Lại “bội thực” giấy mời nhập học!

10:30 | 19/08/2013

1,879 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khi các trường ĐH lớn “bận rộn” công bố điểm chuẩn trúng tuyển thì trước đó, nhiều trường top dưới, trường trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề đã âm thầm gửi giấy mời nhập học cho thí sinh.

Không thi… vẫn đỗ

Chưa hết hoang mang vì thông tin trượt ĐH Công đoàn, em Nguyễn Xuân Thành (Ba Đình, Hà Nội) đã nhận được rất nhiều giấy mời nhập học. Trong đó có CĐ Công nghệ và Thương mại Hà Nội, ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị, Học viện Công nghệ thông tin Bách khoa (ĐH Bách khoa Hà Nội) và ĐH Thành Tây. Điều lạ là không có trường nào trong số đó em từng thi hay nộp hồ sơ đăng ký dự thi cả.

Thành cho biết, với số điểm 13,5 (khối A), em chắc chắn không đỗ được NV1 vào trường ĐH Công đoàn. Vì vậy, em và gia đình đang tìm hiểu các trường tuyển NV2 để nộp hồ sơ. Đúng lúc ấy, Thành nhận được hàng loạt giấy báo nhập học của các trường ĐH và CĐ… “lạ hoắc” khiến em và gia đình vô cùng băn khoăn.

Thành chia sẻ: “Các giấy mời nhập học này thông tin về chuyên ngành đào tạo và trình độ đào tạo rất mập mờ. Vì vậy, em rất bối rối, không biết có nên chọn bừa một trường để đi học không? Với số điểm của em, hi vọng trúng tuyển NV2 của một trường ĐH nào đó sẽ rất khó”.

Mỗi mùa tuyển sinh, thí sinh lại "bội thực" vì giấy mời nhập học.

Gần đây, chị Nguyễn Thị Liên (sinh năm 1977, quê Bắc Giang), hiện làm công nhân may tại Bắc Ninh đã rất bất ngờ khi nhận được giấy báo trúng tuyển và thư mời nhập học của trường ĐH Thành Đô và ĐH Hòa Bình.

Trong thư gửi, trường ĐH Thành Đô ghi rõ là chị Nguyễn Thị Liên (hộ khẩu thường trú: huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đã đủ điều kiện trúng tuyển học hệ ĐH chính quy khóa 5 của trường năm 2013, với tổng số điểm 3 môn là 14,2 điểm. Trên giấy thông báo ghi chị Liên có số báo danh SPH.D1.15065, đối tượng khu vực 2 nông thôn, sinh ngày 19/11/94, trong khi đó chị Liên sinh năm 1977. Giấy thông báo không ghi rõ là chị Liên thi vào ngành nào của trường mà chỉ ghi chung chung: Nếu anh (chị) có nguyện vọng vào học ngành Kế toán hệ đại học.

Cùng thời điểm nhận giấy báo trúng tuyển của ĐH Thành Đô, chị Liên nhận được Thư mời nhập học của Trường ĐH Hòa Bình với mức điểm là 15,25 cũng  với số báo danh 15065 (số báo danh giống như Trường ĐH Thành Đô ghi). Với số điểm này, Trường ĐH Hòa Bình đã ghi chị Liên đủ điều kiện vào học đại học chính quy ngành Quan hệ công chúng và truyền thông.

Bên cạnh đó, trong hồ sơ xét tuyển, ngoài những giấy tờ nộp theo đúng thủ tục, Trường ĐH Hòa Bình yêu cầu chị Liên gửi ngay trực tiếp hoặc qua bưu điện về Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông để hưởng chế độ ưu tiên, hỗ trợ một khóa tin học hoặc tiếng Anh miễn phí (thí sinh nào chưa nhận được giấy báo điểm có thể đăng ký trước qua điện thoại văn phòng khoa hoặc theo địa chỉ email…).

