Hà Nội: Các công trình xây dựng trái phép hình thành như thế nào?

09:16 | 05/07/2012

904 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dư luận đang rất bức xúc trước hàng loạt các công trình với quy mô lớn xây dựng trái phép. Câu hỏi: Vì sao trong khi công tác quy hoạch Thủ đô đang được thực hiện rất quyết liệt nhằm hướng xây dựng Hà Nội thành thành phố văn minh, hiện đại bậc nhất trong khu vực?

Việc xây dựng trái phép ở đường Trần Quốc Hoàn chỉ chấm dứt khi cơ quan báo chí lên tiếng.

Chuyện xây dựng không phép ở Hà Nội không phải là vấn đề mới mà đã gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tuy nhiên, khi mà Sở Xây dựng công bố thông tin, hơn 17 tháng qua, các lực lượng chức năng của thành phố đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 1.700 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó có trên 1.000 trường hợp xây không phép trên đất nông nghiệp, đất công; gần 560 trường hợp cơi nới, lấn chiếm, xây dựng không phép và 106 vụ xây sai với giấy phép được cấp. Tới nay, các lực lượng liên quan đã cưỡng chế phá dỡ 600 công trình vi phạm và yêu cầu tự phá dỡ trên 300 công trình khác. Hiện, còn tồn đọng gần 800 công trình được giải quyết.

Trong đó, Thanh tra Xây dựng Hà Nội cũng điểm mặt chỉ tên một số địa phương tập trung phần lớn các công trình trái phép (khoảng 93%) là Quốc Oai, Phú Xuyên, Thạch Thất, Từ Liêm, Sóc Sơn. Tuy nhiên, dù có số lượng công trình xây dựng trái phép ít hơn nhưng tính chất và mức độ sai phạm tại các công trình trong nội thành lại nghiêm trọng hơn nhiều, có thể kể đến các công trình xây dựng khu nhà ở liền kề tại khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông); công trình sai phép tại số 12, ngõ 168 Thụy Khuê (Tây Hồ); các công trình không phép trên đường Trần Quốc Hoàn, phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy); Tòa nhà Sakura Tower (Thanh Xuân);…

Theo tìm hiểu của Petrotimes.vn thì, những con số trên chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, thực tế, Hà Nội đang có hàng trăm công trình, thậm chí hàng ngàn công trình nhỏ lẻ xây dựng trái phép. Nhà chung cư, nhà tập thể cơi nới trái phép, nhà xây dựng dân dụng vượt tầng, phá quy hoạch,… vẫn âm ỉ xuất hiện. Điều đáng nói hơn nữa là nhiều công trình còn ngang nhiên xuất hiện ngay trước mặt chính quyền địa phương mà “trời biết, đất biết” nhưng chính quyền lại không biết.

Điển hình có thể kể đến trường hợp công trình nhà ở kết hợp văn phòng và bảo tàng tại địa chỉ 55A – 55B Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm khi mà chủ đầu tư đã xây dựng sai phép từ từ 9 tầng và tum lên thành… 13 tầng mới được phát giác. Hay như việc xây dựng khi chưa được cấp phép ở Tòa nhà Sakura Tower (Thanh Xuân, Hà Nội) nhưng cũng xây lên tới 21 tầng và chỉ tạm dừng lại khi các phương tiện truyền thông lên tiếng.

Một công trình "khủng" xây dựng trái phép trên phố Bà Triệu.

Dư luận đang đặt câu hỏi là tại sao một công trình quy mô như vậy lại có thể ngang nhiên xây dựng trái phép mà không có sự ngăn chặn kịp thời của chính quyền.

Trong quá trình tìm hiểu tại một vài công trình xây dựng trái phép nhỏ lẻ, nhiều người đã bật mí cho tôi “bí quyết” để triển khai những công trình này là “làm luật với chính quyền”.

“Cứ gặp mấy bác ở phường ý, mà nếu có quan hệ thì lên quận, lên huyện là xong hết. Chính quyền cho qua thì ai còn nói được”, chủ một công trình xây dựng trái phép ở Từ Liêm chia sẻ.

Và có lẽ đây cũng chính là “bí quyết” chung của hầu hết các công trình xây dựng trái phép ở Hà Nội. Như vậy, các công trình xây dựng trái phép ở Hà Nội xuất hiện ngoài nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu tôn trọng pháp luật, ý thức chấp hành kỷ cương phép nước của một bộ phận người dân còn yếu kém thì tinh thần trách nhiệm trong việc thực thi nhiệm vụ của một bộ phận cán bộ đang có vấn đề.

Điều này đã được chính đại diện Sở Xây dựng Hà Nội thừa nhận khi cho rằng, hiệu quả, vai trò quản lý Nhà nước về đô thị nói chung và trật tự xây dựng nói riêng của chính quyền cơ sở còn yếu. Yếu kém thể hiện ở sự chậm phát hiện, tư tưởng né tránh, ngại va chạm của một số cán bộ công chức.

“UBND xã phường, thị trấn là địa chỉ chịu trách nhiệm chính, trực tiếp về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Song, trách nhiệm quản lý này đã bị buông lỏng, đặc biệt ở cấp xã, phường. Ngay cả khi các vụ vi phạm trật tự xây dựng đã bị phát hiện cũng xử lý không kiên quyết, có tình trạng vị nể, chưa làm hết trách nhiệm, thẩm quyền. Thậm chí, có cả hiện tượng bao che, dung túng cho hành vi vi phạm dẫn đến việc tồn tại các công trình xây dựng sai phép, không phép, siêu mỏng, siêu méo…”, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội chia sẻ.

Vấn đề nội hàm trong việc xây dựng trái phép ở Hà Nội như vậy đã được làm rõ và để chấm dứt tình trạng này, xử lý nghiêm minh những hiện tượng trên, mới đây, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu các sở, ngànhtăng cường thanh tra xây dựng để kiểm soát mọi hoạt động xây dựng trên địa bàn quận – huyện, phường – xã. Những trường hợp vi phạm phải xử lý triệt để; lãnh đạo các quận, huyện phải xem xét, xử lý trách nhiệm của tổ chức và cá nhân buông lỏng quản lý dẫn đến sai phạm.

Với những tuyên bố như trên, dư luận người dân Thủ đô đang rất hy vọng các cấp chính quyền của Hà Nội sẽ không “đầu voi đuôi chuột” để những công trình xây dựng trái phép sẽ được xử lý dứt điểm, cảnh quan đô thị sẽ được cải thiện.

Thanh Ngọc