Khi lòng tốt phải “loay hoay”

07:04 | 07/06/2015

548 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ trước đến nay, tinh thần “tương thân tương ái” luôn được người Việt đề cao. Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, người Việt lại đang loay hoay không biết thể hiện tinh thần ấy thế nào cho đúng.

Năng lượng Mới số 428

Chiêu trò “gõ ví”

Ngay sau vụ cháy xảy ra ở “khu ổ chuột” hồ Linh Quang (Hà Nội) vừa qua, người viết bài này đã tận mắt chứng kiến một tổ chức từ thiện gồm nhóm các bạn trẻ đến chia sẻ khó khăn với bà con ở đây. Từ thời điểm nhận tin, họ sốt sắng kêu gọi cộng đồng mạng cùng chung tay giúp đỡ những người không may mắn đã “tay trắng” sau vụ cháy. Tuy nhiên sau đó vài ngày, tôi thấy nhiệt huyết của nhóm giảm hẳn, thay vào đó có sự thất vọng, rệu rã.

Dòng thông tin “ngừng giúp đỡ” bất thường được đăng tải trên trang hoạt động của nhóm có lẽ đã “bóp nghẹt” nhiều trái tim nhiệt huyết với công tác từ thiện. Thành viên trong nhóm đăng tải, hình ảnh cụ Nguyễn Văn V (một trong những nạn nhân trong vụ cháy) với những thông tin cung cấp chi tiết. Được biết sau khi vụ cháy xảy ra, cả nhóm từ thiện này đã phân công người đưa cụ về quê theo đúng nguyện vọng, giúp cụ tìm người thân thích.

Khi lòng tốt phải “loay hoay”

Cụ Nguyễn Văn V, nạn nhân trong vụ cháy ở khu ổ chuột hồ Linh Quang

Tuy nhiên, do cụ bỏ quê ra đi từ thời trẻ, nay không còn ai thân thích, nhóm đã giúp cụ làm thủ tục xác nhận là người địa phương để có thể đưa cụ vào trung tâm bảo trợ xã hội. Thế nhưng trong thời gian chờ đợi thì cụ lại bỏ quê trở lại Hà Nội.

 Đáng buồn hơn, các thông tin mà nhóm từ thiện này thu thập được thì cụ Nguyễn Văn V có người thân nhưng không ai chịu nhận, nhiều năm qua cụ sống một mình ở khu ổ chuột. Trong thời gian đó, kiếm được đồng nào là cụ tiêu xài hết đồng đó, có khi còn đánh đề… Đã nhiều lần phường Văn Chương (quận Đống Đa, Hà Nội) đưa cụ vào trung tâm bảo trợ xã hội nhưng cụ lại trốn ra. Số tiền cụ nói với nhóm là đám cháy đã thiêu rụi mất 4 triệu đồng tiền cụ dành dụm để mua quan tài cũng là… nói dối.

Mặc dù rất thương cụ ông này nhưng sau những thông tin ấy, những dự định sẽ làm cho cụ Nguyễn Văn V bị thay bằng những dòng ngậm ngùi: “Cụ vẫn không thay đổi thì chúng ta không thể làm gì hơn”.

Trường hợp của cụ Nguyễn Văn V không phải là duy nhất. Trước đó, đã có rất nhiều trường hợp giả tàn tật, giả đau đớn, giả làm nhà sư... để lợi dụng lòng tốt của người khác. Rất nhiều trường hợp khỏe mạnh nhưng lười biếng chọn cách “ăn xin” để phục vụ lối sống trác táng của mình.

Hẳn cộng đồng mạng cũng chưa quên, trường hợp của một thanh niên ăn xin ở ngã tư Tôn Đức Thắng - Cát Linh với bộ dạng rách rưới. Để nhìn trông có vẻ “tang thương” hơn, gã này không ngại ngụy trang thêm đôi chân lở loét bốc mùi vì vết bỏng lâu ngày không được chữa trị. Tính toán hợp lý, sau mỗi đợt dừng đèn đỏ là thời điểm tốt nhất để gã gặp được những người có “tiềm năng” cho nhiều tiền rồi lết nhanh về phía họ.

Với sự đầu tư kỹ lưỡng như vậy, đã rất nhiều người cảm thương và cho gã tiền. Chỉ đến khi sự thật bị bóc mẽ: Cứ tối đến gã lột xác thành một thanh niên bảnh bao đi xe Nouvo và có hẳn ngôi nhà hai tầng mặt trên phố… thì ai cũng phải sửng sốt, nhận ra mình bị lừa.

Còn nữa những trường hợp sắp đặt như: Người mẹ cõng con tật nguyền đi ăn xin trên phố, ông lão hái me mưu sinh trên hè phố, rồi một loạt chuyện ăn xin có “tổ chức”… đã đẩy lòng tốt của nhiều người đang đứng trên sự ngờ vực.

Sẽ đến lúc không thể… hào phóng mãi

Trước nay, tinh thần “tương thân tương ái” luôn được người Việt đề cao. Thế nhưng hiện tại, một sự thật không thể phủ nhận là những tấm lòng “tương thân, tương ái” đó lại đang loay hoay không biết thể hiện thế nào cho đúng. Điều này, TS Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học đã chỉ ra rằng: Chúng ta đang ở cái thời mà đến lòng tốt cũng phải “tỉnh táo”. Bởi nó rất dễ trở thành “miếng mồi” của những kẻ trục lợi.

