Cục trưởng Cục Nghệ thuật - Biểu diễn: Nguyễn Đăng Chương:

“Lần đầu tiên thu hồi giấy phép một cuộc thi sắc đẹp”

19:00 | 07/06/2013

862 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong suốt những ngày vừa qua, dư luận xôn xao về cuộc thi có tầm cỡ quốc gia như “Nữ hoàng biển 2013” bị thu hồi giấy phép vì mắc phải rất nhiều sai phạm nghiêm trọng. Đây là lần đầu tiên một cuộc thi sắc đẹp bị thu hồi giấy phép. PV Báo điện tử Petrotimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn về vấn đề này.

PV: Thưa ông! Một số người cho rằng, Ban Tổ chức cuộc thi “rất liều và coi trời bằng vung” thì mới dám làm sai nhiều như thế. Theo ông, tại sao một địa phương thường xuyên đăng cai các cuộc thi sắc đẹp lớn lại để xảy ra chuyện này?

Cục trưởng (CT) Nguyễn Đăng Chương: Câu trả lời rất đơn giản, đó là cơ quan quản lý Nhà nước ở Khánh Hòa buông lỏng quản lý. Khi đoàn công tác của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vào thì từ ban lãnh đạo của Sở cho đến các phòng, ban kể cả thanh tra Sở lúc đấy mới là lần đầu tiên tiếp cận những tư liệu, tài liệu liên quan đến cuộc thi này. Rõ ràng như thế là họ tắc trách, buông lỏng, không có trách nhiệm.

Ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn

PV: Theo dư luận phản ánh, doanh nghiệp này chưa từng tổ chức một cuộc thi sắc đẹp nào, cho nên hoàn toàn không nắm vững được quy định tổ chức. Vậy tại sao Cục lại đồng ý cấp giấy phép, thưa ông?

CT Nguyễn Đăng Chương: Trong quá trình cấp phép, Cục Nghệ thuật Biểu diễn căn cứ các quy định của pháp luật, có đủ điều kiện để cấp phép. Có 3 yếu tố. Thứ nhất, đơn vị xây dựng đề án tổ chức cuộc thi đảm bảo tiêu chí theo quy định pháp luật, hay của Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Thứ hai, trong đề án cuộc thi ghi rõ công ty tài trợ kinh phí để tổ chức cuộc thi này và ngoài chi phí tài trợ sẽ đưa vào làm quỹ cho những bệnh nhân nghèo tỉnh Khánh Hòa. Thứ ba là, trong Công văn số 1553 của UBND Khánh Hòa gửi ra Cục đề nghị cấp phép cuộc thi này, khi được cấp phép, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở VH-TT&DL cùng các sở, ban, ngành phối hợp với UBND TP Nha Trang tổ chức thành công cuộc thi này.

Ở góc độ các văn bản quy phạm pháp luật, cơ bản hồ sơ gửi ra và 3 điểm nói trên thì vẫn đầy đủ yếu tố để được cấp phép. Còn dư luận nói có đại gia này, đại gia kia, có thể khẳng định, nếu đại gia có ngân sách để tham gia vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật, tham gia tổ chức sự kiện để nâng cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cho nhân dân, đem đến cho khán giả những chương trình hoạt động nghệ thuật chất lượng, mang giá trị đích thực, đều là điều đáng ủng hộ.

PV: Theo phản hồi của Ban Tổ chức cho rằng, Cục Nghệ thuật Biểu diễn không cho thời gian để công ty có thời gian “sửa sai”. Quyết định của Cục đưa ra quá nhanh, làm thiệt hại kinh phí không nhỏ cho nhà tổ chức và quan trọng là thiệt hại của thí sinh. Nhiều thí sinh cũng bày tỏ mong Cục cân nhắc đến mất mát của thí sinh và ra một quyết định nhẹ nhàng hơn? Ông nghĩ sao về điều này?

CT Nguyễn Đăng Chương: Như vừa nói thì trong điều kiện xã hội phát triển hòa nhập hiện nay, các doanh nghiệp tham gia đóng góp, tài trợ vào các chương trình văn hóa nghệ thuật là điều hoan nghênh và đáng ghi nhận. Tuy nhiên, sai phạm của Công ty Rồng Việt (Ban Tổ chức cuộc thi “Nữ hoàng biển”) là rất nghiêm trọng. Trong 5 sai phạm cơ bản còn có sai phạm nữa, đó là không phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước ở Khánh Hòa. Như vậy là những sai phạm này đã đi trái với quy định của pháp luật và rõ ràng sai phạm thì ban tổ chức phải chịu trách nhiệm.

