“Hậu lãng phí”

20:13 | 01/12/2024

1,171 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 1/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Tại hội nghị, khi nói về việc cần quyết liệt triển khai thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, phải quyết tâm cao, hy sinh lợi ích cá nhân, chống hình thức, chống lãng phí. Đồng chí nói: “Chỉ có phép giải rút gọn mới ra đáp số vượt thời gian”.

Trong các phép giải rút gọn ấy, vấn đề cốt lõi là, có phương án tính toán sao cho khoa học, hợp lý nhất để sắp xếp theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực; cắt giảm đầu mối trung gian không cần thiết; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; chống lãng phí trước và trong khi tiến hành cuộc cách mạng này.

Có người cho rằng, khi đầu mối cồng kềnh, làm ăn kém hiệu quả, chỉ có chi không có thu gây nên tình trạng “tiền lãng phí”, tức là tiêu tiền vô ích trước khi giải thể, sáp nhập các tổ chức. Còn “hậu lãng phí” là bỏ hoang các trụ sở làm việc, công trình phúc lợi công cộng, cơ sở văn hóa... sau khi sáp nhập.

“Hậu lãng phí”
Trụ sở xã Việt Xuyên (cũ), huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh bỏ hoang sau sáp nhập, tháng 9/2020 (Ảnh: Đức Hùng - vnexpress.net)

“Hậu lãng phí” không chỉ là mối lo, là chuyện nhắc nhau cảnh giác nữa, mà đã trở thành chuyện “hai năm rõ mười” ở các thôn, xã sáp nhập trong năm 2024. Chúng tôi có dịp đến một số địa phương ở Đồng bằng sông Hồng, thấy một hiện tượng khá phổ biến là nhiều công sở bị bỏ hoang, cửa đóng then cài, mái rêu nhà mốc. Ngược lại, nhiều công trình văn hóa bị sử dụng sai mục đích, thành nơi bán bia, cửa hàng tạp hóa, thậm chí là nơi... nấu cỗ thuê. Chú em tôi đưa đi một vòng quanh xã. Vừa rồi ở đây sáp nhập theo cách cứ 3-4 thôn ghép thành một khu dân cư mang tên 1, 2, 3, 4... Những cái tên làng cổ tồn tại mấy trăm năm đã biến mất. Đáng tiếc là, khi xây dựng nông thôn mới thì các thôn này đều có nhà văn hóa khang trang, rộng hàng trăm mét vuông. Nay thì các nhà văn hóa này đều đã được “sử dụng” vào việc khác. Phần lớn biến thành nhà hàng dã chiến.

Đấy là ở thôn làng. Còn lên xã thì gặp cảnh trụ sở bỏ hoang. Trụ sở UBND xã H. cao 3 tầng, có hội trường hơn 3.000 mét vuông, khi xây dựng tốn kém gần 20 tỉ đồng. Vậy mà nay cỏ mọc lút từ ngõ vào đến cửa. Các trường học, trạm y tế cũng cùng chung cảnh ấy. Hỏi chuyện lãnh đạo tỉnh thì số cơ sở nhà đất như thế dôi dư trong tỉnh lên tới 300-400 điểm. Nếu làm phép nhân những thiệt hại vô hình thì sẽ là con số khổng lồ. Hỏi, có cách gì xử lý. Thưa, vẫn chưa có cách, không những thế các địa phương còn tốn thêm khoản tiền thuê người trông nom trụ sở và làm vệ sinh.

Chúng ta đã lường trước chuyện này, vì không phải bây giờ là lần sáp nhập đầu tiên. Nhưng rõ ràng đã tính toán chậm, chưa có phương án xử lý tài sản công, trụ sở công một cách phù hợp, đúng quy định pháp luật. Không ai có thể nghĩ thay cho các cơ sở, vì mỗi nơi đều có hoàn cảnh khác nhau, có những đặc thù. Có điều, những bất cập mang tính phổ biến thì cần phải sửa, đó là “điểm nghẽn cơ chế”. Một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến “hậu lãng phí” là cơ chế, chính sách để thu hồi, xử lý tài sản công sau sắp xếp, sáp nhập chưa rõ ràng, thiếu thống nhất.

Một trong những khó khăn, vướng mắc là các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (năm 2017), Luật Đất đai và nhiều Nghị định, Thông tư có liên quan. Luật này “vênh váo” luật kia, thông tư này mâu thuẫn với nghị định kia. Nay thì các Bộ liên quan đang chờ sáp nhập, đành phải... “chờ” thôi!

Trong khi “chờ” thì phát sinh nhiều chuyện phức tạp. Có tình trạng “dưới đẩy lên, trên ấn xuống” vì sợ sai, sợ “mua dây buộc mình”, lợi thì lợi chung, tội vạ thì người chỉ đạo thực hiện phải gánh. Và vì thế, trong lúc chờ không biết mình đi đâu về đâu, không ít cán bộ án binh bất động. Ấy là chưa nói một số cán bộ tìm cách “chạy” chỗ, “chạy” ghế.

Một số cán bộ cơ sở còn tuổi công tác dăm bảy năm nữa tìm cách “chạy” lên huyện, lên tỉnh. Rồi “chạy” về phòng nào, ban nào có “màu” hơn. Muốn vậy thì phải “đi”. “Đi” nặng “về” nặng, “đi” nhẹ “về” nhẹ, “đi” tay không “về” tay không. Lại nảy sinh chuyện tham ô - cặp bài trùng của lãng phí.

Rồi những cán bộ có năng lực nhưng không có “vây cánh”, không có mối quan hệ bị văng ra khỏi bộ máy. Những anh bất tài có khi vẫn trụ lại được trong bộ máy công quyền. Đó là nghịch lý dễ thấy nhưng không dễ chống. Chung quy cũng là “hậu lãng phí” - lãng phí nguồn nhân lực, lãng phí chất xám.

Rất mừng là các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đã thấy rõ, đã cảnh báo, đã chỉ đạo quyết liệt. Không có cách nào khác, phải bắt tay làm ngay thật quyết liệt. “Vừa chạy vừa xếp hàng” thì không thể vận hành cỗ máy êm ru ngay được. Tin tưởng, hành động quyết liệt, dũng cảm, hy sinh, sửa sai kịp thời, có sự kiểm tra, giám sát của hệ thống, của nhân dân. Đó chính là “cách giải” bài toán khó.

Hải Đường