Theo TS Trịnh Hòa Bình thì: Xuất phát từ nhiều lý do, nhưng đa phần những kẻ lợi dụng lòng tốt của người khác là kẻ mạo nhận mình trong tình cảnh bi đát, nghèo khó…Và biết rõ cách làm thế nào để đánh thức tình thương, lòng trắc ẩn trong mỗi con người, từ đó họ nghĩ đến cách trục lợi. Họ làm đủ cách sao cho tang thương nhất để đạt được mục đích. Sau đến một thời điểm, cách ăn mày tình thương đó đã giúp họ thoát khỏi cảnh nghèo đói, nhưng rồi họ vẫn thấy rằng đó là cách dễ dàng để kiếm sống nhất. Thế là họ lại tiếp tục chiêu bài này, từ đó mới có chuyện nhiều trường hợp xài sang bằng tiền ăn xin, tiền từ thiện…

Đương nhiên những trường hợp này họ phải trả giá bằng lương tri và sự sĩ diện… để đạt được mục đích. Khi bị phanh phui, điều đó tác động lớn, thậm chí làm tổn thương đến những người làm từ thiện. Từ những sự vụ trên đem đến sự thật, công tác từ thiện cũng như một ma trận khó phân định thật giả. Khi lòng tốt trở thành bị “mắc lừa” thì người ta khó có thể hào phóng được nữa.

Hiến kế cách “làm từ thiện” thế nào cho phải, TS Trịnh Hòa Bình cho rằng: Tinh thần tương thân tương ái là điều đáng cổ súy thế nhưng không đồng nghĩa với việc chúng ta chấp nhận bị lừa dối. Đã đến lúc cần mạnh tay với những trường hợp “ăn mày” trên tình thương của cộng đồng. Chúng ta phải có chế tài xử phạt đối với những trường hợp lợi dụng lòng tốt này. Bên cạnh đó, các tổ chức từ thiện khi có ý định giúp đỡ một đối tượng nào đó hãy trao trực tiếp khi đã xác minh rõ thông tin.

Thực tế thì cũng đã xa rồi cái thời “làm từ thiện trên sân khấu”, thay vì làm việc thiện để khuếch trương tên tuổi thì chúng ta nên có những hành động thiết thực hơn. Điển hình như chương trình “Lục Lạc Vàng”, “Vì bạn xứng đáng” trên sóng truyền hình đang làm, họ công khai tất cả trường hợp giúp đỡ và được giúp đỡ, đó là cách làm nhân văn và minh bạch.

Từ thiện không phải là… nghĩa vụ

Ở một trường hợp khác, cách gọi “từ thiện” của một số tổ chức đối với người phụ nữ lượm ve chai chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (ngụ tại phường 10, quận Tân Bình, TP HCM) cũng khiến nhiều người phải suy nghĩ.

Hơn 1 năm kể từ ngày chiếc loa “định mệnh” được mua về thì ngày 2-6-2015, có lẽ là ngày đáng nhớ trong cuộc đời chị Huỳnh Thị Ánh Hồng khi chính thức được sở hữu 5 triệu yên. Người phụ nữ nhặt ve chai này chia sẻ: “5 triệu yên là số tiền quá lớn, cả cuộc đời này tôi chẳng thể tin mình có được”.

Nhưng buổi tối đầu tiên chính thức trở thành “tỷ phú ve chai” của chị Hồng lại là buổi tối bất an, khi rất nhiều người lạ đến... xin tiền. Thậm chí, họ còn cho rằng đó là nghĩa vụ mà chị Hồng phải làm. Vợ chồng chị Hồng đã có một đêm thức trắng, không hẳn vì quá vui mừng, mà vì lo sợ điều không hay xảy đến với gia đình. Chia sẻ với báo giới, chị Hồng nói: “Tôi chỉ mong nhanh tới sáng để đi làm từ thiện như đã hứa”.

Thật tội cho người phụ nữ này!

Chị Hồng có nghĩa vụ phải chia sẻ số tiền mình đáng được nhận với người khác? Đương nhiên không! Chị làm việc này đơn giản là bởi chị muốn chia sẻ vận may của mình với những người kém may mắn hơn. Vậy mà, đã có không ít những hành động thật “không phải” với người phụ nữ này.

Trước ngày chính thức được nhận 5 triệu yên, chị Hồng đã phải chạy vạy vay tiền của những người cùng cảnh lao động cơ cực như mình số tiền 2 triệu đồng để kịp làm... từ thiện. Trước đó, cũng không ít những cuộc gọi làm phiền, mời gọi chị Hồng làm từ thiện. Với số tiền quy đổi cuối cùng gia đình chị Hồng được nhận về là 691 triệu đồng, bao nhiêu dự định ở phía trước còn chưa kịp thực hiện thì nó đã trở thành “miếng mồi béo bở” của không biết bao nhiêu tổ chức nhân danh từ thiện?.

Chúng ta vẫn thường hô hào tinh thần “tương thân, tương ái” nhưng thiết nghĩ những tấm lòng thơm thảo nên được xuất phát từ tâm. Đương nhiên, chúng ta không thể nghi ngờ tấm lòng của người phụ nữ thật thà như chị Hồng. Nhưng cách kêu gọi này khiến người ta liên tưởng tới sự ép buộc, ăn chặn thay vì phải tự nguyện. Và đáng buồn ở chỗ, một bộ phận những người kêu gọi kiểu xin tiền ấy đang khiến hai chữ “từ thiện” bị biến tướng?!

Huyền Anh

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc