Khởi tố nữ hiệu phó trường Phương Nam

17:46 | 24/08/2013

1,080 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo thông tin PetroTimes vừa nhận được, ngày 24/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Trương Thị Hải Yến, Phó hiệu trưởng kiêm Chủ tịch HĐQT Trường THPT Dân lập Phương Nam cùng 2 người khác là bà Trương Thị Kim Dung và Mai Huy Thành về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

>> Phó hiệu trưởng bị tố "xù nợ" hàng trăm tỉ

>> Vì sao hiệu phó trường Phương Nam vay được số tiền "khủng"?

>> Hà Nội yêu cầu Sở GD-ĐT làm rõ vụ vỡ nợ tại trường Phương Nam

>> Công an vào cuộc vụ vỡ nợ ở trường Phương Nam

Sai bảo vệ tóm cổ chồng ném ra khỏi trường

Trong những ngày vừa qua, bất kể ai đi qua cổng Trường THPT Dân lập Phương Nam (Lô 18 – Khu đô thị mới Định Công, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đều thấy một người đàn ông trung niên, vóc dáng nhỏ bé, khuôn mặt hiền hậu, tay cầm một chiếc cặp sách màu vàng nhạt. Người đàn ông này chẳng phải là ai xa lạ, chính là chồng của nữ Hiệu phó Trường THPT Dân lập Phương Nam Trương Thị Hải Yến (bà Yến hiện đang bị 18 cá nhân tố cáo xù nợ của họ hơn 286 tỉ đồng và 16 quyển sổ đỏ).

Ông tên là Mai Thanh Hòa (59 tuổi, ở tổ 37, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội), nguyên là Phó hiệu trưởng, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Dân lập Phương Nam.

Những băng rôn, khẩu hiệu treo ở cổng trường.

Tiếp cận ông, tôi mới biết được người đàn ông này rất kiệm lời. Khi biết chúng tôi là phóng viên đến trường để tìm hiểu về việc nữ Hiệu phó Trương Thị Hải Yến vỡ nợ hàng trăm tỉ đồng, ông Hòa đều lặng im với những câu hỏi mà chúng tôi nêu ra như không nghe thấy. Thế nhưng, sau một hồi lâu trầm ngâm, ông ngước mắt nhìn vào ngôi trường, rồi thốt lên rằng: “Bà Yến đã phá tan ngôi trường mà tôi mất bao nhiều công sức gây dựng. Đúng là một mụ phù thủy...”.

Thấy chúng tôi ngơ ngác về câu nói của mình, ông Hòa giải thích: “Tôi với bà Yến là hai vợ chồng, cả hai chúng tôi đều cùng quê ở Ninh Bình. Sau giải phóng miền nam 1975, tôi là thương binh trong kháng chiến nên được nhà nước cử đi học ở trường Đại học Xây dựng Hà Nội, khi ra trường vào công tác tại Tổng công ty xây dựng nông nghiệp Hà Nội”.

Theo ông Hòa, bố bà Yến cũng là giáo viên của một trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Hưng Yên nhưng không biết vì lí do gì nên đã xin nghỉ hưu non. Còn mẹ bà Yến chỉ là một người phụ nữ bần nông. Bà Yến có một anh trai hiện đang sống bên nước ngoài và em gái là Trương Thị Kim Dung.

Theo lời ông Hòa, cũng trong thời gian này, ông Hòa đã quen, kết hôn với bà Trương Thị Hải Yến khi người phụ nữ này mới chỉ là sinh viên năm thứ nhất, khoa tâm lý học của một trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Sau khi vợ ra trường, chính ông Hòa là người mang hồ sơ đi xin việc cho vợ vào làm ở Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Ông Hòa và bà Yến đã có với nhau hai người con trai, đứa lớn sinh năm 1984, nhỏ sinh năm 1994. “Trường THPT Dân lập Phương Nam do chính tay tôi sáng lập” – ông Hòa khẳng định.

Cũng theo lời ông Hòa, Trường THPT Dân lập Phương Nam trước kia chỉ là Trường tiểu học Dân lập Phương Nam. Năm 1996 khi Nhà nước xã hội hóa giáo dục, ông Hòa cùng với một người bạn học cùng lớp đại học vợ tên là Cấn Hữu Hải (ở Khu tập thể Sơn Tây, quận Đống Đa, Hà Nội) đã đứng ra thành lập Trường tiểu học Dân lập Phương Nam và thuê trụ sở trên đường Trường Chinh. Năm 2003, sau một thời gian hoạt động, lượng học sinh đông, trụ sở của trường trở nên chật chội không còn thích hợp nên ông  quyết định đi thuê trụ sở ở đường Đại La (quận Hai Bà Trưng). Cũng từ đây, HĐQT Trường tiểu học Dân lập Phương Nam quyết định thành lập thêm cả Trường THCS và THPT Dân lập Phương Nam.

“Năm 2005, các hệ đào tạo (tiểu học đến trung học) của trường đã lên tới 58 lớp học với hơn 2.200 học sinh và hơn 300 cán bộ, giáo viên. Cũng tại thời điểm này, diện tích thuê ở đường Đại La không còn đủ sức chứa nữa nên tôi đã báo cáo lên UBND thành phố và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xin cấp đất xây dựng trường. Và cũng từ năm này, Trường tiểu học và THCS, THPT Dân lập Phương Nam chuyển về Khu đô thị mới Định Công như bây giờ” – ông Hòa cho hay.