Ở trường hợp này không thể đổ lỗi cho cơ quan quản lý mà đó là trách nhiệm của ban tổ chức cuộc thi. Nếu như thí sinh nào dự thi mà đặt câu hỏi này thì thí sinh ấy còn chưa đủ tiêu chuẩn để dự thi vòng thi sơ khảo, bởi có nghĩa là thí sinh ấy không hiểu gì về pháp luật, nguyên tắc, quy định của Nhà nước, từ những kiến thức pháp luật sơ đẳng nhất.

"Nữ hoàng biển 2013" bị thu hồi giấy phép

PV: Trên thực tế, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã thực hiện nghiêm chỉnh quy định 1 năm tổ chức 2 cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia, 3 cuộc thi cấp vùng, đoàn thể, tuy nhiên các cuộc thi cấp tỉnh vẫn còn nhiều, tình trạng loạn danh hiệu vẫn còn tiếp diễn.

CT Nguyễn Đăng Chương: Trong Nghị định 79 quy định rõ ràng mỗi năm có 2 cuộc thi cấp quốc gia mà danh hiệu là hoa hậu, bên cạnh đó có 3 cuộc thi mang cấp vùng, ngành, đoàn thể và tên mỗi danh hiệu tùy theo tính chất mỗi cuộc thi nhưng không thể gọi là hoa hậu được. Còn cuộc thi của tỉnh 1 năm tổ chức 1 lần gọi là người đẹp, nên không có chuyện lẫn lộn giữa các cuộc thi được.

Trong những năm qua, dư luận xã hội, báo chí phản ánh rất nhiều các hoạt động này, đã đến lúc cần phải chấn chỉnh và làm bây giờ vẫn là hơi muộn. Có thể nói, từ khi có Chỉ thị 65 chấn chỉnh tất cả hoạt động thi hoa hậu, người mẫu thời trang đã giảm được 80% những lùm xùm, sai phạm  trước đây.

Việc nói cơ quan quản lý Nhà nước cấp phép cuộc thi này, cuộc thi kia không đúng pháp luật là sai vì cơ quan quản lý luôn làm việc trên cơ sở các văn bản pháp luật cho phép. Còn trong phạm vi cấp tỉnh, chính quyền có quyền tổ chức cuộc thi người đẹp nhưng người ta mượn tên một danh hiệu khác như Nữ hoàng cà phê thì lỗi sai đầu tiên ở Sở VH-TT&DL tỉnh đó, sai ở UBND tỉnh đó.

Nghị định 79 quy định 3 điều rất đúng, hợp lý, phù hợp với cuộc sống trong thời kỳ hội nhập. Có 3 dạng: Một là, cuộc thi hoa hậu toàn quốc 2 lần/năm do Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL cấp phép; Hai là, một năm có 3 cuộc thi ngành, vùng, cơ quan đoàn thể do Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép; Ba là, cuộc thi người đẹp ở địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh cấp phép. Trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật rất rõ ràng, không có sự chồng chéo. Nhưng điều quan trọng là người thực hiện có cố ý làm chồng chéo hay không. Có cơ sở pháp lý rồi, quy định chi tiết rồi, phân cấp hẳn hoi rồi nhưng có dựa vào cơ sở đó để nâng cao vai trò quản lý hay không mới là điều quan trọng.

PV: Với cương vị là Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, ông có cách nào để giám sát nghiêm khắc hơn, chặt chẽ hơn ngay từ đầu những cuộc thi?

CT Nguyễn Đăng Chương: Điều này hết sức đơn giản vì văn bản pháp luật có rồi, điều quan trọng là cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương cần nâng cao vai trò của mình trong việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, định hướng tất cả các hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Còn hiện tượng vừa rồi xảy ra thể hiện sự buông lỏng của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương. Cách duy nhất là các cơ quan từ Trung ương đến địa phương nâng cao vai trò trách nhiệm. Nếu như buông lỏng thì những cơ sở pháp lý này cũng không đi vào đời sống, không có tác dụng, cũng không thể nâng cao giá trị thẩm mỹ, giáo dục, nhận thức đối với công chúng trong tất cả các lĩnh vực nghệ thuật.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thanh Huyền (thực hiện)

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...