Hạ viện Nhật Bản ra nghị quyết về Hoàng Sa

15:50 | 14/06/2014

2,472 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 11/6, Ủy ban Đối Ngoại Hạ viện Nhật Bản đã thông qua một nghị quyết lên án các hoạt động khoan dầu của Trung Quốc tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Hạ viện Nhật Bản ra nghị quyết về Hoàng Sa

Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu tại Hạ viện Nhật Bản

Nghị quyết khẳng định việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa và thông báo khu vực cấm tàu bè đi vào khiến tranh chấp Việt-Trung kéo dài và đẩy tình hình an ninh trên Biển Đông trở nên nguy hiểm.

Nghị quyết khẳng định nỗ lực đơn phương uy hiếp, ép buộc, sử dụng vũ lực để tranh đoạt lãnh thổ, lãnh hải là không thể chấp nhận được và chà đạp lên luật pháp quốc tế.

Khẳng định không chỉ Nhật Bản mà cả cộng đồng quốc tế quan tâm tới hòa bình và ổn định ở Biển Đông, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nhật Bản cho rằng cần giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại.

Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đề nghị Chính phủ Nhật Bản đẩy mạnh liên kết với các nước Mỹ, ASEAN, kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế các hành động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Ngay sau đó, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối nghị quyết này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Doanh, gọi nghị quyết của Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Nhật là “cực kỳ vô trách nhiệm” và “có dụng ý xấu”.

Đây là luận điệu thường thấy của Bắc Kinh mỗi khi có nước nào đó lên tiếng chỉ trích những hành động ngang ngược và ỷ mạnh hiếp yếu của họ đối với những nước nhỏ khác trong khu vực liên quan tới vấn đề tranh chấp chủ quyền. Trung Quốc chỉ muốn giải quyết vấn đề song phương và không muốn một ai khác can thiệp vào. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại luôn dùng những thủ đoạn quân sự, ngoại giao và kinh tế của một nước lớn để chèn ép, áp đặt quan điểm đối với những nước nhỏ trong các cuộc đối thoại song phương. Đây là cách làm không đáng mặt “nam tử hán” và gây bất bình cho cộng đồng quốc tế, mà nghị quyết phản đối của Hạ viện Nhật là một ví dụ mới nhất.

Nh.Thạch