Kỳ vọng của cử tri với Quốc hội khóa XIV

07:07 | 09/03/2016

1,043 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quốc hội nước ta đã trải qua chặng đường 70 năm với 13 khóa. Với mỗi khóa Quốc hội, tình hình và nhiệm vụ mới lại đặt ra những trọng trách mới. Người dân luôn luôn tin tưởng vào cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước với những đại biểu đại diện cho tiếng nói cử tri. Với Quốc hội khóa XIV sắp tới, cử tri đang muốn gửi gắm tâm tư, nguyện vọng gì?

Trước hết, 500 đại biểu đại diện cho 90 triệu người dân cả nước phải thực sự tiêu biểu, được chọn lọc và bầu cử thông qua lá phiếu tự do, dân chủ của cử tri. Những đại biểu ấy phải thể hiện được lòng dân, ý Đảng; mang hơi thở cuộc sống thực tế đến nghị trường và từ đó đề ra những quyết sách phù hợp với cuộc sống.

ky vong cua cu tri voi quoc hoi khoa xiv

Đất nước đang trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mỗi đại biểu Quốc hội ngoài 5 tiêu chuẩn đã đề ra còn phải thực sự là chiến sĩ tiên phong của thời kỳ cách mạng mới.

Những khóa gần đây, Quốc hội đã có nhiều đổi mới, được cử tri đồng tình ủng hộ. Đó là việc kịp thời đưa ra những quyết sách mới theo kịp với nhu cầu cuộc sống người dân. Đó là tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn những vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực nóng bỏng đang đặt ra. Đó là việc thông qua được nhiều dự án luật đáp ứng nhu cầu của xã hội đang trên con đường hội nhập. Đó là sự điều chỉnh tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách, đại biểu nữ và đại biểu dân tộc thiểu số cũng như người ngoài Đảng và một số đại biểu tự ứng cử.

Nhưng bên cạnh đó, với Quốc hội khóa XIV này, cử tri cả nước mong muốn rằng, Quốc hội tiếp tục đổi mới hơn nữa, khắc phục những tồn tại để Quốc hội ngày một gần dân hơn, thể hiện được nguyện vọng của dân hơn. Muốn vậy, ngay từ bây giờ, khâu chọn lọc những người có đủ tiêu chuẩn tham gia đại biểu Quốc hội cần phải làm chặt chẽ từ cơ sở và các bước hiệp thương.

Kinh nghiệm của mấy khóa Quốc hội trước đều có những trường hợp bị bãi miễn tư cách đại biểu do những vi phạm nghiêm trọng về pháp luật. Nguyên nhân từ cơ sở đã thiếu sự giám sát và sàng lọc. Đó là chưa kể một số đại biểu chưa đến mức bãi miễn nhưng có hành động và phát ngôn thiếu chuẩn mực, vô trách nhiệm, đã bị cử tri chỉ trích gay gắt. Ngoài ra còn một số đại biểu tham gia theo thành phần cơ cấu, suốt cả khóa không bao giờ phát biểu đóng góp ý kiến gì. Đó là những vị đã ngồi sai vị trí mà lẽ ra, những ghế đó dành cho người xứng đáng hơn.

Về dự kiến rút bớt thành phần đại biểu là doanh nhân cũng đang gây tranh luận. Bởi thực tế trong Quốc hội, có nhiều doanh nhân đóng góp ý kiến rất tích cực. Họ tâm huyết, trách nhiệm, thay mặt cử tri, kiến nghị với Quốc hội, đưa ra giải pháp thiết thực phát triển kinh tế chung chứ không phải chỉ lo cho bản thân doanh nghiệp đó. Quốc hội khóa XIII có tới 38 doanh nhân tham gia Quốc hội, trong đó nhiều doanh nhân hoạt động rất tốt.

Quốc hội khóa XIII vừa qua cũng đã xử lý rất nghiêm túc đối với hai Đại biểu Quốc hội là doanh nhân vi phạm pháp luật, coi đây là bài học sâu sắc đối với việc giới thiệu, lựa chọn hiệp thương đại biểu tham gia ứng cử, bầu cử chưa kỹ từ ban đầu mà cần rút kinh nghiệm cho các khóa Quốc hội tiếp theo.

Hơn nữa, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định, vai trò kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế, đang phấn đấu đến năm 2020, cả nước có khoảng 2 triệu doanh nghiệp. Với số lượng doanh nghiệp lớn như vậy thì tỷ lệ doanh nhân trong Quốc hội cũng cần tương xứng.

