước sẽ phát triển và vững mạnh.
Trong mọi trường hợp, không để lãng phí nhân tài - 1

Tôi có người bạn làm Nhà nước, là một người có năng lực - không chỉ là thể hiện trên bằng cấp mà còn đã được chứng minh qua thực tế ở nhiều vị trí khác nhau.

Tuy nhiên, anh có nói với tôi rằng, nếu như năm đó tỉnh không thực hiện chính sách “thu hút nhân tài về địa phương” thì chắc chắn anh không về cống hiến mà có thể bây giờ đang làm trong một tổ chức tư nhân nào đó. Tôi hỏi nguyên nhân thì được biết, vì bố anh giữ chức vụ cao ở địa phương.

Cá nhân tôi cho rằng, vẫn sẽ còn rất nhiều người giỏi có tâm lý tương tự như anh bạn tôi trong câu chuyện “thật 100%” ở trên.

Thông thường chúng ta vẫn nghĩ rằng, cơ chế “4c (con cháu các cụ) - 5ệ (hậu duệ, đồ đệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ” sẽ làm lỡ mất cơ hội của những người tài khi ứng tuyển làm công chức, cán bộ Nhà nước nhưng lại không có quan hệ và tài chính “chống lưng”. Điều đó hoàn toàn đúng.

Tuy nhiên, một thực tế khác, đó là tình trạng tiêu cực diễn ra trong quá trình tuyển chọn, đề bạt nhân sự không những làm chán nản người tài có xuất thân kém may mắn mà còn làm nhụt chí, tạo ra e ngại cho những nhân tài tạm coi là “có điều kiện”.

Một khi có tiền lệ về “chạy việc”, “mua chức”… thì mặc nhiên trong dư luận đã hình thành tâm lý “định giá ghế”. Ngay như ai có con em vừa vào làm công chức trong một cơ quan nào đó của Nhà nước thì lập tức sẽ có người hỏi “chạy vào đó hết bao nhiêu?”. Hoặc nếu được cất nhắc, bổ nhiệm một chức vụ, một vị trí nào đó trong tổ chức sẽ lại có đồn đoán: “đồng chí đó con đồng chí nào, là “đệ” của ai?”…

Hậu quả là, trong khi để “lọt sàng” một số cán bộ năng lực yếu, động cơ không trong sáng thì những người có năng lực thật sự sẽ cảm thấy bị tổn thương và không có mong muốn tiếp tục ứng tuyển.

Bởi có tài, họ có nhiều lựa chọn hơn về định hướng nghề nghiệp, nếu không phục vụ trong Nhà nước thì họ cũng có thể thành công ở nhiều vai trò, vị trí khác trong xã hội. Điều quan trọng với nhân tài đó là họ được phát hiện, được trọng dụng và được phát huy hết năng lực, thể hiện được giá trị con người họ.

Những nhân tài thực sự, bằng nhiều con đường, họ đều có thể cống hiến cho xã hội và cho đất nước. Chính vì thế, họ không nhất thiết lựa chọn vào làm Nhà nước nếu phải dùng đến quan hệ và tiền. Thiệt thòi cuối cùng, theo đó, không hẳn là thuộc về cá nhân ứng viên mà đúng hơn thuộc về các tổ chức, các cơ quan nhà nước.

Bởi vậy nên, chấm dứt nạn “chạy chức, chạy quyền” chắc chắn phải là việc “bắt buộc phải làm” nếu muốn đảm bảo năng lực cho bộ máy Nhà nước.

Đáng mừng là nhân sự đại hội Đảng cấp tỉnh vừa qua được khẳng định “cơ bản không có chạy chức, chạy quyền”. Thông tin này được đưa ra tại hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng tháng 10 diễn ra sau khi 100% Đảng bộ cấp tỉnh đã hoàn thành đại hội.

Tại phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội chiều 10/11 về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý, chủ trương chung hiện nay là phân cấp cho địa phương vô cùng lớn về nguồn lực, tài lực, nhân lực. Vì thế, chính các tỉnh, thành phố “phải trong sáng, chứ không phải ông đề bạt một cán bộ tốn bằng này tiền đâu”. Ông yêu cầu “chấm dứt trò ấy đi”, đồng thời đặt vấn đề cơ chế nào, cách làm nào chọn nhân tài?

Tóm lại, trong tất cả những sự đổi mới của các địa phương nói riêng và đất nước nói chung thì yếu tố tiên quyết vẫn xuất phát từ con người. Coi trọng nhân tài, thu hút được nhân tài, không lãng phí nhân tài thì đất nước sẽ phát triển và vững mạnh.

Theo Dân trí