Lạm bàn về khen thưởng

07:00 | 26/03/2013

1,178 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo GS Văn Như Cương, các danh hiệu của nước ta đã quá nhiều, quá nhàm, không thực chất. Ví dụ, nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân. Nếu xóa bỏ được, có thể bỏ các chức danh ấy, gây sự lãng phí, mất đoàn kết. Ngoài ra, không nên thêm chức danh nào nữa.

Xin kể câu chuyện có thực này để lạm bàn về thi đua khen thưởng. Số là tôi đã nghỉ hưu được vài năm, bỗng một hôm có điện thoại của cơ quan mời đến có việc. Hóa ra tôi được mời đến để làm thủ tục đề nghị thưởng Huân chương Lao động. Theo quy định, tôi được tặng Huân chương Lao động hạng Ba dù còn thừa tiêu chuẩn đến vài năm. Hóa ra “gái có công thì chồng không phụ”, tôi lĩnh huân chương về treo trang trọng trên tường phòng khách và có chút tiền liên hoan “mừng công” với con cháu, khép lại cuộc đời công chức.

Tuy nhiên, cùng cấp phó với tôi là một đồng chí thương binh chống Mỹ. Anh bị mất một chân trong một trận chống càn ở khu 5, được đưa ra Bắc chữa chạy và được làm chân giả. Với một bàn chân nhựa, anh xông pha vào Nam ra Bắc hoàn thành tốt công việc và từng được tặng danh hiệu Chiến sĩ Thi đua, được bổ nhiệm cấp phó sau tôi ít năm. Xem ra anh thừa tiêu chuẩn được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, thậm chí xứng đáng nhận hạng Hai. Nhưng vì thâm niên cấp phó của anh chỉ được 6-7 năm gì đó nên anh không có huân chương. Cơ quan cũ có văn bản đề xuất “xin chiếu cố” để anh được vinh dự này mà người ta không chấp nhận. Thì ra, huân chương thưởng theo chức sắc và thâm niên.

Câu chuyện được nhắc lại vào dịp dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) được thảo luận.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, thời gian qua có tình trạng khen thưởng tràn lan, nhưng lại chủ yếu tập trung cho đội ngũ cán bộ trong khu vực Nhà nước. Vì vậy, tư tưởng dự thảo luật lần này là sẽ không xét khen thưởng hằng năm đối với cán bộ cấp sở, cấp vụ và tương đương trở lên khi đang công tác, chỉ trước khi về hưu mới xét cống hiến để khen thưởng (trừ những người lập được thành tích đặc biệt xuất sắc), các danh hiệu, khen thưởng chủ yếu dành cho những người lao động, chiến đấu trực tiếp.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự luật bổ sung một số danh hiệu mới như danh hiệu thi đua “Lao động giỏi” và “Tập thể lao động giỏi” để xét tặng cá nhân, tập thể ở khu vực ngoài Nhà nước; danh hiệu “Nhà khoa học nhân dân”, “Nhà khoa học ưu tú” cho các nhà khoa học; “Huy chương Thanh niên xung phong kháng chiến” để tặng hoặc truy tặng đối tượng là thanh niên xung phong có quá trình cống hiến trong hai cuộc kháng chiến; nguyên thủ quốc gia nước ngoài có công lao to lớn đối với dân tộc Việt Nam thì được tặng thưởng “Huân chương Sao Vàng”...

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại việc mở rộng các hình thức khen thưởng, danh hiệu và bổ sung các đối tượng có thẩm quyền quyết định khen thưởng chỉ càng làm tình trạng tràn lan trong công tác thi đua, khen thưởng phức tạp thêm.

Trong danh sách mới nhất đề cử 130 chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2012, chỉ có 1 người không phải “quan” là ông Nguyễn Minh Tâm, Đội trưởng Xưởng Đo lường tự động hóa, Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Bộ Công Thương, là công nhân sản xuất trực tiếp, gây bức xúc trong dư luận. So với danh sách cũ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình và 4 cán bộ ngân hàng đã không có tên. Mới đây, tại tỉnh Cà Mau phải kiểm tra việc xét, công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua của giám đốc sở cấp tỉnh gồm một ông bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo cả về mặt Đảng lẫn chính quyền và một bà to hơn nên hồ sơ kỷ luật đã được gửi về Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Nực cười là bà này vẫn có tên trong danh sách 31 nữ cán bộ sở được xét tặng danh hiệu Phụ nữ hai giỏi “đảm việc nước, giỏi việc nhà” (!?).

