Hỏa hoạn tại tòa tháp EVN là do hàn xì?

18:14 | 16/12/2011

554 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
  “Tôi nghiêng về khả năng ngọn lửa được bắt lên từ các tàn lửa do công nhân hàn xì bắn vào những vật liệu dễ cháy như xốp, ống nhựa, dây điện” Đại tá Nguyễn Đức Nghi, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội nhận định về vụ cháy tòa tháp đôi của Tập đoàn EVN.

>> Cháy lớn tại tòa tháp 33 tầng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Liên quan đến vụ cháy tại tòa tháp đôi của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (số 11 Cửa Bắc, Hà Nội) xảy ra vào chiều 15/12, Petrotimes đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Nguyễn Đức Nghi – Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội.

Theo Đại tá Nghi, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội đã phải huy động gần 300 chiến sĩ tới hiện trường, và 18 xe bồn, thang cuốn tới hiện trường. Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Thủ đô còn điều động thêm gần 100 chiến sĩ đặc công tới giải cứu các nạn nhân còn mắc kẹt lại và hơn 200 cán bộ chiến sĩ cảnh sát giao thông, công an quận, phường, cảnh sát cơ động, kiểm soát quân sự tới hiện trường.

Đại tá Nguyễn Đức Nghi, Giám đốc Sở cảnh sát PCCC Hà Nội.

Trước đó, khoảng 17h30 tại hai tòa tháp 33 tầng và 29 tầng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trên phố Cửa Bắc đang trong giai đoạn hoàn thiện bốc cháy dữ dội. Khói bốc lên từ tầng hầm, sau đó theo cầu thang bộ, hệ thống ống kỹ thuật, ống rác… bao trùm toàn bộ tòa nhà. Khoảng 40 công nhân đang làm việc trên các tầng rơi vào hoảng loạn. Một xe thang được đưa đến cứu hộ, nhưng do chỉ vươn tới tầng 10 nên những người ở tầng cao hơn phải đập kính chui ra ngoài, đứng chênh vênh trên những thanh sắt phía ngoài cầu cứu. Đến 21h30, với sự hỗ trợ của bộ đội đặc công, đám cháy cơ bản được dập tắt. Sở Cảnh sát PCCC cho biết đã đưa hết khoảng 40 công nhân đang làm việc trên các tầng cao ra khỏi tòa nhà, không có thiệt hại về người.

Về nguyên nhân vụ cháy, Đại tá Nghi phỏng đoán, có thể do chập điện hoặc trong quá trình công nhân hàn xì tia lửa bắn ra gây cháy. Khi tiếp xúc với một số công nhân, họ cho biết, lúc đó khu vực bắt nguồn đám cháy ở khu vực các công nhân vẫn đang dùng hàn xì, xung quanh lại tập kết rất nhiều vật dễ bắt lửa như xốp, ống nhựa, dây điện… Những vật liệu đó khi cháy đã tạo ra khói nghi ngút bao trùm cả tòa nhà. Cũng theo ông Nghi, khi đám cháy xảy ra hệ thống cứu hỏa của tòa nhà vẫn chưa hoạt động, hệ thống nước không có, chỉ có một số ít bình xịt được trang bị đã được công nhân đưa ra chữa cháy nhưng không thể khống chế được ngọn lửa.

Lý giải về nguyên nhân vì sao phải mất gần 10 tiếng đồng hồ để khống chế ngọn lửa, ông Nghi giải thích: Đây là tòa nhà đang thi công, gần như tất cả các hệ thống đảm bảo công tác an toàn trong tòa nhà đề chưa vận hành. Hơn nữa, bể chứa trên tòa nhà cũng chưa có nước.

“Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức thi công các cầu thang thoát hiểm không đảm bảo an toàn, các cửa không có nên khi xảy ra cháy ở dưới tầng hầm xảy ra, khói theo đường thoát hiểm và cầu thang bay lên bao trùm cả tòa nhà đã gây khó khăn lớn cho lực lượng PCCC trong việc tiếp cận hiện trường và cứu nạn nhân từ trên cao xuống” – Đại tá Nghi cho biết thêm.

Văn Minh