Một mảnh đất mới do thành phố cấp, giảng đường chưa có, tài chính của trường còn nhiều hạn chế... để có tiền xây dựng trụ sở trường học, Ban quản trị nhà trường đã huy động giáo viên và người dân tham gia góp vốn xây dựng. Trong quá trình xây dựng trụ sở trường học mới này, ông Cấn Văn Hải đã góp 2,8 tỉ đồng, hai vợ chồng ông Hòa và bà Yến góp 20 tỉ đồng.

Và cũng từ khi trường Phương Nam chuyển về Khu đô thị mới Định Công cũng là lúc vợ ông Hòa, bà Trương Thị Hải Yến xin nghỉ công tác ở Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để về trường làm việc. Do là người góp vốn nên được Ban quản trị giao nhiệm vụ giữ chức Phó hiệu trưởng, kiêm Ủy viên Hội đồng quản trị nhà trường.

Người dân tập tụ trong trường học để đòi nợ.

Theo ông Hòa, đầu năm 2008, ông xin nghỉ phép để vào Miền Nam thăm đồng đội và chiến trường cũ. Đến khi quay trở về trường thì ông phát hiện toàn bộ lực lượng bảo vệ đã bị vợ mình đuổi việc và tuyển bảo vệ mới. Chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì ông bị lực lượng bảo vệ “tóm cổ” ném ra khỏi trường. “Nhục nhã lắm các chú ạ, tôi là người sáng lập ra trường và là Chủ tịch HĐQT vậy mà bị chính vợ mình sai bảo vệ đuổi ra khởi trường học, trước sự chứng kiến của hàng nghìn học sinh, giáo viên” – ông Hòa chia sẻ.

Không dừng lại ở đó, ông Hòa còn bị vợ mình ra quyết định đuổi khỏi ban HĐQT, dán thông báo cấm không được vào trường và yêu cầu bảo vệ đánh gãy chân nếu cố tình xông vào trường. Nhục nhã, tay trắng... ông Hòa gửi đơn cầu cứu các cơ quan chức năng nhưng không được hồi đáp. Chấp nhận nhìn công lao của mình rơi vào tay người khác, ông Hòa chỉ còn đường gửi đơn ly hôn ra tòa mong kéo lại được danh dự của bản thân.

Bạn cùng đại học cũng không tha...

Sau khi loại được chính chồng mình ra khỏi danh sách cổ đông nhà trường, bà Yến quay sang “xử” nốt hai người bạn học cùng đại học với mình chính là ông Cấn Hữu Hải (Ủy viên HĐQT, phụ trách thanh tra giám sát HĐQT của nhà trường), một trong hai người sáng lập ra trường và góp vốn 2,8 tỉ đồng và ông Ngô Minh Thường (Chủ tịch Công đoàn, kiêm Chánh văn phòng nhà trường).

“Để gạt bỏ hai người bạn học cùng thời đại học với mình ra khỏi trường, bà Yến đã tự tay tạo ra những giấy tờ ủy quyền cho mình hoặc em gái mình. Sau đó sai bảo vệ của trường chặn cổng không cho vào, nếu ai cố tình vào trường sẽ đánh cho gãy chân” – ông Hòa cho hay.

Bà Trương Thị Hải Yến.

Khi đã loại được hết những người sáng lập và cổ đông của trường, bà Yến một tay chỉ đạo toàn bộ hoạt động của trường và bắt đầu giai đoạn tàn phá môi trường giáo dục này. Cũng từ đây, bà Yến đưa một người đàn ông tên Định (ở đường Bà Triệu, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về trường và giữ chức Thường trực HĐQT. Người đàn ông tên Định nguyên là một thầy cúng, không bằng cấp, không chuyên môn, không góp vốn nhưng vẫn được bà Yến trưng dụng cho giữ chức vụ cao trong trường.

Còn bà Yến giữ trong tay quyền sinh quyền sát, giữ con dấu...và tự phong cho mình chức Chủ tịch HĐQT nhà trường và lấy danh nghĩa nhà trường để huy động người dân góp vốn. Không dừng lại ở đó, bà Yến tiếp tục thành lập ra Trường mầm non tư thục Bình Minh và giao cho em gái mình tên là Trương Thị Kim Dung làm Chủ tịch HĐQT nhà trường. Bà Yến đã lấy danh nghĩa của những trường học này để đi vay vốn của người dân và kết cục là khoản nợ 286 tỉ đồng và 16 quyển sổ đỏ đang bị 18 cá nhân tố cáo.

Nói về cuộc sống của mình sau khi bị vợ cướp trắng tài sản, ông Hòa tâm sự: "Nhục nhã lắm chú ạ, mấy năm nay tôi mang đơn đi cầu cứu khắp nơi nhưng tất cả các cơ quan chức năng đều làm ngơ với những gì tôi trình bày. Bà Yến cầm tài chính nên hai đứa con trai của tôi theo mẹ, tôi sống lủi thủi một mình. Tôi chỉ mong các cơ quan chức năng sớm làm rõ hành vi lừa đảo của vợ tôi, trả lại tiền cho người dân và mái trường Phương Nam phải là môi trường trồng người".

Thiên Minh