"Hội Nhà báo Việt Nam sẽ bảo vệ quyền lợi hành nghề của phóng viên"

07:00 | 12/03/2013

1,617 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Từ sự việc Petrotimes lên tiếng yêu cầu các trang tổng hợp tin chấm dứt việc lấy tin bài của mình một cách bất hợp pháp, một làn sóng đòi bản quyền cho lao động báo chí đang được dấy lên. PV Petrotimes có cuộc trao đổi với ông Hà Minh Huệ - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam về vấn đề “bản quyền báo chí” và “trách nhiệm của phóng viên”.

Sản phẩm báo mạng cần được đề cao

PV: Thưa ông, từ trước đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam đã tiếp nhận bao nhiêu vụ kiện và khiếu nại liên quan đến bản quyền báo chí, đặc biệt là báo mạng điện tử?

Ông Hà Minh Huệ: Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã nhận một số phản ánh, khiếu nại của một số cơ quan báo chí, tờ báo về việc bị lấy thông tin. Tuy nhiên, về mặt văn bản, đây là lần đầu tiên một tờ báo có ý định kiện một trang thông tin điện tử.

Ở nước ta, việc lấy thông tin giữa các báo khá tràn lan, đặc biệt là báo mạng điện tử. Một số tờ báo lấy các tin giật gân, câu khách về báo mình là một hình thức vi phạm bản quyền.

PV: Ông đánh giá thế nào về “cuộc chiến bản quyền báo điện tử” do Petrotimes khởi xướng và được các tờ báo ủng hộ?

Ông Hà Minh Huệ: Tôi cho rằng việc Petrotimes lên tiếng là đúng đắn và rất đáng ủng hộ, đặc biệt là việc đã nêu lên vấn đề bảo vệ bản quyền, bảo vệ sản phẩm trên báo mạng điện tử. Một báo dọa kiện một hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm bản quyền báo chí, bên kia nhận thức được việc làm sai luật của mình đã chính thức xin lỗi, gỡ bỏ tin - bài. Việc làm này tuy muộn nhưng có ý nghĩa khởi đầu cho việc tôn trọng bản quyền, Luật sở hữu trí tuệ mà lâu nay báo chí ở ta vi phạm nhiều.

Ông Hà Minh Huệ - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam (Ảnh: Hiền Anh).

 

Không phải đến khi báo Năng Lượng Mới lên tiếng chúng ta mới biết tình trạng vi phạm bản quyền như thế này. Tình trạng sao chép, cắt dán và một số hình thức “đạo báo” khác cũng được nói đến từ lâu, nhất là từ khi báo mạng phát triển mạnh, ứng dụng công nghệ sao chép - cắt - dán (copy - cut - paste) của phần mềm máy tính. Vấn đề ở chỗ đây là lần đầu tiên sự việc được nêu công khai, quyết liệt.

Và theo tôi được biết, ông Nguyễn Anh Tuấn - giám đốc Công ty cổ phần công nghệ EPI, cơ quan chủ quản của baomoi.com - cũng có buổi làm việc chính thức với báo Năng Lượng Mới và nhận lỗi việc lấy tin bài của Petrotimes mà chưa xin phép là sai luật, đồng thời thực hiện ngay việc sửa sai. Tôi thấy việc làm này cũng đáng hoan nghênh và nếu 2 bên có thể ngồi lại với nhau để hợp tác trên cơ sở các quy định của luật pháp, tôn trọng bản quyền thì cũng là một điều nên làm.

PV: Quan điểm cá nhân ông và Hội Nhà báo về việc làm của các trang tổng hợp tin như thế nào?

Ông Hà Minh Huệ: Việc một số trang tổng hợp đang làm là vi phạm bản quyền và vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Về quan điểm của Hội Nhà báo Việt Nam, đây là một hình thức vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, hành nghề không trung thực.

Trong 9 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, trong đó phải hành nghề trung thực. Việc lấy của tờ báo khác, đăng ở báo mình không hợp pháp là trái pháp luật. Thêm vào đó, trong 9 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam còn quy định “không được lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm trái pháp luật” và “hành nghề trung thực khách quan, tôn trọng sự thực”.

Và việc lấy tin, bài của báo khác đăng vào báo mình để thu hút thêm quảng cáo hay độc giả chính là việc lợi dụng để vụ lợi và là điều không thể chấp nhận được.

