Khi bảo vệ trở thành côn đồ!

09:01 | 12/12/2011

462 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
TAND TP Hồ Chí Minh mới đây đã đưa ra xét xử 3 bị cáo nguyên là nhân viên bảo vệ Công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ môtô Thành Công về hành vi đánh trọng thương ông Lê Văn Ngai (61 tuổi, Việt kiều Hà Lan) tại quán cơm Minh Đức (số 35 đường Tôn Thất Tùng, quận 1, TP HCM). Qua vụ án này, điều dư luận mong mỏi là các cơ quan chức năng cần tăng cường rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các công ty bảo vệ nhằm giữ vững kỷ cương pháp luật...

Côn đồ "đội lốt” bảo vệ

Theo cáo trạng của Viện KSND TP HCM và hồ sơ điều tra, quán cơm Minh Đức (đường Tôn Thất Tùng, quận 1, TP HCM) ký hợp đồng thuê bảo vệ của Công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ môtô Thành Công với giá 22,9 triệu đồng/tháng, chỉ có nhiệm vụ dẫn dắt xe khi khách vào ăn cơm và ngăn không cho hàng rong, ăn xin vào quán.

Tối ngày 30/7/2010, sau khi ăn tối tại quán cơm Minh Đức, ông Lê Văn Ngai đưa thẻ cho bảo vệ lấy xe. Do đông khách nên nhân viên bảo vệ tên Bùi Đình Hoàng bảo ông Ngai tự lấy xe, dẫn đến cãi nhau. Sau đó, Hoàng và 2 nhân viên bảo vệ khác là Dương Trọng Nghĩa, Nguyễn Minh Dương đã xông vào đánh và dùng roi điện chích ông Ngai. Nạn nhân bỏ chạy và ngất xỉu, nhóm bảo vệ mới bỏ ra bãi xe.

Ba bị cáo nguyên là nhân viên bảo vệ tham gia đánh trọng thương ông Lê Văn Ngai

Ông Ngai tỉnh dậy, gọi điện thoại kêu người thân đến đưa đi bệnh viện nhưng nhóm bảo vệ vẫn không tha và gọi điện “điều động” một nhóm bảo vệ khác đi xe 7 chỗ đến. Xe ôtô của Công ty Dịch vụ Bảo vệ Thành Công chở theo ông Lê Tấn Nơi (Phó giám đốc), Nguyễn Ngọc Sinh và Huỳnh Văn Thương (bảo vệ) đến tiếp sức. Cùng lúc này, bảo vệ Trần Đức Thịnh cũng đi môtô đến quán Minh Đức theo sự “điều động”.

Ông Ngai khẳng định, nhóm bảo vệ đến sau (trong đó có ông Nơi) cũng hùa theo đánh ông tơi tả. Tuy nhiên, nhóm này không thừa nhận. Tại phiên tòa, các bị cáo Hoàng, Nghĩa, Dương khai rằng, họ không được ký hợp đồng lao động do mới vào làm việc (?!), không được đào tạo nghiệp vụ, không được huấn luyện cách sử dụng hung khí nguy hiểm như roi điện. Phía Công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ môtô Thành Công cũng thừa nhận điều này.

Tại phiên tòa, đại diện quán cơm Minh Đức cho rằng, Công ty Thành Công vi phạm nghiêm trọng hợp đồng với khách hàng, cụ thể hợp đồng ghi rõ phía Thành Công cung cấp cho quán Minh Đức những bảo vệ chuyên nghiệp, đã qua huấn luyện đào tạo nhưng thực tế ngược lại. Ngoài ra, các bảo vệ phải có thái độ niềm nở, dắt xe vào bãi và dẫn xe đến tận tay khách hàng khi khách ăn cơm xong, giữ gìn an ninh trật tự cho quán nhưng phía Thành Công lại để xảy ra sự việc đáng tiếc.

Trước tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi dùng dùi cui, tay, chân đánh và dùng roi điện chích vào người ông Lê Văn Ngai như cáo trạng đã nêu. Theo lời khai của các bị cáo, khi vào làm việc tại Công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ môtô Thành Công, các bảo vệ chưa được ký hợp đồng lao động, chưa được đào tạo chuyên môn theo quy định nhưng công ty vẫn cấp dùi cui, roi điện cho các bảo vệ ra chốt giữ tại quán cơm Minh Đức.

