Cần theo đến cùng lời hứa của các bộ trưởng
Toàn cảnh phiên họp sáng 20/11 (Ảnh: Quochoi.vn) |
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 20/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Điều hành phiên thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, theo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các vị đại biểu Quốc hội, đã có 2.765 kiến nghị được tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, 2.751 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,5 %. Trong đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã trả lời 69/69 kiến nghị. Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, đã giải quyết và trả lời 2.591/2.605 kiến nghị. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 61/61 kiến nghị.
Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đều đánh giá cao công tác giải quyết kiến nghị của cử tri. Tuy hiên bên cạnh mặt được, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều tồn tại cần khắc phục và giải quyết.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho biết, thực tế còn nhiều vấn đề đã được cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. Cơ quan chức năng đã tiếp nhận kiến nghị của cử tri, đã xác nhận là đúng nhưng việc giải quyết quá lâu, khiến cử tri mòn mỏi đợi chờ.
Trong khi đó, đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, vẫn còn nhiều trường hợp trả lời cử tri một cách chung chung, chưa cụ thể, chưa thiết thực, chỉ cung cấp thông tin, không đi vào cụ thể giải quyết vấn đề, không đủ sức thuyết phục, chưa thể hiện hết trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến phát sinh đơn thư khiếu kiện.
Đại biểu đề nghị rà soát quy định của Chính phủ, đề cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong việc tiếp cận, xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri theo đúng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm, thời gian giải quyết, không để tình trạng kéo dài trong xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri.
Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam (Ảnh: Quochoi.vn) |
Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, vẫn còn một số vụ việc cử tri kiến nghị trong nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ đến nay vẫn chưa được xem xét giải quyết. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành chưa chặt chẽ, chưa có lộ trình giải quyết dứt điểm những vụ việc liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ ngành. Một số vấn đề được Đoàn ĐBQH các tỉnh gửi văn bản riêng tới các bộ, ngành, được Ban Dân nguyện theo dõi, đôn đốc, nhưng chưa được các bộ, ngành trung ương quan tâm trả lời. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội cũng như từng đại biểu Quốc hội nói riêng.
Đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tăng cường rà soát, đôn đốc xử lý phản hồi thông tin trước, trong và sau khi tiếp xúc cử tri, nhất là trong các vụ việc kéo dài, kiến nghị nhiều lần vẫn chưa giải quyết. Cơ quan có thẩm quyền cần có giải trình, đưa ra lộ trình giải quyết cho cử tri, để nhân dân có thể giám sát.
Đồng thời, Chính phủ, các bộ ngành cần trả lời, giải đáp thỏa đáng những ý kiến kiến nghị chính đáng của cử tri, nhất là các vụ việc tồn đọng nhiều năm, đến nay chưa giải quyết. Ngoài ra, cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc tiếp thu, giải quyết kiến nghị cử tri, nhất là kiến nghị liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ chủ quản.
Còn theo đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, trong những năm gần đây tình hình khiếu nại, tố cáo tập thể đông người, vượt cấp vẫn còn xảy ra. Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất nông nghiệp, lâm nghiệp bị xâm canh, lấn chiếm trái phép và đơn giá, chính sách giải tỏa đền bù của Nhà nước khi thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội ở địa phương...
Đại biểu cho rằng hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng như Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh còn tồn tại một số hạn chế, bất cập cũng dẫn đến tình trạng này. Theo đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được Đoàn đại biểu Quốc hội cùng Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp quan tâm thực hiện. Tuy nhiên nội dung, hình thức chưa sâu, chưa phù hợp với từng đối tượng, từ đó chưa thu hút được sự quan tâm, tìm hiểu của nhân dân dẫn đến hiệu quả chưa cao. Mặt khác, mức độ hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, trong khi vai trò của các tổ chức tư vấn pháp luật trợ giúp pháp lý thì chưa được phát huy.
Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong thời gian tới, đại biểu kiến nghị cho rằng cần tăng cường tập huấn về công tác tiếp công dân và quy trình xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố. Đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp của Luật Tố cáo và Luật Tiếp công dân.
Đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang (Ảnh: Quochoi.vn) |
Nêu ý kiến trước hội trường, đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết, qua theo dõi cũng như các đợt tiếp xúc cử tri tại địa phương, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Giang nhận thấy cử tri đánh giá cao trách nhiệm của Quốc hội, cũng như người đứng đầu Chính phủ, các bộ ban ngành, các nội dung giải quyết trả lời ý kiến đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu mong đợi của cử tri và nhân dân. Một số kiến nghị cụ thể của cử tri được các bộ ngành nghiên cứu đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết hoặc giải đáp đầy đủ những vấn đề cử tri địa phương quan tâm.
Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn một số văn bản trả lời mang tính cung cấp thông tin, mang tính khái quát hướng tiếp cận, tập trung cho việc nghiên cứu để giải quyết sửa đổi bổ sung các quy định mà chưa có giải pháp quyết liệt để giải quyết các vướng mắc bức xúc, không có lộ trình, kế hoạch cụ thể, rõ ràng khiến cử tri tiếp tục kiến nghị gây khó khăn.
Để nâng cao hơn nữa kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, đại biểu Tráng A Dương kiến nghị đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện giám sát đến cùng việc trả lời kiến nghị của cử tri, không chỉ giám sát số lượng các trả lời mà sẽ đi sâu giám sát đến chất lượng các nội dung trả lời, thời gian trả lời của các bộ ngành đã đáp ứng được yêu cầu của cử tri và nhân dân bảo đảm đúng quy trình của pháp luật hay chưa? Đặc biệt theo đến cùng những lời hứa của các bộ trưởng trưởng ngành để kịp thời có thông tin cho cử tri; đồng thời đề nghị Chính phủ có giải pháp đối với những cơ quan đơn vị chậm trả lời kiến nghị của cử tri để Đoàn đại biểu Quốc hội có cơ sở giám sát, cũng như báo cáo với cử tri…
Cùng quan điểm này, đại biểu Nàng Xô Vi - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum kiến nghị, để thực hiện đúng quy định của pháp luật, tăng cường niềm tin nhân dân, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tăng cường thực hiện thường xuyên giám sát giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến Quốc hội; đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương quan tâm chỉ đạo kịp thời hơn nữa việc xem xét giải quyết kiến nghị xác đáng của cử tri thuộc trách nhiệm, quyền hạn của mình.
Đại biểu Hoàng Anh Công - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm hơn nữa, trả lời đúng thời hạn các kiến nghị của cử tri, giải quyết những tồn tại, hạn chế, giải quyết dứt điểm những kiến nghị trong lĩnh vực quản lý, nhất là những kiến nghị liên quan đến đời sống dân sinh, bảo đảm giải quyết có chất lượng, đúng tiến độ để báo cáo trước cử tri.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng, Quốc hội cần đưa nội dung này vào Nghị quyết để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ ngành thực hiện, cũng như để các Đoàn ĐBQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội triển khai giám sát chặt chẽ đối với việc các cơ quan có thẩm quyền thực hiện kiến nghị của cử tri.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Quốc hội đánh giá cao kết quả trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri, của Chính phủ, một số bộ, ngành, nhiều ý kiến đã được giải quyết, trả lời kịp thời, bảo đảm tính thời sự, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ có biện pháp rà soát các kiến nghị, việc trả lời những vấn đề đã, đang và sẽ giải quyết để trả lời và có lộ trình thực hiện theo hướng, Nghị định và hướng dẫn phải có phản ứng chính sách một cách kịp thời, vì vậy cần phải bảo đảm cụ thể.
Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tổng hợp đầy đủ ý kiến, hoàn thiện báo cáo tổng hợp gửi tới các đại biểu. Nội dung này sẽ được đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiêm túc tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, khẩn trương trả lời, chỉ đạo việc xem xét, giải quyết tổng hợp để đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp.
Chính phủ chỉ đạo kiên quyết đảm bảo giữ vững an ninh năng lượng quốc gia |
Đã hứa thì phải làm! |
Ngày 20/11, Quốc hội tiến hành chương trình đợt 2 của Kỳ họp thứ 6 |
P.V
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024
-
Kiểm tra, đề xuất phương án xử lý sạt lở bờ biển gần Khu xuất sản phẩm đường bộ NMLD Dung Quất
-
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2024
-
Tăng cường đôn đốc thu ngân sách các khoản liên quan đến đất đai trong tháng cuối năm
-
Quốc hội thông qua Nghị quyết về đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam