Hãy cứu cảnh quan di tích!

00:00 | 20/12/2010

870 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vẻ đẹp, giá trị của di tích, các công trình truyền thống - gọi chung là di tích không chỉ nằm ở các tác phẩm mỹ thuật sinh động, các tác phẩm điêu khắc khéo léo, các pho tượng, cổ vật quý giá cùng tuổi thọ lâu đời của công trình kiến trúc… mà đương nhiên, nó còn được tạo nên bởi không gian, cảnh quan bên trong, bên ngoài, xung quanh di tích. Nhưng phải chăng quá nhiều người đang quên hay không biết, hoặc bỏ qua điều này?

Năng lượng Mới số 311

Không ngừng phá vỡ!

Không cần nhắc lại những thảm họa trùng tu, tu bổ, tôn tạo tràn lan, mất mát cổ vật, bộ phận, chi tiết vật chất cấu tạo nên di tích, làm biến dạng các hạng mục của di tích, mà chỉ riêng về không gian, cảnh quan di tích, đã có quá nhiều ví dụ về sự phá hoại, xâm phạm. Núi Thầy huyền thoại ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, có con đường nhỏ ven hồ dẫn vào một bên là chiếc cổng nhỏ để lên núi và một bên là cây nguyệt tiên kiều dẫn sang vào ngôi chùa cổ nghìn năm tuổi. Bây giờ con đường này trở nên chật chội bởi dãy nhà bê tông dài, cao tầng. Dãy nhà trông giống như một cái “bồn xi măng” bao chặt lấy chân núi và tương phản với ngôi chùa mang đậm nét truyền thống. Còn chùa Hồng Ân trên núi Lim, thị trấn Lim, Tiên Du, Bắc Ninh, thì thời gian qua được tôn tạo, xây dựng bề thế, càng khiến cho núi Lim vốn đã bị thấp bởi những con đường mới, những dãy nhà mọc lên xung quanh, nay lại càng như một con dốc thông thường. Và cảnh quan trên núi như “lép vế” trước những cổng, những tường, những mái đồ sộ.

Một phần sân trước chùa Tây Phương

Gần đây có dịp thăm di tích chùa Hang nổi tiếng tại huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên, nhiều người ngạc nhiên trước quy mô xây dựng hoành tráng đang diễn ra. Công trình chùa mới quá bề thế, trở nên lấn át không gian. Trong toàn bộ khuôn viên rộng lớn này, hiện nhà chùa đang cho thực hiện vườn Bồ Đề Tâm với những cây mới trồng. Nhưng bên cạnh mỗi cây lại đặt một hòn đá to, ghi tên người trồng như một cách tôn vinh cồng kềnh, tốn kém và thực sự… xấu! Nhìn bản vẽ tổng thể khu di tích chùa Hang sau khi tôn tạo, xây dựng xong, thấy cụm ba ngọn núi tuyệt đẹp ở phía sau chùa sẽ trở nên lọt thỏm trong “không gian nhân tạo” đồ sộ và thô cứng. Xung quanh cụm núi này, lại càng tiếc khi đến nay, rất nhiều nhà cao tầng đã vây kín, tạo nên một cảnh nhà cửa lô nhô “tranh chấp” với núi, vừa chật chội, vừa làm mất vẻ đẹp của ba ngọn núi.

Không ít trường hợp, từ di tích nổi tiếng, là điểm đến trong các dịp lễ hội, cho đến những di tích nhỏ trong các thôn làng, sau khi được “khoác chiếc áo” trùng tu, tôn tạo, khuôn viên càng trở nên chật hẹp với những hạng mục được xây to lớn. Các công trình kiến trúc truyền thống như đình, chùa, đền, miếu, cổng làng, nhà truyền thống… vẫn thường được đánh giá cao bởi sự hòa mình vào thiên nhiên, thể hiện tinh thần hòa đồng, thân thiện và khiêm nhường. Nhưng ngày càng phổ biến hơn, là những công trình hoành tráng, nặng tính phô trương, tách mình khỏi màu xanh cây cỏ. Gần đây dư luận đang phê phán một số cột, bảng ghi nhận công đức của các doanh nghiệp, làm quá to và phô trương, đặt ngay cạnh di tích, trông thô tháp, làm xấu cảnh quan di tích. Thậm chí lâu nay, ngay cả tấm biển xi măng với nội dung “Di tích lịch sử văn hóa đã xếp hạng - Cấm vi phạm!”, đặt chình ình ngay ngoài cổng nhiều di tích, trông cũng rất phản cảm. Đưa ra lời cảnh báo trước để đề phòng di tích bị xâm hại, nhưng đó lại chính là một sự xâm phạm cảnh quan di tích.

Cứu ngay kẻo quá muộn!

Vai trò, giá trị của không gian, cảnh quan di tích cần được đề cao và tôn trọng, bảo vệ. Khi Thành nhà Hồ được công nhận di sản thế giới, họa sĩ Phan Bảo, người am hiểu văn hóa, lịch sử tỉnh Thanh Hóa đã cho rằng: Cần có khu vực để tôn vinh tòa thành, để mọi bước chân hướng về đây đã có thể chiêm ngưỡng và dâng lên trong lòng tinh thần tôn vinh. Nếu người ta chỉ đến để ngắm tòa thành thì chưa đủ, mà còn phải thâm nhập đời sống văn hóa và tiếp cận các di tích, di vật khác thì mới thấm được giá trị di sản. Thế nên cần phục hồi cảnh quan, không khí, đời sống các làng Việt cổ trong khu vực.

Cổng làng Đường Lâm

Đây cũng có thể coi là đề xuất đối với nhiều di tích khác. Cố PGS.TS Phan Khanh đã phân tích: Mỗi làng quê Việt Nam có những dấu ấn, cốt lõi, đặc trưng nằm ở đình, chùa, miếu, đền, văn chỉ, văn từ... Phải khoanh vùng khu đất bao gồm các di tích, xem đó là lõi của quy hoạch. Tại đây trồng thêm nhiều cây cối tạo cảnh trí nông thôn. Xung quanh đó mở đường. Bên kia đường là nhà cửa, làng xóm với độ cao cho phép tăng dần theo khoảng cách với vùng lõi. Di tích muốn tồn tại được phải có không gian, có môi trường của nó. Theo KTS Phạm Thanh Tùng - Hội Kiến trúc sư Việt Nam, mỗi di tích rất cần được xây dựng quy hoạch tổng thể, có chú trọng đến không gian thiên nhiên xung quanh. Bảo vệ di tích cũng đồng nghĩa với việc phải bảo vệ không gian đó.

Hiện nay trong các dự án trùng tu, tôn tạo các di tích như đình, chùa, đền… cần quan tâm hơn đến vấn đề tạo dựng, tái tạo và bảo vệ cảnh quan bên trong và xung quanh di tích. Với các bộ phận tư vấn, giám sát thi công, ngoài việc kiểm tra, giám sát về chất lượng kỹ thuật, tay nghề thợ trùng tu, còn phải chú trọng hơn việc phòng tránh trước những tác động xấu đến không gian, cảnh quan, môi trường. Đồng thời, với mỗi di tích đó, trong việc quản lý, kiểm tra, các đầu mối như cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, ban quản lý, người trông nom luôn cần tuân thủ nghiêm Luật Di sản để phòng chống những trường hợp xâm phạm các khu vực bảo vệ của di tích. Đó có thể là xây nhà bừa bãi, tự do dựng lều, mở hàng quán, tập kết xe cộ, họp chợ… Và cũng không chỉ cần tập trung quan tâm đến các di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh, mà rất nhiều di tích chưa được xếp hạng cũng cần được tạo dựng hay bảo vệ không gian, cảnh quan, trong đó có những ngôi nhà cổ, những cổng làng truyền thống, những giếng cổ... GS.TS.KTS Phạm Hùng Việt - Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc - Quy hoạch và Quản lý đô thị (ĐH Đông Đô), nguyên Phó viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị (ĐH Xây dựng) cho rằng, Nhà nước cần dành ra một phần đất cho việc bảo tồn di tích, công trình truyền thống. Ví dụ như phải giữ hoặc khôi phục cho các cổng làng được độ thông thoáng, phải dẹp những nhà xâm lấn xung quanh. Việc này phải thực hiện cụ thể đối với từng cổng làng truyền thống, để còn xem đền bù thế nào, lấy lại không gian cũ ra sao…

Theo KTS Lê Thành Vinh, một trong những chìa khóa cho việc bảo tồn lâu dài các di tích là tiến hành khảo sát, kiểm kê, phân loại, đánh giá hệ thống di tích tại từng tỉnh, thành. Công việc này sẽ là cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch bảo tồn di tích. Từ đó, sẽ vận dụng từ ngân sách Trung ương, các địa phương và nguồn xã hội hóa cho việc đầu tư thích hợp, điều tiết việc trùng tu, bảo tồn với từng loại di tích, từng di tích cụ thể. Có thể thấy, việc tạo dựng, tái tạo, bảo vệ không gian, cảnh quan của di tích sẽ liên quan chặt chẽ với tiến trình này. Bởi, phải nắm chắc được thực trạng tồn tại của từng di tích, mới hoạch định, tính toán được cần phải ứng xử như thế nào với di tích đó. Trong đó có việc “trả di tích lại” cho sự hài hòa trong không gian, cảnh quan xung quanh.

Xuyên Sơn