Tại phiên tòa, ông Ngai và vị luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình đã đề nghị Hội đồng xét xử làm rõ trách nhiệm của Công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ môtô Thành Công.

Sau quá trình xét xử, TAND TP HCM đã tuyên án phạt 3 bị cáo Bùi Đình Hoàng (23 tuổi, trú quận Tân Bình, TP HCM), Dương Trọng Nghĩa (20 tuổi, trú quận 1, TP HCM) và Nguyễn Minh Dương (32 tuổi, quê Long An) mỗi bị cáo 9 tháng tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”. Mặc dù Công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ môtô Thành Công không nhận trách nhiệm và cho rằng, không phải bồi thường cho bị hại nhưng Hội đồng xét xử vẫn tuyên buộc công ty này có trách nhiệm bồi thường tiền viện phí và tổn thất tinh thần cho ông Lê Văn Ngai tổng số tiền là 51,9 triệu đồng.

Cần rà soát chấn chỉnh

Nhìn từ vụ án trên và nhiều vụ việc nhân viên bảo vệ có kiểu hành xử côn đồ, theo nhận định của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH Công an TP HCM, là do một số công ty làm ăn chụp giựt, cạnh tranh thiếu lành mạnh coi nhẹ khâu tuyển dụng bỏ qua khâu đào tạo qua khóa học nghiệp vụ về kiến thức cơ bản về pháp luật, đạo đức, nghiệp vụ…

Được biết, hiện nay TP HCM có hơn 260 công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ với tổng cộng khoảng 21.000 lao động. Nắm bắt được nhu cầu và tiềm năng, các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ ngày càng tăng trong những năm gần đây, kéo theo nhiều hệ lụy khó lường. Thế nhưng chỉ một số ít đạt tiêu chuẩn về tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện nhân viên. Khâu đào tạo góp phần quan trọng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, trang bị kiến thức cho nhân viên nhưng nhiều công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ áp dụng quy trình đào tạo kiểu ngắn ngày để tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Thời gian đào tạo nếu có thường chỉ tập trung dạy võ thuật, còn văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp lại chưa được coi trọng đúng mức. Việc lỏng lẻo trong công tác đầu vào, đào tạo kiểu “ăn xổi ở thì” khiến nhiều bảo vệ trong khi làm việc đã có cư xử thiếu văn hóa với khách hàng, thậm chí là có hành vi côn đồ.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện nhiều doanh nghiệp sử dụng công cụ hỗ trợ trái phép, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chưa chú trọng đến việc đào tạo nghiệp vụ, huấn luyện nhân viên… Điển hình như Công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ môtô Thành Công, trước khi xảy ra vụ nhân viên hành hung khách hàng ở quán cơm Minh Đức, đã nhiều lần vi phạm bị cơ quan chức năng tịch thu 7 roi điện, 3 súng bắn điện, một gậy cao su.

Được biết, sau những vụ việc nhân viên bảo vệ đánh người gây xôn xao dư luận, UBND TP HCM đã yêu cầu phải siết chặt quản lý, cần thiết thì rút giấy phép kinh doanh của các doanh nghiệp có biểu hiện sai phạm nhiều lần. Công an TP HCM cũng gia tăng kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp có sai phạm, đồng thời đưa ra lộ trình thời gian để các doanh nghiệp khác hoàn thiện hoạt động.

Có thể nói, nhu cầu về bảo vệ sẽ còn tăng trong thời gian tới, để giữ uy tín và thương hiệu, điều đó đòi hỏi các công ty, dịch vụ loại hình này cần thắt chặt khâu tuyển dụng, đào tạo và quản lý, giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho nhân viên, kiểm tra kỹ nhân thân trước khi nhận vào làm việc để tránh tình trạng khoác áo bảo vệ để hành xử kiểu côn đồ. Hơn nữa, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần thường xuyên rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các công ty bảo vệ nhằm giữ vững kỷ cương pháp luật.

Thế Vinh