Làng chẻ đá

14:37 | 26/03/2012

2,028 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong những túp lều xiêu vẹo, hình dáng mờ mờ do khói bụi là những người phụ nữ đang tay đục, tay búa tạc nên những phiến đá đủ mọi hình thù. Bao năm nay, người dân làng Phú Thượng (Hòa Sơn, Hòa Vang, Đà Nẵng) sống nhờ vào đá chẻ…

Những phiến đá đẫm mồ hôi và máu

Bên con đường vào xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang – Đà Nẵng) khói bụi mịt mờ là vô số cơ sở sản xuất đá với những căn lều được dựng tạm bợ. Trên những đống đá khổng lồ là những phận người lầm lũi với đá. Mỗi một cơ sở sản xuất đá thường được bố trí phân công ba bộ phận: Đập đá, cưa đá và chẻ đá.

Cưa đá

Nắng tháng 3 làm những bộ đồ lao động thấm đẫm mồ hôi dính cùng với khói bụi như điểm thêm sự khổ cực cho nghề chẻ đá. Nhoẻn cười qua chiếc khẩu trang dính đầy bụi cát, chị Nguyễn Thị Minh Hương, tâm sự: “Đêm về đau ê ẩm cả xương sống, nhưng nghe gà gáy là lật mình dậy đi làm”. Chị Hương là một trong số hàng trăm phụ nữ ở Hòa Sơn gắn bó với nghề chẻ đá bao năm nay. Chồng tàn tật vì tai nạn khi xuất khẩu lao động đã 2 năm, 4 đứa con đang tuổi ăn học, một tay chị Hương gánh vác bằng nghề chẻ đá ngày đêm không ngưng nghỉ.

Vừa kể, chị vừa thoăn thoắt điều khiển phiến đá, chỉnh đục. Những ngón tay rớm máu vì đục chắn, đá cứa thường xuyên. “Mỗi ngày tui chẻ hơn một ngàn viên, đứt tay tía máu là thường. Kiếm 50 ngàn/ngày đêm sao mà khó thế” – chị Hương cười buồn.

Trên đống đá khổng lồ, anh Nguyễn Vũ Lộc đang hì hục vung từng nhát búa. Tiếng sắt thép tiếp xúc với đá kêu chát chúa giữa trưa nắng. Từng giọt mồ hôi thấm đẫm vào đá. Cánh tay lực lưỡng của anh Lộc chằng chịt sẹo. Vết lên da thâm sì, vết còn mới tươi. Mồ hôi mặn quyện vào máu, anh Lộc vẫn cười vang: “Thường thôi, quen rồi”.

Anh Lộc từng bỏ làng vào Nam làm công nhân rồi ngược lên miền rừng núi Tây Nguyên làm kinh tế mới, nhưng cuối cùng, chẻ đá là nghiệp vận vào anh lâu nhất. Trong tiếng cu lơ của dàn máy cắt đá, đàn ông lặng lẽ cắt từng hòn đá thô kệch ra những phiến đá chuẩn có kích thước sẵn. Tất cả chìm nghỉm trong ồn ào, khói bụi và được tắm bởi mồ hôi đục ngầu.

Người phụ nữ thoăn thoắt chẻ từng phiến đá

Anh Võ Thúng cạnh đó giơ bàn tay đầy sẹo, khoe: “Tháng trước, máy chém vào, khâu 5 mũi. Lơ là tí là đi đời ngón tay”. Anh Nguyễn Văn Trung (57 tuổi) thân hình gầy gòm, mặt khắc khổ chới với nhấc từng hòn đá nặng, có lẽ nặng hơn nhiều so với trọng lượng người anh. Mỗi ngày được hơn trăm ngàn, vợ trồng rau nuôi heo, gom góp lại, có bao nhiêu đổ vào chữa bệnh cho con gái. Con gái anh bị bệnh từ nhỏ, đã đi khắp nơi nhưng chưa khỏi, giờ hết tiền nằm ở nhà “Tui cực bao nhiêu cũng được, thấy con khỏe là vui”.

Đá làng xuất ngoại

Xã Hòa Sơn bây giờ đã có tới hơn 1500 xưởng sản xuất đá chẻ. Dù bụi mịt mù, công việc nguy hiểm nhưng với số tiền 100 – 150 ngàn/ngày cũng giúp người dân tạm thoát nghèo.

Cặp vợ chồng trẻ Nguyễn Phúc Uy (Phú Thượng) có cuộc sống dư giả nhờ vào những phiến đá. Từ nguồn vốn vay ít ỏi của ngân hàng, anh Uy sắm 1 chiếc máy cắt đá, một số dụng cụ nghề. Sau quãng thời gian 2 năm cực nhọc, đến nay anh đã mở thêm 4 cơ sở trong vườn mình. Nhìn ngôi nhà 2 tấm còn thoảng mùi sơn, anh Huy khoe: “Từ đá mà ra cả. Tui chưa bao giờ nghĩ tới có được cơ ngơi ngày hôm nay nhờ nghề chẻ đá”.

Ra sức đập tan những khối đá khổng lồ

Không chỉ thu hút lao đông trong xã, nghề chẻ đá Hòa Sơn còn hút lao động từ Quảng Nam, Huế, Quảng Ngãi… Từ vùng quê nghèo Thăng Bình (Quảng Nam), vợ chồng anh Thúng đã lăn lội ra đây bươn chải. Anh tâm sự: “Hai vợ chồng làm tối ngày, trừ chi phí ăn uống, tháng cũng được 5 triệu đồng, đủ tiền gửi về quê cho hai con ăn học”.

Cô Lê Thị Vân Loan (Phú Thượng) chia sẻ: “Làng chẻ đá Hòa Sơn đã tạo cho nhiều người có công ăn việc làm. Rất nhiều người thoát nợ thậm chí còn phất lền nhờ chẻ đá”.

Nhờ vào mặt đá đẹp đủ mọi màu sắc như đá Thượng Bản, đá Lông Chuột và đá Cẩm Sắc, thị trường tiêu thụ đang được mở: TP HCM, Đà Lạt, Hà Nội… vươn sang cả nước Ý và Pháp. Mỗi năm nơi đây cung cấp hàng chục nghìn mét khối đá trang trí ra thị trường phục vụ cho ngành xây dựng.

Từ đá những ngôi nhà mới khang trang được mọc lên trong âm thanh hỗn tạp của máy cắt, búa chẻ và khói bụi. Thấp thoáng trong những cơ sở sản xuất đá rộng lớn là những con người bé nhỏ đang cần mẫn lam lũ đối chọi với nắng mưa với gió bụi… để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

 Sỹ Đồng