Vấn đề đặt ra ở đây là cần nhìn nhận khách quan, đa chiều sự đóng góp của doanh nghiệp doanh nhân trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vì lợi ích cộng đồng, chứ không phải hạn chế số lượng. Bởi vì bầu được một Đại biểu Quốc hội rất tốn kém. Nếu bầu người đó vào Quốc hội mà không đóng góp hoặc có nhưng không đáng kể, không phát huy được năng lực, trí tuệ, mà chỉ nghĩ lợi ích cá nhân, hoặc đánh bóng mình thì vô ích.

Trong nhiều kỳ họp, có những đại biểu bán chuyên trách, chuyên trách, rất ít phát biểu, hoặc không phát biểu, không tham gia thảo luận, đi họp cũng không đầy đủ, thiếu tinh thần trách nhiệm. Thậm chí có đại biểu ngồi trong hội trường chơi máy tính, ngủ gật; hình ảnh phản cảm ấy khiến cử tri bức xúc bởi những đại biểu này có cũng như không.

Về tỷ lệ nữ ĐBQH thì ở khóa XIII cho thấy sự sụt giảm đáng kể và thấp nhất trong 4 nhiệm kỳ gần đây. Trong vòng 20 năm (từ năm 1987 đến năm 2007), đại biểu Quốc hội là nữ chỉ tăng được gần 4%. Mặc dù Quốc hội quy định tỷ lệ nữ là 30% nhưng khóa XI có 27, 31% và đến khóa XIII vừa rồi chỉ có 24,4%. Đó là do nhận thức về bình đẳng giới của một cán bộ chủ chốt ở các ngành, địa phương chưa được đầy đủ nên tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn xuất hiện ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, chưa nói ở trong nhân dân. Nhiều chị em còn tự ti, chưa chủ động trong hoạt động chính trị để thể hiện chính kiến của mình, thể hiện khả năng, năng lực của mình. Rồi ngoài tiêu chí là nữ, còn là người dân tộc, ngoài Đảng…mà những tiêu chí ấy hay dành cho phái nữ. Vì thế, số phụ nữ tham gia vào bầu cử ở các đơn vị bầu cử có nơi tỷ lệ trên 30% nhưng kết quả trúng cử lại thấp so với mục tiêu. Tỉ lệ nữ tham gia Hội đồng nhân dân cấp tỉnh mới đạt 25,17%, cấp huyện và cấp xã còn thấp hơn; chưa có cấp nào đạt 30% như mục tiêu nhiệm kì vừa qua đặt ra.

Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ người dân tộc thiểu số tham gia trong hệ thống chính trị, nhất là cấp xã và cấp huyện, còn rất thấp. Một số dân tộc rất ít người như Cống, Mảng, La Hủ, Si La... chưa có đại diện nữ.

Trước thực trạng ấy, ngày 31-12-2015, Ban thường trực Ủy ban TWMTTQ Việt Nam và Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ đã tiến hành ký kết chương trình phối hợp góp phần tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV và nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Tổng số đại biểu Quốc hội khóa XIV này dự kiến là 500 người, trong đó số ở Trung ương là 198 và ở địa phương là 302 đại biểu. Đại biểu Quốc hội ngoài Đảng dự kiến khoảng 25-50 người. Căn cứ vào đó, cử tri cần phải cân nhắc khi bỏ phiếu, không bầu những người không tâm huyết, không có trách nhiệm với đất nước vào Quốc hội. Đại biểu Quốc hội phải là người biết đặt lợi ích dân tộc lên trên hết mới xứng đáng với sự mong đợi của cử tri và nhân dân.

Mấy khóa gần đây, Quốc hội có diểm mới là để các công dân được ứng cử tự do. Một số người đã trúng cử Đại biểu Quốc hội và thực sự tâm huyết, đóng góp công sức, trí tuệ của mình, đáp ứng được mong muốn của cử tri. Khóa XIV này, tính đến nay đã có hơn 50 người ứng cử tự do trên địa bàn cả nước. Đây là quyền lợi chính đáng của công dân, không ai có quyền ngăn cản và gây khó dễ đối với các công dân này. Tuy nhiên, cũng như các đại biểu được giới thiệu đề cử, các công dân ứng cử tự do phải đáp ứng được 5 tiêu chí mà Quốc hội để ra, đồng thời phải được chính quyền địa phương và nhân dân nơi cư trú xác nhận đủ tiêu chuẩn tham gia ứng cử. Tiếp đó là các bước hiệp thương. Các cử tri ở cơ sở sẽ đóng vai trò quan trọng khi lựa chọn những công dân tự do này vào danh sách đề cử. Bởi bên cạnh những người tâm huyết vì dân, vì nước thì cũng có người chỉ ứng cử cho oai hoặc có những toan tính cá nhân, gây khó khăn cho việc bầu cử.

Mong rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta sẽ tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV thành công trọn vẹn.

Bùi Đức

Năng lượng Mới số 503