PV: Là một nhà báo giàu kinh nghiệm và đã từng “lăn lộn” trong nghề báo, ông đánh giá thế nào về lao động báo chí? Liệu đây có phải một dạng sở hữu trí tuệ cần được bảo vệ?

Ông Hà Minh Huệ: Báo chí là sản phẩm của nhà báo làm ra, thuộc sản phẩm trí tuệ của một nhà báo và một nhà báo cần phải ý thức được điều này. Sản phẩm của mình làm ra mới được công nhận, chứ không được phép lấy của người khác làm sở hữu của mình.

Đã có rất nhiều trường hợp phóng viên lấy trọn bài của người khác đăng trên báo mình và “lờ” đi việc ghi tên nguồn tin. Đó là hành vi hành nghề không chuyên nghiệp, không trung thực. Bản thân phóng viên và tờ báo phải ý thức được việc giữ cho nguồn tin chính thống, báo này phải tôn trọng sản phẩm của báo kia.

Không cho phép báo chí tư nhân hoạt động

PV: Ông đánh giá thế nào về việc cấp phép khá tràn lan cho các trang tin tư nhân?

Ông Hà Minh Huệ: Các trang thông tin điện tử hoạt động được là do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp phép và phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu đã đề ra. Nếu trang tin này hoạt động như một tờ báo thì phải xem xét lại tôn chỉ, mục đích của trang đó. Có khả năng, một số trang web hiện nay muốn “câu view”, thu hút quảng cáo nên đã “nhặt” những thông tin mới nhất của các báo mạng khác đưa vào trang mình mà không ghi rõ nguồn tin.

Ngoài ra, tôi cũng khẳng định ở Việt Nam không có báo chí tư nhân, nếu công ty tư nhân cố ý biến trang web đó thành tờ báo tư nhân thì luật pháp sẽ không cho phép và sẽ xử lý kiên quyết.

Theo tôi, chuyện chia sẻ thông tin trên mạng là điều tốt, cung cấp thông tin cho công chúng, tuy nhiên một số báo coi đây là việc làm mang lại lợi ích kinh doanh, lấy sản phẩm của người khác để kinh doanh là điều đáng lên án. Một số trang web hiện nay cũng chạy theo xu thế giật gân, câu khách chưa được kiểm chứng, thậm chí lấy của các báo khác mà chưa xin phép, đây chính là một dạng vi phạm bản quyền báo chí.

PV: Ở Việt Nam, các trang mạng và báo điện tử đang “bung ra như nấm”, luật về bản quyền còn chưa được thực thi triệt để, việc quản lý nhiều lĩnh vực trong báo chí còn chưa chặt chẽ... Trước tình trạng như vậy, giải pháp trước mắt để chống nạn “ăn cắp“ bản quyền là gì, thưa ông?

Ông Hà Minh Huệ: Trước hết cần phải rà soát lại tôn chỉ mục đích của trang tin đó, sau là nêu cao ý thức trách nhiệm nghề nghiệp của phóng viên, của nhà báo và trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan báo chí đó trong việc giáo dục phóng viên. Mục đích là không để xảy ra tình trạng phóng viên đi lấy thông tin của người khác làm thông tin của mình, bởi hiện nay thông tin rất khó kiểm soát.

Nhiều người không đi đến hiện trường nhưng vẫn viết, vẫn đưa tin. Và chúng ta cũng phải thận trọng hơn đối với những trang thông tin điện tử, nếu hoạt động không đúng mục đích, tôn chỉ thì cơ quan có trách nhiệm của nhà nước phải xử lý. Nếu ai vi phạm bản quyền, thì cơ quan quản lý trực tiếp các vấn đề về sở hữu trí tuệ sẽ vào cuộc.

Về phía các tờ báo, trước hết cần đề cao ý thức chuyên nghiệp của nhà báo; thứ hai, cần đề cao trách nhiệm của Tổng biên tập và ban biên tập và thứ ba, chúng ta cần quan tâm tới việc thi hành đúng pháp luật. Nếu anh vi phạm Luật bản quyền, Luật sở hữu trí tuệ và đạo đức người làm báo thì cần phải xử lý. Về phía Hội nhà báo Việt Nam, với những trường hợp này, chúng tôi sẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi hành nghề hợp pháp cho hội viên, phóng viên.

Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi!

Vương Tâm - Hiền Anh