Chồng chị Liên là anh Nguyễn Tài Hợp cho biết: “Cả xóm chỉ mình vợ tôi tên là Liên nên không có chuyện nhầm lẫn với cháu Liên nào khác trong xóm. Đến người đưa thư quen thuộc của thôn cũng thấy lạ. Không hiểu các trường đại học trên lấy đâu ra số điểm, số báo danh và địa chỉ để gửi giấy báo trúng tuyển đại học, trong khi đó vợ tôi đang làm thợ may. Tương tự, trong xóm tôi rất nhiều người lớn tuổi như vợ tôi cũng nhận được giấy báo trúng tuyển và thư mời đỗ đại học, trong khi đó đang làm nghề nông”.

Anh Hợp cho biết thêm: "Con trai tôi tên là Nguyễn Tài Doanh năm nay thi ĐH Công nghiệp Hà Nội được 14 điểm, trượt nguyện vọng 1. Gia đình tôi xác định cho cháu đi học trường CĐ nghề ở Bắc Ninh. Tuy nhiên, con trai tôi cũng nhận được Thư mời nhập học của trường ĐH Hòa Bình. Trong thư mời nhập học, trường không chỉ ghi tên con tôi mà ghi cả tên tôi bên cạnh".

Mặc dù các trường này đều giải thích đó chỉ là một hình thức quảng bá tên tuổi của trường cho thí sinh biết đến chứ không ép nhập học, nhưng những thông tin này đã khiến không ít thí sinh hoang mang.

Cần cẩn trọng với thư mời nhập học

Cứ mỗi dịp thi đại học, nhiều thí sinh dự thi nhận được giấy báo trúng tuyển, thư mời nhập học không phải trường dự thi đã xảy ra nhiều năm nay, không còn xa lạ. Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo sát sao đến các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), yêu cầu các trường chỉ gửi giấy báo trúng tuyển cho thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2, NV3 đạt điểm trúng tuyển quy định của trường. Các trường không gửi giấy báo trúng tuyển cho những thí sinh không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV1, NV2 vào trường.

Thậm chí, Bộ đã đưa vào chế tài xử phạt nhưng nhiều trường vẫn mặc nhiên và cố tình gửi thư mời để hòng “kiếm” được thí sinh về trường học.

Năm 2013, Bộ GD-ĐT đã cho phép các trường ĐH, CĐ tự chủ trong công tác tuyển sinh và tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tùy thuộc vào năng lực đào tạo của mình, do đó rất có thể việc “mời chào” thí sinh sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn.

Thí sinh cần thận trọng lựa chọn khi nhận được quá nhiều giấy báo trúng tuyển.

Trong buổi họp công bố điểm sàn do Bộ GD-ĐT tổ chức, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, với mức điểm sàn được ra năm nay, khối ĐH dư tới 238.726 em có điểm trên sàn (năm 2012 dư 141.000 em), như vậy nguồn dư năm nay rất lớn và các trường top dưới, các trường ngoài công lập rất có thể sẽ tuyển đủ được thí sinh.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ GD Đại học (Bộ GD-ĐT), việc thu hút thí sinh vào trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác chứ không phải mình điểm sàn, như: cơ cấu đào tạo, ưu thế ngành nghề, vị trí nhà trường và xu hướng chọn ngành nghề của phụ huynh, thí sinh. Vì vậy, chắc chắn khó tránh khỏi việc các trường top dưới thiếu sinh viên mà đẩy mạnh việc “mời chào”, “tiếp thị giáo dục” thông qua các giấy báo nhập học.

Vài năm gần đây, việc các trường “rải” giấy báo trúng tuyển, giấy mời nhập học đến thí sinh đã khiến phụ huynh và bản thân các thí sinh hoang mang và ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn môi trường học tập cho mình. Vì thế, các thí sinh cần thận trọng trước những cơ hội trúng tuyển một cách quá dễ dàng. Có rất nhiều cơ hội cho thí sinh trượt ĐH, thậm chí chưa thi ĐH, nhưng thí sinh nên tìm hiểu nguồn thông tin chính thống trực tiếp từ các trường.

Nói về hiện tượng này, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục - khoa học Hà Nội cho biết: “Rất nhiều trường đang chạy đua giành thí sinh. Để không trở thành “con mồi” cho các trường thiếu uy tín, thí sinh nên dựa vào khả năng và điều kiện của mình để chọn trường và nghề phù hợp”.

Khánh An