Iran: Giải Oscar là một chiến thắng trước Israel

06:46 | 28/02/2012

389 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Truyền hình nhà nước Iran đã mô tả giải Oscar cho phim tiếng nước ngoài hay nhất năm nay dành cho một tác phẩm điện ảnh của Iran là một chiến thắng trước Israel và những người bảo thủ đã chỉ trích ngành công nghiệp điện ảnh của nước Cộng hòa Hồi giáo.

Đạo diễn phim “A Separation” Asghar Farhad lên nhận tượng vàng Oscar lần thứ 84 cho phim tiếng nước ngoài hay nhất

“A Separation” (Một vụ ly thân) – bộ phim vừa đoạt giải Oscar cho phim tiếng nước ngoài hay nhất trong Lễ trao giải Oscar lần thứ 84 của Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ lấy bối cảnh Iran đương đại trong cuộc xung đột giữa Israel và các đồng minh phương Tây về chương trình hạt nhân của Tehran.

Phim kể về một cuộc hôn nhân tan vỡ – bi kịch gia đình của một đôi vợ chồng trải qua ly dị. Truyền thống, công lý, quan hệ nam nữ trong xã hội Iran hiện đại đều được khám phá và khắc họa trong phim.

Nhiều người Iran bảo thủ đã thất vọng với chủ đề của “A Separation” khi bộ phim đã “vạch áo” cho người xem thấy tình trạng hỗn loạn trong nước, bất bình đẳng giới và có mong muốn rời khỏi đất nước của nhiều người Iran.

Tuy nhiên, để mang được giải Oscar đầu tiên cho nền điện ảnh Iran, “A Separation” đã phải vượt qua rất nhiều đối thủ, đặc biệt là phải “đấu đá” với bộ phim “Footnote” (Chú thích) của Israel. Và các phương tiện truyền thông nhà nước Iran cho rằng việc qua mặt một bộ phim của “chế độ phục quốc Do Thái” – cụm từ thường được sử dụng ở Iran để nói về Israel, để giành được giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh Oscar đã là một thành công.

Thực vậy, phát biểu khi nhận giải tại Los Angeles, ông Asghar Farhad, đạo diễn phim “A Separation” hy vọng giải Oscar sẽ nâng cao nhận thức về những thành tựu nghệ thuật và nền văn hóa phong phú bị ẩn dưới lớp bụi nặng nề của chính trị của Iran.

Ông nói: “Vào thời điểm của sự giằng co, khi mà các chính trị gia đang đối với nhau bằng sự đe dọa và hung hăng, tên đất nước của họ, Iran, được vang lên ở đây bằng nền văn hóa rực rỡ của nó, một nền văn hóa giàu có lâu đời mà lâu này bị lớp bụi chính trị dày che phủ”.

Phương Anh

Theo CBS News