Đây là thi đua, nay lại có thêm hàng loạt các danh hiệu hoàn toàn mới: Nhà khoa học nhân dân, nhà khoa học ưu tú, danh nhân. Đặc biệt, theo ban soạn thảo, danh hiệu danh nhân nhằm tôn vinh những người có đóng góp đặc biệt cho đất nước…

Hóa ra danh hiệu cao quý “danh nhân” lại được quan tâm nhiều. Nguyên Phó trưởng ban Khoa giáo Trung ương Phạm Tất Dong đưa ra nhận xét, “danh nhân” không phải là chức tước, danh hiệu. Danh nhân là người nổi danh được nhiều người biết đến. Do vậy, đây không phải là “cái” đem ra hội đồng xét duyệt. Danh nhân chỉ nên dùng cho người đã mất, có giá trị để lại to lớn cho xã hội. Khi viết sách, báo, nhắc lại... chúng ta gọi danh nhân để trân trọng. Ví dụ, nước ta có danh tướng Trần Hưng Đạo, danh y Tôn Thất Tùng...

Ông Dong cho rằng, không nên gọi người đang sống là danh nhân. Ông còn ví dụ tại một cuộc mít tinh, hội nghị, người dẫn chương trình không lẽ lại xướng lên: mời danh nhân Nguyễn Văn A, danh nhân Nguyễn Văn B lên phát biểu. Có lẽ ai cũng thấy rất khó nghe.

Theo GS Văn Như Cương, không có nước nào nhà nước phong danh nhân, chỉ có nhân dân tự phong cho người tài. Có những người cống hiến giá trị to lớn, nhưng sau thời gian dài, có khi mất vài chục năm sau người ta mới nhận ra. Không phải cứ ai giỏi là được công nhận ngay. Nếu có người được bầu danh nhân lúc sống, khi chết không ai nhớ đến nữa, quá buồn. GS Văn Như Cương không đồng tình nếu gọi người còn sống là danh nhân.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng cho rằng, danh hiệu danh nhân là vấn đề phức tạp, đã có chuẩn mực. Đây không phải là thứ có thể định lượng được.

Theo một số nhân sĩ trí thức, chức danh “nhà khoa học nhân dân” dùng để vinh danh các nhà khoa học là thừa vì đã có học hàm, học vị giải thưởng khoa học... để vinh danh họ. Thêm danh hiệu nhà khoa học nhân dân không giải quyết được gì.

Ông Phạm Tất Dong lưu ý, không phải cái gì cũng thêm chữ “nhân dân”. Thí dụ, người làm ngân hàng giỏi không thể gọi là kế toán nhân dân. Nhân dân chỉ dùng cho những người mà sự nghiệp gắn với phong trào quần chúng, tiếp xúc với nhân dân. Nhà giáo, nghệ sĩ, thầy thuốc... là những người như vậy.

Nhà khoa học sống bằng thí nghiệm, có người gắn bó với phòng thí nghiệm cả đời. Giới khoa học vẫn nói với nhau: “Làm khoa học phải dám chịu cô đơn”. Nghĩa là có những phát minh, sáng chế bị coi là điên khùng, cả thế giới phản đối, nhưng nhiều năm sau người ta mới thấy giá trị đóng góp. Nếu muốn vinh danh, ở trường học gọi là giáo sư, trong viện nghiên cứu có thể gọi là viện sĩ. Có phát minh, gọi là “nhà sáng chế”, đó cũng là vinh dự lớn lao. Ông Phạm Tất Dong tâm sự: “Tôi và bạn bè thấy mình được phong giáo sư là tốt lắm rồi”.

Theo GS Văn Như Cương, các danh hiệu của nước ta đã quá nhiều, quá nhàm, không thực chất. Ví dụ, nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân. Nếu xóa bỏ được, có thể bỏ các chức danh ấy, gây sự lãng phí, mất đoàn kết. Ngoài ra, không nên thêm chức danh nào nữa.

Minh Nghĩa